Home / Học Hỏi Linh Đạo / ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN (Bài 22)

ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN (Bài 22)

ĐÂU LÀ TÔN GIÁO ĐÍCH THỰC

MANG LẠI HẠNH PHÚC CHO CON NGƯỜI

VẤN ĐỀ 22: Trên thế giới ngày nay có rất nhiều tôn giáo và tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, cũng tự cho tôn giáo của mình là đích thực bắt nguồn từ trời. Vậy làm thế nào để phân biệt: đâu là tôn giáo thực sự do Thiên Chúa ? Đâu là con đường dẫn đến Thiên Chúa cách chắc chắn nhất và mang lại hạnh phúc cho con người?

ĐÁP:

1.CÂU CHUYỆN: TÔN GIÁO NÀO TỐT NHÂT?

ck18Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về tôn giáo và tự do có Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài, vừa tinh nghịch vừa tò mò: “Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?”.

Tôi nghĩ ngài sẽ nói: “Phật giáo Tây Tạng” hoặc “Các tôn giáo phương đông lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi… Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh. Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Là tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”. 

Để dấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi: “Cái gì làm tôi tốt hơn?”. Ngài trả lời: “Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn. Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất”.

Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác của ngài.

Ngài nói tiếp: “Anh bạn ơi, tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không”. “Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng, và đối với thế giới”. “Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta”. “Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý. Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người. Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành. Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão”. “Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy. Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong ước cho người khác. Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh. Đó là vấn đề lựa chọn”.

Cuối cùng ngài nói: “Hãy suy tư cẩn thận vì Tư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói. Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động. Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói Quen. Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách. Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh, và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh… và… Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật”.

2. TRẢ LỜI:

Quan sát sinh hoạt của con người trên thế giới từ xưa đến nay, ta thấy xuất hiện rất nhiều tôn giáo khác nhau tùy theo trình độ văn minh và ở nhiều địa phương… đến nỗi một triết gia đã định nghĩa: “Con người là con vật có tôn giáo”.

Sở dĩ con người có tôn giáo chính là vì con người có trí khôn biết suy luận từ cái đã biết đến điều chưa biết, từ hậu quả đến nguyên nhân, nên con người đã sớm biết có Đấng Tạo hóa, và do lòng biết ơn thúc đẩy con người đã biểu lộ bằng các hình thức lễ bái tôn thờ. Đó là lịch sử của tôn giáo xét trên bình diện tự nhiên.

Tuy nhiên, khi so sánh các tôn giáo với nhau, chúng ta nhận thấy: ngoài một số điểm tương đồng như đều tin có Đấng Thiêng Liêng vượt trên con người, được gọi bằng những Danh xưng khác nhau, cùng tin thế giới bên kia là nơi thưởng người lành và phạt kẻ dữ, đều dạy tín đồ phải ăn ngay ở lành… còn có rất nhiều dị biệt về giáo lý và luân lý, có khi mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn:

-Về giáo lý: Các tôn giáo có những quan niệm khác biệt về bản tính của Thiên Chúa: Phải chăng Thiên Chúa là Nguyên Khí Linh Hư (Drahman) như Ấn độ giáo chủ trương, hay là một Đấng có nhân tín biết vui buồn giận ghét của một con người như Đấng Allah của Hồi giáo, hoặc “Thiên Chúa là Tình Yêu” của Ki-tô giáo ? Thiên Chúa duy nhất và độc tôn hay còn là Tam Vị Nhất Thể (Một Chúa Ba Ngôi) ? Hạnh phúc đời sau là Niết Bàn thoát hết phiền não, tắt hết tình dục và bất sinh bất diệt của Phật giáo, hay là Thiên Đàng đầy những lạc thú trần tục của Hồi giáo, hoặc Thiên Đàng là tình trạng con người được sống vui vẻ yêu thương hạnh phúc tròn đầy và được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa “diện đối diện” của Kitô  giáo?…

-Về luân lý: Hồi giáo chấp nhận thói tục đa thê, cho ly dị và chấp thuận chế độ nô lệ, đang khi Ki-tô giáo đòi hỏi chế độ một vợ một chồng, cấm ly hôn và chủ trương mọi con người đều bình đẳng với nhau. Còn Phật giáo thì không có một lập trường rõ ràng về vấn đề này. Đối với kẻ thù: Hồi giáo chủ trương thánh chiến, đang khi Phật giáo và Ki-tô giáo giảng dạy sự từ bi bác ái, nhường nhịn tha thứ, yêu thương kẻ thù để biến thù thành bạn…

Những sự khác biệt nói trên cho thấy không phải giáo lý và luân lý của các tôn giáo đều là chân lý và đều có giá trị ngang nhau, vì chân lý chỉ có một. Do đó, đòi chúng ta phải sáng suốt nhận định và chọn lựa cho mình một tôn giáo đích thực, nghĩa là tôn giáo trình bày sự thật về Thiên Chúa, giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, có khả năng biến đổi chúng ta nên tốt và mang lại cho chúng ta hạnh phúc đời đời. Vậy làm thế nào để phân biệt đâu là tôn giáo thực sự phát xuất từ trời? Đâu là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa cách chắc chắn nhất?

1.TIÊU CHUẨN ĐỂ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ CỦA MỘT TÔN GIÁO:

Tôn giáo là con đường giúp con người gặp gỡ Thiên Chúa là cùng đích và là hạnh phúc tuyệt đối mà con người luôn khao khát hướng về như thánh Au-gút-ti-nô đã cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con hướng về Chúa. Và tâm hồn con vẫn còn xao xuyến mãi cho đến khi nào con được nghỉ yên trong Chúa”. Do đó, tôn giáo đích thực là tôn giáo thiết lập được mối liên lạc chắc chắn và hữu hiệu nhất giữa con người với Thiên Chúa, là con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa cách chắc chắn và hoàn hảo nhất như sau:

1) Về Giáo lý: tôn giáo đích thực phải có một hệ thống giáo lý hợp lý và đầy đủ, khã dĩ đáp ứng được mọi thắc mắc của con người về những vấn đề trọng đại, liên quan đến con người và Thiên Chúa, thế giới bên kia. Chẳng hạn: Tôi là ai ? Tôi sinh ra để làm gì ? Chết rồi tôi sẽ ra sao ? Tại sao có đau khổ, sự ác ? Tại sao có vũ trụ ? Bản tính Thiên Chúa thế nào ? v.v…

2) Về luân lý: tôn giáo đích thực phải có sức nâng cao đạo đức của con người, giúp tín đồ mỗi ngày nên hoàn thiện, tiến đến gần Chân Thiện Mỹ tuyệt đối là Thiên Chúa hơn.

3) Về siêu nhiên: Tôn giáo đích thực còn phải có những bằng chứng siêu nhiên là các dấu lạ chứng tỏ tôn giáo ấy bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là sản phẩm suy luận của trí khôn loài người.

2.TÔN GIÁO NÀO LÀ TÔN GIÁO ĐÍCH THỰC CỦA THIÊN CHÚA ?

Căn cứ theo những tiêu chuẩn nói trên ta thấy chỉ có Ki-tô giáo mới là tôn giáo đích thực vì bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc muôn đời cho con người dựa vào các bằng chứng sau:

1)Về giáo lý: Chỉ có Ki-tô giáo mới có các chân lý mặc khải toàn vẹn về Thiên Chúa, vì Đức Kitô là Đấng lập đạo chính là Con Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến để bày tỏ về bản tính của Ngài. Người chính là Lời Thiên Chúa làm người, để dẫn đưa con người đang lầm lạc trở về với Thiên Chúa. Chỉ một mình Người mới dám tự xưng: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chỉ mình Người mới là Lời của Thiên Chúa nói với loài người, đã đưa ra lời giải đáp thỏa đáng cho những vấn đề ưu tư hàng đầu của con người. Chính nhờ Đức Giê-su mà chúng ta mới biết Thiên Chúa là ai ? Ngài yêu thương ta thế nào ? và ta phải làm gì để đáp lại tình thương của Ngài ?

-Thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu: Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16).

-Đức Giêsu trả lời Phi-líp-phê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: ”Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha” ? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy. Chính Người làm những việc của mình” (Ga 14,9-11).

-“Tôi với Chúa Cha là Một” (Ga 10,30).

-“Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3).

-“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

-“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu. Bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê” (Mt 25,31-32).

-“Thế là họ (kẻ gian ác) ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sông muôn đời” (Mt 25,46).

2)Về luân lý: Các tôn giáo nói chung đều dạy tin đồ phải ăn ngay ở lành, phù hợp với lương tâm con người. Đây chính là luật luân lý tự nhiên do Thiên Chúa đã phú ban cho con người ngay từ khi mới sinh. Ai cũng suy nghĩ giống nhau: Ăn cắp là xấu và người ta không được lấy cắp chiếm đoạt tài sản của người khác, phải có lòng hiếu thảo biết ơn cha mẹ và những người làm ơn cho mình… Các vị giáo tổ cũng giúp con người trong thời đại của các ngài hướng thượng và sống ăn ngay ở lành. Vì thế, nhiều người đã cho rằng: “Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành nên đạo nào cũng tốt như nhau”. Tuy nhiên, nếu điều tốt có nhiều cấp độ như: Khá tốt, tốt vừa, rất tốt, cực kỳ tốt, tốt nhất… thì sự tốt đẹp của các tôn giáo cũng có mức độ khác nhau từ thấp lên cao. Đàng khác, điều quan trọng trong các tôn giáo không những là dạy làm tốt, mà còn phải có những phương thế hữu hiệu giúp cải tạo các tín đồ từ xấu nên tốt nữa. Về vấn đề này thì chỉ có Ki-tô giáo mới có đủ điều kiện trở thành tôn giáo tốt nhất giúp các tín hữu nên tốt lành thánh thiện, nhờ một nên giáo lý luân lý hoàn hảo, và còn cung cấp các phương thế hữu hiệu giúp các tín hữu thành tâm ngày một nên tốt lành thánh thiện hơn.

Thực vậy: Đấng sáng lập Ki-tô giáo là Đức Giê-su vừa là người vừa là Con Thiên Chúa. Người đã được Chúa Cha xác nhận là “Con yêu dấu, luôn làm đep lòng Cha” (x Mt 5,17; 17,5). Người có sứ mệnh thánh hóa loài người, bằng việc đến gặp các tội nhân để thánh hóa họ nên công chính, vì “người đau yếu mới cần thầy thuốc” (x. Mt 9,12), và “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Người biến đổi con người nên tốt lành thánh thiện bằng Lời quyền năng và nhờ ơn Thánh Thần được ban qua các phép bí tích do Hội Thánh cử hành. Nhờ đó, người tín hữu sẽ có khả năng ngày một nên hoàn thiện hơn.

3)Về siêu nhiên:

Để chứng minh sứ mệnh và nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa, Đức Giê-su đã thực hiện mọi lời các ngôn sứ tuyên sấm về thân thế và sứ mệnh của Đấng Thiên Sai (x. Lc 4,17-21), đồng thời Người đã làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế như: Cho kẻ què được đi (x. Ga 5,8-9), kẻ mù được thấy (x. Mt 9,27-31), người câm nói được (x. Mt 9,32-34); phong cùi được sạch (x. Mt 8,1-4); kẻ chết sống lại (x. Ga 11,43-44)… Ngoài ra, Người cũng có quyền lực lạ lùng trên thiên nhiên: Nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,1-14), biến nước thành rượu (x. Ga 2,1-11), dẹp yên bão táp (x. Lc 8,22-25), chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mc 1,34), trừ quỷ (X. Mt 8,28-34), phục sinh kẻ chết (x. Ga 11,43-44). Cuối cùng phép lạ lớn nhất là đã từ cõi chết sống lại khi chết chưa đủ ba ngày như Người đã báo trước (x. Lc 24,1-43).

Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm được những phép lạ như Đức Giê-su đã làm. Qua đó cho thấy: Đức Giê-su chính là Đấng “Em-ma-nu-el”: nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23). Đàng khác, Đức Giê-su cũng phải là một con người trung thực, như người mù đã nhận định với các đầu mục dân Do thái: “Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi. Còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy… Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,31.33). Nên có thể nói: Tất cả những gì Đức Giê-su dạy về Thiên Chúa cho loài người chúng ta đều là sự thật như Tin Mừng Gio-an đã viết: “Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Mô-sê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Ðức Giê-su Ki-tô mà có. Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,17-18).

4)Về sự Bền vững: Ngoài ra, còn một bằng chứng hùng hồn chứng tỏ Ki-tô giáo là tôn giáo đích thực bắt nguồn từ Thiên Chúa đó là việc Hội thánh của Chúa Ki-tô vẫn luôn tồn tại dù đã trải qua rất nhiều trở lực và không ngừng bị bách hại do các thế lực vua quan bên ngoài cũng như do ma quỷ xúi giục chia rẽ từ trong nội bộ… :

a)Bách hại từ bên ngoài:

  1. Thế kỷ I–III: những cuộc bắt bớ của dân Do thái và bách hại của các hoàng đế La Mã.
  2. Thế kỷ V: Những cuộc xâm lăng của dân man di.
  3. Thế kỷ X–XIV: Những mưu toan lợi dụng tôn giáo của chế độ vua chúa phong kiến.
  4. Thế kỷ XVIII: Giáo hội bị bách hại do cuộc cách mạng Pháp.
  5. Thế kỷ XIX–XX: Giáo hội vẫn tiếp tục bị bách hại ở nhiều nơi: Bè Nhiệm ở Pháp, Quốc xã tại Đức v.v…

b)Chia rẽ từ bên trong:

  1. Thế kỷ II: Bè rối chủ trương trong vũ trụ có hai nguyên lý: sự lành là Thiên Chúa, sự dữ là vật chất. Thân xác là vật chất nên thuộc về sự dữ. Từ đó cho rằng Chúa Giê-su chỉ có dáng vẻ thân xác chứ không có thân xác thực sự. Nói cách khác: Không có mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.
  2. Thế kỷ IV: Thuyết Arius chủ trương: Chúa Giê-su không có Thiên tính. Như vậy, Chúa Con không đồng bản thể với Chúa Cha và không ngang bằng Chúa Cha.
  3. Thế kỷ V:

–          Nestorius lại chủ trương: Chúa Giê-su không những có hai tính mà còn có hai Ngôi. Do đó, Đức Mẹ Ma-ri-a không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ là mẹ con người Giê-su thôi.

–          Eutyches thì lại chủ trương ngược lại: Chúa Giê-su chỉ có một bản tính là bản tính Thiên Chúa.

  1. Thế kỷ IV–V: Pélage chủ trương: con người có thể tự mình không cần Ơn Chúa cũng có thể được rỗi linh hồn.
  2. Thế kỷ IX–X: Ly giáo Chính Thống Đông Phương đòi ngang hàng với Rôma. Như vậy bao nhiêu nước Phương Đông là có bấy nhiêu Giáo hội: Hy Lạp, Nga, Lỗmani v.v…
  3. Thế kỷ XII–XIII: Albigeois ở Pháp chủ trương có hai thần: Thần lành và thần dữ. Các tín hữu chia làm hai lớp: lớp trọn lành sống nhiệm nhặt và không kết hôn, và lớp người thường sống theo tình dục xác thịt. Các tín hữu cần phải hãm mình đền tội và tránh việc vợ chồng.
  4. Thế kỷ XV–XVI: Phong trào Phục Hưng, trở lại nguồn cảm hứng của thời thượng cổ ngoại giao: lý trí độc lập, bỏ tất cả quyền hành hay luật luân lý, chủ trương khoái lạc.
  5. Thế kỷ XVI: Tin Lành ra đời do Luther khởi xướng. Giáo phái này chống lại Giáo hội về các vấn đề quan trọng như: vấn đề ân xá, tín điều Tội Tổ Tông, về sự giải thích Kinh Thánh, về sự độc thân của Hàng Giáo sĩ v.v… Sau đó phái này lan truyền đi khắp nơi ở Âu Châu tạo thành rất nhiều giáo phái khác nhau. Ở Thụy Sĩ có Zwingle, ở Pháp chịu ảnh hưởng của Calvin, ở Anh hoàng đế Henri 8 bất mãn với Giáo Hoàng Clêmentê 7 về hôn nhân và tách ra thành lập Anh giáo.
  6. Thế kỷ XVII: tà thuyết Jansénius chủ trương rằng: con người không thể tự mình làm được gì, phần rỗi linh hồn hoàn toàn do Thiên Chúa tiền định.

10. Thế kỷ XVIII–XX: Các triết thuyết vô tín ngưỡng xuất hiện rất nhiều tấn công Giáo hội khắp nơi. Ở Đức có Karl Marx, Nietzsche. Ở Pháp có Voltaire, Reman, Anatole France, Jean Paul Sartre…

Nhưng trước sự tấn công tứ bề cả bên ngoài do thế quyền, cũng như từ bên trong về giáo lý của những kẻ thù nghịch, Giáo Hội Chúa Ki-tô vẫn anh dũng vượt qua và tiếp tục đứng vững. Pascal nói: “Có điều kỳ diệu và hoàn toàn thần linh là tôn giáo này luôn bị đả kích mà vẫn luôn tồn tại. Ngàn lần hầu như sắp bị tiêu diệt toàn diện, và mỗi lần trong tình trạng này, Thiên Chúa lại dùng quyền năng mà nâng dậy… Tôn giáo này được duy trì và không ngừng lan truyền đi khắp nơi. Đó là bằng chứng cho thấy tôn giáo này là của Thiên Chúa”. Thực đúng như lời Chúa Giê-su đã nói với Si-mon Phê-rô: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (x. Mt 16,18).

TÓM LẠI: Chỉ có Ki-tô giáo mới có đầy đủ tiêu chuẩn của một tôn giáo đích thực:

-Có một nền giáo lý vững chắc, đáp ứng được những thắc mắc của con người về các vấn đề nhân sinh;

-Có một nền luân lý lành mạnh giúp con người ăn ngay ở lành xứng đáng với phẩm giá con người;

-Có những phương thế chắc chắn để biến đổi con người ngày một nên hoàn thiện hơn;

-Và cuối cùng còn có những bằng chứng siêu nhiên nơi Đức Giê-su, nơi Hội Thánh Công Giáo do Người thiết lập và được Người luôn bảo vệ vượt qua bao gian nan thử thách.

Do đó, những ai muốn gặp gỡ Thiên Chúa, muốn sống một cuộc đời xứng đáng làm người có trí khôn; muốn được sống an vui ngay từ đời này và bảo đảm một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu là thiên đàng đời sau, phải chọn đi trên con đường ngắn nhất và chắc chắn nhất là Đức Giê-su như Người đã nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Con đường đó là đường “Qua đau khổ vào vinh quang”, đó chính là con đường của đạo Công Giáo. Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng khẳng định: “Những ai biết rằng Hội Thánh Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập hoặc không muốn kiên trì sống trong Hội Thánh ấy, thì không thể được cứu rỗi”. (Hiến chế tin lý về Giáo Hội – LG số 14).

 

PHÚT HỒI TÂM:

-LỜI CHÚA: Đức Giê-su nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

-LỜI CẦU:

-Lạy Thiên Chúa Cha từ bi nhân ái. Xin Cha đổ ơn Thánh Thần giúp chúng con thêm lòng tin, cậy, mến nơi Con Cha là Đức Giê-su Ki-tô. Xin giúp chúng con vững tin Người là Đấng Ki-tô và là Con yêu của Cha như Tông đồ Phê-rô đã tuyên xưng (x. Mt 16,16). Xin cho chúng con trung thành với đức tin công giáo và tông truyên. Chúng con xác tín rằng: chỉ có Đức Giê-su mới là con đường duy nhất dẫn đưa chúng con lên trời với Cha (x. Ga 14,6 b). Xin cho chúng con biết vâng nghe Lời Con yêu dấu của Cha là Đức Giê-su (x. Mt 17,5) và luôn sống kết hiệp mật thiết với Người.

-Chúng con biết rằng: Trước khi sai Đức Giê-su đến, Cha cũng đã soi sáng cho một số vị giáo tổ nhận biết phần nào sự thật về Cha là: tin có Ông Trời như một số câu ca dao như: “Lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp”; “Trời xanh có mắt”, “Lưới Trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt”… Qua lời dạy mọi người phải ăn ngay ở lành của các vị giáo tổ, Cha chuẩn bị cho loài người nhận biết Đấng Thiên Sai là Đức Giê-su. Từ đây, chỉ những ai tin vào Danh Đức Giê-su, thực hành theo giáo huấn của Người và đi theo con đường “qua đau khổ vào vinh quang” của Người mới được về trời hưởng hạnh phúc đời đời. Ai cố tình không tin vào Người, biểu lộ qua thái độ từ chối sống theo Lời Người, không muốn gia nhập vào Hội Thánh Công Giáo là Nước Trời do Người thiết lập… là tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ của Người.

-Xin cho chúng con vững tin vào Đức Giê-su và quyết tâm sống giới răn “Yêu thương” của Người, luôn kết hiệp với Người và mở lòng đón nhận ơn Thánh Thần của Người để tích cực góp phần chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Người (x. Cv 1,8) từ trong gia đình đến khu xóm và mọi lúc mọi nơi… để giúp nhiều người nhận được cứu độ.- AMEN.

LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …