Home / Chia Sẻ / Đức Dưỡng Phụ Giuse

Đức Dưỡng Phụ Giuse

Dưỡng Phụ Giuse sống hết mình

Trắng trong như huệ đẹp tươi xinh

Âm thầm Bạch Huệ không tì vết

Lặng lẽ Giuse trọn khiết trinh

Duc DuongPhu Giuse 1GIUSE TRẦM LẶNG

Theo truyền thống đạo đức, Giáo hội Công giáo dành riêng Tháng Ba để biệt kính Đức Thánh Giuse – Phu Quân của Đức Trinh Nữ Maria và Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu. Đối với những người làm cha, nên đặc biệt phát triển lòng sùng kính Đức Thánh Giuse, vì chính Ngài đã được Thiên Chúa chọn để trực tiếp chăm sóc Chúa Con, đồng thời học cách chăm sóc gia đình và “nói ít, làm nhiều” nơi Đức Thánh Giuse. Các kinh nguyện nên kết hợp với lời cầu nguyện tha thiết với Đức Thánh Giuse, cách riêng trong Tháng Ba hàng năm.

Kinh cầu Đức Thánh Giuse đã được Thánh GH Piô X (1903-1914) phê chuẩn, cho thấy lòng sùng kính Đức Thánh Giuse được phát triển mạnh từ thế kỷ XX. Có nhiều phép lạ và nhiều danh xưng dành cho Đức Thánh Giuse, điều đó nhắc chúng ta rằng Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu là mẫu gương hoàn hảo về đời sống Kitô giáo. Như các kinh cầu khác, Kinh cầu Ông Thánh Giuse được soạn ra để đọc chung, nhưng chúng ta vẫn có thể đọc riêng. Trong đó sử dụng nhiều tôn danh và nói đến các nhân đức của vị thánh trầm lặng này. Và xưa nay chúng ta quen tôn xưng Ngài là Thánh Cả.

Thánh GH Gioan XXIII (1958-1963) cũng rất yêu mến Đức Thánh Giuse nên đã soạn một kinh dâng những người lao động cho Đức Thánh Giuse, vì ngài là một người lao động bằng nghề thợ mộc, tuy nghèo khó nhưng chân chính. Vì thế, Ngài là thánh bổn mạng của giới lao động và là Đấng Bảo Trợ những vụ khó khăn, đặc biệt là cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trong cơn hấp hối. Là người “chống mũi chịu sào” đưa Thánh Gia vượt qua mọi giông tố cuộc đời, Đức Thánh Giuse còn là mẫu gương về nhân đức khiết tịnh, và được mệnh danh là Nhánh Huệ Nước Trời.

Chúng ta không biết nhiều thông tin về Đức Thánh Giuse, Kinh Thánh cũng thi thoảng nhắc tới Ngài như một vai phụ mà thôi. Có lẽ ngài quá khiêm nhường, không hề nói gì, sử sách cũng không ghi chép gì nhiều về Ngài. Chúng ta chỉ có thể thấy “bóng dáng” ngài trong Phúc Âm: Phu quân của Đức Trinh Nữ Maria và Dưỡng Phụ của Chúa Cứu Thế Giêsu. Tuy nhiên, Ngài được tôn vinh là “người công chính”, Giáo hội cũng nhận Ngài làm bổn mạng và hướng về ngài để xin Ngài bảo trợ. Năm 1889, trong Tông thư “Quamquam Pluries” (nói về lòng sùng kính đối với Đức Thánh Giuse), ĐGH Leo XIII giải thích lý do chúng ta đặt niềm tín thác vào Đức Thánh Giuse:

“Khi trao Đức Mẹ cho Đức Thánh Giuse để làm Hiền Thê, Thiên Chúa không chỉ đặt ngài làm Bạn Đời của Đức Mẹ, mà còn làm nhân chứng cho sự trinh khiết của Đức Mẹ, bảo vệ danh dự của Đức Mẹ, đồng thời thể hiện nhân đức trong hệ lụy hôn nhân và tham dự vào phẩm giá tuyệt vời của Đức Mẹ. Đức Thánh Giuse quan tâm chăm sóc mọi nhu cầu của gia đình tại Nadarét và bảo vệ gia đình ấy, ngày nay Ngài sẽ phủ áo choàng bảo vệ của ngài để bảo vệ Giáo hội của Chúa Giêsu”.

Một trăm năm sau, Thánh GH Gioan Phaolô II đã tiếp bước vị tiền nhiệm bằng cách công bố Tông huấn “Redemptoris Custos” (Người Chăm Nom Đấng Cứu Thế) vào ngày 15-8-1989, với hy vọng rằng mọi người có thể phát triển lòng sùng kính Đấng Bảo Trợ của Giáo hội Hoàn vũ. Ngài bảo trợ nhiều người và nhiều thứ. Ngài bảo trợ những người hấp hối vì Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã ở bên Ngài khi Ngài hấp hối. Ngài cũng là bổn mạng các gia trưởng, các thợ thuyền, và những người hoạt động vì công bình xã hội. Nhiều dòng tu, dù là dòng nữ, cũng tôn Ngài làm Đấng Bảo Trợ cho đời sống tu trì.

Giáo hội khuyến khích chúng ta sùng kính Đức Thánh Giuse vì Ngài là mẫu gương anh dũng trong việc thực hành các nhân đức. Đọc Phúc Âm chúng ta có thể thấy đức tin, đức cậy và đức ái của Ngài trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Ngài cẩn trọng khi chăm sóc vợ con, Ngài tỏ ra có tài lãnh đạo khi bảo vệ và giúp đỡ vợ con. Ngài đạo đức, tinh tế và chân thật. Ngài công chính khi đối xử với Thiên Chúa và con người, đồng thời nổi bật về sức chịu đựng và can đảm, đặc biệt về đức khiết tịnh. Ngài còn bảo vệ và bênh vực nhân đức của Đức Mẹ khi còn đang thời gian đính hôn và khi sống đời hôn nhân. Cả hai đều khấn giữ đồng trinh vì Chúa, đắm mình trong Nguồn Tình Yêu của Thiên Chúa. Theo dòng thời gian dần qua, Giáo hội minh định rằng Đức Thánh Giuse không chỉ là thánh nhân đối với một số người mà Ngài còn giúp đỡ mọi người (Cuốn “St. Joseph: a Theological Introduction” của Michael D. Griffin, Dòng kín Camêlô). Từ cuối thế kỷ XIX, người ta còn có cách sùng kính ngài bằng phong trào đạo đức là Bảy Ngày Thứ Tư.

Ngày 19-3 là lễ trọng mừng kính Đức Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, ở vào khoảng thời gian Mùa Chay, trong khi Giáo hội tập trung vào việc chuẩn bị kính nhớ Cuộc Khổ Nạn của Đức Giêsu Kitô. Phụng vụ muốn mọi người nhận biết tầm quan trọng của ý nghĩa Mùa Chay, thế nên việc sùng kính Đức Thánh Giuse trong Tháng Ba ngụ ý khuyến khích mọi người noi gương sống thánh thiện của Ngài nhiều hơn theo tinh thần Mùa Chay.

Tháng Ba nhắc nhở chúng ta điều quan trọng: “Hãy đến cùng Giuse – Ite ad Joseph” (St 41:55). Thánh nữ Têrêsa Avila, Tiến sĩ Giáo hội, đã khéo léo nhắc nhở chúng ta: “Tôi xin Đức Thánh Giuse cái gì cũng được. Ai không tin, hãy thử mà xem”.

Duc DuongPhu Giuse 2GIUSE LAO ĐỘNG

Mỗi khi Tháng Năm về, những giọt mưa đầu mùa gội mát con người sau những cơn nóng như “chảo lửa”, và rồi ngàn hoa khoe sắc thắm. Đặc biệt hơn, Tháng Năm có ngày Mồng Một, với thế giới là ngày Quốc tế Lao động, với người Công giáo là ngày lễ Đức Thánh Giuse – Người Lao Động.

Đức Thánh Giuse là Hôn Phu hợp pháp của Đức Maria, nhưng cả hai đều khấn giữ mình đồng trinh. Là phu thê chung sống với nhau nhưng luôn coi nhau như anh em. Đức Thánh Giuse vừa là “vệ sĩ” vừa là Dưỡng Phụ của Thánh Tử Giêsu.

Chúng ta phải kính trọng và yêu mến Đức Thánh Giuse vì chính Chúa Giêsu đã kính trọng và hết lòng yêu mến Đức Thánh Giuse. Kinh Thánh đã gọi Đức Thánh Giuse là Người Công Chính và Người Khiết Tịnh, đó là lý do Thiên Chúa tuyển chọn Đức Thánh Giuse làm Hôn Phu trinh khiết của Đức Maria, để chăm sóc Nàng và Con Trẻ Giêsu. Là Con Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu vẫn luôn tuân phục ý muốn của Đức Dưỡng Phụ Giuse, dù Ngài chỉ là một bác thợ mộc bình thường ở xóm lao động nghèo miền Na-da-rét.

Việc kính nhớ Đức Thánh Giuse đã có từ rất sớm, ngay từ các thế kỷ đầu. Năm 1870, ĐGH Piô IX đã chính thức tôn vinh Đức Thánh Giuse là bổn mạng của Giáo hội Công giáo. Năm 1955, ĐGH Piô XII đã thiết lập lễ Đức Thánh Giuse Lao Động. Còn ngày 19 tháng Ba đã trở nên ngày mừng kính lễ Đức Thánh Giuse, Phu quân Đức Mẹ, từ thế kỷ XV.

Đức Thánh Giuse không chỉ được tôn kính trong Giáo Hội Công giáo, mà còn được tôn kính trong Chính Thống giáo Đông phương, Anh giáo, Tin Lành Lutheran và Tin Lành Methodist (Giám Lý).

Cựu Ước cho biết: “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2:15). Thiên Chúa muốn chúng ta lao động, điều đó không chỉ để hoàn thiện mình mà còn hợp tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo thế giới. Đức Thánh Giuse đã nêu gương lao động cần cù cho chúng ta noi theo – cả người lao động chân tay và người lao động trí óc.

Tổ phụ Giuse trong Cựu Ước là hình bóng của Đức Thánh Giuse trong Tân Ước. Vua Pha-ra-ô đã nói với dân Ai Cập: “Cứ đến với ông Giuse; ông bảo gì, các ngươi hãy làm theo” (St 41:55). Tương tự, ngày nay Giáo Hội cũng dạy chúng ta “đến với Đức Thánh Giuse”. Thật vậy, khi thiết lập lễ Đức Thánh Giuse Lao Động, ĐGH Piô XII đã căn dặn: “Nếu muốn đến gần Chúa Giêsu, ngày nay chúng ta phải lặp lại: Hãy đến với Thánh Giuse!”.

Gương cần lao của Đức Thánh Giuse dạy chúng ta nhiều điều: Làm nhiều, nói ít (hoặc không nói), yêu thương tha nhân, hy sinh vì người khác, khiêm nhường, nhịn nhục, vui sống với hoàn cảnh bình thường, không than thân trách phận, không đòi hỏi gì, nhưng luôn kiên tâm vâng lời Thiên Chúa trong mọi sự.

Nguyện xin Thiên Chúa dạy chúng ta biết cách kính yêu ông bà và cha mẹ như Chúa Giêsu đã sống hiếu thảo với Đức Mẹ Maria và Đức Dưỡng Phụ Giuse, đồng thời biết noi gương Đức Thánh Giuse luôn can đảm sống ngay chính trong mọi hoàn cảnh, không ngừng canh tân đời sống, và biết chạnh lòng thương xót trước những con người hèn mọn bị xã hội xa lánh, bị áp bức, bị bóc lột…

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …