Home / Chia Sẻ / ĐỪNG BAO GIỜ MẤT NIỀM TIN VÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

ĐỪNG BAO GIỜ MẤT NIỀM TIN VÀO LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

downloadVài năm trước, trong khi tĩnh tâm, tôi nhận được cú điện thoại khẩn cấp. Một em gái tuổi thiếu niên đã tự tử tại nhà. Tôi phải hỏi lại hai lần: “Có chắc không?”. Em gái đó hoạt bát, dễ thương, thân thiện, thông minh, được mọi người yêu mến.

Tại đám tang, chúng tôi nghe cha mẹ em nói rằng em đã bị trầm cảm nhiều năm và đã vài lần muốn tự tử. Lần này em chết thật, cha mẹ em không hiểu tại sao. Họ đã thử chữa cho em bằng nhiều liệu pháp, và dù em có vẻ muốn sống, nhưng khi không có bạn bè thì bóng tối lại bao trùm em. Tại sao? Điều gì khiến em tự tử?

Tôi được người ta gọi điện xin cầu nguyện nhiều lần cho người trẻ và gia đình họ khi gặp khủng hoảng như thế này, tim tôi nhói đau vì họ, các câu hỏi không lời giải đáp cứ chồng chất. Có một điều tôi thắc mắc: “Người đó có xuống hỏa ngục không?”. Chúng ta hãy tìm sự an ủi của Thánh Bênêđictô trong Tu luật của ngài, chương 4 (73): “Đừng bao giờ mất niềm tin vào Lòng Chúa Thương Xót”.

Mở rộng Lòng Chúa Thương Xót là gì? Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta:

– Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ (Ge 2:13). 

– Tôi lâm vào cảnh rất ngặt nghèo. Thà chúng ta sa vào tay Đức Chúa còn hơn, vì lòng thương xót của Người bao la, nhưng ước chi tôi đừng sa vào tay người phàm! (2 Sm 24:14). 

– Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! (Ep 2:4-5).

– Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới (Tt 3:5).

Cựu ước trao niềm hy vọng vào nỗi đau khổ của gánh nặng tội lỗi, nhắc chúng ta nhớ tới Lòng Chúa Thương Xót và mời gọi chúng ta tín thác vào Ngài. Chúa Giêsu tóm gọn Lòng Chúa Thương Xót trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (cũng gọi là “Đứa Con Hoang Đàng”). ĐGH Gioan Phaolô II giải thích: “Tình yêu này có thể đến với những người con hoang đàng chi địa nhất, tới mọi nỗi khổ của nhân loại, và vượt trên mọi nỗi khổ, mọi tội lỗi. Khi điều này xảy ra, người nào là đối tượng của Lòng Chúa Thương Xót sẽ không cảm thấy hèn hạ, nhưng tìm thấy cách phục hồi giá trị” (Thông điệp “Dives in Miserdicordia” – Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót, ĐGH Gioan Phaolô II, Ch. 4).

Giáo lý Công giáo đã nói về việc tự tử và hậu quả của nó. Chúng ta biết rằng tự tử là sai trái. Tất cả chúng ta đã được Thiên Chúa trao ban sự sống, do đó chúng ta phải chịu trách nhiệm về cuộc đời mình trước Tôn Nhan Thiên Chúa. Chúng ta là những người cai quản sự sống chứ không phải chủ nhân của sự sống (số 2280). Khi tự tử, người ta làm trái với tự nhiên là bảo vệ sự sống… Điều đó đối nghịch chính tình yêu, chính lòng thương xót, cũng như tình yêu đối với tha nhân là đoàn kết với mọi người. Điều đó cũng đối nghịch với Thiên Chúa hằng sống (số 2281). Đó còn là tội trọng nếu người ta cố ý tự hủy hoại sự sống của mình và xúi người khác làm vậy (số 2282). Chúng ta hãy tin tưởng điều này: “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự” (1 Ga 3:20).

Giáo lý Công giáo nói: “…Trong trường hợp rối loạn tâm lý nặng, quá đau khổ, hoặc quá sợ hãinỗi đau khổ, hoặc sự hành hạ, có thể giảm bớt trách nhiệm của người tự tử” (số 2282). Do đó, chúng ta không nên thất vọng về ơn cứu độ của người tự tử. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng có thể cung cấp cơ hội sám hối. Chúng ta là một Giáo Hội, chúng ta phải cầu nguyện cho những người tự tử (số 2283).

Khi sống trong Mùa Chay, chúng ta bước đi trong bóng tối sa mạc cùng với Chúa Giêsu, đối diện với tội lỗi trong cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta chân thật với lòng mình, chúng ta biết rằng cuộc chiến đấu thật cam go. Nhưng lễ Phục Sinh lại đến, niềm tin và niềm vui khôn tả. Chúng ta nhận thấy nỗi đau khổ trên Thập Giá là niềm hy vọng phục sinh. Đức Kitô vượt qua là “hiện thân cuối cùng của Lòng Chúa Thương Xót”… như câu đầu của Tv 88: “Misericordias Domini in aeternum cantabo” (Lòng Thương Xót của Chúa, đời đời con ca tụng).

Không lạ gì khi Giáo Hội cử hành Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót vào Chúa Nhật II Phục Sinh. Chúng ta có cơ hội phản ánh Lòng Chúa Thương Xót qua lăng kính của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã tự tử, chúng ta hãy phản ánh lời của Chúa Giêsu, như được mặc khải cho Thánh nữ Faustina:

“Ái nữ của Ta, hãy nói cho cả thế giới biết về Lòng Thương Xót bao la của Ta. Ta muốn lễ Lòng Chúa Thương Xót là nơi trú ẩn cho các linh hồn, nhất là những linh hồn tội lỗi. Vào ngày này, vực thẳm của Lòng Thương Xót êm ái của Ta được mở ra. Ta đổ tràn đại dương ân sủng trên những linh hồn đến với Lòng Thương Xót của Ta. Linh hồn nào xưng tội và rước lễ sẽ được ơn tha thứ hoàn toàn cả tội và hình phạt. Vào ngày này, mọi nguồn mạch ân sủng sẽ được mở ra. Đừng để linh hồn nào sợ đến gần Ta, dù tội đỏ thắm như vải điều. Lòng Thương Xót của Ta bao la đến nỗi không có trí óc nào, cù của loài người hoặc các thiên thần, có thể dò thấu qua sự vĩnh hằng. Mọi thứ hiện hữu đến từ nơi sâu thẳm nhất nơi Lòng Thương Xót êm ái nhất của Ta. Mọi linh hồn kết hiệp với Ta sẽ chiêm ngắm Tình Yêu và Lòng Thương Xót đến mãi đời đời. Lễ Lòng Thương Xót nảy ra từ sâu thẳm của sự ếm ái. Ta muốn lễ này được cử hành long trọng vào Chúa Nhật II Phục Sinh. Nhân loại sẽ không có bình an nếu không đến với Nguồn mạch Lòng Thương Xót của Ta!” (Nhật Ký Thánh Faustina Kowalska, số 699).

JEZU UFAM TOBIE ! Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác nơi Ngài ! 

Nữ tu LISA MARIE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …