Home / Chia Sẻ / ĐỨC MARIA TRINH VƯƠNG

ĐỨC MARIA TRINH VƯƠNG

 

TrinhNuVuongLễ Đức Maria Trinh Vương (Đức Maria Nữ Vương) được ĐGH Piô XII thiết lập ngày 11-10-1954, với thông điệp Ad Caeli Reginam. Lễ này được mừng vào ngày 31-5, ngày cuối cùng của tháng kính Đức Mẹ. Năm 1969, ĐGH Phaolô VI dời lễ này vào ngày 22-8.

Lễ Đức Maria Trinh Vương có nguồn gốc từ Kinh thánh. Khi sứ thần Gabriel báo tin Con Mẹ sẽ nhận Vương triều David và cai trị đời đời. Mẹ đi thăm chị Elizabeth, Mẹ được gọi là “Mẹ Thiên Chúa”. Trong mọi bí ẩn cuộc đời Mẹ, Mẹ luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu: Thiên chức Nữ vương là chia sẻ Thiên chức Quốc vương của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nhớ lại trong Cựu ước, mẹ của vua có ảnh hưởng nhiều trong việc triều chính.

Thế kỷ IV, thánh Ephrem gọi Đức Mẹ là “Lệnh Bà” và “Nữ vương”, rồi các Giáo phụ và các Tiến sĩ Giáo hội vẫn tiếp tục dùng danh hiệu này. Các bài thánh ca hồi thế kỷ XI và XIII đều tôn xưng Mẹ là Nữ vương: “Kính mừng Nữ vương”, “Kính mừng Nữ hoàng Thiên quốc”, “Nữ vương Thiên đàng”. Chuỗi Mân côi của thánh Đa Minh và triều thiên của thánh Phan Sinh cũng như nhiều lời cầu trong Kinh cầu Đức Bà đều nhắc đến chức Nữ vương.

Lễ này theo sau lễ Đức Mẹ Mông triệu một cách hợp lý và được mừng vào ngày thứ tám sau lễ Mông triệu. Trong tông thư “Nữ hoàng Thiên quốc”, ĐGH Piô XII nói rằng Đức Maria xứng đáng nhận danh hiệu này vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sống kết hợp mật thiết với công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu với cương vị là Eva mới, vì Mẹ hoàn hảo trổi vượt và vì Mẹ có quyền bầu cử cho chúng ta.

Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Caeli) là danh xưng được các tín hữu (chủ yếu là Công giáo) dành cho Đức Mẹ, và với mức độ nào đó, trong Anh giáo và Chính thống giáo Đông phương cũng dùng danh xưng này, kết quả của Công đồng Êphêsô I hồi thế kỷ V, Đức Mẹ được tôn xưng là “Theotokos” (người mang Đức Kitô), danh xưng này có gốc tiếng Latin là Mater Dei, nghĩa là Mẹ Thiên Chúa.

Về vấn đề này, giáo huấn Công giáo được diễn tả trong thông điệp Ad Caeli Reginam của ĐGH Piô XII. Thông điệp nói rằng Đức Mẹ được gọi là Nữ Vương Thiên Đàng vì Đức Kitô là Vua Israel và Vua Vũ Trụ. Chính thống giáo Đông phương không chia sẻ tín điều này của Công giáo, nhưng họ có lịch sử phụng vụ phong phú về việc tôn kính Đức Mẹ.

Danh xưng Nữ Vương Thiên Đàng đã có từ lâu trong truyền thống Công giáo, có trong các kinh nguyện và văn chương sùng kính, có trong nghệ thuật Tây phương với chủ đề “Đăng Quang Đức Mẹ” (Coronation of the Virgin), từ thời Thượng Trung Cổ, rất lâu trước khi có dịnh nghĩa của Giáo Hội.

Theo giáo lý Công giáo, Đức Mẹ được đưa về trời ở với Đức Giêsu Kitô, Con Mẹ, và đã được giới thiệu trong sách Khải Huyền (Kh 11:19–12:6) là “người nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng”. Đức Mẹ phải được tôn xưng là Nữ Vương, không chỉ vì cương vị làm mẹ của Chúa Giêsu mà còn vì Chúa Cha đã tiền định Đức Mẹ được đồng công cứu độ nhân loại. Thông điệp Ad Caeli Reginam nói rằng Đức Kitô cứu độ nhân loại, Ngài là Thiên Chúa và là Thiên Vương, thế nên Đức Mẹ cũng là Nữ Vương vì Đức Mẹ tự nguyện xin vâng đồng công cứu độ với Ngôi Con.

Nữ Vương Thiên Đàng là một trong nhiều danh xưng dành cho Đức Mẹ. Danh xưng này lấy từ giáo huấn Công giáo dạy rằng Đức Mẹ, vào cuối đời trần thế, cả hồn xác được đưa về trời, và Đức Mẹ là Nữ Vương ở đó. Đó là định nghĩa đầu tiên về Đức Mẹ và là nền tảng về danh xưng Nữ Vương Thiên Đàng được phát triển tại Công đồng Êphêsô I, và Công đồng này xác định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Các giáo phụ đồng ý cách gọi này để phản bác ý kiến cho rằng Đức Maria “chỉ là” Mẹ của Chúa Giêsu (về nhân tính). Không có ai tham dự vào sự sống của Chúa Giêsu hơn Đức Mẹ, người đã sinh Con Thiên Chúa.

Nữ Vương Mân Côi: Đức Mẹ cho các tín hữu tham dự vào sự sống của Mẹ với Đức Kitô. Kinh Mân Côi là lời cầu xin đức tin, đức cậy và đức mến – các nhân đức đối thần hoàn hảo nơi Đức Mẹ.

Nữ Vương các Thiên Thần: Truyền thống Công giáo phản ánh trong Kinh cầu Loreto, các Thiên thần là sứ giả của Thiên Chúa, các Thiên thần cũng chúc tụng Thiên Chúa. Là mẹ Thiên Chúa, Đức Maria còn hơn là một sứ giả, và trong Kinh Ngợi Khen (Magnificat), Đức Mẹ cũng chúc tụng Thiên Chúa. Trên Thiên Đàng, Đức Maria là Nữ Vương các Thiên Thần.

Nữ Vương Hòa Bình: Đối với các Kitô hữu, Đức Kitô là sự bình an (hòa bình). Họ cầu nguyện: “Nguyện xin bình an của Đức Kitô ở với bạn”. Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình vì Đức Mẹ giúp giao hòa nhân loại với Thiên Chúa, đưa hòa bình vào thế giới, và vì Đức Mẹ đã sống trọn Thánh Ý Chúa chứ không theo ý riêng. Theo truyền thống Công giáo, hòa bình là Thánh Ý Chúa.

Nữ Vương các Tổ Phụ: Trong Cựu ước, các Tổ phụ có mối liên hệ ngoại lệ với Thiên Chúa. Tổ phụ Ápraham được coi là “cha của đức tin” (St 15:5; Rm 4; Dt 11:8). Trong Kinh cầu Loreto, Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của Ápraham, Isaac và Giacóp, mà còn là Thiên Chúa của Đức Maria. Chỉ có Đức Maria có đức tin hoàn hảo nên mới được gọi là “diễm phúc” (Lc 1:45). Với danh xưng Nữ Vương các Tổ Phụ, Giáo hội Công giáo bày tỏ sự xứng hợp và vị trí của các Tổ phụ thời Cựu ước.

Với lý do tương tự, Đức Mẹ là Nữ Vương các Tiên Tri (Ngôn sứ) với lời tiên tri của Đức Mẹ trong Kinh Magnificat. Đức Mẹ là Nữ Vương các Tông Đồ, Nữ Vương các Vị Tử Đạo, Nữ Vương các Tội Nhân, Nữ Vương các Người Đồng Trinh, và Nữ Vương các các Thánh. Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nên được đặc cách về trời khác với mọi thụ tạo.

Trong cuốn “Vinh Quang của Đức Mẹ” (The Glories of Mary), Thánh Anphong Ligôri đã gọi Đức Mẹ là “Cửa Thiên Đàng”, dựa trên văn bản của Thánh tiến sĩ Bernard Clairvaux.

Năn 1964, Công đồng Vatican II gọi Đức Mẹ là Nữ Vương Vũ Trụ (Nữ Vương Trời Đất). Trong Hiến chế Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân, số 59), nói: “Cuối cùng, Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, khi hoàn tất hành trình trần thế, đã được đưa cả hồn và xác về trời vinh quang, và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương Vũ Trụ”.

Tôn danh Đức Maria Trinh Vương được thúc đẩy bởi các công nghị về Đức Maria tại Lyon (Pháp), Freiburg (Đức), và Einsiedeln (Thụy Sĩ). Gabriel Roschini thành lập Hội Pro Regalitate Mariae tại Rôma (Ý) nhằm thúc đẩy việc sử dụng tôn danh Đức Maria Trinh Vương. Vài Đức giáo hoàng đã gọi Đức Maria là Nữ Vương Thiên Đàng, có ghi trong tài liệu của Gabriel Roschini. ĐGH Piô X lặp lại tôn danh này nhiều lần trong các thông điệp và các Tông thư, nhất là hồi thế chiến II.

Lạy Đức Mẹ Trinh Vương, xin thương nguyện giúp cầu thay. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …