Ngày 12 tháng 2, Đức Phanxicô sẽ bắt đầu một chuyến đi dài đưa ngài dọc ngang nước Mêhicô, từ miền Nam Chiapas đến Ciudad Juarez ráp ranh biên giới Mỹ. Ba tuần trước chuyến đi, Vatican công nhận một phép lạ – bước đầu tiến đến việc phong thánh cho em José Sanchez del Rio (1913-1928). Em José bị tra tấn, bị giết khi em mới 14 tuổi trong cuộc chiến tranh “Đội quân kháng chiến Kitô” giữa nông dân công giáo và chế độ thế tục “Jefe Maximo” của đại tướng Plutarco Elias Calles (1924-1928), nhà sáng lập tương lai Đảng cách mạng thể chế (PRI).
Theo sử gia Jean Meyer, đây là một cuộc nội chiến lớn của Mêhicô, đã giết hại 250 000 người, kéo dài với cuộc cách mạng Mêhicô 1910-1917, biến thành cuộc chiến đấu giữa các tướng lên nắm chính quyền với một triệu người chết trên tổng số 15 triệu dân. Cuộc chạm trán giữa các “đội quân kháng chiến Chúa Kitô”, thân binh của Chúa Kitô Vua với quân đội đã làm cho nhiều vùng bị đẫm máu như Jalisco, Michoacan, Zacatecas, Guanajuato, Queretaro với một sự tàn ác mà chỉ có các cuộc nội chiến mới nắm hết bí quyết.
José Sanchez del Rio muốn gia nhập “đội quân kháng chiến Chúa Kitô” như các anh dù em còn nhỏ tuổi. Theo truyền thuyết, em nói “chưa bao giờ lên thiên đàng dễ như bây giờ”. Cuối cùng em được gia nhập đội quân để làm giao liên. Điều chắc chắn là em bị đau khổ vì đạo trước khi bị hạ. Nhiều người Mêhicô đã muốn tôn kính em khi Giáo hội công giáo muốn phong chân phước cho em cùng với mười một đội quân viên Chúa Kitô khác năm 2005.
“Sức thổi mới” latinô của công giáo
Chân dung em bé vị thành niên mặc đồng phục làm người ta nghĩ đến các trẻ em-lính ở khắp nơi trên thế giới. Như thế có nên thánh hóa cho việc gia nhập quân đội này không? Ngày nay, ở Mêhicô, ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, các con buôn ma túy dùng trẻ em nhỏ tuổi để làm điểm chỉ viên, giao liên, thậm chí còn bắt các em giao dịch mua bán. Họ gọi thẳng các em này là “lính”.
Dù Giáo hội Rôma cho rằng em José Sanchez del Rio ở hàng ngũ những người tốt nhưng như vậy có đủ biện minh cho một em bé quyết định chiến đấu cho một “cuộc chiến công lý” không? Ngoài ra, đây có phải là lúc phù hợp, khi con quái quỷ của chủ nghĩa khủng bố đang dùng sự kết hợp tôn giáo-chính trị cho mục đích của chúng không? Đưa José lên làm thánh là tạo nên gương mẫu này. Và rất nhiều người trẻ bây giờ cũng nghĩ như José ngày xưa “chưa bao giờ lên thiên đàng dễ như bây giờ”, khi họ hy sinh đời sống của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên người Mêhicô tôn sùng các trẻ em-lính. Ở đài tưởng niệm quốc gia có chỗ của các “trẻ em anh hùng” (Niños Héroes), các thiếu sinh quân chết trong trận chiến Chapultepec chống người Mỹ năm 1847, có ít nhất hai em ở tuổi của José Sanchez del Rio bị chết.
Sự tử đạo của em đã được Hollywood lên phim, Cristeros, với các tài tử Andy Garcia và Eva Longoria được chiếu ở Pháp năm 2014. Từng đoạn phim đã được đưa lên Youtube, cùng một lúc để ca tụng José Sanchez del Rio và để công kích các người theo phái tam điểm và những người không tôn giáo khác. Chắc chắn việc phong thánh của em José sẽ có tiếng vang ở Mỹ, nơi giới công giáo đang tìm một sức thổi mới cho người di dân gốc Mỹ La Tinh.
Bị tác hại còn hơn cả rượu
Marcial Maciel (1920-2008), sáng lập viên của Hội Binh đoàn Chúa Kitô (Légion du Christ) một hiệp hội công giáo khá cực đoan, ông nói ông chứng kiến việc tử đạo của José khi ông còn nhỏ. Một thời gian trước khi chết, cha Marcial Maciel bị Vatican cấm không được cử hành nghi lễ tôn giáo nào vì bị kiện trong nhiều vụ ấu dâm. Vụ này đã làm chấn động Giáo hội Bắc Mỹ. Tác phong của cha đã làm cho điện ảnh gia Mêhicô Luis Urquiza làm cuốn phim nổi tiếng Obediencia Perfecta, được chiếu năm 2014.
Cũng giống như Ba Tây, Mêhicô là một quốc gia mà công giáo đồng nghĩa với lòng mộ đạo bình dân. Dù vậy nhưng giáo phái tân phúc âm gia tăng rất mạnh. Ở Chiapas, miền đất “thần học giải phóng” của người công giáo cánh tả, cuộc cạnh tranh giữa các tín hữu kitô đã làm chia rẽ các cộng đoàn xưa cổ zapatist và làm tác hại còn hơn cả rượu.
Việc phong thánh José Sanchez del Rio rơi vào thời điểm lắp ráp lại các mảnh giữa các các người bảo thủ của Giáo hội Mêhicô với Tòa Thánh. Đối với đường lối Rôma, đứng trước sự phát triển hùng mạnh của giáo phái phúc âm thì đơn vị hiệp nhất của người công giáo là vô giá.
Luca Nguyễn Trung Tín chuyển dịch
Nguồn: Phanxicovn