Home / Chia Sẻ / Đức Ái Liên Tôn

Đức Ái Liên Tôn

 

hTông thư “Ut Unum Sint” (Xin Cho Nên Một) của Thánh GH Gioan Phaolô II đã được công bố ngày 25-5-1995. Đó là một trong 14 Tông thư của ngài, được lấy ý từ lời nguyện của Chúa Giêsu tại Bữa Tiệc Ly trong Phúc Âm theo Thánh Gioan: “Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17:21).

La ngữ có cách nói “sui juris” (nghĩa đen là “quyền của con người”, tức là dân quyền hoặc nhân quyền). Quyền cơ bản nhất là quyền sống.

Tự điển Merriam Webster định nghĩa từ ngữ “sui juris” thế này: “Having full legal rights or capacity”. Khi trưởng thành, ai cũng có đầy đủ năng lực và tự do làm điều gì đó, đồng thời người đó cũng phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi mình đã làm.

Trong Tông thư “Ut Unum Sint”, đoạn 54, Thánh GH Gioan Phaolô II nói: “Giáo hội phải thở bằng hai lá phổi”. Trong đoạn 79 có 5 chủ đề được ghi chú là quan trọng để hiểu rõ hơn và đem lại sự hiệp nhất:

  • Mối quan hệ giữa Kinh Thánh – quyền tối cao trong các vấn đề về đức tin, và Tông Truyền – cần thiết để hiểu Lời Chúa.
  • Bí tích Thánh Thể là Mình và Máu của Đức Kitô, là Lễ Dâng ngợi khen Chúa Cha, tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Ngài hiện hữu thật, và tuôn trào ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần.
  • Bí tích Truyền chức thánh trao tác vụ giám mục (epískopos, “giám thị”, “giám hộ”), tư tế (thấy trong nghi thức truyền chức linh mục, giám mục và Lễ Truyền Dầu vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh: Các loại dầu dùng khi cử hành Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức, tích Xức dầu Bệnh nhân, và Bí tích Truyền chức. Cũng thấy trong các nghi thức phụng vụ khác như canh thức và an táng giám mục) và trợ tá (diákonos [διάκονος], Rm 16:1-2, 1 Tm 3:1-13).
  • Quyền giáo huấn của Giáo hội được trao cho giáo hoàng và các giám mục hiệp thông với giáo hoàng, được hiểu là trách nhiệm và quyền bính nhân danh Đức Kitô khi giáo huấn và bảo vệ đức tin.
  • Đức Maria là Thánh Mẫu của Thiên Chúa và Hình Tượng của Giáo hội, là Hiền Mẫu tâm linh nguyện giúp cầu thay cho các môn đệ của Đức Kitô và cả nhân loại.

Chúa Giêsu căn dặn: “Phần anh em, đừng để ai gọi mình là ráp-bi, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23:8-12).

Thánh Gioan xác định: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8 và 16). Đạo của Thiên Chúa là Đạo Yêu Thương. Ai tin theo Đức Kitô đều phải biết yêu thương và “nhân từ như Chúa Cha” (Lc 6:36). Đó cũng là chủ đề của Năm Thánh Lòng Thương Xót (từ 8-12-2015 tới 20-11-2016).

Yêu thương mọi người, không phân biệt bất cứ điều gì. Yêu thương không có biên giới. Mức độ yêu thương là yêu thương vô hạn. Những người theo các tôn giáo khác cũng là những con người được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài. Công giáo (nói riêng) và Kitô giáo (nói chung) phải sống yêu thương rõ nét hơn để những người chưa nhận biết Thiên Chúa có thể nhận ra Tôn Nhan Thương Xót của Ngài qua các động thái của chúng ta.

Thánh Phaolô nói về bổn phận của các Kitô hữu: “Ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người” (Tt 3:1-2).

Khi nói về sự đối lập, người ta thường ví von “như chó với mèo”. Người Anh cũng dùng hình ảnh “chó và mèo” để nói về cơn mưa tầm tã, mưa như trút: “It rains cats and dogs”. Chó và Mèo không ưa nhau như vẫn “phải” sống chung trong gia đình của chủ. Đức ái không cho phép chúng ta xử sự với nhau như “chó và mèo”. Thật vậy, Chúa Giêsu đã dạy rạch ròi và chi tiết: “Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5:22-24).

Yêu thương cần đối thoại chân thành và cởi mở để có thể hiểu nhau đúng mức, chứ không suy diễn theo ý mình. Đức ái liên tôn cần đối thoại liên tôn. Một công việc không dễ chút nào, nhưng không phải là không làm được. Yêu thương khả dĩ san mọi thung lũng, bạt mọi núi đồi, uốn mọi kiểu quanh co.

Đối thoại để hiểu nhau, tôn trọng nhau, nhờ đó có thể chung sống và hợp tác với nhau, bất kể mọi sự khác biệt. Thuật ngữ này đề cập sự tương tác hợp tác và tích cực giữa những người thuộc các truyền thống tôn giáo khác nhau, tức là “đức tin”, ở mức cá nhân và đoàn thể. Người này phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của người khác.

Đối thoại không chỉ là từ ngữ hoặc nói chuyện, mà bao gồm cả sự tương tác và mối quan hệ con người với nhau. Điều này xảy ra giữa các cá nhân và cộng đoàn ở nhiều mức độ. Chẳng hạn, giữa những người hàng xóm, ở trường học, ở công sở,… Điều đó xảy ra cả ở mức chính thức và thân mật bình dân. Tại Ireland, các tín đồ Hồi giáo và các Kitô hữu sống cùng khu phố, mua sắm cùng cửa hàng, đi cùng xe buýt, đi học cùng trường. Cuộc sống đời thường giao tiếp với nhau hằng ngày, do đó mà phải chuyện trò với nhau. Đó là phần tất yếu của cuộc sống dù văn hóa khác nhau và tôn giáo khác nhau, chắc chắn khó tránh khỏi sự căng thẳng và đối lập. Những người trong cùng một gia đình mà còn có những lúc xung đột kia mà!

Yêu thương và thông cảm nhau sẽ khả dĩ giảm thiểu sự khác biệt trong các mối quan hệ với nhau. Crohn, chuyên viên hôn nhân và nhà trị liệu gia đình, đưa ra vài ý tưởng để thông cảm những điểm khác biệt và giúp các mối quan hệ liên tôn có tác dụng.

  1. Đối Diện Vấn Đề

Đối lập và xung độ xảy ra vì chúng ta không chấp nhận sự khác biệt lẫn nhau. Hãy chấp nhận thực tế để có thể thông cảm và tha thứ lẫn nhau. Đừng bắt người khác phải giống như mình. Hãy chân thành và cởi mở trao đổi để loại bỏ sự xung khắc.

  1. Gạn Đục Khơi Trong

Người ta thường khó phân biệt tôn giáo và văn hóa. Mặc dù tôn giáo không là một yếu tố trong cuộc sống hoặc mối quan hệ, mỗi người vẫn có mã số văn hóa khác nhau, và sự khác biệt này không biến mất. Khi nghĩ về văn hóa, hãy cân nhắc: Điều gì bình thường trong hội đoàn hoặc gia đình tôi? Tôi hy vọng điều gì để mọi mối quan hệ tốt đẹp? Tôi bày tỏ cảm xúc như thế nào? Và đừng ngại đối thoại về sự khác nhau lẫn nhau.

  1. Nhận Thức Lẫn Nhau

Tôn giáo hình thành cách sống. Ví dụ, người theo đạo Jana hoặc đạo Phật coi trọng việc ăn chay (trai trường, tam trai, tứ trai,…), người theo đạo Hồi coi trọng triết lý sống, người Công giáo phải mến Chúa, yêu người,… Họ có nền tảng tôn giáo khác nhau, cần nỗ lực rất nhiều để khả dĩ hiểu nhau. Hiểu nhau để đồng hành với nhau, hợp tác với nhau, và cùng nhau khắc phục mọi trở ngại. Tất nhiên không thể một sớm một chiều, mà phải luôn kiên nhẫn.

Đọc 1 Cr 13:1–7 mà “giật mình” vì thấy Đức Ái được nói một cách chi tiết. Quả thật, không dễ thực hiện đúng theo “tiêu chuẩn” Thánh Phaolô đã đưa ra: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”.

Mỗi lần xét mình chi tiết từng điểm nhỏ trong “định nghĩa đức ái” của Thánh Phaolô, tôi vẫn thấy “giật mình” bởi vì tự thấy mình vẫn chưa áp dụng và sống đức ái được bao nhiêu. Và tôi thực sự cũng muốn bắt chước Thánh Don Bosco: “Xin cho con các linh hồn, còn các thứ khác cứ lấy hết đi”. Nhưng tôi vẫn quá yếu đuối, muốn nhiều, viết nhiều, nói nhiều, thế mà chẳng thực hiện được bao nhiêu. Tôi thật tồi tệ!

Có lần ĐGM G.B. Bùi Tuần viết: “Đã hẳn lo cho Hội Thánh địa phương có một cơ chế với những phân công thích hợp là điều tốt. Nhưng quan tâm đó không được lấn lướt quan tâm về đời sống đức ái. Nhất là khi cơ chế lại theo phong trào, phát sinh ra nhiều thứ ban bệ, nhiều thứ tổ chức. Nếu thiếu tỉnh thức, đời sống cơ chế như thế sẽ dễ trở nên ồn ào, hình thức, đụng chạm. Khi nhiều người nhập vai các vị đạo đức một cách vụng về và trần tục thì coi rất tội nghiệp. Lúc đó Hội Thánh địa phương sẽ vô tình tự tố cáo mình là thiếu những nhân chứng đáng tin cậy. Và đó là một tổn thất lớn tự mình gây nên. Đề cập đến đức ái, người ta không thể không nghĩ tới bổn phận chúng ta đối với những người nghèo”.

Chúa Giêsu là người luôn quan tâm và gần gũi với người nghèo, ngài tự nhận mình là bạn của những người cùng đinh: “Mỗi lần quý vị làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Tôi, là quý vị đã làm cho chính Tôi vậy” (Mt 25:41). Thế nhưng trong thực tế, người nghèo luôn bị người ta khinh rẻ!

Đức Kitô yêu thương những con người bé mọn, khiêm nhu, bị bỏ rơi, tội lỗi, kém cỏi,… vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8). Chính Ngài đã dạy: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22:37–39). Chúng ta đong đấu nào cho người khác thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho chúng ta (x. Mc 4:24). Không thể biện hộ!

Về Đức Ái hay Bác Ái, có những mức độ khác nhau: Bố thí, công bằng, bác ái. Cho ai điều gì chỉ vì không muốn bị quấy rầy chứ không vì yêu thương, đó là bố thí (Lc 11:5–8); cho ai điều gì vì mình có dư, không xài đến, đó là công bằng; cho ai chính những gì mình có, đó là bác ái (như bà góa nghèo, Lc 21:1–4). Đa số chúng ta thường ở mức bố thí và công bằng chứ chưa hẳn bác ái. Chúng ta chỉ cho người khác những gì mình thừa hoặc không ngon chứ chưa thật lòng cho người khác những gì do mình hy sinh. Vì chẳng ai muốn “khó” đến mình. Gương người Samari nhân hậu (Lc 10:29–37) là minh chứng minh nhiên vậy. Nói quá dễ, làm quá khó!

Không chỉ vậy, Chúa còn đòi hỏi nghiêm khắc hơn về đức ái: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ” (Lc 6:27–32). Những người khác tôn giáo không phải là kẻ thù, mà vẫn là huynh đệ, vậy thì không yêu thương sao được?

Và trong Ngày Phán Xét, Thiên Chúa không xét xem chúng ta đã làm được công trạng gì, mà Ngài sẽ xét xử chúng ta một cách tỉ mỉ và nghiêm ngặt về mức độ bác ái (x. Mt 25:31-46).

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin dạy con biết yêu thương đúng Ý Ngài để nên giống Tôn Nhan Thương Xót của Ngài. Xin Ngài thương nâng đỡ những người thiếu thốn và đau khổ về tinh thần và thể xác để họ khả dĩ là nhân chứng sống động của Ngài. Xin cho mọi người NÊN MỘT trong Đức Ái đích thực mà chính Ngài đã mặc khải. Con cầu xin nhân danh Đức Kitô, Thiên Chúa cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …