Home / Chia Sẻ / Dư âm Lòng Chúa Thương Xót

Dư âm Lòng Chúa Thương Xót

downloadCơn mưa xế trưa làm mát dịu bầu khí oi bức Sài Gòn ngày hôm đó, đã nhạt nhòa tan biến. Đại lễ chiều Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh, ngày 23 tháng Tư năm nay, như mọi lần đã khai diễn trang trọng và kết thúc sốt sắng. Khung cảnh rộn ràng muôn người nô nức tuôn về dự hội Lòng Chúa Thương Xót tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã phôi phai chìm lắng. Nhưng dư âm Lòng Chúa Thương Xót thì vẫn mãi còn lưu truyền trong dòng đời những ai đã hơn một lần tìm đến Lòng Thương Xót của Chúa.

Bài Tin Mừng theo thánh Gioan, đọc trong ngày đại lễ Lòng Chúa Thương Xót, Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh, khởi đầu bằng câu: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: ‘bình an cho anh em’” (Ga 20, 19). Vì thương nhân loại tội lỗi, Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, đã chịu nạn chịu chết để cứu rỗi nhân loại. Vì thương nhân loại đói khát lương thực thiêng liêng, trong bữa tiệc ly ngồi cùng các môn đệ, Ngài đã biến hóa bánh và rượu nho thành Mình và Máu Ngài như lương thực trường sinh nuôi dưỡng cuộc sống tâm linh nhân loại. Đây là chứng tích Lòng Chúa Thương Xót lưu truyền cho những ai biết nương tựa Ngài.

Theo Thầy, một vị Thầy quyền uy làm bao nhiêu phép lạ, thế rồi bị bắt, bị thọ án tử bởi người Do Thái, trong tình hình đó các môn đệ Chúa Giêsu làm sao không thể không bối rối hoang mang, nơm nớp lo sợ. Chúa Giêsu đã hiện ra, đứng giữa họ và ban bình an cho họ. Bình an của Chúa là Lòng Chúa Thương Xót hiển hiện xua tan mọi kinh hãi nghi nan, lưu truyền cho những ai biết tín thác nơi Ngài. Không chỉ mang lại sự bình an cho các môn đệ, Chúa Giêsu còn “thổi hơi vào các ông và bảo: ‘anh em hãy nhận lấy Thánh Thần’’’ (Ga 20, 22). Lòng Chúa Thương Xót lưu truyền bằng sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần cho những ai yếu đuối, mê muội nhưng biết vực dậy đi trên con đường của Ngài.

Có một lần hiện ra với các môn đệ ở Galilêa, Chúa Giêsu sai phái họ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Lòng Chúa Thương Xót lưu truyền mọi ngày cho đến tận thế nơi các môn đệ của Ngài khi xưa được Ngài sai đi rao giảng Tin Mừng và ngày nay cho những ai là tông đồ đi thực thi Lòng Chúa Thương Xót.

Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót, Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh năm nay đã khép lại, nhưng dư âm Lòng Chúa Thương Xót thì như mãi còn bao trùm, vang vọng trong lòng các tín hữu về dự lễ qua những huấn từ chia sẻ của Đức Cha chủ tế Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giám mục giáo phận Mỹ Tho. Ngài phác họa trong bài giảng lễ: “Gia đình phải lả nơi thể hiện Lòng Thương Xót, là nơi làm chứng và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa đến với mọi người”. Trước thánh lễ đồng tế, cha Giuse Đào Nguyên Vũ, dòng Tên, linh mục thừa sai Lòng Thương Xót qua huấn từ của mình, đã mời gọi mọi người đón nhận sứ mạng trở thành tông đồ Lòng Thương Xót cho toàn thế giới. Không cần làm những việc vĩ đại mà chỉ cần những việc nhỏ nhoi trong cuộc sống đời thường… Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, tổng linh hướng CĐ LCTX TGP Sài Gòn chia sẻ, Lòng Chúa Thương Xót giúp chúng ta thoát ra khỏi cái ý nghĩ chật hẹp, thoát ra khỏi tính ích kỷ vốn sẵn có trong con người.

Hôm đó tôi theo chân các anh chị CĐ LCTX giáo xứ Nhân Hòa trên chuyến xe Dahatsu từ nhà thờ giáo xứ đến trung tâm mục vụ. Tôi ngồi cạnh anh tài xế trẻ. Linh ảnh Lòng Chúa Thuong Xót gắn trước mặt anh. Xâu chuỗi tràng hạt đeo nơi cổ tay trái. Anh tự giới thiệu là người Công Giáo ở giáo xứ Tân Sa Châu. Anh nói đi nói lại: “Các cha đã cầu nguyện và Chúa thương cho trời hết mưa”. Chúa thương cho trời hết mưa và ngày đại lễ năm nay tổ chức chu đáo đã kết thúc mỹ mãn. Cơn mưa nào rồi cũng dứt. Chỉ có cơn mưa Lòng Chúa Thương Xót thì muôn đời tuôn chảy êm đềm và tưới gội mát dịu vào lòng nhân loại. Dư âm ngày hội chìm lắng nhưng dư âm Lòng Chúa Thương Xót thì mãi còn đọng lại dù vô hình nhưng lưu truyền huyền diệu trong lòng tôi từ ngày đó cho đến hôm nay và suốt cả đời tôi. Lạy Chúa, suốt cả đời con xin lưu truyền và tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Amen.

Gioan Long Vân,

giáo xứ Nhân Hòa

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …