Home / Chia Sẻ / ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC

LoDucLộ Đức là một thành phố nhỏ thuộc miền tây nam nước Pháp, ngày nay được nhiều người trên thế giới biết đến là nhờ cuộc hiện ra của Đức Mẹ Chúa Trời với một em nhỏ cách đây 150 năm vào năm 1858.
 
1.  Sự Tích Hiện Ra:

Hôm đó là ngày 11 tháng 2 năm 1858, trời mùa Đông ở miền núi, lạnh kinh khủng.  Bernadette Soubirous cùng với 2 bạn khác ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi.  Bernadette lúc đó 15 tuổi mà chưa biết đọc biết viết, vì nhà nghèo, em phải làm việc để phụ vào với gia đình.
 
Sau khi vào tu Dòng, Benadette được học và cô tả lại trong lá thư trình bề trên như sau: “Hôm ấy tôi đi kiếm củi với hai đứa bạn ở bờ sông Gave.  (Khi ra tới bờ sông, hai em kia đi xa hơn, còn Benađette tìm củi quanh hang Massabiel.)  Bất ngờ tôi nghe có tiếng động.  Tôi ngoái nhìn về phía đồng cỏ.  Không thấy cây cối rung động gì cả.  Tôi ngẩng đầu nhìn lên hang.  Tôi thấy một Bà mặc áo trắng (bà còn trẻ lắm, chừng 16, 17 tuổi, mặc áo dài trắng, thắt dây lưng xanh da trời, hai tay chắp lại, đeo tràng hạt trên cánh tay phải.  Bà đẹp vời Benadette tiến lại gần hơn và mỉm cười với em).  Áo bà trắng nhưng thắt lưng lại xanh, và mỗi bên bàn chân có một bông hồng vàng.  Mầu chuỗi hạt của Bà cũng vàng nữa.
 
Khi thấy như vậy, tôi vội chùi mắt vì tưởng mình lầm.  Rồi thọc tay vào áo, tôi thấy có chuỗi hạt.  Tôi muốn giơ tay làm dấu thánh giá, nhưng không đưa nổi tay lên trán.  Tay tôi rớt xuống.  Còn hình Bà kia thì lại làm dấu thánh giá.  Tay tôi run quá.  Tôi thử làm dấu lại và làm được.  Tôi bắt đầu lần chuỗi.  Hình kia cũng lần chuỗi của Bà, nhưng không hề máy môi.  Tôi lần chuỗi xong thì hình kia cũng biến mất tức thì.
 
(Khi gặp lại hai đứa bạn kia ) Tôi hỏi hai đứa không thấy gì sao?  Chúng bảo không.  Và chúng hỏi tôi thấy gì vậy, và buộc tôi phải nói cho chúng nghe.  Tôi kể rằng tôi đã thấy một Bà mặc áo trắng, nhưng tôi không biết Bà đó là ai, và không cho chúng được kể lại với ai.  Chúng bảo tôi không nên trở lại đó nữa.  Tôi bảo không.  Đến ngày Chúa nhật, tôi trở lại đó lần thứ hai vì cảm thấy bị thúc đẩy ở trong lòng.
 
Đến lần thứ ba, Bà kia mới nói với tôi.  Bà hỏi tôi có bằng lòng trở lại đây trong 15 ngày liên tiếp không.  Tôi bằng lòng.  Bà bảo tôi phải về nói với các linh mục xây một nhà thờ tại chỗ này.  Rồi Bà bảo tôi phải đi uống nước ở suối.  Tôi không thấy có suối nào cả, nên tôi ra đi uống nước ở sông Gave.  Bà bảo tôi không phải ở đó, và Bà lấy ngón tay chỉ cho tôi chỗ suối nước.  Tôi đến, nhưng chỉ thấy một chút nước dơ.  Tôi thò tay xuống nhưng không múc được.  Tôi liền cào đất ra, và tôi đã múc được nước, nhưng tôi lại hất đi ba lần, đến lần thứ bốn tôi mới dám uống.  Thế rồi hình kia biến đi và tôi cũng ra về.
 
Trong 15 ngày liên tiếp, tôi đã trở lại nơi đó.  Ngày nào tôi cũng thấy hình kia hiện ra, trừ ngày thứ Hai và thứ Sáu.  Bà nói đi nói lại với tôi rằng: “Tôi phải thưa các linh mục xây cho Bà một đền thờ tại đây.  Tôi phải đến rửa ở suối nước, và tôi phải cầu nguyện cho tội nhân trở lại.”
 
Nhiều lần tôi đã hỏi Bà là ai?  Nhưng Bà chỉ cười.  Rồi bỏ tay thõng xuống, Bà ngước mắt lên trời và bảo tôi Bà là Đấng đầu thai Vô nhiễm.
 
Trong khoảng thời gian 15 ngày đó, Bà nói với tôi 3 điều bí mật, nhưng bắt tôi giữ kín, không được nói với ai, và cho đến nay tôi vẫn trung thành giữ như vậy.”
 
2.  Sứ Điêp Đức Mẹ Muốn Nhắn Nhủ Con Cái Người :
“Hãy cầu nguyện cho kẻ có tội”
“Hãy nói với các linh mục xây nhà thờ kính Mẹ ở đây, và để dân chúng đến đây rước kiệu.”

 
3.  Ta Là Đấng Vô Nhiễm:
Khi linh mục xứ muốn biết tên Bà, Bernadette đã hỏi thì ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ xưng mình là: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội.”  Nhưng Bernadette không hiểu.  Khi cô nói lại với cha xứ ngài mới nhận ra bà lạ đó là Đức Mẹ hiện ra.
 
Để chứng tỏ Mẹ hiện ra thật, Mẹ bảo Bernadette bới đất chỗ cô qùy để có một giòng nước vọt ra cho cô uống và sau đó chữa mọi thứ bệnh.
 
Sau này, ĐGM giáo phận đã gửi Bernadette đi tu tại Nevers cách xa Lộ đức cả nửa ngày đường xe.  Bernadette sống rất khiêm tốn ở đây.  Cô bị nhiều xỉ nhục nơi các chị em dòng, bị nhiều bệnh đau đớn cho tới chết, nhưng lúc nào Tràng hạt Mân côi cũng là niềm an ủi của cô.  Chính kinh Mân côi đã là đường lối nên thánh của cô.  (Riêng Bernadette Đức Mẹ đã nói: ” Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng là hạnh phúc đời sau.)
 
4.  Lộ Đức Ngày Nay:
Đã trở nên một trung tâm hành hương lớn nhất thế giới.  Hàng năm có tới 4 triệu người đến kính viếng và xin ơn Đức Mẹ.  Giáo hội đã đặt lễ kính Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức vào ngày 11 tháng 2 hàng năm.  Từ năm 1992, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chỉ định ngày lễ Đức Mẹ Lộ Đức là Ngày Thế giới cầu cho các bệnh nhân.
  
5.  Đức Thánh Cha Với Lộ Đức:
Ngày 14 và 15 tháng 8 năm 2004, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viếng Đức Mẹ Lộ Đức.  Đây là chuyến đi để kỷ niệm 150 năm Giáo hội Công giáo tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, là chuyến đi thứ 104 ra ngoài Vatican của Đức Thánh Cha, là lần thứ 7 Người tới nước Pháp.  Lần trước Người tới Lộ Đức vào tháng 8 năm 1997 để dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới.  Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ ý viếng nơi Đức Mẹ đã hiện ra với cô thôn nữ Bernadette, và ngày 25 tháng 3 năm 1858, Đức Mẹ xưng mình: “Ta là Đấng Vô nhiễm Nguyên tội”, bốn năm sau khi Đức Thánh Cha Piô IX công bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm (1954).  Ngày lễ kính Đức Mẹ Lên Trời, Đức Thánh Cha dâng lễ lúc 10 giờ sáng tại đền thánh.  Sau trưa, Người cầu nguyện âm thầm trước hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra.
 
Sáng 15-9-2008, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã cử hành thánh lễ cho 100 ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo các bệnh nhân, tại quảng trường trước Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi ở Lộ Đức.
 
Đây là thánh lễ lộ thiên thứ 3 và cũng là thánh lễ cuối cùng trong 4 ngày viếng thăm của nước Pháp.
 
Dưới bầu trời nắng đẹp, các bệnh nhân và người tàn tật, phần lớn ngồi trên xe lăn, ở khu vực trước bàn thờ.  Đồng tế với Đức Thánh Cha còn có hàng trăm Giám mục Pháp và nước ngoài. 
 
Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa ngày lễ Đức Mẹ sầu bi, mừng kính ngày 15-9-2009.  Ngài nhận định rằng “ngày nay, Mẹ Maria đang ở trong niềm vui và vinh quang Phục Sinh.  Những giọt lệ của Mẹ dưới chân Thánh Giá đã biến thành một nụ cười mà không gì xóa bỏ được, trong khi lòng từ bi hiền mẫu của Mẹ đối với chúng ta vẫn nguyên vẹn.  Mẹ Maria yêu thương mỗi người con của Mẹ, Mẹ đặc biệt quan tâm đến những người, giống như Con của Mẹ trong giờ Khổ Nạn, đang phải chịu đau khổ; Mẹ yêu thương họ chỉ vì họ là con cái của Mẹ, theo ý muốn của Chúa Kitô trên Thánh Giá.”
 
Đức Thánh Cha đặc biệt giải thích câu 13 của thánh vịnh 44 trong bài đáp ca của ngày lễ nói tiên tri về Mẹ Maria “Những người giàu có nhất trong dân… sẽ tìm kiếm nụ cười của bà” (TV 44,13).  Ngài nói: “Nụ cười của Mẹ Maria là cho tất cả mọi người chúng ta, và đặc biệt cho những người đau khổ, để họ có thể tìm được qua đó sự an ủi và giảm bớt đau khổ.  Tìm kiếm nụ cười của Mẹ Maria không phải là một điều sùng mộ theo tình cảm hoặc lỗi thời, nhưng đúng hơn đó là một sự diễn tả đúng đắn quan hệ sinh động và có đặc tính nhân bản sâu xa liên kết chúng ta với Đấng mà Chúa Kitô đặt làm Mẹ chúng ta”.
 
Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “Mỗi lần đọc kinh Magnificat là chúng ta được trở thành chứng nhân về nụ cười của Mẹ Maria.  Tại Lộ Đức này, trong cuộc hiện ra của Đức Mẹ ngày thứ tư, 3-3-1858, thánh nữ Bernadette đặc biệt chiêm ngắm nụ cười của Mẹ Maria.  Nụ cười này là câu trả lời đầu tiên mà Bà Đẹp gửi tới Bernadette khi cô bé muốn hỏi danh tánh của Bà”.
 
Cũng trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói về sự trợ giúp của Mẹ Maria dành cho các bệnh nhân và những người đau khổ, và nói rằng:
 
“Có những cuộc chiến đấu mà con người không thể một mình đương đầu được, nếu không có ơn Chúa.  Khi lời nói không tìm được những từ thích hợp, ta cần có một sự hiện diện yêu thương: khi ấy chúng ta tìm kiếm sự gần gũi không những của những người ruột thịt và bạn hữu, nhưng của những người gần gũi chúng ta qua liên hệ đức tin.  Ai có thể gần gũi thiêng liêng với chúng ta hơn là Chúa Kitô và Đức Mẹ Vô Nhiễm, Người Mẹ thánh thiện của Ngài?  Hơn ai hết, các Ngài có thể hiểu chúng ta và thấy rõ cuộc chiến đấu cam go chống lại bất hạnh và đau khổ…  Ngoài ra, nơi Mẹ Maria chúng ta cũng được ơn thánh để chấp nhận rời bỏ trần thế này vào thời điểm Chúa muốn mà không chút sợ hãi hay cay đắng.”
 
Sau cùng, Đức Thánh Cha giải thích về ý nghĩa bí tích xức dầu bệnh nhân và nói rằng: “Ơn thánh thiêng của bí tích này hệ tại đón nhận vào mình Chúa Kitô Y Sĩ.  Nhưng Chúa Kitô không phải là y sĩ theo kiểu thế gian này.  Để chữa lành chúng ta, Chúa không ở bên ngoài đau khổ người ta phải chịu; để thoa dịu đau khổ, Chúa đến ở trong tâm hồn người bị bệnh tật, để cùng chịu và sống đau khổ ấy với họ.  Con người không còn chịu thử thách một mình, nhưng họ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Đấng tự hiến dâng cho Chúa Cha; trong tư cách là chi thể của Chúa Kitô chịu đau khổ, người bệnh tham gia vào việc sinh ra thụ tạo mới trong Chúa Kitô”.
 
“Nếu không có ơn phù trợ của Chúa, cái ách bệnh tật và đau khổ sẽ nặng nề kinh khủng.  Khi lãnh nhận bí tích bệnh nhân, chúng ta không mong muốn mang ách nào khác ngoài ách của Chúa Kitô, trong niềm tin tưởng mạnh mẽ nơi lời hứa của Ngài cho chúng ta, theo đó ách của ngài dễ mang và gánh của ngài nhẹ nhàng (cf Mt 11,30).  Tôi mời gọi tất cả những người sẽ lãnh nhận bí tích bệnh nhân trong thánh lễ này hãy tiến vào niềm hy vọng như vậy.”

Nguyễn Thế Bài

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …