Home / Chia Sẻ / ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP

ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP

thĐứa con nào cũng hoàn toàn tin tưởng người mẹ. Có mẹ thì đứa con rất an tâm. Người mẹ trần gian còn được tin tưởng như vậy, huống chi người mẹ tâm linh. Cuộc đời luôn có những khó khăn, nhất là trong thời đại chúng ta ngày nay, chúng ta càng cần Đức Mẹ cứu giúp.

Danh hiệu Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (ĐMHCG – Nostra Mater de Perpetuo Succursu) là một trong các tước hiệu tôn xưng Mẹ Thiên Chúa, nhất là đối với người nghèo khổ, họ càng cảm thấy cần tình yêu thương và sự che chở. Tấm hình nguyên thủy là của Giáo hội Đông phương thể hiện nỗi đau khổ của Đức Mẹ, được vễ để gợi niềm hy vọng và cầu nguyện. Sứ điệp tâm linh của tấm hình vượt ngoài vẻ đẹp hội họa. Tấm hình ĐMHCG gợi nhận thức về Mầu nhiệm Cứu độ nơi Đức Kitô và sự cầu bầu của Đức Maria để giúp những người theo Đức Kitô, những người biết phó thác cho Thánh Mẫu Maria. Chỉ với động thái tin tưởng và cầu nguyện, chúng ta mới có thể an tâm và vui sống.

Khuôn mặt Đức Mẹ cho chúng ta biết rằng Đức Mẹ biết về sự đau khổ, nên Đức Mẹ cứu giúp với cả tấm lòng Hiền Mẫu, và mời gọi chúng ta vâng theo Ý Chúa, ngay cả khi chúng ta cảm thấy đau khổ với thập giá nặng nề, và gọi chúng ta luôn luôn phụng sự Thiên Chúa.

Ngày 23-5-1871, Liên đoàn Sùng kính ĐMHCG được thành lập tại Nhà thờ Thánh Anphong ở Rôma. Năm 1876, Tổng hội ĐMHCG và Thánh Anphong Liguori được thành lập. Ngày 25-12-1878, tại Santiago (Chi-lê), Giờ Khấn ĐMHCG được bắt đầu, và năm 1928 chính thức bắt đầu giờ kinh đặc biệt kính ĐMHCG tại Nhà thờ Thánh Anphong, nhưng Thánh Lu-y đã bắt đầu không chính thức từ năm 1922.

Tước hiệu ĐMHCG là danh xưng do ĐGH Piô IX đề nghị. Tước hiệu này kết hợp với việc tôn kính Ảnh ĐMHCG của Byzantine từ thế kỷ XV. Ảnh ĐMHCG ước tính có ở Rôma từ năm 1499, được tôn kính tại Nhà thờ Thánh Anphong Ligôri, nơi có giờ khấn ĐMHCG hàng ngày. Trong Giáo hội Chính thống Đông phương gọi là Đức Trinh Nữ Đau khổ hoặc Theotókos (Người Mang Thiên Chúa) của cuộc khổ nạn, vì có hai Tổng lãnh Thiên thần ở hai bên tấm hình.

Các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) được ĐGH Piô IX giao nhiệm vụ trông coi và truyền bá tấm hình này từ năm 1865, tấm hình này đặc biệt trở nên phổ biến trong Giáo hội Công giáo, được sao chép rất nhiều, và được trưng bày khắp nơi. DCCT là dòng duy nhất được Tòa Thánh giao nhiệm vụ bảo vệ và truyền bá nghệ thuật tôn giáo về Đức Mẹ. Tại Philippines, lòng sùng kính ĐMHCG được gọi là Đức Mẹ Baclaran.

Ngày nay, lễ ĐMHCG được mừng kính vào ngày 27 tháng Sáu hàng năm, với giờ cầu nguyện đặc biệt vào các ngày thứ Tư hàng tuần. Dưới triều ĐGH Piô XII, ĐMHCG được đặt làm bổn mạng của nước Công hòa Haiti và Almoradi, Tây Ban Nha.

Tượng ảnh bằng gỗ (17″×21″) treo phía trên bàn thờ. Đức Mẹ mặc áo đỏ sẫm, biểu hiện cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, với áo choàng xanh dương, biểu hiện sự đồng trinh trọn đời, và tấm khăn choàng biểu hiện đức khiêm nhường. Tấm hình cho thấy Đức Mẹ nhìn các tín hữu, khi tay chỉ vào Chúa Con đang lo sợ vì các dụng cụ đóng đinh và một chiếc dép sắp rơi. Bên trái là Tổng lãnh Thiên thần Micae cầm ngọn giáo và bông biển trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Bên phải là Tổng lãnh Thiên thần Gáprien mang Thập giá có 3 thanh gỗ được các giáo hoàng thời đó sử dụng và các cây đinh. Đức Mẹ có một ngôi sao trên trán, biểu hiện vai trò của Đức Mẹ là Sao Biển trong khi Thập Giá ở phía bên kia. Cách diễn tả theo nghệ thuật Byzantine về Đức Mẹ có 3 ngôi sao, hai ngôi sao trên hai vai và một ngôi sao trên trán. Kiểu này gọi là Hodegetria, lúc Đức Mẹ chỉ tay vào Chúa Con, được gọi là Theotokos của cuộc khổ nạn.

Đức Mẹ có mũi cao, môi mỏng, và lông mày gọn gàng, chứng tỏ rằng một họa sĩ Hy Lạp đã vẽ tấm hình ĐMHCG. Hào quang và triều thiên được thêm vào sau. Hồi đó, hào quang trên đầu không được vẽ phổ biến. Tấm voan và mặt Đức Mẹ tròn, biểu hiện sự thánh thiện của Đức Mẹ. Họa sĩ muốn làm nổi bật Đức Mẹ nên vẽ Đức Mẹ lớn hơn tỷ lệ bình thường.

Hai bên hình có ghi Hy ngữ: MP-ΘΥ (Μήτηρ Θεοῦ, Mẹ Thiên Chúa), OAM (Ὁ Ἀρχάγγελος Μιχαήλ, Tổng lãnh Thiên thần Micae), OAΓ (Ὁ Ἀρχάγγελος Γαβριήλ, Tổng lãnh Thiên thần Gáprien) và IC-XC (Ἰησοῦς Χριστός, Đức Giêsu Kitô). Hình được vẽ trên nền vàng, có thể được vẽ ở đảo Crete, lúc đó thuộc quyền cai quản của Cộng hòa Venice. Trường phái này là nguồn của nhiều ảnh tượng nhập từ Âu châu từ cuối thời Trung Cổ xuyên suốt thời kỳ Phục Hưng. Ảnh ĐMHCG được phục hồi trong những năm 1866 và 1940.

Một số người cho rằng đó là bản sao thật của bức họa mà truyền thuyết cho rằng do Thánh sử Luca vẽ trên gỗ của chiếc bàn ăn của Thánh Gia tại Na-da-rét. Trong truyền thống Chính thống giáo Đông phương thường xác định với hình Hodegetria, và coi đó là dấu kỳ lạ của Đức Mẹ trong các cộng đoàn Latin và Chính thống giáo.

Những bảng chữ sớm nhất bằng tiếng Latin và tiếng Ý có tại Nhà thờ San Matteo (Thánh Mát-thêu) ở Via Merulana, nơi được tôn kính công khai năm 1499. Không ai biết các tác giả viết các bảng chữ đó, nhưng theo một bản giấy da gắn vào bức hình, người ta biết bức ảnh đó của một thương gia tời Rôma từ đảo Crete, đôi khi được gọi là Candia hoặc Heraklion.

Suau khi lấy cắp bức hình, thương gia này nhổ neo, rồi gặp bão. Các thủy thủ đã cầu xin cứu giúp. Thương gia này tới Rôma và ngã bệnh, ước muốn trước lúc chết của ông là xin đặt bức ảnh ở nhà thờ để mọi người tôn kính.

Sau đó, người ta nói rằng Đức Mẹ đã hiện ra với người mẹ và con gái của thương gia đó, rồi họ xin đưa bức hình tới một giáo xứ. Đức Mẹ đã hiện ra với cô gái đó ở nơi mà được coi là giữa Đền Thờ Đức Bà Cả và Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô. Rồi người vợ trao bức hình cho các tu sĩ Dòng Thánh Augustinô. Ngày 27-3-1499, bức hình được chuyển tới Nhà thờ San Matteo và ở đó suốt 300 năm. Bức hình đó nổi tiếng với tên gọi là Madonna di San Matteo (Đức Mẹ Nhà thờ Thánh Mát-thêu).

Năm 1798, theo lệnh của Louis-Alexandre Berthier, quân đội Pháp đã chiếm Rôma trong thời Cách Mạng Pháp, thành lập nền Cộng hòa Rôma và bắt ĐGH Piô VI vào tù. Trong số vì nhà thờ bị tàn phá khi quân Pháp chiếm là Nhà thờ San Matteo ở Via Merulana, nơi có ảnh ĐMHCG. Các tu sĩ Dòng Thánh Augustinô đã giành được ảnh này đưa tới Nhà thờ Thánh Eusebius gần đó, sau đó đưa tới Nhà thờ Santa Maria (Đức Maria) ở Posterula.

Tháng 1-1855, các linh mục DCCT mua Villa Caserta ở Rôma dọc theo Via Merulana và chuyển thành nhà chính. Đất đai họ mua dành làm nhà thờ và tu viện Thánh Mát-thêu, nơi được coi là Đức Mẹ chọn làm Đền Thờ ĐMHCG.

Vài thập niên sau đó, ĐGH Piô IX mời các linh mục DCCT Đền Thờ kính ĐMHCG ở Rôma, cùng với việc xây dựng Nhà thờ Thánh Anphong Ligôri ở đó. DCCT được xây dựng tại Via Merulana, nhưng không biết nơi đó từng là Nhà thờ Thánh Mát-thêu và Đền Thờ ĐMHCG.

Hồi còn trẻ, ĐGH Piô IX đã từng cầu nguyện trước linh ảnh ĐMHCG tại Nhà thờ San Matteo, thích khám phá và đã viết một lá thư đề ngày 11-12-1865 gởi cho Bề trên Tổng quyền Mauron, C.Ss.R., nói rằng ĐMHCG nên được tôn kính tại Via Merulana, và lần này tại Nhà thờ Thánh Anphong mới xây dựng. ĐGH Piô IX truyền cho các tu sĩ Dòng Thánh Augustinô giao linh ảnh ĐMHCG cho DCCT, với điều kiện là DCCT phải cung cấp cho Dòng Thánh Augustinô một linh ảnh ĐMHCG khác để tỏ thiện chí. Chỉ thị của ĐGH Piô IX dành cho DCCT như sau:

“Hồng y Thánh bộ Truyền giáo sẽ mời gọi Bề trên Cộng đoàn Sancta Maria ở Posterula và bảo rằng ước muốn của Đức Mẹ là linh ảnh Đức Mẹ được đặt giữa Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô và Đền Thờ Đức Bà Cả. DCCT sẽ thay thế linh ảnh bằng một tấm hình khác”.

Cuối cùng, ĐGH Piô IX ban Phép lành Tòa thánh và đặt tên cho linh ảnh đó là Mater de Perpetuo Succursu (Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp). Ngày 23-6-1867, linh ảnh này được làm phép và đặt lễ kính với tước hiệu ĐMHCG. Ngày 21-4-1866, Bề trên Tổng quyền DCCT trao một ảnh khác cho ĐGH Piô XI. Ảnh này được giữ tại Nguyện đường Nhà mẹ DCCT ở Rôma. Tấm ảnh gốc vẫn được DCCT giữ tại Nhà thờ Thánh Anphong và được phục hồi vào năm 1990.

ĐMHCG được tôn kính khắp thế giới, với cách gọi theo ngôn ngữ bản xứ: tiếng Latin là Nostra Mater de Perpetuo Succursu, tiếng Anh là Mother of Perpetual Succour, tiếng Đức là Mutter von immerwährenden hilfe, tiếng Tây Ban Nha là Nuestra Señora del Perpetuo Socorro, tiếng Pháp là Notre-Dame du Perpétuel Secours, tiếng Philippine là Ina ng Laging Saklolo.

Năm 1918, con trai của Marquis ở Rioflorido là Jose Carlos bị chứng viêm màng phổi. Người mẹ là bà Desamparado Fontes đã cho con trai đeo miếng vải đã được chạm vào linh ảnh ĐMHCG ở Rôma, bệnh được chữa lành ngay sau đó và được coi là phép lạ của ĐMHCG. Bà Fontes đã tạ ơn Đức Mẹ qua Huynh đoàn ở TP Almoradi, Tây Ban Nha. Ngày 29-5-1919, ĐMHCG được tôn vinh là bổn mạng giáo xứ Thánh Anrê và của cả thành phố. Năm 1945, ĐGH Piô XII phê chuẩn bằng một sắc lệnh. Năm 1969, lễ đặt vương miện cho bức hình do họa sĩ Santero Jose David thực hiện.

Theo yêu cầu của dân Haiti, dưới triều ĐGH Piô XII, Tòa Thánh đã đặt ĐMHCG là bổn mạng đất nước Haiti vào năm 1942. Nhiều người Haiti tin Đức Mẹ với tước hiệu ĐMHCG đã làm nhiều phép lạ ngăn chặn dịch tả và đậu mùa tại đất nước này vào năm 1882. ĐMHCG cũng xuất hiện trên tem bưu điện của Haiti. Tháng 1-2010, ĐGH danh dự Biển Đức XVI đã cầu xin ĐMHCG cho dân Haiti sau vụ động đất.

TRẦM THIÊN THU (tổng hợp)

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN