Home / Chia Sẻ / Đối thoại Gia đình

Đối thoại Gia đình

                           

DoiThoaiGiaDinhĐối thoại là nói chuyện với nhau, đàm đạo với nhau. Phải có ít nhất hai người thì mới gọi là đối thoại, nếu thì chỉ là độc thoại. Đối thoại rất cần thiết trong cộng đồng xã hội, nhờ đối thoại mà người ta khả dĩ hiểu nhau mà giải hòa với nhau. Nhưng nên lưu ý là phải chân thành và cởi mở khi đối thoại, nếu không sẽ biến thành “đối thọi”. Muốn chân thành và cởi mở khi đối thoại thì phải biết từ bỏ mình, biết hạ mình và đề cao người khác, nghĩa là mỗi người phải biết sống khiêm nhường, vì “khiêm nhường là nền tảng mọi nhân đức”.

Để có thể sống khiêm nhường thì phải tập sống hiền từ. Khiêm nhường và hiền từ có liên quan mật thiết, có cái này thì mới có cái kia. Muốn hiền từ và khiêm nhường đúng mức, chúng ta không thể cậy vào sức mình, mà phải noi gương Chúa Giêsu, vì chính Ngài vừa nhắn nhủ vừa xác định: “Hãy học với Tôi vì Tôi có lòng hiền hậukhiêm nhường” (Mt 11:29).

Ai cũng có một gia đình, và chỉ một mà thôi, vì thế chúng ta đều biết rằng gia đình là xã hội thu nhỏ, là một cộng đoàn nhỏ, mà là cộng đoàn thì luôn có những điều “đối lập”, vì “cha sinh con, trời sinh tính”, mỗi người mỗi tính cách, không tránh khỏi những lúc hiểu lầm hoặc xung đột, vì thế mà rất cần đối thoại. Nhờ đối thoại để gia đình mãi mãi là Tổ Ấm, không bao giờ bị “lạnh”. Thật vậy, dù biết Chúa Giêsu rất bận việc, nhưng Đức Mẹ và các anh em vẫn “muốn nói chuyện với Ngài” (x. Mt 12:47).

Chúng ta thử tưởng tượng: Một con đường có rất nhiều viên sỏi, viên đá, với các kích cỡ khác nhau, không viên nào giống viên nào. Nhưng mỗi viên sỏi khác nhau đó đều góp công tạo nên một con đường. Viên này không thể chê viên kia, vì mỗi viên đều có một vị trí nhất định. Cũng vậy, mỗi người trong gia đình đều góp công sức riêng để tạo nên một gia đình đích thực. Người này không thể cho mình hơn người kia, vì mỗi người đều “thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Thiên Chúa đã tiền định” (Ep 4:28).

Karen Armstrong nói: “Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì gia đình luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác”. Sống với người khác thì không thể không đối thoại. Đối thoại có liên quan lời nói. Có nhiều dạng đối thoại, nhưng có thể tóm gọn vào hai dạng chủ yếu: Đối thoại hữu ngôn và đối thoại vô ngôn.

ĐỐI THOẠI HỮU NGÔN

Đó là dạng nói ra bằng lời. Lời nói rất quan trọng, vì Chúa Giêsu đã nói: “Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12:37). Cổ nhân cũng nói: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn con ngựa đuổi không kịp). Đáng sợ thật! Vì thế, Thánh Phêrô khuyên: “Anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tương cùng mọi lời nói xấu gièm pha” (1 Pr 2:1).

Người xưa đã ghét các ngôn sứ của Thiên Chúa, họ nói xấu và làm hại các ngôn sứ: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa, xưng mình là con của Đức Chúa” (Kn 2:12-13). Các ngôn sứ thời Cựu ước là hình ảnh của Chúa Giêsu thời Tân ước. Người ta cũng nói xấu và làm hại Chúa Giêsu vì Ngài nói thẳng, nói thật, công khai tố cáo những hành vi xấu.

Quả thật, lời nói rất quan trọng và có tác dụng mạnh, có thể làm “lung lay” lòng người nếu cứ nghe hoài. Lời nói là một trong bốn thứ cơ bản phải học để sống: “Học ăn, học NÓI, học gói, học mở”. Ca dao Việt Nam cũng nhắn nhủ:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Còn Thánh Phaolô căn dặn: Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch” (1 Tm 5:1-2). Nói là nói vậy, chứ không chỉ phải ăn nói đàng hoàng với người lớn, mà nói với bất kỳ ai cũng phải nói năng tử tế, dù đó là một đứa trẻ.

Lời nói quan trọng vì trước khi nói, người ta phải “uốn lưỡi bảy lần”, nghĩa là phải cân nhắc, chứ đừng nói cho “sướng” cái miệng, đừng nói cho thỏa cơn giận. Lời đã được nói ra thì không thể rút lại. Hãy ghi nhớ Nguyên-Tắc-Sống cơ bản: “Mau NGHE, chậm NÓI”. Tại sao? Lý do đơn giản thôi: Nói nhiều thì sai nhiều, nói ít thì sai ít, không nói thì không sai. Vả lại, nghe nhiều thì được nhiều, nói nhiều thì mất nhiều. Nói là gieo, nghe là gặt. Người ít nói hoặc không nói là người khôn ngoan. Tấm gương khôn ngoan điển hình nhất trong Giáo hội Công giáo mà ai cũng biết: Đức Thánh Giuse. Ngài luôn trầm lặng, chẳng nói gì.

ĐỐI THOẠI VÔ NGÔN

Đó là dạng “bất thành văn”, giống như dạng không lời nhưng vẫn “nói”. Vì im lặng là nói nhiều hơn lời. Vô ngôn là một loại triết lý sống thâm thúy.

Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý loại triết lý sống vô ngôn này. Nếu hiểu theo nghĩa đen, vô ngôn là không nói, thế thì gia đình hóa ngặng nề vì chẳng ai nói với ai, mạnh ai nấy sống, cha ôm tờ báo, mẹ ôm ti-vi, con lớn ôm điện thoại di động, con nhỏ ôm máy vi tính,… Ôi thôi, thật là ngột ngạt trong cái loại không khí đó!

Vô ngôn ở đây là “đừng nói điều bậy, điều sai”, đừng nói sàm, hoặc đừng nói khích bác nhau. Thánh Phaolô nói: : Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là những điều không nên; trái lại, phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn. Anh em phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào – mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng – được thừa hưởng cơ nghiệp trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa. Đừng để ai lấy lời hão huyền mà lừa dối anh em, chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ không vâng phục” (Ep 5:4-6).

Nhưng khi cần thiết, người ta không chỉ NÊN nói mà còn PHẢI nói, nhất là những khi bảo vệ sự thật và công lý. Thấy một thành viên trong gia đình có biểu hiện sai trái, các thành viên khác PHẢI NÓI để kịp “cứu” họ. Nếu im lặng lúc này thì thật là nguy hiểm – nguy hiểm cho chính thành viên đó và nguy hiểm cho cả gia đình.

Vô ngôn còn là dạng “cao cấp” vì các thành viên gia đình phải thực sự hiểu nhau mới có thể hiểu ý nhau mà không cần nói ra. Anthony Brandt nhận xét: “Mọi thứ có thể thay đổi chúng ta, nhưng chúng ta luôn bắt đầu và kết thúc mọi thứ với sự quan tâm của gia đình”. Còn Amelia Earhart nói: “Càng làm nhiều, thấy nhiều và cảm nhận nhiều, người ta càng có thể làm được nhiều và càng biết đánh giá chân thực về những điều cơ bản như gia đình, tình yêu và thấu hiểu sự đồng hành”.

Được như vậy, gia đình sẽ đúng là Tổ Ấm, nơi luôn đầy ắp tiếng cười, sự thông cảm, sự quan tâm, mọi người có thể chia sẻ mọi vấn đề của cuộc sống, không sỗ sàng và không e ngại.

Khi bạn đang uống ly nước cam vắt hoặc ly nước ngọt để giải khát, hãy nghĩ đến loại nước bình thường mà cha mẹ bạn thường uống. Khi bạn mặc những bộ quần áo hàng hiệu, hãy nghĩ đến những đồ bình thường mà cha mẹ bạn thường mặc. Khi bạn thoải mái tiêu xài, hãy nghĩ đến cách cha mẹ bạn sử dụng đồng tiền vì phải khó nhọc để có tiền cho bạn. Bạn có đếm được công sức của cha mẹ? Bạn có đếm được bao nhiêu giọt mồ hôi mà cha mẹ bạn đã đổ ra? Bạn có bao giờ cầm chiếc khăn thấm giọt mồ hôi nào cho cha mẹ chưa? Cha mẹ không cần bạn đền đáp đâu, nhưng cha mẹ chỉ mong muốn bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn chính họ. Những thứ bạn đang có đều là “phép mầu” từ đôi bàn tay chai cứng của cha mẹ đấy. Bạn có thấy quý giá và hạnh phúc không?

Ngày hôm qua chỉ là cơn mộng, và ngày mai cũng chỉ là một cơn mơ. Nhưng mỗi ngày hôm nay sẽ trở thành giấc-mơ-hạnh-phúc-có-thật và mỗi ngày mai sẽ là niềm-hy-vọng-hiện-thực, nếu chúng ta biết nỗ lực sống tốt.

Tục ngữ nói: “Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Cái ngon nhất là lưỡi, cái dở nhất cũng là lưỡi. Mỗi chúng ta hãy tâm niệm: “Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột, một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời, một lời đúng lúc có thể xua đi căng thẳng, nhưng một lời yêu thương có thể chữa lành và chúc phúc”.

Lời nói vừa cần vừa không cần. Cũng vậy, đối thoại có lúc cần và có lúc không cần hoặc chưa cần. Lời nói như lưỡi gươm, chưa dùng đến thì cứ để nó trong bao. Khi Phêrô nổi nóng, ông liền tuốt gươm chém đứt tai phải của người đầy tớ vị thượng tế tên là Man-khô, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26:52).

Để kết, chúng ta cùng ghi nhớ “chỉ thị riêng cho đời sống gia đình” trong Cl 3:18-25 mà Thánh Phaolô đưa ra:

“Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. Kẻ làm nô lệ hãy vâng lời những người chủ ở đời này trong mọi sự. Đừng chỉ vâng lời trước mặt, như muốn làm đẹp lòng người ta, nhưng với lòng đơn sơ, vì kính sợ Chúa. Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời vì biết rằng anh em sẽ nhận được phần thưởng Chúa ban, là gia nghiệp dành cho dân Người. Đức Kitô là Chủ, anh em hãy phục vụ Người. Ai ăn ở bất công sẽ được trả theo điều bất công mình làm; không có chuyện thiên vị”.

Xin Thiên Chúa luôn ban ơn cần thiết cho mọi người. Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đức Thánh Giuse, các Thiên Thần, các Thánh, và các Linh Hồn luôn nguyện giúp cầu thay cho mỗi thanh viên trong gia đình, đặc biệt trong năm nay, năm 2014, Năm Phúc Âm Hóa Gia Đình.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN