Cuộc đời có nhiều thứ đối lập, trái ngược, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: Sáng – tối, trắng – đen, cao – thấp, đẹp – xấu, mập – gầy, tròn – vuông, hiền – dữ, tốt – xấu, giỏi – dốt, yêu – ghét,… Có những thứ khả dĩ chấp nhận nhau, nhưng có những thứ không thể chấp nhận nhau, nếu có cái này thì không thể có cái kia.
Trình thuật Lc 18:10-14 cho thấy một dạng đối lập “không thể chấp nhận nhau” đặc biệt: Công Chính và Tội Lỗi. Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để “nhắc nhở” một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.
Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chúa Giêsu xác nhận: “Người này [người thu thuế], khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không [người Pha-ri-sêu]. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.
Có vẻ “xa lạ” với người Việt khi chúng ta cứ nói người Pha-ri-sêu và người thu thuế. Thiết tưởng cứ nói thẳng ra là “người đạo đức” và “người tội lỗi”. Và rồi một hôm đẹp trời, họ cùng vào nhà thờ để cầu nguyện…
Đúng như hai nhân vật điển hình được Chúa Giêsu đề cập, chúng ta vẫn “gặp” hai nhân vật này hằng ngày. Chẳng hạn: Có người ngồi trong nhà thờ, miệng vẫn đọc kinh hoặc đang cùng dâng lễ mà mắt cứ đảo qua đảo lại; có người rước lễ xuống mà mắt ngó tới ngó lui, nhất là những người có ngoại hình “coi được” một chút. Làm vậy để làm gì? Phải chăng vì muốn ngó chừng xem có ai “chú ý” mình hay không? Thế nhưng có người tỏ ra rất khép nép, có người chỉ dám đứng ở góc nhà thờ (trong hoặc ngoài) với dáng vẻ thành tâm lắm, có người chỉ lặng lẽ nghiêm quỳ với đôi mắt nhắm lại. Ở đây không có ý nói những người giữ “đạo gốc cây” hoặc “đạo qua loa” (ngồi ngoài nghe qua chiếc loa), mà chỉ muốn nói những con người cảm thấy mình “bé nhỏ” so với những người khác. Thấy cung cách của họ mà phải “giật mình” thật đấy!
Người đạo đức là ai? Đó là những người luôn hãnh diện vì mình hiền từ, nhân hậu, tốt lành, không bê tha, sống nghiêm túc, luôn đàng hoàng, rất đứng đắn trong mọi động thái. Đó là nói chung chung, mơ hồ, vòng vo quá! Rõ ràng là ai? Đó là những người ưa nổi bật, thích bề ngoài, muốn được người khác chú ý và khen ngợi khi họ tham gia sinh hoạt các hội đoàn (không chỉ một mà nhiều), hăng say giúp việc cho nhà thờ, đi làm từ thiện khắp nơi, khuyên người này, răn người nọ, phổ biến đủ loại tài liệu đạo đức,… Nói chung là vô số điều tốt việc lành, không thể kể hết.
Tất nhiên không ai dám chê trách những người thành tâm, cố gắng và hy sinh thời gian để tham gia các giờ kinh – nhất là vào những giờ “trái khoáy” như 4 giờ sáng, 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, hoặc 3 giờ chiều. Thật đáng khâm phục! Vấn đề đáng lưu ý và muốn đề cập ở đây là những người CHỈ LÀM VÌ GIẢ HÌNH, làm ra vẻ để người khác “nể mặt”, được nổi trội, sáng danh mình hơn sáng danh Chúa, tức là những người có “máu” Pha-ri-sêu. Dĩ nhiên chúng ta không nói ra, nhưng phong cách của chúng ta đã tố cáo điều “ấp ủ” trong lòng vậy!
Cả hai loại người như vậy có ở khắp nơi, đủ mọi tầng lớp, cả trong xã hội và Giáo hội.
Những ai tự nhận mình là người nhân đức, tốt lành, chí công và vô tư, hãy suy tư kỹ và nên thuộc lòng câu phân tích của Thánh Gia-cô-bê: “Ai tuân giữ tất cả Lề Luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm. Thật vậy, Đấng đã phán: Ngươi không được ngoại tình, cũng đã phán: Ngươi không được giết người. Vậy nếu bạn không ngoại tình, nhưng lại giết người, thì bạn cũng thành kẻ vi phạm Lề Luật. Anh em hãy nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do. Vì Thiên Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót thì chẳng quan tâm đến việc xét xử” (Gc 2:10-13). Đọc mà thấy rất “đau cái điền” (điên cái đầu).
Còn người tội lỗi là ai? Đó là những người… tội lỗi. Chẳng nói ra thì ai cũng “rành sáu câu”, quá rõ rồi. Nhưng chính xác thực tế của thế kỷ 21 này như thế nào? Đó là những người “bất cần đời”, không sợ “xả láng sáng về sớm”, mê cờ bạc, say đề đóm, ghiền hút sách, ham cá độ, thích rượu chè, khoái chơi “hai ngón”, ưa “cầm nhầm”, sẵn sàng bóc lột, không ngại áp bức, di truyền máu trai gái, thoải mái xem hoặc đọc những thứ “đen đặc quánh”, khỏi cần tránh thứ gì mình muốn,… Ôi thôi, cơ man nào mà kể, nhất là ở cái thời @ này!
Gặp các loại “đại ca” đó, chúng ta cảm thấy “ngại” lắm (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Và rất có thể chúng ta dè bỉu, xì xầm, khinh miệt, vì chúng ta cảm thấy họ “bẩn” quá, còn mình thì “sạch” lắm. Nhưng có lẽ chúng ta lại quên cầu nguyện cho họ, vì thực tế là chúng ta chưa (hoặc không) đủ trình độ mà (dám hoặc có thể) khuyên họ “chuyển hướng” đâu!
Chúa Giêsu đã xác định: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18). Vì thế mà chẳng ai dám cầm cục đá mà ném người phụ nữ ngoại tình (Ga 8:2-11). Lý do rất đơn giản là chẳng ai thấy mình công chính hoặc vô tội, mà ai cũng thấy mình xấu xa và tội lỗi ngập đầu, càng lớn càng nhiều tội!
Ước gì chúng ta nhận diện được chính mình để có thể nói như Giáo hoàng Phêrô: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8). Và chúng ta dám thú nhận như người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13).
Chúa Giêsu xác định: “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Nhưng Ngài cũng bảo: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6:44). Quả là cả một mầu nhiêm mà chúng ta không thể hiểu nổi!
Chắc hẳn chúng ta chỉ còn biết cúi đầu trước Thiên Chúa mà thôi. Với lòng khiêm nhường và sám hối, chúng ta hãy noi gương Thánh Y-nhã (Ignacio de Loyola, 1491-1556, linh mục sáng lập Dòng Tên) mà cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do, trí khôn và cả ý chí của con. Tất cả những gì con có và đang làm chủ, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại Chúa, vì tất cả là của Chúa. Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Lạy Chúa, xin ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa. Đối với con, thế là đủ. Amen”.
TRẦM THIÊN THU