Home / Tiêu Điểm / Đức hồng y Filoni thăm giáo phận Đà Nẵng

Đức hồng y Filoni thăm giáo phận Đà Nẵng

Sau một đêm an bình dưới vòng tay chở che của Đức Mẹ La Vang, sáng ngày 23/1/2015 phái đoàn của Đức hồng y Fernando Filoni, Bộ trưởng Bộ Loan báo Tin mừng cho các Dân tộc, rời khỏi thánh địa La Vang trong màn sương mù dày đặc, lên đường đến Quảng Nam – Đà Nẵng, nơi ghi dấu lịch sử cách nay bốn trăm năm Tin Mừng có mặt nơi đất Việt trời Nam.

Viếng Đền thánh Anrê Phú Yên

Khi đoàn xe tới giáo xứ Phước Kiều, thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đồng hồ đã điểm 11g30. Như vậy, chặng hành trình đi mất bốn giờ lăn bánh (khởi hành khoảng 7g30).

Con đường dẫn từ ngoài lộ lớn đến Đền thánh Anrê Phú Yên khá nhỏ hẹp nên phái đoàn phải xuống xe, rảo bộ khoảng hai trăm mét. Vùng quê nơi đây sống trong một bề dày truyền thống đặc biệt, truyền thống trong nghề nghiệp đúc đồng nổi tiếng và truyền thống gieo mầm đức tin Kitô cũng đã vài thế kỷ. Giáo dân tại đây đứng chờ sẵn ven con đường nhỏ, hân hoan chào đón Đức hồng y Bộ trưởng cùng phái đoàn, trong đó có Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli (Đại diện Toà Thánh tại Việt Nam), Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (Chủ tịch HĐGMVN), Đức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri (giáo phận sở tại Đà Nẵng), Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương và các giám mục thuộc giáo tỉnh Huế…

Đức hồng y Bộ trưởng cùng phái đoàn đã dành ít phút thinh lặng cầu nguyện trước Chúa Thánh Thể trong ngôi đền thánh Anrê Phú Yên nhỏ bé bình dị. Sau đó, cha Phaolô Trần Ngọc Hoàng, quản nhiệm Đền thánh Anrê Phú Yên, đã lược tóm vài nét về vị chứng nhân người Việt Nam tử đạo tiên khởi: Chân phước Anrê Phú Yên sinh năm 1625 tại Mằng Lăng (tỉnh Phú Yên); tuy nhiên nơi chốn mà vị chứng tá tiên khởi gia nhập Hội Thầy giảng và sau đó chịu hành hình vì Danh Chúa đều xảy ra trên mảnh đất Quảng Nam vào năm 1644. Chân phước Anrê Phú Yên hy sinh ở độ tuổi 19 – tuổi trẻ trung và gan dạ, trong tâm tình quảng đại: “Hãy lấy tình yêu đáp đền tình yêu”.

Đức hồng y Fernando Filoni đã dành ít phút chia sẻ một cách cô đọng và sâu sắc với cộng đoàn hiện diện: “Thật ý nghĩa khi mừng biến cố đại lễ 400 năm Tin Mừng đến với Việt Nam, bắt đầu bằng chuyến hành hương kính viếng Đền thánh Anrê Phú Yên… Ơn Đức Tin không dành riêng cho mỗi anh chị em nơi đây, mà cần chia sẻ cho người khác, làm cho sinh hoa kết quả”.

Thăm Nhà thờ Công giáo Hội An

Rời Đền thánh An rê Phú Yên, phái đoàn của Đức hồng y Fernando Filoni đi đến Nhà thờ Công giáo Hội An (106 đường Nguyễn Trường Tộ) lúc 12g40. Đây là một địa điểm đóng vai trò rất đặc biệt trong giáo sử đạo Chúa. Bảng niên đại lịch sử treo trước mặt tiền của Nhà thờ long trọng ghi rằng: “Đây là giáo xứ được hình thành đầu tiên tại Việt Nam”. Điều này được cha quản xứ Marcello Đoàn Minh hứng khởi trình bày trước Đức hồng y Fernando Filoni cùng phái đoàn: “Cách nay 400 năm, vào ngày 18/1/1615 Tin Mừng đã được rao giảng trước tiên tại Hội An, Quảng Nam bởi các vị thừa sai dòng Tên – trong đó có ngài Francesco Buzomi người Ý”. Ngôi nhà thờ giáo xứ Hội An hiện nay được xây dựng trên nền cũ có diện tích 720m2. Nhiều du khách lẫn tín hữu hành hương đều đặn tới địa điểm đặc biệt này mỗi năm”. Kết thúc phần giới thiệu, cha quản xứ nói: “Xin Đức hồng y cầu nguyện cho chúng con sống Đức tin Kitô trong hoàn cảnh hiện nay một cách trung thành và trung thực”.

Nhân dịp này, cha quản xứ đã đại diện cộng đoàn dâng tặng Đức hồng y Bộ trưởng một bức tranh vẽ khung cảnh Hội An khi giáo sĩ Buzomi đến truyền đạo.

Đáp từ, Đức hồng y Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phúc thay những ai rao giảng Tin Mừng, và cũng phúc thay những ai biết đón nhận Tin Mừng. Trong 400 năm rao giảng, tín hữu Kitô không ngừng bị bách hại, nhưng hạt mầm Tin Mừng đã được gieo xuống và trổ sinh nhiều bông hạt phong phú”.

Sau đó, Đức hồng y Bộ trưởng cùng các vị giám mục trong đoàn đã ra viếng mộ các thừa sai, kính cẩn thắp hương tưởng nhớ tới các vị giám mục Guillermo Mahot (rao giảng trong các năm 1682-1684), giám mục Phanxicô Perez (1691-1728), giám mục Gioan Valere Rist (1735-1737), linh mục thừa sai Pierre Auguste Gallioz – quản trị và xây dựng nhà thờ Hội An năm 1935…

Tại đây, phái đoàn của Đức hồng y Bộ trưởng cũng đã đến chiêm ngắm bức tượng bằng đá cẩm thạch “400 năm Việt Nam minh chứng Tin Mừng 1615-2015” rất đẹp và thanh thoát, do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng thực hiện. Đức hồng y Bộ trưởng, cùng với Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri, Đức Tổng giám mục Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, Đức giám mục Mátthêu Nguyễn Văn Khôi, Đức giám mục Giuse Võ Đức Minh, cha quản xứ Marcello Đoàn Minh đã lần lượt ký tên vào chân đế của bức tượng.

Sau đó Phái đoàn của Đức hồng y Bộ trưởng và quan khách dùng cơm trưa tại nhà xứ Hội An.

Tại Nhà thờ chính toà Đà Nẵng

Vào lúc 16g15, Đức hồng y Bộ trưởng đã gặp gỡ linh mục đoàn Đà Nẵng tại hội trường nhà xứ Đà Nẵng. Ngài nhắc nhở các linh mục đừng chỉ là những nhà quản trị nhưng hãy hăng say đi “ra ngoài” loan báo Tin Mừng; hãy làm cho Tin Mừng có sức thu hút bằng chính cuộc sống đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, gương mẫu về luân lý, thể hiện vẻ đẹp của đức khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh và nhiệt thành truyền giáo.

Buổi chiều ngày 23/1/2015 đã trở thành một sự kiện lịch sử trong giáo phận Đà Nẵng nói riêng, và Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung khi một Thánh lễ sau đó được cử hành trọng thể tại Nhà thờ chính toà, vừa để bế mạc Năm Thánh tại giáo phận sở tại (Năm Thánh bắt đầu từ 18/1/2013), vừa kỷ niệm 50 năm thành lập giáo phận Đà Nẵng, đồng thời cũng đánh dấu 400 năm Tin Mừng đến Việt Nam. Lúc 17g15, giữa lời ca tiếng hát của hàng ngàn người đứng chật khuôn viên Nhà thờ chính toà, Đức hồng y chủ tế Fernando Filoni cùng đoàn rước đồng tế từ nhà xứ đi nửa vòng khuôn viên, tiến vào lễ đài đặt tại tiền sảnh của nhà thờ.

Tại lễ đài, cha Tổng đại diện của giáo phận sở tại đọc lời chào mừng Đức hồng y Bộ trưởng và giới thiệu lịch sử Tin Mừng đến Việt Nam. Cùng với việc rao giảng Tin Mừng, các vị thừa sai còn có những đóng góp quan trọng trong lịch sử văn hoá của dân tộc Việt Nam, chẳng hạn công trình sáng tạo chữ quốc ngữ với công lao của giáo sĩ Francesco de Pina… Một hoạt cảnh – mang nội dung tái hiện quá trình loan báo và đón nhận Tin Mừng cách nay 400 năm – đã được dàn dựng sinh động, thu hút toàn thể cộng đoàn có mặt tại Nhà thờ chính toà.

Tiếp đó là phần phát biểu của Đức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục giáo phận Đà Nẵng; ngài nhắc đến những thách đố, trong đó có sự ngộ nhận về điều gọi là “vai trò thực dân” trong quá trình “du nhập” đạo Công giáo. Kỳ thực việc truyền giáo mang ý nghĩa cao cả vượt lên trên những biến động lịch sử, với vai trò của các thừa sai đầu tiên không phải là “thực dân Pháp” mà là người Ý như giáo sĩ Buzomi, người Bồ Đào Nha như giáo sĩ Francesco de Pina…

Điều bất ngờ thú vị là “hai món quà” dâng tặng Đức hồng y Fernando Finoli: một tiết mục đơn ca với giọng hát rất trong trẻo đầy cuốn hút của một cô bé cha Ý mẹ Việt; một cuốn Tin Mừng khổ lớn được chép tay từ 400 người gồm đủ các thành phần dân Chúa Đà Nẵng, từ các linh mục, tu sĩ nam nữ cho đến các giáo dân.

Trong phần đáp từ, Đức hồng y Bộ trưởng nhắc nhở: “Hãy đi ra khỏi mình, loan báo Tin Mừng cho những người chưa nhận biết Chúa, để họ cũng được hạnh phúc rước Mình Thánh Chúa vào lòng”. Ngài đã tặng cho giáo phận Đà Nẵng một Chén Thánh để luôn ghi nhớ biến cố trọng đại 400 năm Tin Mừng có mặt tại Việt Nam.

Lúc 18g, Thánh lễ bắt đầu được cử hành trọng thể. Trong Thánh lễ, đặc biệt có có cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo cho 50 dự tòng. Vì thế, trong bài giảng lễ, vị Hồng y chủ tế nhắc nhở mọi người được rửa tội hãy ý thức rằng ánh sáng đã bừng lên trong bản thân mình, hãy sống cho đẹp ơn đức tin và hãy chia sẻ đức tin cho mọi người. Sau bài giảng, Đức hồng y Filoni, Đức Tổng giám mục Girelli, Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc và Đức giám mục Giuse Châu Ngọc Tri đã rửa tội và ban bí tích Thêm Sức cho các dự tòng.

Cuối Thánh lễ là nghi thức “Sai đi” do Đức giám mục chính toà Đà Nẵng chủ sự. Hàng ngàn ngọn nến lung linh hoà quyện với lời ca đầy sốt sắng: “Vì con muốn là men, muốn là muối ướp cho mặn đời. Vì con muốn liều thân, đem Tin Mừng đi khắp nơi”. Kết thúc nghi thức “Sai đi” là màn đồng diễn “Lên đường” với 400 bạn trẻ (biểu trưng cho 400 năm Tin Mừng đến Đà Nẵng) thả 400 trái bong bóng bay vút lên trời cao, rồi thể hiện những cử điệu lên đường truyền giáo thật hùng tráng.

Thánh lễ khép lại lúc 20g15 trong niềm hân hoan lớn của Phép Lành Toàn xá, cùng với những niềm vui nho nhỏ của nhiều người được chụp hình lưu niệm với nhau và nhận những hộp bánh mà Ban tổ chức tặng cho các giáo dân tham dự.

(Nguồn: tgpsaigon.net)

Nguyên Chương & Linh Hữu

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG