Home / Tiêu Điểm / Đức Phanxicô đã biến đổi gương mặt Giáo hội!

Đức Phanxicô đã biến đổi gương mặt Giáo hội!

 

Chỉ mới… năm năm, Đức Phanxicô đã biến đổi gương mặt Giáo hội!

Đức-Phanxicô-đã-biến-đổi-gương-mặt-Giáo-hộijesuites.ch, Linh mục Dòng Tên Andreas R. Batlogg, 2018-03-13

Tu sĩ Dòng Tên từ 60 năm nay (ngài chịu chức ngày 11 tháng 3-1958), giáo hoàng từ năm năm nay (được bầu lên ngày 13 tháng 3 – 2013): mừng kỷ niệm năm năm đầu tiên tại chức, Đức Phanxicô chứng tỏ cho thấy qua nhiều cách, tu sĩ Dòng Tên Jorge Mario Bergoglio, sinh ngày 16 tháng 12 – 1936 tại Argentina, con của người di dân vùng Piémont nước Ý cho thấy mình đã hiểu và sống sứ mạng của mình như thế nào.

Chúng ta sẽ không hiểu được Giáo hoàng Phanxicô mà không nhìn đến khía cạnh Dòng Tên của ngài, sự thuộc về, cách làm việc theo truyền thống Dòng và theo linh đạo I-Nhã. “SJ”  (Dòng Tên) từ sáu mươi năm nay cho thấy dấu ấn của Dòng, dù linh mục Dòng Tên Bergoglio làm giám mục phụ tá trong vòng một phần tư thế kỷ (1992) ở tòa giám mục Buenos Aires, sau đó là giám mục phụ tá có quyền thừa kế (1997), và cuối cùng là Tổng Giám mục (1998). Được phong hồng y năm 2001, ngài tham dự Mật nghị  năm 2005.

Trong chuyên ngành của mình, trong kinh nghiệm cá nhân và trong các chức vụ ngài đảm trách, ngài đã thuyết phục được đa số hồng y bầu cho mình ngày 13 tháng 3 – 2013, lần đầu tiên Giáo hội có giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh trong lịch sử; lần đầu tiên trong 1200 năm, một giáo hoàng không phải là người Âu châu; lần đầu tiên từ năm 1831, một tu sĩ Dòng Tên được bầu.

Một điểm mới khác được xem như một dấu hiệu, giáo hoàng đầu tiên lấy tên Phanxicô. “Một Giáo hội nghèo cho người nghèo”: một tầm nhìn đáng lo, nhất là với những người giàu nhất.

Từ ngày 13 tháng 3 – 2013, chúng ta thấy một sự biến đổi sứ mạng đáng kể trong Giáo hội ở nhiều tầm mức, và đã gặp một số kháng cự (đôi khi rất dữ dội). Được bầu ở tuổi 77, bây giờ Đức Phanxicô 82 tuổi, ngài có vẻ còn mạnh, nhanh nhẹn, cởi mở, điều đặc biệt so với tuổi và với trách nhiệm của ngài. Hơn nữa, ngài tỏa ra một niềm tự do nội tâm rất lớn, một thanh thản cũng lớn, một bám rễ thiêng liêng sâu đậm.

Giáo hoàng “turbo” như đôi khi ngài được mệnh danh, không phải không làm cho một số người lo âu, đầu tiên là bộ máy Giáo triều, thứ nhì là các giám mục, các hồng y phải tiếp nhận các ý tưởng, các thúc đẩy của giáo hoàng, nhưng cũng phải làm theo các tài liệu, các tự sắc của ngài, và cuối cùng là một số giáo hữu tiếc thời giáo hoàng đậm dấu lễ nghi, bao chung quanh một hào quang không đến gần được. Tất cả có được là nhờ quyết định khôn ngoan của Đức Bênêđictô XVI, ngài rút lui vào tháng 2 – 2013 vì ngài nghĩ về mặt thể lý cũng như tinh thần, ngài không còn thi hành trọn vẹn chức vụ của mình.

Buenos Aires, nào đi…

Khi hồng y Bergoglio đến Rôma tháng 2 – 2013 để dự ngày từ giả của Đức Bênêđictô XVI, ngài đi với hành lý nhẹ, không có thư ký đi cùng. Ngài chỉ chờ để xác nhận vé về. Ở văn phòng của ngài ở Buenos Aires, ngài còn để sẵn bài giảng cho ngày Lễ Lá 26 tháng 3 -2013. Thực vậy, ngài muốn về nhanh nhất có thể. Chúng ta đã biết, sau lần mật nghị 2005, ngài chờ sự chấp thuận “nhanh chóng” để về hưu khi ngài 75 tuổi (tháng 12 – 2011). Ngài còn hỏi chỗ để có phòng trong nhà hưu dưỡng của các linh mục, một căn phòng ở tầng trệt nhìn ra sân trong của tòa nhà.

Lịch sử hướng đi một đường khác. Phá tảng băng ngay từ những lời nói đầu tiên – “Xin chào buổi chiều anh chị em, Fratelli e sorelle, buona sera”, ngài nổi bật qua phong cách tự nhiên, thân tình, ngẫu phát nhưng nhất là tính khiêm tốn, ngôn ngữ đơn sơ, các so sánh và hình ảnh rõ ràng của ngài, đôi khi rất võ biền, thường là trực tiếp và thậm chí thỉnh thoảng còn táo bạo, còn thô kệch. Một tu sĩ đồng nghiệp từng làm việc lâu năm với Đức Bênêđictô XVI còn nói trước mặt tôi, ngài “nói lóng rẻ tiền”.

Một phong cách quen thuộc

“Thật tốt khi luôn có một nụ hôn buổi sáng, chúc lành cho nhau mỗi buổi tối, chờ người kia và đón người kia khi họ về: người ta không nghĩ đây là một bài của giáo hoàng và cũng không nghĩ là có thể tìmff lời này ở đó; vậy mà đoạn này ở trong tông huấn hậu thượng hội đồng Niềm vui Yêu thương tháng 3 – 2016. Kể từ thông điệp Sự sống Con người (Humanae vitae, 1968), thông điệp về “hôn nhân và điều hòa sinh sản” do Đức Phaolô VI ban hành ngày 25 tháng 7 – 1968, một thông điệp bị coi thường và còn bị gọi là “Thông điệp của viên thuốc ngừa thai”, chưa bao giờ một thông điệp của giáo hoàng lại gây nhiều tranh cãi và thảo luận như thế. Tính liên tục của giáo điều giáo hội bị đặt vấn đề, một số giám mục và hồng y khẳng định không phải là họ không lo ngại. Nếu có một vài hội đồng giám mục chú giải đúng bài viết, thì cũng có một vài hội đồng giám mục khác đọc ngược lại. Thêm nữa, triết gia Robert Spaemann còn cho rằng Tông huấn Niềm vui Yêu thương theo sau hai thượng hội đồng năm 2014 và 2015 mang lại “hỗn độn”, “đưa nét bút lên hàng nguyên tắc”.

Đức Phanxicô lên án “đạo đức quan liêu lạnh lùng” (AL 312). Không đủ để phán đoán và phân loại những người sống trong các tình huống “bất thường” như “những viên đá được ném vào cuộc sống con người” (AL 305).

Vào ngày chúa nhật lễ Chúa Kitô năm 2013, Đức Phanxicô với Tông huấn Niềm vui Tin Mừng đã trình bày chương trình của mình mà số nhà bình luận, thậm chí ngay cả ở đây, đã rút gọn câu “một nền kinh tế giết chết”. Các nhà phê bình uy tín chỉ trích một giáo hoàng không biết gì, không hiểu gì về cơ chế của thị trường. Những tiếng nói khác còn nói đến “lời khuyên xấu” trước khi cho rằng Thông điệp Chúc tụng Chúa (tháng 5 – 2015) về môi sinh vượt quá khả năng. Lạm dụng, tài nguyên, tính bền vững, công lý liên thế hệ, các dân tộc thiểu số bản địa: tại sao vấn đề “bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta” lại không làm cho một giáo hoàng quan tâm? Đức Phanxicô tố cáo các vết thương của bất công trên thế giới và không mệt mỏi lên án sự “dửng dưng toàn cầu” không những chỉ đối với người tị nạn bị thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải.

Đức Phanxicô đã đưa Giáo hội “đến bên lề” với những người kém may mắn, những người bị khai thác, bị phân biệt đối xử. Ngài muốn Giáo hội đi ra vùng ngoại biên, không chôn mình trong nhà thờ, trong phòng thánh, núp mình sau giáo điều, chỉ lo cho hàng giáo sĩ, lo thăng quan tiến chức. Những lời chỉ trích của ngài về giáo triều thì tàn bạo và sắc bén như dao cạo. Tuy nhiên, ngài luôn nhắc đến “quyền lực đích thực của đức ái”, và hành động đi theo từ đầu giáo triều của ngài là rửa chân.

 Phanxicô rửa chân cho các tín hữu ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

Đức-Phanxicô-đã-biến-đổi-gương-mặt-Giáo-hội-Đối với Đức Phanxicô, điều quan trọng là đem ý tưởng ra hành động, thay vì “lo chỗ” hay giữ các điều thụ đắc của giáo quyền hay thần học. Đó là lý do mà ngài đưa Giáo hội đi trên “con đường hội đồng” với các khó khăn màchúng ta đã thấy, qua hai thượng hội đồng về gia đình với những đấu tranh để có được câu trả lời chung. Thượng hội đồng giới trẻ sẽ tổ chức vào tháng 10 – 2018 là một thượng hội đồng đầy hứa hẹn. Nếu Giáo hội muốn mình vẫn là tác nhân của thế giới thì Giáo hội phải chứng tỏ mình đa dạng và có suy tư, nếu không sẽ bị tụt hậu. Với lý do này, Đức Phanxicô đi theo vết chân của Công đồng Vatican II mà nhiều người chưa tiêu hóa xong. Ngài không muốn tác động vào thời mình dựa trên giáo điều, ngài muốn đem công đồng ra áp dụng!

Đi ra khỏi các con đường mòn đôi khi lại là cách duy nhất không chỉ làm lại những gì mình đã biết, đã chứng thực, nhưng là dám làm những chuyện mới, những chuyện có nhiều bất trắc. Một giáo hoàng không theo nếp cũ! Ngài thích hình ảnh các “cánh cửa mở” nhưng cũng là cánh cửa “săn sóc các vết thương”. Phần còn lại đi theo sau đó. Vì mục đích này, về mặt thần học, phải mang lại một “đẳng cấp các sự thật” nào đó. Về mặt phương pháp, phải dựa trên “phân định thần loại theo Thánh I-Nhã”. 

Một giáo hoàng làm chưng hửng

Một vài người nói Đức Phanxicô chỉ làm theo ý mình. một vài người khác thì sợ ngài làm hư đi hình ảnh chức vụ giáo hoàng nếu ngài đặt nặng vào tính đồng đội và giải tập trung. Người khác còn cho lời giảng của ngài chưa đủ tính thần học. Hoặc quá cụ thể. Ngài, cười… và đi theo con đường của mình. những người cho ngài là “mục tử của thế giới” hay “nhà lãnh đạo thiêng liêng” và lên án ngài, đôi khi một cách vô thức, họ muốn ám chỉ ngài “nhẹ về mặt thần học”. Há có phải tất cả các ngôn sứ lúc đầu đã không bị trách cứ đó sao?

“Chúng tôi cần một Giáo hoàng”, một nhà bình luận đặt tít vào đầu năm. Trên thực tế điều ông muốn nói là giáo hoàng này là giáo hoàng làm chưng hửng, làm bực bội, đột ngột và lột trần, song song vào đó ngài lại mỉm cười và được mến chuộng. Những gì được nói về giáo hoàng, những gì ngài bị chỉ trích thì không ngang nhau: ngài phân cực, ngài chia rẽ, đó là người mị dân, người tự khen… báo chí công giáo Đức không nhẹ tay với ngài. Dù vậy, Đức Phanxicô có một cái gì đó như một tác nhân khiêu khích: ngài thử nghiệm. Ngài để cho làm. Ngài cho phép và thậm chí ngài còn lợi dụng nó. Linh mục Dòng Tên Bernd Hagenkord tuyên bố: “Ngài muốn gieo rắc rối bên trong cũng như bên ngoài. Ngài muốn mọi chuyện nhúc nhích, bên trong, trên bình diện thiêng liêng, nhưng còn với cả người tị nạn, với chiến tranh, vv. Và để gieo rắc rối, Đức Phanxicô dùng lời của mình, dùng ngôn ngữ của mình. không phải lúc nào cũng dễ hiểu”. Người ta nhanh chóng khinh thường cho đây là một “thần học kiểu bãi biển Copacabana!”

Mọi thứ thường tự phát và đáng ngạc nhiên. Nhưng nó đến từ tâm hồn như Năm Thánh Lòng thương xót, không chỉ đơn giản kết thúc bằng cách đóng Cửa Thánh. Trong Tông thư Lòng thương xót và Nỗi khốn khổ (Misericordia et misera, 20 tháng 11 – 2016), Đức Phanxicô không nhường chỗ cho nghi ngờ: “Đến lúc Năm Thánh kết thúc, đây là lúc nhìn tới đang trước và hiểu làm thế nào để tiếp tục đi với lòng trung tín, niềm vui, hăng say, chứng thực kinh nghiệm phong phú của lòng thương xót Chúa. Các cộng đoàn của chúng ta phải luôn sống động, năng động trong sứ mạng phúc âm hóa, trong chừng mực mà “hoán cải mục vụ” mà chúng ta được gọi phải thấm nhập từng ngày sức mạnh sáng tạo của lòng thương xót”. Như thế, lòng thương xót phải là tín điều của Giáo hội, chứ không phải chỉ cho triều giáo hoàng của ngài! Như ngài đã nhấn mạnh trong Sắc chỉ triệu tập Năm Thánh ngoại thường lòng thương xót Chúa, Dung Mạo của Lòng Thương Xót (Misericordiae vultus, tháng 4-2015): “Lòng thương xót là trụ nâng đỡ đời sống Giáo hội”. 

Dị giáo chăng?

Bình luận về năm năm triều giáo hoàng Đức Phanxicô, ký giả người Đức Thomas Assheuer tuyên bố trên tuần báo Đức Die Zeit (8 tháng 3 – 2018) về các cuộc thảo luận chung quanh “tính chính thống” của Tông huấn Niềm vui Yêu thương: “Không có sai lầm: mâu thuẫn này không phải về phong cách mục vụ mới hay về các sắc thái ít quen thuộc của Đức Giáo hoàng trên sân khấu thế giới. Đây cũng không phải là vấn đề thiếu nhẹ nhàng trong tinh thần kitô khi trừng phạt các lời chỉ trích mình bằng sự im lặng hay ngài quở trách các hồng y như những em bé giúp lễ làm bể bình xông hương trong thánh lễ. Đây không có gì khác hơn là sự cáo buộc phản bội thần học lớn, chống lại người đứng đầu Giáo hội công giáo. Thay vì chạm trán với một thế giới hiện đại quay lưng với Chúa, thì đột nhiên việc này làm cho thấy sự trong sáng của giáo điều và chân giá trị của giáo hoàng, Đức Phanxicô rao giảng một Tin Mừng của thích nghi và linh động. Giám mục Rôma sẽ là một người dị giáo”.

Điều hiển nhiên; giáo hoàng này đã thay đổi gương mặt của Giáo hội. Các rắc rối ngài gây ra phải chịu đựng. Nhưng nó làm tốt cho Giáo hội, Giáo hội không được tập trung vào chính mình, nhưng mở ra cho Con Người. Và chính là cho họ mà Giáo hội phải trả lời bằng sự có mặt của mình!

Giáo hoàng này không phải là không giống Đức Gioan XXIII (1881-1863), người được phong chân phước năm 2000 và phong thánh năm 2014. Đối với những người khác, Đức Phanxicô nhắc lại Tin Mừng và nhân vật chính của họ: Giêsu Nadarét. Là tu sĩ Dòng Tên thấm đậm Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã (1491-1556) và cắm rễ trong các suy niệm về cuộc đời của Chúa Giêsu, Đức Phanxicô là hiện thân của một đòi hỏi, đòi hỏi thấy tinh thần Tin Mừng rọi sáng Giáo hội và Giáo hội nói lên tình yêu của Chúa cho con người qua hành động của mình, như Chúa Giêsu đã làm trong thời của Ngài. Hồng y người Đức Walter Kasper nói về Đức Phanxicô: “Khi bắt một cây cầu về nguồn gốc chúng tôi, ngài đã xây dựng một cây cầu hướng đến tương lai”. Tương lai của Giáo hội ở trong Tin Mừng, còn nếu không, Giáo hội không có tương lai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …