Home / Chia Sẻ / ĐỜI GIEO

ĐỜI GIEO

ĐỜI GIEOThành công và khổ luyện không bao giờ tách rời nhau. Không có bí quyết thành công, mà chỉ là chuyên cần làm việc và làm việc. Vả lại, làm việc còn giúp người ta không bị những thứ khác quấy rầy – đời thường cũng như tâm linh. Tục ngữ nói: “Thất bại là mẹ thành công.” Người ta có thể thất vọng khi thất bại, nhưng nếu không nỗ lực thì không thể thành công. Và thành công không đồng nghĩa với sự giàu sang phú quý.

Kinh Thánh nói: “Có khi lâm nạn lại thành công, gặp may mà hoá thiệt thòi.” (Hc 20:9) Thật vậy, sự thành công dễ dàng có thể khiến người ta ảo tưởng và ngủ quên. Sự thất bại giúp người ta “sáng mắt” hơn và cẩn trọng hơn, cũng nhờ thất bại mà người ta khả dĩ thấy rõ “con số không to lớn và rỗng tuếch” của mình, bởi vì Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Như vậy, thành công không phải là mục đích, và thất bại không phải là chấm hết, vấn đề quan trọng là có đủ can đảm để đứng dậy và tiếp tục bước đi hay không.

Sống là chuyện lâu dài cả đời chứ chẳng ngày một, ngày hai. Quá khứ không thể lấy lại, ngày mai chưa biết ra sao, không thể kiểm soát quá khứ hoặc tương lai, chỉ có thể kiểm soát hiện tại. Tùy ý mỗi người. Điều chắc chắn: Muốn Gặt thì phải Gieo, muốn Gieo thì phải có Hạt Giống. Hạt giống là thứ rất quan trọng trong nông nghiệp. Hạt giống phải là những hạt giống mẩy, chắc, có màu sáng. Hầu hết các loại hạt cây lương thực đều gồm ba phần là vỏ, phôi và phôi nhũ. Vỏ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hạt, không để phôi hạt bị hư hỏng, vì phôi là “sinh mệnh” của hạt, có nhiệm vụ nảy mầm để có thể trở thành cây con, còn phôi nhũ là phần chứa dưỡng chất của hạt, là phần nuôi cây con. Đúng là phức tạp thật chứ không hề đơn giản chút nào.

Quan trọng về hạt giống vì hạt giống tốt mới có thể nảy mầm tốt, lớn thành cây tốt, và sinh hoa trái tốt. Thật vậy, chính Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Xem quả thì biết cây.” (Mt 12:33; Lc 6:44) Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây sâu không thể sinh trái ngọt. Về tinh thần, người ta cũng phải có loại “hạt giống tâm hồn” tốt để sống tốt, không thể hùa theo xu hướng xã hội. Tương tự, tâm linh còn cần hơn nhiều, nghĩa là phải có “hạt giống Lời Chúa” để phong phú hóa cuộc sống.

Mọi thứ đều liên đới với nhau – người và vật, cụ thể và trừu tượng. Quả và Cây, Gieo (trồng) và Gặt (thu hoạch) có hệ lụy với nhau. Nói và Nghe cũng vậy – vì người ta ví Nói là Gieo, Nghe là Gặt. Tương tự, Lòng và Miệng cũng không thể tách rời: “Lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6:45) Một hệ lụy tất yếu tiếp theo: “Nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án, và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:37) Trong và Ngoài cũng “dính líu” với nhau. Chắc chắn cái ly có đầy thì mới tràn, người Việt có cách nói đơn giản như vậy.

Không gì tự nhiên mà có, những gì con cái có hôm nay là do công lao cha mẹ gây dựng, thậm chí từ thời ông bà để lại. Gian khổ lắm, cứ phải nhịn chứ chẳng dám “ra vẻ” hoặc “vung tay quá trán.” Về nông nghiệp, từ khi gieo tới lúc gặt là một quá trình gian khổ. Cái gì cũng có cái giá của nó, Thánh Vịnh gia nói: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.” (Tv 126:5-6) Nỗi buồn và niềm vui, đau khổ và sung sướng, nụ cười và nước mắt,… đó là các cặp tương đồng về hai trạng thái khác nhau mà không đối lập, cũng như động thái gieo và gặt vậy. Gieo là lúc vất vả, gặt là lúc tận hưởng. Thật vậy, không có niềm hạnh phúc nào mà không có ít nhiều nước mắt – gian nan, khổ cực, hàm oan, hy sinh, chịu đựng,…

Vấn đề thời tiết cũng quan trọng, nghĩa là phải “lệ thuộc” Ông Trời. Trong quá trình Gieo và Gặt, không mưa thuận gió hòa thì con người cũng “bó tay” mà thôi, không thể “thay trời làm mưa” theo kiểu vô thần, mà có làm được mưa nhân tạo thì cũng chẳng thấm vào đâu. Rồi đến ngày thu hoạch, cứ tưởng “chắc ăn” nhưng rồi chỉ một cơn bão hoặc lũ lụt thì con người bỗng dưng trắng tay. Điều đó cho thấy Đấng Vô Hình mới làm chủ mọi thứ, Đấng đó chính là Thiên Chúa. Vừa kinh ngạc vừa kinh sợ, người ta tự hỏi về Đức Giêsu Kitô: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8:27; Mc 4:41; Lc 8:25) Vậy mà xã hội ngày nay vẫn có những kẻ “óc bò ổn định” thốt ra những lời thách thức, ngạo mạn.

Từ ngàn xưa, qua miệng ngôn sứ Isaia, Đức Chúa tuyên phán: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55:10-11) Thiên Chúa vô cùng “bình dân” khi dùng hình ảnh rất quen thuộc, rất thực tế, rất đời thường. Lời Chúa thực sự kỳ diệu và rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119:105) Không chỉ vậy, Lời Chúa còn có sức mạnh phi thường, không ai có thể cưỡng lại. Sức sống của loại “hạt” nào cũng mạnh mẽ, nhỏ bé mà vươn lên thành cây cao to.

Với kinh nghiệm sống và gieo “hạt” Lời Chúa, Thánh Vịnh gia chia sẻ: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi.” (Tv 65:10-12) Hồng ân Thiên Chúa chan hòa như mưa móc, thật thú vị khi dân nhà nông có kinh nghiệm này: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.” Lời Chúa là nguồn giải khát thiết yếu, ước gì chúng ta cũng có thể nói được như Thánh Vịnh gia: “Con há miệng và con hớp lấy, vì khát khao mệnh lệnh của Ngài.” (Tv 119:131) Thật hạnh phúc nếu hằng ngày sống được như vậy!

Nhìn ngắm thiên nhiên không chỉ là thú vui và thưởng ngoạn mà còn có thể nhận biết Thiên Chúa, bởi vì thiên nhiên tràn ngập hình ảnh chứng tỏ quyền năng của Ngài: “Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ, cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh, chiên cừu phủ trắng đồng xanh, lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào, câu hò tiếng hát trổi cao.” (Tv 65:13-14) Khi nhìn ngắm thiên nhiên, người ta có thể nhận biết Thiên Chúa hiện hữu, không nhận ra Ngài cũng có thể đồng nghĩa với việc chối bỏ Ngài. Thật thú vị với cách phân tích về tội thờ ngẫu tượng: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ.” (Kn 13:1-2) Rất chính xác!

Thánh Phanxicô hân hoan chúc tụng: “Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dựng nên muôn loài, cách riêng là Anh Mặt Trời, Anh phân ngày đêm, Anh cho ánh sáng, Anh xinh đẹp và rạng ngời ánh quang chói lọi… Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dựng nên Chị Trăng và các tinh tú, tuyệt đẹp, trong sáng và lấp lánh trên bầu trời… Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dựng nên Chị Nước, thật hữu ích, khiêm tốn, cao quý và thanh sạch… Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dựng nên Anh Lửa, nhờ Anh, Chúa soi sáng đêm đen, Anh xinh đẹp, vui vẻ, mạnh mẽ, hăng say… Lạy Chúa, con ngợi khen Chúa, vì Chúa đã dựng nên Chị Chết, không ai có thể chạy thoát khỏi tay Chị…”

Dù bằng cách này hay cách nọ, hằng ngày chúng ta cũng “gieo” nhiều thứ qua ánh mắt, lời nói, thái độ, cử chỉ, hành động,… Có những thứ chúng ta có thể “gặt” ngay lúc đó, nhưng cũng có những thứ cần có thời gian. Dù lâu hay mau, trong khoảng “gieo – gặt” vẫn có một khoảng chờ đợi nhất định. Thánh Phaolô nhận xét: “Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” (Rm 8:18-19) Đó là khoảng chờ đợi, khoảng hy vọng, luôn rất cần có sự kiên trì.

Và rồi Thánh Phaolô vừa giải thích vừa xác định: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8:20-21)

Có hạnh phúc vì có tự do, có tự do vì được giải thoát. Thánh Phaolô cho biết: “Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8:22-23) Đó mới là lúc thực sự được giải thoát, được thu hoạch chính những gì chúng ta đã “gieo” trong suốt cuộc đời. Ai gieo giống tốt thì bội thu, ai gieo giống xấu thì cũng thu hoạch, nhưng chỉ thu hoạch những cái xấu xa, độc hại, và nguy hiểm.

Trình thuật Mt 13:1-23 (≈ Mc 4:1-20; Lc 8:4-15) đề cập dụ ngôn liên quan Hạt Giống: Một hôm, Đức Giêsu từ nhà ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Ngài rất đông, nên Ngài phải xuống thuyền, còn tất cả dân chúng đứng trên bờ. Hôm đó, Ngài dùng dụ ngôn Người Gieo Giống để giáo huấn họ về đời sống tâm linh – và liên quan “hạt” Lời Chúa.

Chúa Giêsu đưa ra bốn loại hạt biểu thị cho bốn loại người: Thứ nhất là loại hạt rơi xuống VỆ ĐƯỜNG và bị chim chóc ăn mất; thứ hai là loại hạt rơi vào vùng SỎI ĐÁ và bị cháy khô khi nắng lên vì thiếu đất; thứ ba là loại hạt rơi vào BỤI GAI và bị chết nghẹt vì bị gai mọc đè lên; thứ tư là loại hạt rơi vào ĐẤT TỐT và đơm hoa kết trái – gấp trăm, gấp chục.

Rồi Ngài nói: “Ai có tai thì nghe.” (Mt 13:9) Ôi, một câu ngắn gọn mà khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều. Tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói? Chính Ngài giải thích: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13:11-15) Đó là một dạng ung thư – xơ cứng cơ phận nào đó. Linh hồn cũng có thể bị ung thư nếu bị “chai sạn” hoặc xơ cứng. Cứng lòng cũng là tội xúc phạm tới Chúa Thánh Thần, thế nên không đời nào được tha. (x. Mc 3:29; Lc 12:10) Ung thư tâm linh thật đáng sợ vì quá nguy hiểm!

Với các môn đệ, Chúa Giêsu xác định: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.” (Mt 13:16-17) Ngài cũng đang nói với tín nhân chúng ta như vậy. Chúng ta không diễm phúc như các tông đồ xưa được giao tiếp với Ngài, nhưng chúng ta lại có một mối phúc khác mà các tông đồ không có: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29)

Trong các Phúc Âm nhất lãm có khoảng 35 dụ ngôn, có lẽ dụ ngôn Người Gieo Giống khó hiểu nhất. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải giải thích: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.” (Mt 13:19-23) Lời giải thích chính xác và rõ ràng, ai cũng có thể hiểu, và có thể biết mình thuộc loại hạt nào.

Thiết tưởng, đã là tín nhân, có lẽ chúng ta chưa đến nỗi là “hạt rơi xuống vệ đường,” nhưng rất có thể chúng ta là “hạt rơi vào đá sỏi” và “hạt rơi vào bụi gai,” bởi vì chúng ta có nhiều nỗi sợ hãi và lo lắng. Vả lại, đôi khi chúng ta còn ảo tưởng, có vẻ “ngoan ngoãn và hiền lành” khi ở trong nhà thờ, nhưng khi ra ngoài nhà thờ thì… “khác hẳn,” y như các ảo thuật gia có thể biến Chiên thành Cọp. Thực sự rất đáng quan ngại!

Là con người nên chắc hẳn vẫn ảnh hưởng ngoại tại, nghĩa là cũng cần thiết có các nghi thức hoặc nghi lễ, nhưng vấn đề quan trọng là đừng quá câu nệ vào hình thức, chú ý số lượng mà coi thường chất lượng, lấy cái phụ làm cái chính. Nếu cứ gieo những thứ linh tinh thì Chúa cũng nói với chúng ta như nói với dân xưa: “Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu.” (Is 1:14-15)

Đời gieo là gieo đời, gieo cả đời với những hạt đời tốt. Khó chứ chẳng dễ, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Có nhiều dạng hạt lép và cũng có nhiều dạng hạt mẩy. Tính từ “mẩy” hoặc “lép” đôi khi còn do chính chúng ta gán ghép cho người khác, chứ chưa chắc tại hạt. Chí Phèo cũng muốn sống tốt mà tại thành kiến của người đời khiến anh ta không thể “ngóc đầu” lên được. Hạt Chí Phèo muốn “mẩy” mà bị người đời làm cho “lép” đấy thôi. Thậm chí còn có những dạng “cùi không sợ lở.” Lỗi tại ai? Lỗi tại tôi bao nhiêu lần cho đủ? Chúng ta có “đấm ngực” thật lòng hay chỉ là công thức?

Tương tự dạng Nhân – Quả, Thánh Phaolô nói: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng.” (Gl 6:7-9) Ước gì mỗi chúng ta đều là “hạt giống gieo vào đất tốt” rồi đơm hoa và kết trái, nhiều hay ít cũng được, miễn sao là có trái tốt – để sinh ích cho chính mình và cho tha nhân.

Lạy Thiên Chúa là Nguồn Mạch mọi sự thánh thiện, xin thúc giục chúng con luôn biết gieo hạt giống tốt và trở thành hạt giống nơi Vườn Nhân Đức để chúng con “được hưởng tình thương Chúa và ơn cứu độ theo lời hứa của Ngài,” (Tv 119:41) “xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Ngài và xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:17) Tất cả xin được vinh danh Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …