Home / Chia Sẻ / ĐỨC TIN: ƠN BAN HAY ĐỘC QUYỀN? 

ĐỨC TIN: ƠN BAN HAY ĐỘC QUYỀN? 

ĐuctinGiáo hội tại Việt Nam có một số giáo xứ được gọi là “toàn tòng,” nghĩa là tất cả mọi người trong làng đều là người Công giáo.  Nơi đây, những tổ chức sinh hoạt đời sống đức tin rất thuận lợi và được mọi người hưởng ứng tham gia.  Tuy vậy, cũng có vấn đề đặt ra là tại những giáo xứ này, người tín hữu ít giao lưu với những làng xã bên cạnh, vì những làng ấy là “bên lương,” hoặc “ngoại đạo.”  Những sinh hoạt tôn giáo rất sầm uất nhưng chỉ khép kín trong khuôn khổ một làng.  Phải chăng đây là lý do làm cho việc loan báo Tin Mừng kém hiệu quả?  Trong quá khứ, đã từng có những làng Công giáo tranh chấp xung đột với làng lương dân, và để lại những mối thù truyền kiếp.  Sự khép kín, cùng với não trạng cục bộ vô tình làm cho đức tin Ki-tô giáo trở nên một thứ độc quyền.  Có nơi, người Công giáo có cái nhìn kỳ thị đối với những người không cùng đức tin với mình.

Xem ra tư tưởng cục bộ này “xưa như trái đất.”  Bài đọc I trích sách Dân số và Bài Tin Mừng đều cho chúng ta thấy não trạng độc quyền này.  Thời ấy, mấy thanh niên khi thấy người khác nói tiên tri thì ghen tức, và đi báo cáo với ông Môi-sen, với đề nghị ông phải ngăn cản họ.  Thánh Mác-cô ghi lại cho chúng ta vụ việc tương tự, mà người bực tức lại là ông Gio-an, có thể là Gio-an tông đồ, người sau này là tác giả của Tin Mừng thứ tư, gọi là Tin Mừng của tình yêu?

Ông Môi-sen và Chúa Giê-su đều có lối phản ứng giống nhau.  Ơn tiên tri không phải là độc quyền.  Ơn trừ quỷ cũng vậy.  Thiên Chúa là Cha của cả gia đình nhân loại.  Người không độc đoán và hẹp hòi như chúng ta.  Ông Môi-sen đã đưa ra một ước mơ: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ.”  Đức Giê-su đã đưa ra một nguyên tắc: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”

Giấc mơ năm xưa của ông Môi-sen nay đã được thực hiện.  Toàn dân Ki-tô giáo, tức là tất cả những ai đã lãnh nhận phép Rửa nhân danh Đức Giê-su đều trở thành ngôn sứ.  Nhờ Bí tích Thêm sức, những tín hữu được đón nhận Chúa Thánh Thần, giống y như các tông đồ xưa trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Đức tin Ki-tô giáo không bao giờ là độc quyền cho một nhóm người nào.  Trái lại, bất kỳ ai tin vào Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su rao giảng, thì đều được lãnh nhận Bí tích Rửa tội (hay còn gọi là Thanh tẩy).  Ơn đức tin do Chúa ban, không do công lao của con người, cũng không phải là ân huệ của Giáo Hội hay của bất kỳ người nào.

Vì đức tin không phải là một độc quyền, nên việc loan báo đức tin cũng được dành cho tất cả các tín hữu.  Một làng toàn tòng là nét đẹp của Giáo hội, là di sản đức tin do bao đời các bậc tiền nhân hy sinh gìn giữ.  Tuy vậy, với sứ vụ loan báo Tin Mừng, làng tòan tòng ấy phải mở ra với thế giới.  Người tín hữu phải chia vui sẻ buồn, và phải giao lưu và cộng tác với anh chị em các làng xã láng giềng, trong những hoạt động phục vụ công ích.  Nhờ mối tương quan tốt, chúng ta diễn tả hình ảnh thánh thiện của Giáo hội Chúa Ki-tô.  Làm cho mọi người biết Chúa, đây chính là lệnh truyền của Đấng Phục sinh và lời mời gọi của Giáo hội.

Để có khả năng làm chứng cho Chúa, trước hết người tín hữu phải củng cố và hoàn thiện đức tin nơi cá nhân mình.  Khi loan truyền Tin Mừng cho người khác, chúng ta phải là những người sống Tin Mừng.  Như vậy, chúng ta mới thực sự là những chứng nhân của Chúa Ki-tô.  Những điều kiện Chúa Giê-su nêu trong Tin Mừng như chặt chân, chặt tay, khoét mắt có thể làm cho chúng ta và những độc giả khác cảm thấy bị “sốc.”  Phải chăng Chúa muốn dùng những câu ngạn ngữ dân gian, với ý nghĩa đức tin vào Chúa phải chiếm vị trí ưu tiên trong cuộc đời chúng ta.

Bài đọc II tiếp tục cho chúng ta nghe lời giáo huấn của thánh Gia-cô-bê.  Lối hành văn của ông rất đơn sơ mà cụ thể, đề nghị những thực hành trong đời sống hằng ngày.  Đọc đoạn văn hôm nay, chúng ta dường như nghe văng vẳng lời giáo huấn của ngôn sứ A-mốt.  Vị ngôn sứ này sống ở thế kỷ thứ tám trước Công nguyên, trong bối cảnh nam bắc phân tranh.  Ông sống ở miền Bắc, còn gọi là Vương quốc Ít-ra-en (còn miền Nam được gọi là Vương quốc Giu-đa).  Ông mạnh mẽ phê phán những người giàu có mà khinh thường người nghèo, lên án những người làm giàu bất chính do bóc lộc người khác (xem đặc biệt trong chương 4 và chương 6 sách ngôn sứ A-mốt).  Thánh Gia-cô-bê nói với chúng ta: giống như trường hợp người phú hộ giàu có dửng dưng trước nỗi khổ đau của ông La-da-rô (x. Lc 16,19-31), những kẻ bóc lột và khinh thường người nghèo sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.

 

Đức tin không phải là một độc quyền, nhưng là ơn Chúa ban.  Chúng ta phải làm cho ơn ấy lớn lên từng ngày và sinh hoa kết trái.  Chúng ta cũng có bổn phận giới thiệu đức tin cho những người xung quanh.  Những ai chỉ giữ niềm vui Tin Mừng cho riêng mình, sẽ giống như người lãnh nhận nén bạc rồi chôn xuống đất, không hề sinh lợi, sau này sẽ lãnh hình phạt (x. Mt 25,14-30).

 

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …