Điều trước tiên là trong nhân loại có nhiều người nói và sống khiêm nhường. Vì thế, chúng ta có thể suy nghĩ hay theo kiểu khiêm nhường của người này, khiêm nhường của người kia. Tuy nhiên, đức khiêm nhường mà chúng ta nói ở đây là của Kitô Hữu nên chúng ta phải quy về Đức Kitô: Đức Kitô là gương mẫu khiêm nhường của chúng ta. Chúng ta nghe lời Người dạy, nhìn vào cách sống của Người để biết sống thế nào là khiêm nhường,… Khiêm nhường của kitô hữu mang tính qui kitô. Đức Kitô là mẫu mực của chúng ta và vì theo lời, theo gương Đức Kitô mà khiêm nhường của kitô hữu mang giá trị tuyệt hảo. Khiêm nhường của chúng ta không đến từ con người để rồi tiêu tan như con người. Giá trị khiêm nhường của kitô hữu mang tính đời đời, có giá trị đưa chúng ta đến sự sống đời đời.
Điều đó không do chúng ta bịa ra nhưng do Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 29).
Thế nhưng sống khiêm nhường là cuộc sống đầy thử thách. Khiêm nhường không chỉ là lời nói, mà là cuộc sống. Vì là cuộc sống nên đôi khi trong thực tế xảy ra những trường hợp đụng chạm. Thí dụ, trong cộng đoàn tu trì, đôi khi bề trên mời người này người kia làm công việc gì đó thì thường bề trên nhận được những câu thoái thác chẳng hạn như: “con không làm được vì làm dở so với người khác…”, trong khi Bề trên thấy người đó làm được, không phải chỉ vì khả năng, nhưng do cách đối xử khéo léo với người khác. Không phải vì người đó giỏi mà vì người đó có thể mời người khác cộng tác. Tuy nhiên người đó từ chối vì cảm thấy từ chối như vậy là sự khiêm nhường, khi mình thấy khả năng chuyên môn thấp kém.
Cũng có khi tôi cảm thấy bề trên không biết dùng người. Ở trong chủng viện, tôi là người giỏi, nhiều tài, hát hay, ăn nói có duyên thu hút được nhiều người, vậy mà bề trên sai tôi đến vùng truyền giáo có khi phải học tiếp tiếng dân tộc, có khi quanh quẩn bên tôi chỉ có vài người lương, tiếp xúc rất khó, kinh tế cũng khó, không phát huy được khả năng mà mình đã tích lũy được… làm cho linh mục ấy cảm thấy mình được sai không đúng chỗ.
Vậy khiêm nhường theo sự suy nghĩ của chúng ta như thế chưa chắc là khiêm nhường mà Đức Giêsu mời gọi.
Khiêm nhường của Đức Giêsu mang tính tự hạ, nói đơn giản là vâng lời. Chúa Giêsu vâng lời Thiên Chúa Cha xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Nhiều người lấy làm lạ về công cuộc cứu chuộc: Tại sao Thiên Chúa không ở trời cao phán một lời là xong, cần gì phải vất vả ngược xuôi rao giảng để rồi sau cùng bị vác thánh giá và chịu bị con người giết chết. Vậy mà trái với ý kiến của chúng ta, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế, đồng hành với con người trên đường về Nước Trời. Chương trình của Thiên Chúa là thế, ai trong chúng ta dám nói chương trình đó là sai, là không hiệu quả.
Tuy nhiên, chúng ta thường có khuynh hướng muốn Chúa Giêsu làm theo lời của ma quỉ cám dỗ trong hoang địa: lôi kéo người khác đến với mình qua những hành động ngoạn mục… Chúng ta thấy Chúa Giêsu thẳng thừng bác bỏ những đề nghị của ma quỉ. Bác bỏ vì hành động như thế làm chúng ta dừng lại cuộc sống trần gian, chỉ phấn đấu cho cuộc sống hiện tại. Đây thực sự là âm mưu của ma quỉ: lôi kéo con người xa chương trình của Thiên Chúa, xa thập giá của Đức Kitô, coi cuộc sống trần gian là tất cả, đi tìm Chúa cũng chỉ để cho cuộc sống trần gian mà thôi.
Ma quỉ đã thất bại khi lôi kéo Chúa Giêsu về phía mình, lôi kéo Chúa Giêsu làm theo cách của mình vì Chúa Giêsu chữa lành là để con người tạ ơn Thiên Chúa và hướng người ấy đến sự sống đời đời. Cuộc đời của Chúa Giêsu là không ngừng đưa con người đến Thiên Chúa Cha, nói cách khác Chúa Giêsu vâng lời Thiên Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá.
Ngày nay, chúng ta cũng có khuynh hướng đi xa con đường của Chúa Giêsu. Một người bị ung thư, đi tìm thầy chạy thuốc không khỏi, chạy đến phong trào lòng Chúa thương xót, xin cộng đoàn cầu nguyện. Và theo người ấy kể lại là người ấy được khỏi bệnh. Hiện tượng ấy làm người ấy tin tưởng vào Chúa, xin theo đạo và trở nên chứng nhân theo nghĩa đã nhận được ơn của Chúa. Sự tin tưởng vào ơn Chúa chữa lành làm cho người ấy không chuẩn bị cho giờ chết của mình. Những người săn sóc cho biết anh tin tưởng Chúa đến cứu cho đến lúc chết. Người ấy không đảm nhận cuộc sống khi vui khi buồn cũng là ơn Chúa, mà chỉ nhìn thấy Thiên Chúa chữa lành là ơn Chúa. Cuộc sống ấy xa lìa chương trình của Thiên Chúa, xa lìa thập giá Đức Kitô, xa lìa chính Đức Kitô trong cuộc thương khó của Người.
Cuộc sống khiêm nhường là cuộc sống vâng lời. Khi vâng lời, người ấy coi ý của mình là thấp kém, thua xa ý của Chúa, ý của mình nằm dưới ý của bề trên, của cộng đoàn. Đôi khi mình được mời làm việc này, sau đó người ta mời làm việc khác, điều đó làm cho mình giận lên và nói: “Tại sao không để tôi làm tiếp? Tôi có lỗi gì mà không cho tôi làm tiếp? Cho nghỉ việc vậy là làm mất mặt tôi… Tranh đấu (dùng mọi phương tiện) để giữ chức hay lên chức cũng là hình thức thiếu khiêm nhường.
Vì thế tập đức khiêm nhường trước tiên là tập vâng lời: tôi được đặt ở chỗ nào tôi cố gắng làm cho tốt ở chỗ đó. Như thế vừa vâng lời vừa chứng tỏ khả năng của tôi.
Trong lịch sử Giáo hội, có một số nhà thần học đưa ra những tư tưởng rất mới, nhưng tư tưởng này được đưa ở thời gian chưa thích hợp, gây xáo trộn cộng đoàn Giáo hội. Kết quả là Giáo hội bảo thinh lặng không được viết sách, không được giảng nữa, dù tư tưởng của ngài đúng và hay. Đây là một sự thử thách lớn đối với nhà thần học ấy nhưng nhiều nhà thần học vâng lời. Kết quả là về sau giáo hội chấp nhận tư tưởng đó, công đồng lấy tư tưởng của ngài đưa vào Công Đồng. Chúng ta thấy Giáo hội cần có thời gian để chuẩn bị đón nhận ơn Chúa. Thái độ vâng lời cũng chứng tỏ người ấy làm việc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hiểu được ý Chúa và như thế làm tăng giá trị cho những gì người ấy nói, viết và làm.
Lối sống vâng lời khi chu toàn những việc mà người ta coi là nhỏ bé, là không quan trọng chứng tỏ người ấy biết tự hủy, biết theo gương Chúa Giêsu, biết làm tốt những việc mà người ta coi là nhỏ,… người ấy xứng đáng được giao cho những việc lớn.
Làm tốt công việc của Chúa có nghĩa là gì?
Làm tốt là đưa người ta trở về với Chúa. Bận tâm của người làm việc cho Chúa là số người trở lại với Chúa, theo lời dạy của Chúa, sống đời sống theo Chúa Giêsu, nhất là vác thánh giá theo Chúa. Trở về với Chúa không phải chỉ đếm số người được Rửa tội, số người tham dự nghi thức Phụng vụ đông đảo. Trở về với Chúa là con tim thay đổi, đời sống thay đổi, thay đổi khuôn theo con tim và đời sống của Đức Kitô.
Nếu chúng ta nhận được ơn rồi theo Chúa một thời gian thì không hẳn đó là cuộc đời theo Chúa. Nếu chúng ta theo Chúa vì một người nào đó, khi người ấy chết hay đi xa, chúng ta bỏ Chúa thì không hẳn là theo Chúa (theo người đó thì đúng hơn). Nguy cơ là ở chỗ tưởng mình theo Chúa nhưng thực sự là theo người và chúng ta lưu ý rằng ơn cứu rỗi không đến từ bất cứ người nào mà đến từ việc chúng ta gắn bó với chính Đức Kitô.
Chính vì thế chúng ta cần quan sát kỹ các mục tử, những người hướng dẫn chúng ta. Nếu những người ấy lôi kéo người ta về mình, nếu người ấy tìm cách làm cho người ta tôn trọng mình thì người ấy đã không sống khiêm nhường, không sống đúng vai trò mục tử… Mục tử phải là người đưa người ta tới Chúa và biết lẳng lặng rút lui, nhìn người ta đến với Chúa: đó là đời sống khiêm tốn, đời sống của một mục tử chân thật, hướng dẫn người khác đến vị Mục tử chân thật, duy nhất là Đức Kitô. Chính vị Mục tử này mới ban cho chúng ta sự sống đời đời.
Vì thế khi đưa một người nào đó trở lại đạo, chúng ta đừng bắt người đó phụ thuộc hay lệ thuộc mình. Trái lại khi đưa người ta đến với Chúa, chúng ta vui mừng vì người khác trung thành yêu mến Chúa, sống đời kitô hữu linh mục hay giáo dân tốt lành.
Đó là cuộc sống khiêm tốn như Thánh Gioan: “Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ đi”. Khiêm tốn là mình không ganh tị với ai cả, không đè người làm hiệu quả hơn mình, nếu người ta làm hiệu quả hơn mình thì cảm thấy mừng vì họ làm cho người ta đến với Chúa.
Người khiêm tốn là người nhận ra khả năng của mình
Thí dụ: trong cộng đoàn của tôi, không ai biết nhạc cả, tôi biết chút đỉnh thì tôi hơn những người khác không biết tí gì về nhạc. Tôi là người có khả năng hơn những người khác, tôi phải phục vụ Cộng đoàn trong khả năng yếu kém của tôi, và tôi cũng khiêm tốn nhận ra khả năng yếu kém của tôi. Nếu một ngày nào đó, Bề trên sai một người khác đi học nhạc để về thay, thì thay vì giận, nói xấu trách móc bề trên,… tôi khiêm tốn chấp nhận bởi vì người kia phục vụ cộng đoàn tốt hơn tôi.
Vì thế, nếu tôi giỏi, biết nhiều, làm hay nhưng coi thường người khác, cộng đoàn cũng không tiến hơn mà còn gây xáo trộn, làm cho cộng đoàn mất bình an. Trái lại, nếu tôi giỏi, tôi biết hỗ trợ người khác để mọi người có thể dùng khả năng Chúa ban cho riêng mình mà phục vụ Giáo hội, nếu được như vậy thì Giáo hội tiến bộ hơn nhiều.
Điều đó cho thấy mỗi người đều có một ơn để phục vụ cộng đoàn. Nếu tôi biết tôi nhận được ơn nào thì tôi cố gắng phục vụ cộng đoàn bằng ơn đó, phục vụ một cách không tự hào, bởi vì chúng ta biết các ơn mà Chúa ban, các khả năng mà Chúa ban cho chúng ta, không thuộc về chúng ta.
Con người chúng ta làm gì có khả năng, nhưng qua quá trình sống, qua quá trình tiếp xúc với người này người kia, qua quá trình học hỏi và nhất là Chúa ban cho tôi trí thông minh để tôi học nhanh vấn đề đó. Vậy thì nếu tôi không có trí thông minh thì tôi có học được không? Chúng ta thấy câu trả lời rất đơn giản. Vì thế cho nên nếu chúng ta tự hào khoe về khả năng của mình thì chúng ta coi chừng, mình quên đi một sự thật: Chúa ban cho tôi làm người, Chúa ban cho tôi có khả năng học, Chúa ban cho tôi có khả năng hiểu biết,… tôi mới là người có khả năng, tôi mới là người thông minh, tôi mới có thể làm việc được. Nếu Chúa lấy đi sức khỏe, trí thông mình,… tôi trở về con số không. Những người kiêu ngạo, thường thường quy về mình, và người hay quy về mình, thì đâu phải là người của Chúa. Người đó có tài nhưng tài đó quy về mình, phục vụ cho mình (không phải là phục vụ cho Chúa), Chúa chỉ là phương tiện để người đó phục vụ cho mình, có nghĩa là dùng Chúa để phục vụ cho mình, để phục vụ cho danh tiếng của mình. Nhiều khi chúng ta đi vào con đường đó là con đường rất sai lầm. Tôi nên nhớ rằng làm gì (thí dụ tham gia vào trong phong trào Sùng kính Lòng Chúa Thương Xót) tôi cũng được mời gọi hướng về Chúa, đọc kinh là phương tiện để chúng ta đến với Chúa, cầu nguyện với Chúa.
Nếu chúng ta làm như vậy thì cuộc đời của chúng ta giống Chúa Kitô, đưa người ta tới với Chúa. Chúa Kitô là mục tử, là người dẫn dắt, Người dẫn chúng ta tới Thiên Chúa Cha, để tất cả chúng ta ở trong gia đình của Thiên Chúa. Và khi chúng ta sống khiêm tốn như thế, chúng ta thực sự là người tông đồ của Chúa.
Tóm lại: Đức khiêm tốn của chúng ta là theo gương Khiêm tốn của Đức Kitô. Và Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống khiêm tốn như Người: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hiền lành như Chúa Giêsu cũng không phải là ai muốn làm gì thì làm nhưng tôi hiền lành và khiêm tốn để nhìn ra sự thật. Sự thật giúp tôi biết khả năng của tôi, và tôi cố gắng hết mình để chu toàn nhiệm vụ. Đồng thời tôi cũng không quên nhắc nhở mình chỉ là đầy tớ vô dụng, tôi không khoe khoang chính mình, để chính Thiên Chúa là chủ của tôi được vinh danh.
Người khiêm nhường được Chúa nâng cao
Một lần Chúa Giêsu chữa trị cho người cùi theo lời cầu xin của anh.
(Mt 8, 2) Và kìa một người bị phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Lời cầu xin của anh chàng này xem ra khá khiêm tốn với câu mở đầu; “nếu Ngài muốn”, nếu Ngài muốn có nghĩa là không phải nếu tôi muốn. Dĩ nhiên tôi cũng muốn, nhưng đến cầu xin với Chúa Giêsu thì nói: “nếu Ngài muốn”. Câu đó đặt sự sống hay là sự kêu cầu của chúng ta theo sự tự do, theo ý muốn của người kia. Thường thường chúng ta hay xin Chúa theo kiểu cho con được trúng số, xin cho con được ơn này ơn kia… Anh chàng phong cùi này xem ra khá hơn “nếu Ngài muốn”. Có bao giờ chúng ta đặt câu nói đó ở đằng trước không? “Nếu Ngài muốn” xin Chúa cho con được cái này cái kia. Chúng ta thường xin Chúa thẳng luôn chứ không có nếu gì cả.
Vì thế câu này cho thấy rằng đây không phải là lệnh phải làm nhưng đây là lời thỉnh cầu, không ra lệnh, “nếu Cha muốn thì Cha giúp cho chúng con chuyện này chuyện kia”…., người được thỉnh cầu thì có thể có tự do làm hay không làm.
Lời cầu xin này cho thấy sự khiêm tốn của anh ta. Anh thấy mình không có lý do gì để ép Chúa Giêsu phải làm vì thế anh thỉnh cầu: “nếu Ngài muốn” xin Ngài làm. Một lời đề nghị khởi đi từ sự khiêm tốn, từ việc mình không có quyền gì mà mình bắt ông kia làm. Lời cầu nguyện cho thấy chính anh cũng chưa xứng đáng để xin hay nhận được một cái gì đó. Kết quả là anh ta khỏi bệnh: những người khiêm tốn thì được Chúa chúc phúc.
Nhiều vị thánh các tông đồ cũng nói tới sự khiêm tốn, tâm tình khiêm tốn là coi người khác đáng tôn trọng hơn mình. Chúa Giêsu từ bỏ chính mình, Ngôi Lời trở thành nhục thể, và đó là sự khiêm tốn của Đức Kitô. Chúng ta nghe nhiều lời trong Kinh Thánh nói Chúa chống cự kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm nhường.
Tất cả chúng ta phải có được tính khiêm nhường như là một trang sức. Đức khiêm nhường là trang sức khá đặc biệt của Kitô hữu, vì trang sức đó không phải ở ngoài gắn vào, mà là chính bản thân của mình, ở bên trong.
Chúa Giêsu cũng cho thấy người khiêm nhường sẽ được nâng cao. Ai khiêm nhường như con trẻ, ai có đời sống giống như con trẻ thì là người lớn nhất trong nước trời. Ai tự cao sẽ bị hạ, ai hạ sẽ được đem lên. Và Chúa Giêsu đã làm gương điều đó qua việc Ngài rửa chân cho các tông đồ đến nỗi Phêrô phải phản ứng, “không, Thầy không phải rửa chân, thầy mà rửa chân cho con ư?”, ngày nay có nhiều linh mục bắt chước Chúa Giêsu rửa chân rồi còn hôn chân nữa. Người có cuộc sống khiêm nhường thì được chính Thiên Chúa nâng cao.
LM Ernest Nguyễn Văn Hưởng