Tôi dừng bước, hỏi em: “Tết này con có về quê?”
Em trả lời tôi, đôi mắt đượm buồn: “Dạ, không chú ạ!”
Tôi hỏi thêm một câu, cố né đôi mắt em: “Mấy năm rồi con không về quê?”
Em trả lời tôi, giọng lay lắt buồn: “Dạ, tết này nữa là bốn tết!”
Tôi tiếp tục bước đi, đôi chân dường như nặng hơn trên con đường đến nhà thờ dự lễ chiều, đôi tai văng vẳng giọng nói của em, xoáy vào tim tôi: “Dạ, tết này nữa là bốn tết!”
Em là cô gái đến mướn phòng trọ ở gần nhà tôi cách đây chưa được 2 năm. Hằng ngày em đẩy chiếc xe bánh tráng trộn qua lại nhà tôi, ra bán trước cửa một trường tiểu học cho các em học sinh và khách qua đường. Biết được em là người Công giáo, tôi đã giúp em làm sổ Gia Đình Công Giáo và con em chịu Bí tích Thánh tẩy ở Giáo xứ Nhân Hòa. Chồng em là một tín hữu tân tòng, làm nghề thợ hồ. Hai vợ chồng em dắt díu nhau từ quê nhà tỉnh Thái Bình, miền Bắc vào Sàigòn tha phương cầu thực đến nay đã được 4 năm. Trải qua nhiều nghề, ở trọ nhiều nơi, vật vả kiếm ăn, đầu tắt, mặt tối cũng chỉ sống qua ngày. Tuổi đời em xấp xỉ 30, nhưng lăn lộn trên những nẻo đường mưu sinh lắm lúc khắc nghiệt, với những tính toan cơm, áo, gạo, tiền lắm lúc rối rắm đã khiến em trông già trước tuổi.
Bản thân tôi cũng đã từng có những cái tết xa quê nên tôi hiểu được phần nào hoản cảnh và tâm trạng của em lúc này. Có gì buồn hơn khi xuân về mà thui thủi trong căn phòng trọ. Có gì buồn hơn khi những ngày tết thiếu vắng người thân. Đã đành em có chồng, có con bên cạnh. Mùa xuân đem đến niềm vui ấm áp. Nhưng em có vui không? Khi mỗi ngày mở mắt ra phải tính toan buôn bán kiếm tiền trang trải mọi thứ chi tiêu, nào tiền trọ mỗi tháng, tiền học phí cho đứa con lớn, tiền gởi chăm sóc đứa con nhỏ, tiền thuốc men mỗi khi chồng con đau bệnh…! Em có ấm áp không? Khi nỗi nhớ nhà, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ em bao năm dằng dặc se lạnh lòng em! Những ngày tết, gia đình người ta sum họp. Ông bà, cha mẹ người ta vui vầy bên đàn con cháu, chúc nhau bao điều tốt đẹp. Còn em thì chuẩn bị bước qua bốn mùa xuân thui thủi trong căn phòng trọ.Tết này nữa là bốn tết em ăn tết chỉ với chồng con. Buồn không hởi em?
Bản thân tôi những năm ăn tết xa nhà, không người thân bên cạnh, đã từng thấm đẫm bao nỗi cô đơn xót xa, nên tôi dễ đồng cảm nỗi buồn xa xứ của em mỗi độ xuân về. Những năm ăn tết xa nhà, tôi thường thơ thẩn tìm một quán nước ven đường nhâm nhi ly càphê hoặc chút men bia và ngồi đó gặm nhấm cơn sầu. Mỗi độ xuân về tôi chán chường, bi lụy đến nỗi quên cả Chúa, xa lánh mọi người.
…Mùa xuân thứ mấy rồi?
Ta đếm tháng năm trôi
Bằng từng vòng khói thuốc
Nhả men đắng đầu môi.
Mùa xuân thứ mấy rồi?
Ta, con chiên biếng lười
Bỏ thói quen đi lễ
Chủ nhật với Chúa Trời.
Mùa xuân thứ mấy rồi?
Ta trốn chạy loài người
Sống như loài ốc biển
Trên hoang đảo mù khơi.
Mùa xuân thứ mấy rồi?
Ta an phận loài sâu
Thu mình trong lớp vỏ
Gặm nhấm mảnh tình sầu…
Tôi vốn dĩ có máu nghệ sỹ, thích phiêu lưu đây đó, rong chơi nhiều hơn lao động, nên chẳng trách có những năm không có tiền về quê ăn tết. Còn em quanh năm tảo tần mua bán, người chồng cật lực lao lung. Thế mà tết này nữa là bốn tết gia đình em không có tiền về quê ăn tết. Nghe mà chạnh lòng xót xa!
Tối nay tôi qua phòng trọ, nơi vợ chồng con cái em trú ngụ, căn phòng chật hẹp, mù mờ. Vợ chồng em đang thầm thì chuyện trò. Đứa con lớn đang học bài, đứa nhỏ đang bò lổn ngổn. Tôi đưa cho em cuốn lịch công giáo của giáo xứ Nhân Hòa và tấm phiếu lãnh quà tết của Giáo xứ Nhân Hòa, xem như chút quà xuân nho nhỏ tôi thay mặt giáo xứ biếu tặng gia đình em, một gia đình di dân Công giáo đang sinh hoạt trong giáo xứ.
Nhờ ơn Chúa, tôi nay đã “dừng bước giang hồ”. Cuộc sống vật chất tuy còn chật vật, nhưng đời sống tinh thần tương đối thong dong. Tôi dành nhiều thời gian chăm lo đời sống tâm linh, hoạt động tông đồ, bác ái. Xuân đến, xuân đi, xuân lại đến. Tôi cố tranh thủ phần đời còn lại ra sức mến Chúa – yêu người như lời cha sở Nhân Hòa thường căn dặn giáo dân trong các bài giảng lễ.
Tôi góp phần giúp gia đình em, một gia đình di dân Công giáo, hòa nhập với cộng đoàn giáo xứ Nhân Hòa, theo như tinh thần của lá thư mục vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gởi cộng đồng dân Chúa năm 2015 mời gọi mọi người cố gắng đón tiếp anh chị em di dân, tạo điều kiện cho họ tham gia các sinh hoạt của giáo xứ… để họ được nâng đỡ và trở nên những nhân tố tích cực trong việc Phúc Âm hóa.
Hy vọng xuân này, dù thêm một cái tết xa quê, thiếu vắng người thân, em vẫn cảm nhận được chút niềm vui ấm áp từ tấm lòng đồng cảm của những người không họ hàng thân thích với em, trong đó có tôi.
Gioan Long Vân,
Giáo xứ Nhân Hòa.