Home / Chia Sẻ / ĐỨC MẸ – NGƯỜI TIÊU DIỆT TÀ THUYẾT

ĐỨC MẸ – NGƯỜI TIÊU DIỆT TÀ THUYẾT

Trong tông hiến “Pascendi Dominici Gregis”, Thánh GH Piô X đã cầu xin Đức Trinh Nữ Maria với danh hiệu “Người Tiêu Diệt Các Tà Thuyết”. Ngài sử dụng danh hiệu này cho Người Nữ Tỳ khiêm nhu của thành Nadarét được lấy từ lễ kính Đức Mẹ. Danh hiệu này có ý nghĩa quan trọng trong tông hiến “Pascendi Dominici Gregis”, được viết năm 1911 để chống lại chủ nghĩa hiện đại (modernism), đó là “sự tổng hợp của các tà thuyết”. Đối mặt với sự khủng hoảng đó, thất là chính xác khi tôn xưng Đức Mẹ là Người Tiêu Diệt Các Tà Thuyết. Danh hiệu này vẫn được áp dụng. Thật vậy, danh hiệu này mô tả điều gì đó luôn luôn đúng về Đức Mẹ – và ngày nay có thể còn cấp bách hơn nữa.

Nhưng bằng cách nào? Đức Mẹ tiêu diệt các tà thuyết thế nào? Đức Mẹ chưa bao giờ giảng chống lại sai lầm mà? Đức Mẹ chưa bao giờ kết tội hoặc phạt vạ tuyệt thông bất cứ ai kia mà? Đức Mẹ cũng chưa hề có bài nào trình bày tại hội nghị thần học, thế thì Đức Mẹ hành động bằng cách nào?

Trước tiên, hãy nhìn vào sự nhiệt thành mà Đức Mẹ gợi hứng. Đó là dấu hiệu của người bảo vệ đức tin mà họ dành lòng sùng kính cho Đức Mẹ. Từ bài viết của Thánh Irênê chống lại các tà thuyết hồi thế kỷ II tới việc giảng thuyết của Thánh Đa-minh chống lại tà thuyết Albigensians [*] hồi thế kỷ XII, các giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II chống lại các sai lầm trong thời hiện đại của chúng ta, việc tôn sùng này luôn là lời mời gọi đối với những người bảo vệ đức tin. Theo một trong các ý kiến phản biện của Công giáo, những người này trở thành những người mạnh mẽ bảo vệ đức tin bằng cách trở nên con cái của Đức Mẹ. Lòng sùng kính Đức Mẹ đem lại sự thuần khiết cho tâm hồn và do đó cũng làm cho trí óc minh bạch.

Chúng ta cũng có thể cậy nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ. Chỉ khi nào vào cõi vĩnh hằng thì chúng ta mới biết điều đó có tác dụng như thế nào. Trong khi đó, chúng ta biết chắc chắn rằng Giáo Hội đã được giải thoát khỏi sự tối tăm và lầm lạc bởi vì các tín nhân đã kêu cầu Đức Mẹ khi cần thiết.

Nhưng hơn hết, Đức Mẹ là Người Tiêu Diệt Các Tà Thuyết bởi nhân đức của Đức Mẹ. Đó là sự thật về chính Đức Mẹ – hoặc sự thật về những gì Thiên Chúa đã làm cho Đức Mẹ, những điều đó đã chế ngự các tà thuyết. Đức Mẹ đã bảo vệ chân lý về Thiên Chúa và con người.

Chúng ta thấy xuất hiện điều này từ thời kỳ đầu của Giáo Hội. Khi Công Đồng Êphêsô long trọng công bố Đức Maria là Người-mang-Thiên-Chúa (Θεοτόκος – Theotókos), đó là cách bảo vệ thần tính của Đức Kitô. Nestorius đã không chấp nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, điều này cảnh báo các giáo phụ đối với lạc thuyết của ông ta về Con Yêu Dấu của Đức Mẹ. Tuyên bố sự thật về Đức Maria là xác định sự thật về Chúa Giêsu Kitô. Thế kỷ 19, ĐGH Piô IX đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm để bảo vệ sáng kiến và ân sủng của Thiên Chúa chống lại sự mê đắm về tính hiện đại với sự khôn khéo của con người và tham vọng tự trị của con người.

Chúng ta thấy một chiều kích khác về việc Đức Mẹ là Người Tiêu Diệt Các Tà Thuyết: Đức Mẹ bảo vệ chân lý con người. Đặc biệt là, qua việc lên trời, Đức Mẹ tiết lộ và tiêu diệt sự sai lầm làm hại chúng ta ngày nay: sự sai lầm về thân thể con người. Tà thuyết ngày nay, đa số trong thuyết Ngộ Đạo mới về ý thức hệ giới tính (Gnosticism of gender ideology), là bản tóm lược của sự sai lầm ngày xưa tái diễn. Còn hơn là biết con người là một linh hồn hiện thân, chúng ta coi con người như một linh hồn ngẫu nhiên có một thân xác (hoặc “bị kẹt” trong một thân xác).

Như vậy, là con người nghĩa là có một linh hồn – và liên quan thân thể như bạn muốn. Thân thể trở nên đồ vật, dụng cụ, vật sở hữu, sự nguyền rủa, v.v… Người ta nuông chiều nó khi khỏe mạnh, và loại bỏ nó khi không khỏe. Thân thể chẳng có nghĩa lý gì và cũng chẳng cho bạn biết gì về chính bạn. Bạn có thể là một vật về thể lý, và là một vật khác về tinh thần.

Đây là sai lầm thâm căn cố đế bởi vì tất cả chúng ta đều kinh nghiệm về sự sự tan rã của thân xác và tâm hồn ở mức độ nào đó. Vì tội của Adam và Eva, chúng ta mất tính nguyên vẹn nguyên thủy, kể cả sự kết hợp hoàn hảo của thân thể và linh hồn mà Thiên Chúa đã tạo dựng ngay từ thuở ban đầu. Linh hồn của chúng ta không phải lúc nào cũng hài hòa với “Brother Ass” (cách nói của Thánh Phanxicô Assisi để chỉ thân xác, ví như “con lừa” vậy). Sự khác nhau là sự bất tiện này được nâng lên tới mức ý thức hệ, và ý thức hệ đó bị áp đặt bởi văn hóa và những người có quyền hành.

Được triệu về trời, Đức Mẹ tiết lộ sự thật và tiêu diệt các sai lầm. Ở trên trời, các thánh còn chờ đợi ngày cuối cùng khi thân xác họ sống lại và tái kết hợp với linh hồn của họ. Tuy nhiên, Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác rồi, tận hưởng phúc lành viên mãn. Trong sự viên mãn đó, Đức Mẹ dạy về cách kết hợp cần thiết của xác và hồn.

Sự lên trời của Đức Mẹ phải được hiểu là tình trạng với cả sự sống trọn vẹn của Đức Mẹ. Nhờ ơn vô nhiễm, Đức Maria không mắc tội Nguyên Tổ và hệ lụy của nó. Đức Mẹ không phải chịu sự đối lập của thân thể và linh hồn như chúng ta phải chịu giằng co. Tình trạng trọn đời đồng trinh xác định và tiết lộ sự kết hợp hoàn hảo này. Hồn và xác của Đức Mẹ hoàn hảo đếm mức thân thể tham dự và biểu lộ sự thuần khiết tâm linh của Đức Mẹ đối với Thiên Chúa.

Trong ân sủng được trao ban cho Eva Mới – tức là cuộc lên trời của Đức Mẹ, chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta được tạo dựng để công bố những gì mà ân sủng của Thiên Chúa hoàn tất. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa tạo dựng chúng ta thành sự kết hợp của thân xác và linh hồn. Thân xác và linh hồn của con người là một, và xã hội xung quanh sự đối lập của chúng ta trái ngược với điều tốt. Hơn nữa, ân sủng của Đức Kitô giao hòa chúng ta với Thiên Chúa, do đó cũng giao hòa với chính chúng ta. Chúng ta tìm thấy linh dược chữa lành qua các bí tích và lời cầu nguyện.

MARIA ASSUMPTA, ORA PRO NOBIS – LẠY ĐỨC MẸ MÔNG TRIỆU, XIN CẦU CHO CHÚNG CON.

Lm PAUL SCALIA

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Lễ Đức Mẹ Mông Triệu, 15-8-2017

————————

[*] Albigensians (hoặc Albigensianism): Phong trào Kitô giáo được coi là hậu duệ thời trung cổ của Mani giáo (Manichaeism) ở miền Nam nước Pháp hồi thế kỷ XII và XIII, có đặc tính của thuyết nhị nguyên (đồng hiện hữu của hai quy luật đối nghịch là Thiện và Ác). Thuyết này bị kết án là tà thuyết thời Tòa án Dị giáo (Inquisition, syn: Catharism).

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …