Home / Học Hỏi Linh Đạo / ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN (Bài 21A)

ĐỐI THỌAI NĂM ĐỨC TIN (Bài 21A)

 

ĐẠO CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ THỜ KÍNH CHA MẸ

 

VẤN ĐỀ 21 AĐi đạo là bất hiếu đối với cha mẹ, vì phải bỏ việc cúng giỗ, thờ kính cha mẹ mà một người con hiếu thảo không thể không chu toàn.

TRẢ LỜI:

I. BỔN PHẬN HIẾU THẢO ĐỐI VỚI CHA MẸ LÀ GÌ?

Một người con hiếu thảo là người luôn biết ơn cha mẹ, biết làm vui lòng cha mẹ trong những điều hợp lý phải đạo. Khi cha mẹ già yếu, người con hiếu thảo sẽ phải lo săn sóc phụng dưỡng. Khi cha mẹ qua đời, người con hiếu thảo sẽ phải tưởng nhớ và cố gắng làm mọi việc để cha mẹ được vui vẻ hạnh phúc.

II. NGƯỜI CON THEO ĐẠO CÔNG GIÁO CÓ BẤT HIẾU VỚI CHA MẸ KHÔNG?

kinhnhototienNgười theo đạo Công giáo không những không bất hiếu, mà còn là người con có hiếu cách sáng suốt nữa, vì những lý do như sau:

1) Những ai cho rằng: phải cúng đồ ăn thức uống cho cha mẹ đã chết để các ngài khỏi trở thành những cô hồn bơ vơ đói khát… là điều vô lý và mê tín. Ngày nay có lẽ không ai có chút hiểu biết còn tin rằng: linh hồn người chết cũng có thể ăn đồ ăn thức uống vật chất giống như người sống. Tuy nhiên, nếu coi việc cúng giỗ cha mẹ là một phong tục, một hành động biểu lộ lòng hiếu thảo tưởng nhớ công ơn cha mẹ, thì Hội Thánh Công giáo khuyến khích người tín hữu thực hiện, miễn là tránh những việc dị đoan trái đức tin công giáo, đồng thời cần giải thích khi co người thắc mắc về lý do việc làm bày tỏ lòng hiếu kính ông bà cha mẹ theo phong tục Việt nam của mình.

2) Nếu nói rằng: hiếu thảo là phải nhớ đến cha mẹ trong những ngày giỗ chạp thì người tín hữu công giáo cũng đã thực hiện, và còn làm nhiều việc hữu ích thực sự cho cha mẹ nữa. Người lương chỉ nhớ đến cha mẹ và người thân trong các ngày sóc, vọng, rằm hoặc ngày kỵ, giỗ  tết… Còn người công giáo luôn nhớ đến cha mẹ và người thân đã chết mỗi khi đọc kinh dự lễ hằng ngày. Rồi vào các ngày giỗ chạp người tín huẽu còn xin lễ cầu cho cha mẹ và người thân sớm được về thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời. Như vậy theo đạo đâu phải là bất hiếu, bỏ quên bổn phận chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ.

3) Có người lại lập luận: không thờ cúng ông bà cha mẹ theo truyền thống từ ngàn xưa là một thái độ bất hiếu.

Nhưng nếu vậy thì hết mọi người chúng ta đều bất hiếu: Ai không tiếp tục ở trong ngôi nhà cũ của cha mẹ, không mặc y phục giống như cha mẹ khi xưa cũng là bất hiếu ! Nhưng ngày nay không ai chấp nhận tư tưởng lỗi thời ấy nữa. Xưa kia cha ông đi bộ, nhưng ngày nay con cháu khi có việc đi xa và có hoàn cảnh thuận tiện lại dùng xe gắn máy, xe hơi, tàu hỏa, máy bay…, thế mà đâu có ai cho là bất hiếu. Ngày xưa, khi khiêng quan tài cha mẹ ra nghĩa trang phải đi bộ, và đi thật chậm đến độ không được làm đổ cốc nước để trên áo quan. Người ta cho rằng: Di chuyển quan tài chậm từng bước như vậy mới là đám ma lớn và mới cho thấy con cháu có hiếu. Thế nhưng ngày nay quan niệm đã đổi khác: người ta đã bỏ những thói tục rườm rà cổ hủ để thích nghi với hoàn cảnh xã hội văn minh tân tiến. Không ai còn nghĩ: xe hơi chở quan tài cha mẹ đi nhanh đến nghĩa trang là bất hiếu nữa… Như vậy: bỏ những cái cổ hủ vô lý, lỗi thời… để chấp nhận những điều mới mẻ hợp lý, thích nghi với hoàn cảnh xã hội văn minh… không phải là bất hiếu. Cũng vậy: bỏ đạo tự nhiên do con người lập ra để theo đạo siêu nhiên bắt nguồn từ trời đâu phải là bỏ cha mẹ và bất hiếu.

TÓM LẠI: Người theo đạo công giáo không phải là người con bất hiếu như có người lầm tưởng. Không những không quên công ơn cha mẹ, người công giáo còn luôn nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mà còn làm nhiều việc thực sự hữu ích cho cha mẹ nữa.

VẤN ĐỀ 21 B: Không cần phải theo đạo nào cả, chỉ cần ăn ngay ở lành, giữ đạo làm người là đủ.

TRẢ LỜI:

Đạo làm người là cách thức sống để trở thành một con người lương thiện, tự chủ, tự trọng và trưởng thành về nhân cách, thể hiện qua việc chu toàn các bổn phận đối với bản thân, gia đình, xã hội, đất nước… Được như vậy đã là điều tốt đẹp và đáng trân trọng. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta thấy vẫn chưa đủ, nếu không chu toàn bổn phận đối với Tạo Hóa là Đấng đã dựng nên muôn vật muôn loài, đặc biệt loài người chúng ta, và hằng thương yêu săn sóc để chúng có thể tồn tại và ngày càng phát triển theo thánh ý Ngài.

Thực vậy, dù không nhìn thấy Thiên Chúa vì Ngài là Đấng thiêng liêng vô hình. Nhưng loài người có trí khôn, biết suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân, từ cái đã biết đến điều chưa biết… còn phải nhận biết có Tạo Hóa là Đấng đã tạo nên vũ trụ vạn vật và an bài mọi sự… Từ đó, loài người có bổn phận tỏ lòng hiếu thảo biết ơn Thiên Chúa bằng việc tôn thờ, tạ ơn, yêu mến, và vâng lời Ngài.

Vậy muốn giữ đạo làm người, muốn sống xứng đáng là một con người có trí khôn trổi vượt muôn loài, thì ngoài việc phải chu toàn các bổn phận đối với xã hội và bảo tồn thiên nhiên, loài người chúng ta còn có bổn phận biết ơn tôn thờ Thiên Chúa nữa. Ai cố tình từ chối tôn thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên mình và hằng ban muôn ơn lành hồn xác cho mình thì không được coi là đã giữ đạo làm người cách xứng đáng và đầy đủ được.

PHÚT HỒI TÂM

– LỜI CHÚA:

Thánh Phao-lô khuyên dạy con cái phải tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ như sau: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).

– LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Trong thời gian ẩn dật tai Na-da-rét, Chúa đã luôn yêu mến vâng lời cha mẹ là hai ông bà Giu-se và Ma-ri-a, làm cho cha mẹ được vui lòng như tin mừng Lu-ca đã ghi nhận sau biến cố bị lạc năm 12 tuổi như sau: “Sau đó, Người đã đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,51).

Xin cho mỗi tín hữu chúng con hôm nay biết ý thức bổn phận phải hiếu thảo với cha mẹ, là những đấng thay quyền Chúa sinh thành, dưỡng dục chúng con… để chúng con biết đền đáp công ơn của các ngài, bằng việc chăm sóc phụng dưỡng khi các ngài còn sống, năng xin lễ cầu nguyện và làm nhiều việc lành thay các ngài sau khi các ngài qua đời, noi gương Chúa khi xưa luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha (x. Mt 3,17).

LM ĐAN VINH – HHTM

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …