Home / Chia Sẻ / Đức Giêsu Đã Làm Gì?

Đức Giêsu Đã Làm Gì?

 

                  Đức Giêsu Đã Làm Gì?

 

Young-Lord-PrayingLCác em thiếu nhi thân mến. Chúng ta vừa đón chào một mùa Giáng Sinh an lành, hạnh phúc trong Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

Có nhiều em thắc mắc: Đức Giêsu khi bằng tuổi các em, Ngài đã làm gì, kinh thánh không nói tới. Anh xin gửi tới các em vài dòng suy tưởng của anh, hy vọng các em hiểu thêm một ít về Thầy mình.

                                                    

Như chúng ta đã biết, Đức Giêsu năm 12 tuổi, Ngài đã theo cha mẹ lên đền Gie-ru-sa-lem.  Hằng năm, cha mẹ Ðức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.  Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. (Lc 2, 41-45).  

Theo đoạn Kinh Thánh trên. Hàng năm là mỗi năm một lần, như vậy Đức Giêsu đã nhiều lần lên Giê-ru-sa-lem.

 Đức Giêsu lên Giê-ru-sa-lem để làm gì?

Chắc chắn Đức Giêsu lên đền không phải đi chơi, đi du lịch. Ngài lên đền vào dịp lễ Vượt Qua để cầu nguyện. Một người phải có tâm tình cầu nguyện liên lỷ suốt năm, mới có thể đi bộ hàng mấy ngày đường để lên đền thờ, dù đường xá xa xôi, thời tiết nóng lạnh vv.. Cầu nguyện xong lại hết mấy ngày trở về, cũng khó nhọc như lúc đi. Đức Giêsu cũng vậy, Ngài cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha mỗi ngày và thể hiện lời cầu nguyện ấy bằng hành động cụ thể là lên đền thờ cầu nguyện.

Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, sao lại cầu nguyện nhiều như vậy?

Là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đức Giêsu xuống thế gian với một sứ vụ: Cứu Chuộc Nhân Loại. Vì thế, Ngài phải lo chu toàn sứ vụ ấy. Muốn được như vậy, Ngài luôn kết hợp cùng Đức Chúa Cha bằng lời cầu nguyện, cầu nguyện nhiều như thế là để làm gương cho chúng ta nữa. Chúa cho mỗi người chúng ta hiện hữu trên trái đất này là Ngài đã giao cho một nhiệm vụ. Chúng ta hãy biết sống kết hợp với Chúa bằng những lời cầu nguyên, để được Chúa thương chúc phúc.

 

Ngoài cầu nguyện, Đức Giêsu còn làm gì nữa?

Trích đoạn Tin mừng sau: Rồi Ðức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:

 Thần Khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả lại tự do cho người bị áp bức,
 công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giêsu đọc Sách Thánh một cách mạch lạc, trôi chảy. Để được như vậy, Ngài đã phải tập đọc, tập viết từ năm lên 8- 10 tuổi, y như chúng ta ngày nay.

Theo tài liệu. Người Do Thái sử dụng tiếng Hebrew (Hip-ri), nhưng cư dân nơi đây lại dùng tiếng Aeamic (Cư dân miền bắc Syria). Chữ viết hip-ri là chữ viết khó học (không như chữ viết của VN ta). Muốn đọc thông viết thạo phãi học từ 4-5 năm*. Ngoài học viết và đọc, Đức Giêsu còn học lịch sử. Lịch sử Do Thái là một chuỗi dài, vậy mà Ngài đã tinh thông mọi vấn đề.

Trích đoạn tin mừng sau đây, nói về sự hiểu biết lịch sử của Đức Giêsu: Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.  Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống. (Lc 20. 37-38).

Đức Giêsu tới tuổi trưởng thành, Ngài theo cha là Giuse làm nghề thợ mộc,  Ngài làm việc rất siêng năng, đi đây đi đó ( Người Do Thái làm nhà bằng gỗ) được nhiều người quý mến. Sau này khi trở về quê quán, Ngài đã được người ta nhận ra.

“Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” (Mt 13, 54).

Các em thân mến. Tóm gọn các suy tưởng trên, anh thấy Đức Giêsu đã làm những việc như sau:

–         Cầu nguyện. anh rất vui khi thấy các em tham đự thánh lễ rất đông. Các em đến nhà thờ để chúc tụng ngợi khen Chúa, đồng thời xin Chúa ban cho sức khỏe, học hành tấn tới vv… Anh chỉ khuyên các em một điều. Hãy cầu nguyện với tất cả tấm lòng yêu mến như Đức Giêsu đã cầu nguyện.

–         Học hành. Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa. Ngài hiểu biết hết mọi sự, không cần phải học hành gì. Thế nhưng, khi xuống thế làm người, Ngài tự hạ mình như con người bình thường. Đi học, Ngài không dùng sự hiểu biết của mình để lấn lướt các bạn, không tranh hơn tranh thua, không khinh thường bạn nào học yếu. không bỏ học, nói năng hiền hòa, kính trên nhường dưới với hết mọi người. Nói tóm lại: Đức Giêsu đã phải cố gắng học tập, trau dồi sự hiểu biết mọi vấn đề, để sau này dùng sự hiểu biết ấy hoàn thành trọn vẹn công cuộc Cứu Độ Nhân Loại được Thiên Chúa Cha giao cho. Các em hãy xin Chúa cho được noi gương Chúa, có như thế các em xứng đáng là những người con ngoan của Chúa Giêsu.

–          Làm việc. Các em đã biết, Đức Giêsu có thể hóa bánh ra nhiều, Ngài cũng có thể hóa giấy ra tiền dễ dàng. Ngài có làm điều đó không?. Thưa không. Giá trị cuộc sống là ở việc làm. Ngài không dùng quyền phép Ngài mà phá vỡ giá trị ấy, nhưng Ngài đã làm việc thật nhiều, nhiều hơn chúng ta tưởng.  Các em hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết yêu quý sự sống, yêu quý công việc để cho nhân loại phát tiển như ý Chúa mong muốn

Ngoài ra Đức Giêsu còn giải trí bằng các trò chơi nữa. Nếu Ngài sinh ra ở VN, Ngài sẽ chơi bắn bi, cướp cờ, nhảy dây vv…Mục đích của các trò chơi này là tăng cường thể lực dẻo dai, thích nghi với mọi tình huống. Có câu nói: Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể cường tráng.

Vài dòng suy tưởng gửi tới các em, chắc chắn sẽ còn nhiều dòng suy tưởng khác của các bạn. Chúc các em vui ngoan.

Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết siêng năng cầu nguyện, chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách chúng con, trau dồi chúng con  bằng những đức tính tốt, để chúng con có thể giúp ích cho chính bản thân, cho gia đình và cho tổ quốc chúng con. Amen.

Tôma Đỗ Lộc sơn

 

                                                                   

* Tại các nước không sử dụng mẫu tự Latinh như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Các nước vùng vịnh Ba tư, Do Thái vv… Học sinh đọc thông viết thạo phải từ 3-4 năm. Nay có phương pháp mới và máy tính hỗ trợ, việc học đã được rút lại còn 2-3 năm.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN