Home / Chia Sẻ / ĐỨC MẸ và TÔN GIÁO

ĐỨC MẸ và TÔN GIÁO

ĐỨC MẸ và TÔN GIÁOCác thánh là những người có lòng tôn sùng Đức Mẹ. Thánh Denis xác định: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng hư mất, là hy vọng của những người không còn hy vọng”. Thánh Ðamianô chia sẻ: “Ðược sống dưới sự che chở của Đức Mẹ là một hạnh phúc lớn lao”. Thánh François de Sales khuyên: “Hãy chạy đến với Đức Maria, ngã vào vòng tay Mẹ với lòng tin tưởng hoàn toàn”. Mẹ thật là kỳ diệu!

Tháng 12-2003, Đức Mẹ xuất hiện trên bìa 3 tạp chí lớn của Tin Lành với số lượng hơn 500.000 bản. Các bài viết ở cả 3 tạp chí kia đều đồng ý rằng các tín đồ Tin Lành đã không chú ý Đức Mẹ quá lâu, và đó là đỉnh điểm để các tín đồ Tin Lành tái nhận biết vị trí của Đức Mẹ trong đạo Tin Lành. Thật vậy, càng ngày càng có nhiều người ngoài Công giáo bắt đầu phát hiện vị trí của Đức Mẹ trong tôn giáo của mình.

Nhiều sách về Đức Mẹ đã được các học giả Tin Lành viết, nhiều cuốn cổ vũ người Tin Lành nhìn sát hơn vào Đức Mẹ. Nhiều câu chuyện về các Phật tử và những người ngoài Công giáo đã đến viếng Đền Đức Mẹ Lộ Đức. Mặt khác, các tín đồ Hồi giáo cũng rất tôn trọng Đức Mẹ. Thật vậy, Đức Mẹ được nói đến nhiều lần trong kinh Koran, sách thánh của Hồi giáo, nhiều hơn cả trong Kinh thánh!

Đức Mẹ là chủ đề trong nhiều cuộc thảo luận đại kết (ecumenical discussions) – những cuộc thảo luận giữa các thần học gia Công giáo, các học giả Tin Lành, Hồi giáo, và các tôn giáo khác với mục đích tìm ra những “điểm chung” giữa các tôn giáo. Tháng 6-2001, sau khi trở về từ hội nghị liên tôn được tổ chức tại Lộ Đức, ĐHY Francis Arinze, lúc đó là chủ tịch Hội đồng Đối thoại Liên tôn, nói rằng Đức Mẹ là khởi điểm để giới thiệu sứ điệp Kitô giáo cho các tín đồ của các tôn giáo khác. Các tham dự viên hội nghị này là các đại biểu Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo, Tin Lành Lutheran và các thần học gia. ĐHY Arinze giải thích: “Chúng ta phải tạ ơn Chúa về ý nghĩa tích cực về Mẹ Maria đối với các tôn giáo khác”.

Đức Mẹ có vị trí nào trong các tôn giáo khác, nhất là trong Hồi giáo và Tin Lành? Đức Mẹ có vị trí nào trong tương lai? Có cơ hội nào, dù xa, cho các tôn giáo lớn cùng kết hợp dưới áo Đức Mẹ?

ĐỨC MẸ VÀ HỒI GIÁO

Nhiều người Công giáo không biết rằng Đức Mẹ rất được các tín đồ Hồi giáo yêu mến và tôn kính. Đức Mẹ là phụ nữ duy nhất được nhắc tên 34 lần trong kinh Koran – hơn cả số lần trong Kinh Thánh. Có cả một chương “Mẹ Maria”, và được các tín đồ Hồi giáo diễn tả là chương hay nhất trong toàn bộ kinh Koran. Chương III trong kinh Koran là chương Imran, theo tên của Thân phụ Đức Mẹ.

Kinh Koran nói về việc Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ Giêrusalem, lễ tẩy trần, cuộc truyền tin, sự trinh thai và việc sinh Chúa Giêsu. Đức Mẹ được Hồi giáo nhận biết và tôn kính là người được thánh hóa và cao trọng nhất trong các phụ nữ, và là sự hoàn hảo tâm linh: “Các thiên thần nói: Lạy Mẹ Maria! Thiên Chúa đã chọn Mẹ và thanh tẩy Mẹ – chọn Mẹ hơn hẳn các phụ nữ ở mọi quốc gia. Lạy mẹ Maria! Xin thờ lạy Thiên Chúa: Xin phủ phục, và quỳ gối (khi cầu nguyện) với những người cùng quỳ gối” (Koran 3:42-43).

Thật vậy, điều ngạc nhiên đối với nhiều người Công giáo là Hồi giáo chấp nhận “sự đồng trinh trọn đời” của Đức Mẹ, gián tiếp có nghĩa là Vô nhiễm Nguyên tội – hai tín điều chính về Đức Mẹ. Trong kinh Koran, Đức Mẹ được nhận biết là thụ tạo duy nhất không mắc Tội Tổ Tông từ trước khi làm người, được giữ khỏi mọi tội suốt cả đời. Chúng ta đọc lời cầu nguyện của Đức Mẹ trong kinh Koran: “Lạy Chúa, con dấn thân phục vụ Ngài từ trong lòng con. Xin Ngài thương nhận. Chỉ mình Ngài lắng nghe và thấu suốt mọi sự”. Và khi Đức Mẹ sinh Chúa Con, Đức Mẹ nói: “Lạy Chúa, con được gọi là mẹ của Người. Xin bảo vệ con và con cháu khỏi Satan… và xin Con Chúa chấp nhận con” (Koran 3:35-37).

Ở phần khác, kinh Koran nói: “Thiên thần nói: Hỡi Cô Maria, Allah đã chọn Cô và thanh tẩy Cô. Ngài đã chọn Cô hơn hẳn các phụ nữ khác. Hỡi Cô Maria, hãy tận hiến cho Thiên Chúa” (Koran 3: 42-43). Kinh Koran nói về sự đồng trinh của Đức Mẹ: “Đối với các tín hữu, Thiên Chúa thiết lập một tấm gương… Maria… người đã giữ mình đồng trinh và nơi cung lòng ấy, chúng ta hít thở Chúa Thánh Thần; Đấng đã làm Mẹ tin Lời Chúa và Kinh Thánh, đồng thời rất đạo hạnh” (Koran 66:11-12).

ĐỨC MẸ VÀ TIN LÀNH

“Đức Kitô có là người duy nhất được tôn thờ? Hoặc Mẹ Thiên Chúa không được tôn kính? Đây là phụ nữ đã đạp đầu con rắn. Hãy nghe chúng tôi. Vì Chúa Con không từ chối điều gì”. Đó là câu nói của ông Martin Luther, nhà cải cách Tin Lành hồi thế kỷ XVI, thành lập phong trào Tin Lành và ly khai với Công giáo. Đó là câu nói trong bài giảng cuối cùng của Luther tại Wittenberg hồi tháng 1-1546, vài tháng trước khi ông qua đời. Điều đó cho thấy rằng ông Luther tôn sùng Đức Mẹ cả đời.

Càng ngày càng có nhiều học giả Tin Lành xuất bản các phát hiện của họ về lòng sùng kính Đức Mẹ của những người thành lập đạo Tin Lành – Martin Luther, John Calvin, và Ulrich Zwingli. Trong ba người này, Martin Luther là người sùng kính Đức Mẹ nhất và đức tin của họ vẫn phù hợp với giáo lý Công giáo – một tiếng kêu từ việc kết án gay gắt về những gì liên quan Đức Mẹ nơi nhiều người Tin Lành chính thống và các Kitô hữu Tái sinh ngày nay. Các tín đồ Tin Lành đã bị bỏ lại phía sau về việc dạy rằng bất kỳ điều gì liên quan Đức Mẹ đều ngược với Tin Lành, và bất cứ điều gì liên quan Đức Mẹ đều làm giảm việc tôn thờ Đức Kitô. Nhưng có bằng chứng đủ để nói rằng các nhà cải cách Tin Lành không bao giờ có ý “chống Đức Mẹ”.

Nhiều học giả Tin Lành đồng ý rằng Martin Luther sùng kính Đức Mẹ cả đời, cũng như niềm tin của ông trong các giáo huấn chính yếu về Đức Mẹ. Thật vậy, Martin Luther tin mọi giáo lý về Đức Mẹ – Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, lên trời, và ngay cả việc Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Chính Luther đã viết và tin Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội – 300 năm trước khi Giáo hội Công giáo chính thức tuyên bố tín điều này vào năm 1854. Đây là cách hiểu của Luther về Vô Nhiễm Nguyên Tội: “Nhưng quan niệm khác, nghĩa là sự truyền thụ của linh hồn, đó là điều được tin thích hợp và đạo đức, là không có tội, để khi linh hồn được truyền thụ, Đức Mẹ cũng được tẩy sạch khỏi tội nguyên tổ và được trang điểm bằng những Ơn Chúa để nhận linh hồn thánh thiện đã được truyền thụ. Và như vậy, trong chính lúc bắt đầu sống thì Đức Mẹ đã không nhiễm tội…”.

Trong cuốn “Against the Roman Papacy: An Institution of the Devil” (Chống Lại Giáo Hoàng Rôma: Tổ Chức của Ma Quỷ), xuất bản năm 1545 (một năm trước khi qua đời), Luther đã nói: “… Đức Maria đồng trinh, không nhiễm tội và không thể phạm tội mãi mãi”. Như vậy, ngay lúc bị coi là chống lại giáo hoàng, Luther vẫn không bào giờ lung lay niềm tin về vấn đề Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ.

Một số học giả nổi bật của Tin Lành cũng đồng ý rằng cả đời ông Luther vẫn tin Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Trong số các học giả đó là Arthur Carl Piepkorn, Eric Gritsch, Jaroslav Pelikan, kể cả 11 học giả theo Tin Lành Lutheran thuộc Ủy ban Đối thoại Tin Lành Lutheran và Công giáo (Lutheran-Catholic Dialogue Committee).

Về vấn đề Đức Mẹ lên trời cũng tương tự, tín điều được công bố trong thế kỷ XX, nhưng từ thế kỷ XVI, Luther đã tin là “tư tưởng đạo hạnh và vui lòng”. Về thiên chức Mẹ Thiên Chúa, Luther viết: “Đức Mẹ được mời gọi không chỉ là Mẹ của nhân loại, mà còn là Mẹ của Thiên Chúa… Chắc chắn Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa thật”.

Về niềm tin cả đời ông Luther đối với sự đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ, ông viết: “Vấn đề đức tin là Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và vẫn đồng trinh”. Khác với Martin Luther, John Calvin không khen Đức Mẹ như Martin Luther, dù ông không phủ nhận tầm quan trọng và sự nổi trội của Đức Mẹ trong lĩnh vực đức tin. Cũng như Martin Luther, John Calvin tin Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh: “Bà Êlidabét gọi Maria là mẹ Thiên Chúa, vì sự duy nhất của con người có hai bản tính của Đức Kitô, Đức Mẹ có thể nói rằng con người hay chết được tạo nên trong cung lòng Đức Mẹ cũng là Thiên Chúa vĩnh hằng”.

Đây là một số tài liệu mà Calvin nói về Đức Mẹ:

– “Không thể phủ nhận việc Thiên Chúa đã chọn và tiền định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa Ngôi Con, và được ban cho sự kính trọng cao nhất”.

– “Tới ngày nay, chúng ta không thể hưởng phúc lành nơi Đức Kitô nếu không nghĩ đồng thời Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ sự cao trọng, theo ý của Đức Mẹ chấp nhận là Mẹ của Con Một Thiên Chúa”.

Tài liệu của Ulrich Zwingli ghi:

– “Tôi đánh giá cao Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh và vô nhiễm nguyên tội”.

– “Thật thích hợp khi Chúa Con nên có một Người Mẹ Thánh”.

– “Loài người càng tôn thờ và yêu mến Chúa Kitô thì càng nên tôn kính và yêu mến Đức Mẹ”.

Do đó, sùng kính Đức Mẹ là phần cơ bản của Tin Lành. Các Giáo hội Tin Lành Lutheran vẫn giữ ảnh tượng Đức Mẹ, nhưng hạn chế sùng kính Đức Mẹ (như kinh Ave Maria và Magnificat), dù ông Luther qua đời cả 100 năm sau. Giáo hội Lutheran dạy đề cao Đức Mẹ đồng trinh là mẫu gương nhân đức của các Kitô hữu.

Việc sắp xếp các “yếu tố ẩn giấu” này về lòng sùng kính Đức Mẹ và tinh thần của những người sáng lập Tin Lành có thể là lý do để mới đây có nhiều sách của Tin Lành kêu gọi tái khám phá Đức Mẹ. Một học giả Tin Lành còn “đi xa” hơn và nói rằng: “Đã đến lúc người Tin Lành trở về nhà”.

ĐỨC MẸ ĐỐI VỚI CÁC QUỐC GIA

Có thể ngày đó không bao giờ đến khi nhiều tôn giáo sẽ phá bỏ các rào chắn giáo lý kết hợp. Các bất đồng cơ bản về các giáo huấn chủ yếu sẽ có thể không bao giờ được vượt qua. Chẳng hạn, người Công giáo sẽ không bao giờ thỏa hiệp việc tin có Thiên tính (Thần tính) của Chúa Giêsu Kitô – tức là đã mặc nhiên tin thật, còn Hồi giáo sẽ không bao giờ nâng cao thân phận của Chúa Giêsu khỏi vị trí chỉ là một “tiên tri vĩ đại” của Thiên Chúa.

Nhưng có thể có một mẫu số chung giữa các tôn giáo để có thể là nền tảng của cuộc đối thoại lâu dài vào một ngày nào đó, để tạo sự kết hợp giữa các tôn giáo mà chúng ta thấy ngày nay. Đức Mẹ là Lady of All Nations (Đức Mẹ của mọi quốc gia).

Hồi giáo duy trì việc đánh giá cao và tuyên bố Đức Mẹ là người cao trọng nhất. Tin Lành bắt đầu nhận biết vị trí của Đức Mẹ trong tôn giáo của họ. Thậm chí có người của các tôn giáo không độc thần như Phật giáo cũng đang coi Đức Mẹ là chứng cớ đã được các Phật tử tường trình tại Đền Đức Mẹ Lộ Đức. Tại các hội nghị đại kết liên tôn, Đức Mẹ càng ngày càng là khởi điểm của việc đối thoại.Đức Mẹ đã vượt qua mọi rào cản giáo lý, là ánh sáng soi vào nơi thâm sâu nhất và tối tăm nhất của bóng tối. Đức Mẹ là dấu hiệu của sự kết hợp, không bao giờ chia rẽ chúng ta.

Thật vậy, dù tôn giáo nào hoặc giáo phái nào, mọi người đều thấy dễ chấp nhận là Người Mẹ tốt nhất trong lịch sử (Best Mother in all history) – đạo hạnh nhất, kính sợ Chúa nhất, mạnh mẽ nhất, và sùng kính nhất.Điều này chính xác vì “cương vị làm mẹ” của Đức Maria mà Mẹ có thể được gọi là “Mẹ của các dân tộc”, Người Mẹ đã được Đức Kitô trao ban cho nhân loại, khi Ngài bị treo trên Thập giá: “Đây là mẹ của con” (Ga 19:27).

Có lần ông Luther nói: “Việc tôn kính Đức Maria được khắc ghi sâu đậm trong trái tim con người”. Ý nghĩa của các từ ngữ mà ông Luther đã dùng rõ ràng: Trong sâu thẳm của mọi tâm hồn, dù tôn giáo nào hoặc dù dân tộc nào, đều được ghi khắc sự khao khát tự nhiên và tình yêu tự nhiên đối với Người Mẹ của các quốc gia, một ngày nào đó, nhờ lời cầu nguyện của chúng ta, sẽ quy tụ mọi con cái dưới bóng Mẹ.

ĐỨC MẸ TRONGCÁC TÔN GIÁO

Có các chứng cứ mới liên quan Do thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

Nếu bạn biết đôi chút về Thiên Chúa giáo, và bạn đến một nước nào đó vào mùa Đông, bạn sẽ thấy người ta như thế nào khi họ vui mừng đón lễ Giáng sinh – đặc biệt những vùng có các tín đồ Công giáo La mã, Chính thồng giáo Hy lạp hoặc Chính thống giáo Nga, hoặc các nước như Ethiopia và Armenia.

Bạn có thể có những câu hỏi về giới tính của những người thờ kính và được thờ kính. Bước vào nhà thờ, bạn sẽ thấy những người mặc áo dài đang hát, nói và làm cử điệu. Đa số thường là nam giới, nữ giới không được vào. Nhưng đa số những người thờ kính đều là nữ giới. Rồi bạn lại thắc mắc không biết ai hoặc cái gì được diễn tả trong các nghi lễ mà bạn thấy, càng lúc bạn càng rối trí, những tấm thiệp, hang đá và hoạt cảnh Giáng sinh, kể cả các bức tượng, khiến bạn có thể kết luận rằng nhân vật chính được thờ kính không là một trẻ sơ sinh mà là người mẹ của trẻ sơ sinh.

Ấn tượng về tôn giáo có vai trò người mẹ sẽ rất mạnh nếu bạn vào nhà thờ Kitô giáo Đông phương, nơi có bích họa vẽ Đức Mẹ Maria với Chúa Giêsu ở ngay trong khoảng lõm phía trên bàn thờ. Ý nghĩa tôn giáo được dâng kính Đức Mẹ sẽ mạnh hơn trong Công giáo La mã về lòng trắc ẩn, như ở Mexico, các tín đồ ở đó luôn trông cậy Đức Mẹ: Ảnh “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”.

Bạn sẽ tò mò hơn về thần lực nếu bạn nghe những lời cầu kinh hoặc lời ca. Một số lời cầu dành cho Chúa Giêsu, xin cứu độ nhân loại, nhưng nhiều lời cầu dành cho Đức Mẹ, ca ngợi việc thụ thai kỳ diệu và sự đau khổ chờ đợi Đức Mẹ vì Chúa Giêsu sẽ bị đóng đinh trên Thập tự giá.

Thành tựu kỷ nguyên Kitô giáo là hàng ngàn bài thơ văn dành cho Đức Mẹ, một nét văn hóa tôn giáo đặc trưng. Ngôn từ được linh ứng bởi 4 đại lễ mà Giáo hội sơ khai đã dâng kính Đức Mẹ, một số trích từ Kinh thánh. Đức Mẹ không là một nữ thần mà là một con người có liên hệ duy nhất với Thiên Chúa, nhờ vậy mà Đức Mẹ giữ vai trò bảo vệ và nguyện giúp cầu thay cho nhân loại. Người không được thờ kính mà được tôn kính.

Công giáo Rôma tin Đức Mẹ là Đấng Đồng công Cứu độ với Chúa Giêsu, được đặc ân không mắc “tội nguyên tổ” (original sin).

ĐỨC MẸ – PHỤ NỮ ĐÁNG KÍNH NHẤT CỦA HỒI GIÁO

Điều này sẽ gây bối rối nếu sự hiểu biết của bạn hoàn toàn trần tục, nhưng sẽ rất quen nếu bạn gia nhập thế giới nhất thần luận là Hồi giáo. Về một số phương diện, niềm tin Hồi giáo về bà Maria – người phụ nữ được tôn kính nhất và là người duy nhất được dành hẳn một chương trong kinh Koran (có vẻ rất gần với Công giáo La mã). Truyền thống Hồi giáo cho rằng Chúa Giêsu và Mẹ Maria là hai người duy nhất không ảnh hưởng Satan từ lúc sơ sinh.

Theo các phương diện khác, nhận thức Hồi giáo về Mẹ Maria lại có vẻ gần với các Giáo hội Đông phương. Cả hai đạo này đều nâng niu câu chuyện thời thơ ấu của Mẹ Maria. Trong Hồi giáo, chuyện kể rằng Zakariya đem lương thực cho cô bé Maria và thấy cô bé đã được Thiên Chúa nuôi dưỡng, đây là dấu hiệu được Thiên Chúa chấp nhận đặc biệt. Chính thống giáo lại nhấn mạnh rằng Maria được sinh ra là một người thường, cũng có thể phạm tội như những người khác.

Là người không có tín ngưỡng như 3 tôn giáo nói trên, bạn vẫn thắc mắc về các ẩn dụ được dành cho Mẹ Maria xưa nay với các điều kỳ lạ.

Trong Giáo hội Đông phương, một số mỹ từ được dùng vào ngày lễ cuối tháng Mười Một hoặc đầu tháng Mười Hai, không dựa vào Tân ước mà dựa vào văn bản ít được biết đến gọi là Phúc Âm của James. Lễ này cử hành việc dâng hiến của Mẹ Maria lúc 3 tuổi tại đền thờ Jerusalem – nơi được coi là cực thánh và chỉ có các tư tế nam giới được vào.

TỪ DO THÁI GIÁO ĐẾN THIÊN CHÚA GIÁO

Đa số thơ văn dâng kính Mẹ Maria đều xuất phát từ “truyền thống khôn ngoan” của Do thái giáo. Trong đó, khôn ngoan được hiểu như một dạng thần tính nữ giới. Một trong các ám chỉ minh nhiên nhất đối với khôn ngoan như một tác dụng hoặc sức mạnh nữ giới trong sách Cách ngôn (Proverbs): “Khôn ngoan làm nên căn nhà của nàng…”.

Kinh thánh của Do thái giáo có “ngôn ngữ khôn ngoan ẩn dưới bề mặt”. Trong Thiên Chúa giáo, một số được dùng cho Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, nhưng đa số được áp dụng cho Mẹ Maria.

Người ta cho rằng việc tôn kính các nữ thần minh nhiên trước khi xảy ra đại họa năm 586 (tr. CN), khi đền thờ do Solomon xây dựng bị phá hủy và dân Do thái bị lưu đày ở Babylon vì tội thờ cúng nữ thần (sách Jeremiah). Sách Enoch được tìm thấy trong số tài liệu ở Biển Chết (Dead Sea) trước đó 50 năm.

NƠI CỰC THÁNH

Theo người Hy lạp, Athene là nữ thần khôn ngoan. Theo quan điểm của ông Moran, cách tốt nhất để hiểu truyền thống khôn ngoan của Thiên Chúa và Do thái giáo là coi khôn ngoan như một sinh vật không là thành phần của Thiên Chúa, nhưng có vai trò duy nhất trong việc kết hợp Thiên Chúa với sự tạo dựng. Nếu vậy, dễ thấy “ngôn ngữ khôn ngoan” được chuyển cho Mẹ Maria bằng cách nào.

Cũng như vài tôn giáo khác, truyền thống Do thái bị phá vỡ trong việc nhấn mạnh vào khoảng cách giữa Thiên Chúa và nhân loại. Với người Do thái, nơi duy nhất để gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người là đền thờ. Trước đó là Lều Tạm (Tabernacle) do Moses xây dựng.

Theo nhiều sử gia về tôn giáo, có 2 cách thực hành tiên báo Bí tích Thánh Thể (bánh và rượu được thánh hiến cho Thiên Chúa). Một nghi lễ hàng tuần có 12 ổ bánh mì được đem vào đền thờ để thánh hiến cho các tư tế sử dụng. Một nghi lễ khác hàng năm đánh dấu lịch Do thái: Lễ Chuộc Tội (The Day of Atonement), thời gian duy nhất khi tư tế vào Nơi Cực Thánh.

Trước khi làm vậy, tư tế chọn 2 con dê giống nhau. Một con bị giết để lấy máu đưa vào Nơi Cực Thánh và rảy vào nhiều nơi trong đền thờ. Một con được đưa vào sa mạc làm vật gánh tội thay cho mọi người. Theo cách hiểu tiêu chuẩn, tư tế sẽ hiến tế một con dê cho Thiên Chúa, một con dâng cho ác thần Azazel. Một cách hiểu khác là Con Thiên Chúa bị đóng đinh vừa là hiến vật vừa là tư tế. Rõ ràng có mối liên hệ giữa Thánh Thể và Lễ Chuộc Tội rất gần về nghi thức.

Ông John Wilkinson, cựu hiệu trưởng Trường Khảo cổ Anh tại Jerusalem, đã nghiên cứu các dạng kiến trúc của hàng trăm đền thờ Do thái (synagogue) và nhà thờ Thiên Chúa giáo từ kỷ nguyên sơ khai của Georgia và Armenia tới đại giáo đường Salisbury ở Anh (xây dựng năm 1220). Ông kết luận rằng các tòa nhà đó đều ít nhiều ảnh hưởng đền thờ Do thái – như Ezekiel đã diễn tả. Các kiến trúc sư sao chép theo tỷ lệ chứ không theo chiều kích, cho nên ảnh hưởng không rõ ràng.

GIỚI TÍNH SIÊU VIỆT

Thế kỷ XIII, ông William Drurandus, cố vấn Giáo hoàng, nói: “Thiết kế nhà thờ của chúng tôi được kết hợp 2 dạng nhà thờ khác là Đền Thơ và Lều Tạm”. Đối với người Do thái, đền thờ đặc biệt là Nơi Cực Thánh – nơi duy nhất để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa giáo, nơi thánh là vùng quanh bàn thờ, nơi bánh và rượu được thánh hiến, và các tín đồ được quyền tham dự vào đời sống của Chúa Giêsu.

Theo bà Berker, truyền thống này – ít là ngôn ngữ và ẩn dụ, Thiên Chúa giáo (và Hồi giáo) có câu chuyện về thiếu nữ Maria vào đền thờ, giới tính đó đã trổi vượt về thực tế thần linh mà các thượng tế Do thái đã vào Nơi Cực Thánh – nghĩa là không còn dành riêng cho nam giới, không còn lý do tại sao phụ nữ không thể là tư tế. Những người bảo thủ có thể coi đây là mưu đồ của nữ giới. Nhưng, những gì họ tin về vấn đề “hóc búa” này, nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo có thể thông cảm việc nhấn mạnh mà bà Berker dựa vào câu chuyện về Mẹ Maria vào Nơi Cực Thánh.

Hồi giáo, cũng như Giáo hội Đông phương, tin rằng người mẹ của cô gái Maria (bà Anna) hy vọng con mình sẽ phục vụ Thiên Chúa, và bà ngạc nhiên khi đứa trẻ lài là gái. Thiên Chúa giáo và Hồi giáo không thống nhất về bản tính của Chúa Giêsu (con của Mẹ Maria): Thiên Chúa Nhập Thể, Tử nạn và Phục sinh, hay là một tiên tri duy nhất không chết nhưng lên trời?

Nhưng cả Thiên Chúa giáo và Hồi giáo đều khả dĩ thấy ở Mẹ Maria có điều chắc chắn là không có giới hạn đối với sự linh thánh, gần gũi với Thiên Chúa, điều mà không một thụ tạo nào (cả nam lẫn nữ) có thể có được. Chắc chắn đó là lý do đầy đủ để bất kỳ tôn giáo nào (trong 3 tôn giáo) cảm thấy tôn kính một phụ nữ Do thái đặc biệt nhất lịch sử, đó chính là Mẹ Maria.

Ad Jesum Per Mariam. Totus tuus ego sum, et omnia mea tua sunt. Accipio te in mea omnia. Præbe mihi cor tuum, Maria –  Nhờ Mẹ Đến Với Chúa Giêsu. Con hoàn toàn thuộc về Mẹ, mọi sự của con đều là của Mẹ. Con xin dâng Mẹ tất cả mọi sự của con. Lạy Mẹ Maria, xin ban cho con trái tim của Mẹ.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ all-about-the-virgin-mary.com và Christianity’s Jewish Roots)

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …