Home / Chia Sẻ / ĐỨC TIN và ĐAU KHỔ

ĐỨC TIN và ĐAU KHỔ

DuctinvadaukhoChúa Giêsu nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” (Ga 10:10) Nhưng Ngài cũng bảo: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy,” (Mt 10:38) nghĩa là “không thể làm môn đệ của Ngài.” (x. Lc 14:27) Chúa Giêsu có mâu thuẫn?

PHẢI CHĂNG CÓ ĐAU KHỔ VÌ KHÔNG CÓ THIÊN CHÚA?

Ai cũng biết rằng chúng ta sống trong một thế giới không hoàn hảo, đầy đau khổ và nguy hiểm. Đó là quyền lực của bóng tối. Chúng ta sống trong một thế giới đầy tội lỗi, nghèo đói, bệnh tật và thiên tai. Khi chúng ta có thể nói về cái ác tự nhiên và cái ác luân lý theo phương pháp phân tích, cuối cùng chúng ta vẫn diễn tả theo cách chúng ta đã trải nghiệm. Cái ác thể hiện đối với chúng ta qua kinh nghiệm của những điều đau khổ. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về một hoặc vài dạng đau khổ nào đó, với mức độ nào đó và vào một lúc nào đó. Cả người hữu thần và vô thần đều phải công nhận rằng thế giới này đầy đau khổ. Người vô thần thường coi đau khổ là chứng cớ về việc không có sự hiện hữu của Thiên Chúa. Họ lý luận mấy thế này:

  1. Nếu có Thiên Chúa, Ngài là Đấng quyền năng và yêu thương. Nói cách khác, Ngài là Đấng tốt lành.
  2. Một Thiên Chúa tốt lành, quyền năng và yêu thương thì không thểcho phép đau khổ hiện hữu.
  3. Đau khổ vẫn hiện hữutrên thế giới.
  4. Như vậy, không thể có Thiên Chúatốt lành, quyền năng và yêu thương.

Dễ thấy tại sao những người đa nghi có thể như vậy, chúng ta cần suy nghĩ thấu suốt vấn đề và cân nhắc xem điều họ nói có thực sự đúng hay không. Tãi sao Thiên Chúa tốt lành lại cho phép đau khổ xảy ra? Thiên Chúa tốt lành không tạo dựng một thế giới yêu thương và hạnh phúc sao? Thiên Chúa tốt lành không loại trừ đau khổ sao? Chúng ta cần trả lời các vấn đề này, và khi chúng ta cố gắng tìm câu trả lời, chúng ta có thể khám phá vài điểm sai lầm ngăn cản sự hiểu biết của chúng ta về vai trò của sự đau khổ. Chúng ta hãy nhìn vào các điểm sai lầm này và xem Thiên Chúa tốt lành, toàn năng và yêu thương, có tạo dựng một thế giới đau khổ hay không.

NGỤY BIỆN VỀ “SỰ THOẢI MÁI”

Chúng ta hãy bắt đầu bằng câu hỏi đơn giản: “Có thể có một Thiên Chúa không thể duy trì ‘sự thoải mái’ theo cách nghĩ của con người?” Nói cách khác, có thể nào sự thoải mái lại không như chúng ta nghĩ? Hãy suy nghĩ về điều này một chút. Bạn và tôi đều biết rằng chúng ta thường TÌM KIẾM đau khổ để cố gắng đạt được điều tốt đẹp hơn. Dẫn chứng: Bạn có bao giờ đau nhức sau khi vận động nhiều? Bạn có bao giờ tập thể dục và cảm thấy đau nhức cơ bắp đến nỗi khó giơ tay ra bình thường? Chúng ta biết rằng dạng đau nhức này cho thấy chúng ta đã tập thể dục tốt và dạng này sẽ cải thiện sức khỏe của bạn! Bạn có bao giờ tập thể dục và KHÔNG đau nhức sau đó? Nếu vậy, bạn không thắc mắc mình đã vận động đủ mức hay chưa sao? Bạn thấy đó, chúng ta biết rằng đau khổ là điều chúng ta chịu đựng để đạt được mục đích cao hơn. Chắc chắn chúng ta có thể thoải mái, nhưng chúng ta muốn tìm kiếm sự đau nhức vì vận động nhiều. Sự đau nhức đó lại là nguồn vui lớn!

Có một ý nghĩa trong số người hoài nghi cho rằng Thiên Chúa tốt lành quan tâm sự thoải mái của chúng ta hơn những thứ khác. Đối với những người như vậy, sự không thoải mái chứng tỏ rằng Thiên Chúa không hiện hữu. Xin hỏi: Chúng ta có thực sự muốn nói rằng Thiên Chúa tốt lành quan tâm nhiều về sự thoải mái của chúng ta hơn tính cách của chúng ta? Theo định nghĩa, nếu Thiên Chúa tốt lành muốn quan tâm nhiều về tính cách của chúng ta hơn sự thoải mái của chúng ta, điều đó không hợp lý về một Thiên Chúa có thể dùng đau khổ để phát triển tính cách của chúng ta sao? Ngài không thể làm cho đau khổ có giá trị để sản sinh điều đáng mơ ước sao? Hóa ra đây chính là Thiên Chúa hiện hữu mà các Kitô hữu chúng ta tin. Các Kitô hữu hiểu rằng Thiên Chúa có thể dùng đau khổ để hoàn tất điều kỳ diệu. Đau khổ giúp chúng ta chứng tỏ tình yêu và phát triển sự trưởng thành qua sự chịu đựng. Kinh Thánh cho biết:

– Chúng ta tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng: ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng, thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên, thì có quyền trông cậy. (Rm 5:3-4)

– Về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa. Kìa xem chúng ta tuyên bố: Phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu. (Gc 5:10-11)

– Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng, cũng là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô. Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường. (1 Pr 5:10)

Bạn thấy đó, các Kitô hữu không nói rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa ngăn chặn sự hiện hữu của đau khổ. Nhưng các Kitô hữu luôn nói rằng Thiên Chúa dùng đau khổ để hoàn tất điều tốt đẹp hơn. Sự thoải mái không bao giờ tạo sự tốt đẹp hơn, mục đích của Thiên Chúa luôn tập trung nhiều vào vấn đề tính cách.

KẾT LUẬN: Thiên Chúa tốt lành đánh giá tính cách cao hơn sự thoải mái. Tính cách phát triển tốt nhất là kết quả của kinh nghiệm về đau khổ. Do đó, Thiên Chúa cho phép đau khổ ở mức độ nào đó để phát triển tính cách của chúng ta.

NGỤY BIỆN VỀ “TÌNH YÊU THƯƠNG”

Chúng ta có câu hỏi khác: “Chúng ta có thực sự có thể gọi Thiên Chúa là Đấng dùng đau khổ để phát triển tính cách ‘yêu thương’ hay không?” Nói cách khác, một Thiên Chúa yêu thương có thể để chúng ta chịu đau khổ để điều tốt xảy ra với chúng ta hay không? Để trả lời vấn đề này, chúng ta phải hiểu đặc tính của Thiên Chúa liên quan vấn đề “yêu thương.” Kinh Thánh diễn tả Thiên Chúa là tình yêu. Kinh Thánh cũng diễn tả bản chất của Thiên Chúa là sự cân bằng hoàn hảo giữa lòng thương xót và công lý. Do đó, tình yêu có thể được diễn tả là sự kết hợp hoàn hảo giữa lòng thương xót và công lý. Cách định nghĩa này có thể có vẻ xa lạ với thế giới coi tình yêu là sự đáp lại của lòng thương xót. Nhưng nếu chúng ta muốn hiểu vai trò của đau khổ trong thế giới, chúng ta phải hiểu bản chất cân bằng của tình yêu Thiên Chúa.

Những người hoài nghi có thể tranh luận rằng đặc tính tốt lành có thể đạt được nhờ Thiên Chúa yêu thương mà không cần dùng tới sự đau khổ. Họ cho rằng ý tưởng về Thiên Chúa yêu thương mâu thuẫn với việc Ngài dùng đau khổ về tinh thần hoặc thể lý. Quan điểm của họ về Thiên Chúa yêu thương muốn nói rằng một Thiên Chúa yêu thương như vậy sẽ không bao giờ bắt con người chịu hình phạt, nhưng sẽ thúc đẩy con người hành xử đúng đắn và tích cực củng cố tính cách. Họ có thể đưa ra ví dụ về chủ của con chó cố gắng tập luyện cho con chó của mình. Nếu ông chủ thường đánh đập con chó thì ông không làm những điều ông muốn, vậy chúng ta có thể coi ông ta là ông chủ “yêu thương” hay không? Chúng ta không coi ông ta là ông chủ yêu thương nếu ông ta hành hạ con chó chứ? Cũng vậy, Thiên Chúa yêu thương thì phải khuyến khích và thúc giục con người qua niềm vui chứ không bắt con người chịu đau khổ, đúng không?

Chúng ta hãy nói thêm về bản chất yêu thương, và chúng ta liên quan tình yêu với kinh nghiệm của chúng ta. Nếu bạn là cha/me, ban biết rằng nếu chỉ tích cực khuyến khích (thương xót) thì chưa đủ để thay đổi cách hành xử của con cái. Chắc hẳn tất cả chúng ta đều đồng ý rằng con cái hành xử theo nhiều cách, có thể và không thể chấp nhận. Cha mẹ khen cách hành xử có thể chấp nhận để khuyến khích chúng. Nhưng khi cha mẹ làm ngơ hoặc không trừng phạt cách hành xử không thể chấp nhận, đó là khuyến khích chúng hành xử sai trái. Các bậc cha mẹ đều biết rằng khen cách hành xử có thể chấp nhận cũng chưa đủ. Không trừng phạt hành vi sai trái là đồng lõa, là khen hành vi sai trái.

Khi các tội nhân đứng trước vành móng ngựa để chịu xét xử về tội của mình, công lý không chỉ đòi hỏi rằng họ không được khen thưởng, mà họ còn phải chịu hình phạt tương xứng. Nếu thẩm phán không trừng trị tội phạm, thẩm phán đó đã không yêu thương các nạn nhân của thủ phạm. Yêu thương đòi hỏi sự cân bằng hoàn hảo giữa lòng thương xót và công lý, và đau khổ được áp dụng vì lợi ích yêu thương của đối tượng tình yêu: Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6) Cũng vậy, Thiên Chúa thường thể hiện bản chất yêu thương (lòng thương xót, lòng thành tín, công lý và quyền năng) trong các trường hợp đau khổ.

Thánh Gioan kể: Khi Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh, các môn đệ hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Đức Giêsu trả lời: Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9:1-3)

Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta thường được làm cho phù hợp với tính cách của Ngài qua sự đau khổ:

– Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12:7-9)

– Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết thánh chỉ Ngài. (Tv 119:71)

– Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. (Dt 5:7-8)

Vâng, chính Con Thiên Chúa đã học được đức vâng phục qua sự đau khổ. Bạn thấy đó, các Kitô hữu có cái nhìn rất cân bằng về Tình Yêu Thương cho phép đau khổ hiện hữu. Thế giới quan của Kinh Thánh không chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa chỉ dựa trên sự hiện hữu của đau khổ như vậy, vì Kinh Thánh hiểu rằng bản chất “yêu thương” bao gồm sự cần thiết của công lý.

KẾT LUẬN: Thiên Chúa yêu thương thể hiện sự cân bằng hoàn hảo giữa lòng thương xót và công lý. Công lý thường đòi hỏi sự chịu đau khổ để đạt được điều tốt lành hơn. Do đó, Thiên Chúa cho phép đau khổ ở mức độ nào đó để duy trì đặc tính yêu thương của chúng ta.

NGỤY BIỆN VỀ “SỰ THỎA MÃN”

Đây là câu hỏi cuối cùng: “Tại sao Thiên Chúa tốt lành và yêu thương lại tạo dựng một thế giới mà con người phải chịu đau khổ và chết trong đau khổ, chứ không sống mà không có đau khổ?” Nói cách khác, tại sao Thiên Chúa tốt lành để mặc chúng ta chịu đau khổ và chết mà không giải quyết đau khổ? Nhiều người đau khổ vì bệnh tật, nghèo nàn, vất vả, tai họa,… rồi họ vẫn phải tiếp tục chịu đau khổ và chết trước khi được chữa lành. Tại sao Thiên Chúa yêu thương lại không giải quyết đau khổ như vậy? Tại sao Thiên Chúa yêu thương, giàu lòng thương xót và luôn công bình lại không cho họ thỏa mãn trước khi chết? Chúng ta cần biết rằng nhiều người chịu đau khổ dữ dội và KHÔNG BAO GIỜ được khuây khỏa ở đời này. Nếu Thiên Chúa không hiện hữu, chúng ta cần biết bản chất của “sự thỏa mãn trong Kinh Thánh.”

Nếu người vô thần đúng, phàm nhân chúng ta có cuộc sống rất ngắn. Chúng ta sống chỉ khoảng trên dưới 80 năm rồi chết, giàu hay nghèo cũng vậy, sang hay hèn cũng thế, hai tay buông xuôi và thân xác mục nát. Nếu người vô thần đúng, chúng ta chỉ sống khoảng trên dưới 80 năm trong một thế giới đầy đau khổ và có vẻ hoàn toàn bất công, không ai muốn vậy. Chúng ta mục nát dần dần trong khoảng 80 năm đó và thường trải qua bao nỗi đau khổ và thất vọng. Từ quan điểm vô thần, cuộc sống ngắn ngủi và tàn bạo, đầy nỗi đau khổ mà không thể xử lý. Không thể hiểu rằng thế giới quan vô thần liên quan bản chất con người diễn tả sự hiện hữu của chúng ta là kinh nghiệm thô ráp và không yêu thương. Thế giới vô thần trái ngược với sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Nhưng nếu thế giới quan vô thần về sự hiện hữu của con người hoàn toàn sai thì sao? Nếu cuộc sống con người không giới hạn trong khoảng trăm năm sống trên trái đất này thì sao? Nếu con người, thay vì sống trăm năm, lại BẤT TỬ thì sao? Điều này có tạo sự khác biệt trong cách chúng ta hiểu về bản chất của sự đau khổ mà chúng ta trải nghiệm suốt khoảng trăm năm? Có thể. Để tôi thử dẫn chứng xem sao nhé!

Chúng ta hãy nghĩ về cuộc đời của Brittney, một phụ nữ trẻ, mới chỉ mua chiếc xe hơi đầu tiên, và chúng ta hãy “xem xét” câu chuyện của chị ở ba giai đoạn đặc biệt để đánh giá vai trò của đau khổ trong cuộc đời chị.

Brittney mua chiếc xe hơi với số tiền để dành của mình. Gia đình chị không giàu, thế nên chị chỉ mua lại chiếc xe hơi (hiệu 1990 Yugo) của một người bạn với giá 1.000 USD. Xe vẫn chạy tốt. Chị rất thích. Kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên sau khi mua xe, chị lái xe tới một bãi biển. Vậy cuộc sống có tốt đối với Brittney khi phải chịu đau khổ? Khi cuộc sống không thực sự cần thoải mái (như Brittney chỉ chạy xe cũ), chúng ta có đồng ý về sự liên quan đau khổ, cuộc đời chị vẫn tốt?

Chúng ta hãy biết thêm: Khi Brittney lái xe dọc theo bờ biển, chị gặp tai nạn. Chị bị một người say rượu đâm vào. Xe của chị hư hỏng nặng, chị bị thương nặng. Nằm trong bệnh viện, bác sĩ cho biết chị bị gãy cả hai chân. Chị cần nhiều tháng để hồi phục. Chị rất đau khổ, chị không thể di chuyển và không ngủ được. Vậy cuộc sống có tốt đối với Brittney khi phải chịu đau khổ? Không. Về điểm này, cuộc sống thật khủng khiếp. Cơ thể của Brittney tê liệt trong nỗi đau khổ do hậu quả tai nạn mà không do lỗi của chị. Nếu câu chuyện chấm dứt ở đây, chắc chắn Brittney nói rằng cuộc sống KHÔNG TỐT. Nhưng còn một chút nữa, chúng ta cần biết thêm…

Sau vài tháng, Brittney hồi phục nhiều. Chị nhận thấy ý nghĩa của sự cương quyết và sự dũng cảm mà chị chưa bao giờ biết. Chị kiên nhẫn hơn và cương quyết hơn trước. Và rồi chị hồi phục, hoàn toàn hết đau khổ. Thật vậy, một năm sau vụ tai nạn, chị có cuộc sống tốt hơn. Chị vận động tốt hơn trước khi bị tai nạn. Ngoài ra, chị còn được bảo hiểm đền bù chiếc xe mới. Chị sở hữu chiếc xe 2005 Honda, tốt hơn nhiều so với chiếc 1990 Yugo. Nhiều năm sau vụ tai nạn, Brittney hầu như đã quên nỗi đau khổ mà chị đã phải chịu đựng, nhưng chị vẫn tiếp tục sống với những ơn lành nhờ thời gian khủng khiếp trong đời chị. Tai nạn có vẻ như một cái chớp mắt so với những gì tiếp theo sau. Vậy cuộc sống có tốt đối với Brittney khi phải chịu đau khổ? Có, cuộc đời của Brittney tốt. Chị khỏe mạnh hơn trước, cương trực hơn, và điềm tĩnh hơn. Những đức tính đó không có trước khi chị bị tai nạn, và còn có chiếc xe tốt hơn!

Như vậy, phải làm gì với cách hiểu của chúng ta về việc “ban thưởng ngay lập tức” và việc chịu đau khổ? Thử nghĩ xem nếu Brittney chết ngay trong giai đoạn hai trong câu chuyện của chị. Nếu chị chết ngay khi bị tai nạn thì sao? Chúng ta có cảm thấy Thiên Chúa công bằng với chị? Chúng ta có nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa theo cách mà Brittney phải chịu đau khổ và chết? Chắc là có. Chúng ta muốn cuộc sống là một câu chuyện về sự thành công, muốn một kết thúc có hậu, và muốn cuộc sống phải “ổn định” ngay lập tức. Khi chúng ta thấy người khác chịu đau khổ mà không được bù đắp, chúng ta bắt đầu nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc sự tốt lành của Ngài.

Thế giới quan vô thần cho chúng ta biết câu chuyện của Brittney ở giai đoạn hai. Thế giới quan vô thần cho rằng mọi cuộc đời đều ngắn ngủi và thường kết thúc trong bi kịch. Thế giới quan vô thần cho rằng cuộc đời kết thúc bằng cái chết, chẳng còn gì nữa, y như “chó chết là hết chuyện.” Cuộc đời này là thế. Tuy nhiên, thế giới quan Kitô giáo không kết thúc ở giai đoạn hai. Thế giới quan Kinh Thánh nói rằng mọi người vẫn tiếp tục phía sau nấm mộ. Sự sống không kết thúc bằng cái chết. Cái chết thể lý của chúng ta là điểm bắt đầu sự sống vĩnh hằng! Nếu đây là điều thật, chúng ta chỉ “đi qua” sự hiện hữu RẤT NGẮN NGỦI này để tới sự sống vĩnh hằng, nơi KHÔNG còn đau khổ, nếu chúng ta tin Chúa Giêsu cứu độ chúng ta. Kinh Thánh cho biết:

– Tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả;31 kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi. (1 Cr 7:29-31)

– Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. (Ga 17:14-17)

– Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi. (1 Ga 2:15-17)

– Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa, chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau. (1 Tx 4:13-18)

– Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi thì họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài. (Dt 11:13-16)

Bạn thấy đó, thế giới quan Kitô giáo không có vấn đề gì khi giải thích sự hiện hữu của đau khổ, không làm ngơ đau khổ trên thế giới, nhưng chắc chắn có sự sống đời đời. Các Kitô hữu có thể kiên nhẫn chờ công lý và lòng thương xót, vì họ biết chắc rằng cuộc sống này rất ngắn ngủi so với sự sống vĩnh hằng. Các Kitô hữu biết rằng bất cứ đau khổ nào họ phải chịu ở đời này thì cũng chỉ như cái chớp mắt so với sự sống đời đời.

KẾT LUẬN: Thiên Chúa yêu thương cho con người được hiện hữu phía sau nấm mồ. Mọi niềm hạnh phúc, tình yêu thương, lòng thương xót và công lý không cần được thỏa mãn ngay ở đời này, vì mọi ước muốn này sẽ được thỏa mãn đời đời ở kiếp sau. Do đó, Thiên Chúa cho phép đau khổ ở mức độ nào đó vì Ngài biết kiếp người của chúng ta chỉ là kiếp phù du, như cơn gió thoảng qua mà thôi.

THIÊN CHÚA HIỆN HỮU NHƯ THẾ NÀO?

Tại sao Thiên Chúa yêu thương và toàn năng lại cho phép đau khổ xảy ra? Người cha yêu thương và nhân hậu mà lại để con cái chịu đau đớn khi bác sĩ chích kim tiêm vào cơ thể nó sao? Ai đã bị bệnh và phải chích thuốc thì biết. Ui da, đau lắm! Đứa con không muốn đau đớn như vậy. Người cha biết con mình đau lắm, nhưng ông vẫn dỗ dành và động viên con ráng chịu đau. Người cha biết phải chịu đau mới tốt cho con, vì thuốc vào cơ thể con sẽ tăng sức đề kháng cho con, có lợi chứ không hại. Bắt con chịu đau, nhưng người cha biết đó là hành động vì yêu thương. Cuối cùng, người cha biết rằng cái đau của mũi kim chích chỉ thoáng qua so với sự sống của con. Vì vậy, người cứ để cho con chịu đau vì yêu thương con. Hoàn toàn có thể hiểu rằng một người cha tốt lành và yêu thương vẫn có thể để cho đau khổ xảy ra với đứa con, và cũng dễ hiểu tại sao Thiên Chúa tốt lành và giàu lòng thương xót vẫn để cho đau khổ xảy ra trong cuộc đời của chúng ta.

Thảo nào Thánh Phaolô đã khao khát thế này: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô.” (Gl 6:14) Ước gì mỗi chúng ta cũng biết vui mừng chấp nhận đau khổ để đồng hành với Đức Kitô lên Canvê, nhờ đó mà chúng ta cũng được theo Ngài vào Nước Trời và vĩnh cư.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ PleaseConvinceMe.com)

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …