Home / Chia Sẻ / Đức Phanxicô, nhân vật của năm 2013

Đức Phanxicô, nhân vật của năm 2013

 

 

   PHI LỘ: Giáo Hoàng Phanxicô sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936, tên thật của Ngài là Jorge Mario Bergoglio. Năm 1998, Ngài là Tổng giám mục Tổng giáo phận Buenos Aires. Năm 2001, được Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y. Và ngày 13 tháng 3 năm 2013, được bầu làm Giáo Hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Rôma. Ngài là vị GH đầu tiên đến từ Mỹ LaTinh, đồng thời cũng là vị GH đầu tiên không phải từ Châu Âu kể từ hơn 1200 năm qua (tính từ GH Grêgôriô III), và là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên làm người kế vị thánh Phêrô.

   Đức Giáo Hoàng Phanxicô được đánh giá là người khiêm nhường, luôn quan tâm đến người nghèo, và sẵn sàng đối thoại với các nhóm cộng đồng có tư tưởng, xuất thân và niềm tin khác nhau. Trong quá trình làm việc hàng ngày, Ngài đã thể hiện một tác phong rất giản dị. Mặc dù chỉ mới lên lãnh đạo Giáo hội Công giáo được 9 tháng, nhưng tạp chí danh giá Forbes đã xếp hạng Giáo Hoàng Phanxicô ở vị trí thứ 4 trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới của năm 2013. Và ngày 11 tháng 12 năm 2013, tạp chí Time, nổi tiếng trong giới truyền thông thế giới, vừa công bố đã bình chọn ĐGH Phanxicô là “NHÂN VẬT CỦA NĂM” năm 2013.

 h2

Tạp chí TIME của Mỹ số ra gần đây đã bình chọn Đức Thánh Cha Phanxicô là nhân vật của năm 2013. Đây là tờ báo có uy tín lớn tại Hoa Kì và thế giới. Việc chọn lựa một nhân vật tiêu biểu của năm được các nhà báo, các nhà họat động chính trị, xã hội tiếng tăm và đông đảo độc giả tham gia, qua các cuộc thăm dò dư luận, tham vấn ý kiến rộng rãi. Đây là lần thứ ba các vị Giáo hoàng của Giáo hội Công Giáo được vinh danh. Hai vị trước đây là Đức Chân Phước Gioan XXIII vào năm 1962 và Gioan Phao Lô II vào năm 1994, mà sắp tới đây Giáo hội sẽ tôn vinh các Ngài lên bậc Hiển Thánh. Nhân dịp này chúng ta điểm lại về một số cái nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô về Hội Thánh Chúa qua 9 tháng trên cương vị người kế vị Thánh Phêrô.

   Ngay từ khi được chọn làm Giáo Hòang, Vị Hồng Y được trao trách nhiệm hỏi Ngài, Đức Phanxicô đã trả lời: “Tôi là một tội nhân, nhưng tôi tin tưởng vào lòng thương xót và sự kiên nhẫn vô biên của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tôi đón nhận trong tinh thần sám hối“. Sau này, khi trả lời phỏng vấn của Linh mục Dòng Tên Antonio SPADARO, Ngài nói rõ hơn: ”Tôi là một tội nhân được Chúa nhìn đến”. Và Ngài lặp lại: “Tôi là một người được Chúa nhìn đến. Tôi luôn cảm thấy khẩu hiệu đã chọn ‘Miserando atque Eligendo’ (thương xót và tuyển chọn) rất đúng với tôi”. Quả là một con người vĩ đại. Một con người thực sự khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

   Những ngày tháng tiếp sau đó, khi đã nhận nhiệm vụ trước toàn thể Giáo hội, Đức Phanxicô vẫn tiếp tục lưu lại tại ngôi nhà Thánh Mattha, không vào ngụ trong Dinh Giáo Hòang như các vị tiền nhiệm, đơn giản là Ngài muốn sống trong một cộng đoàn, muốn gặp gỡ được nhiều người, sống một cuộc sống đơn giản như tại quê nhà, “Vị Giám Mục của đường phố”. Nhưng tất nhiên là bây giờ thì không thể. Ngài có nhiều việc phải làm hơn, nhưng vẫn muốn ngòai giờ làm việc, được trò chuyện, dùng cơm với những người phục vụ, những người thân thiết mỗi ngày. Đó không phải là một cách sống “khác người” hay lập dị mà chính là thể hiện tinh thần của một người cha, người bạn, chan hòa với mọi người.

   Quan niệm của Ngài về Hội Thánh: ”Hội Thánh này, vốn là mái nhà của mọi người, chứ không phải là một ngôi nguyện đường bé nhỏ chỉ dành cho một nhóm nhỏ người được chọn. Chúng ta không được phép thu hẹp lòng của Hội Thánh hoàn vũ thành một cái tổ để bảo vệ tính tầm thường của chính mình. Hội Thánh là Mẹ, Hội Thánh trổ sinh hoa trái, phải như thế“. Đề cập đến vai trò của Hội Thánh với con người, Ngài  cho biết: ”Tôi nhìn Hội Thánh như một bệnh viện dã chiến sau một trận đánh. Thật vô bổ khi người bị thương nặng lại hỏi xem họ có mỡ cao hay không, hay độ đường trong máu là bao nhiêu. Phải chữa ngay vết thương của họ đã, rồi mới nói đến chuyện khác”. Quả vậy, sứ mạng của Hội Thánh phải là chữa lành. Đặc biệt đối với các thừa tác viên của Hội Thánh, Ngài nói rõ: ”Tôi mơ một Hội Thánh là Mẹ và là Mục tử. Các thừa tác viên của Hội Thánh phải thương xót, có trách nhiệm với dân, đồng hành với dân, đồng hành với họ như người Samaritanô nhân hậu, người rửa ráy, lau sạch và nâng đỡ tha nhân. Đây mới chính là Tin Mừng đích thực. Thiên Chúa cao cả hơn tội“. Cũng trong ý hướng này, Ngài kêu gọi, không nên có các Linh Mục ”thuế quan”. “Tôi muốn nhắc các Linh Mục rằng tòa giải tội không phải là một tòa tra khảo nhưng đúng hơn là nơi gặp gỡ với Lòng thương xót của Thiên Chúa, khích lệ chúng ta để làm điều lành càng nhiều càng tốt“ (NVTM). Đức Thánh Cha yêu thương mọi người, người giàu cũng như nghèo, nhưng nhân danh Đức Kitô, Ngài có nhiệm vụ nhắc nhở người giàu phải giúp đỡ, tôn trọng và thăng tiến người nghèo. Tự đáy lòng Ngài luôn hướng đến những người nghèo, người bị bỏ rơi và các trẻ em. Tinh thần sống gần gũi, chia sẻ luôn đồng hành với sự thanh bần của Đức Thánh Cha. Bình luận về việc một Linh mục sắm một chiếc xe, tỏ ý buồn khi thấy một Linh mục hay nữ tu sở hữu một chiếc xe đẹp, Ngài tâm tình “Nếu thích một chiếc xe đẹp, thì hãy nghĩ đến những trẻ em đang phải chết đói. Nên chọn một chiếc xe khiêm nhường thôi“ hay ở chỗ khác, Ngài nói: ”Linh mục coi xứ không chỉ nhớ rõ tên của giáo dân, mà còn cả các con thú cưng của họ nữa“.  Thật là một vị Cha chung thánh thiện, gần gũi, Ngài lo lắng đến từng con người được Chúa trao cho coi sóc ”Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta thì biết Ta“.

   Đó là với Hội Thánh Chúa, còn biết bao điều khác nữa Ngài quan tâm trong một thời gian ít ỏi. Về phương diện xã hội trần thế. Báo TIME cho rằng trong chín tháng trên cương vị của mình, Đức Thánh Cha đã trở thành ”một tiếng nói lương tri mới, đặt chính mình vào vị trí rất trung tâm của một cuộc đàm luận như giàu có và nghèo đói, công bằng và công lý, sự minh bạch, sự hiện đại, tòan cầu hóa, vai trò của phụ nữ, bản chất của hôn nhân, sự cám dỗ của quyền lực”. Thư ký tòa sọan của Time Nancy Gibbs giải thích: “Hiếm khi có một nhân vật trên trường quốc tế thu hút được nhiều sự chú ý nhanh chóng đến như vậy, dù là già hay trẻ, dù có sùng đạo hay không“.

   Phần bạn, bạn có đồng ý, tâm phục, khẩu phục Ngài khi được coi là nhân vật của năm 2013 như quốc tế bình chọn? Xin nói thêm, ngoài Đức Thánh Cha Phanxicô, thì 10 người được đưa vào danh sách bình chọn cuối cùng còn có Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Syria  Bashar al-Assad… (Theo Tuổi Trẻ số 7450).

 Tham khảo NS CG&DT 10/2013

Fx Đỗ Công Minh



 

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …