Home / Chia Sẻ / ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ CHA GIÁO PHÊRÔ ĐẶNG XUÂN THÀNH

ĐÔI DÒNG CẢM NGHĨ VỀ CHA GIÁO PHÊRÔ ĐẶNG XUÂN THÀNH

7Trước cái chết của cha giáo Phêrô, với những người có niềm tin thì đều hiểu được rằng: nhờ cái chết trong ơn nghĩa của Chúa, cha sẽ được trở về với Đấng là cội nguồn của hạnh phúc. Cha trở về với Thiên Chúa, về nơi cha đã từ đó mà đến trong thế gian và hiện hữu qua vai trò là một mục tử. Như vậy, phần thì vui mừng hân hoan vì từ nay cha được gần Chúa hơn chúng ta, một cuộc sống mà những người có đức tin đều mong ngóng đợi trông, vì đấy là niềm hy vọng của mọi người. Tuy nhiên, hẳn mỗi chúng ta không khỏi những bồi hồi và xúc động trước một tin đau buồn, đột ngột này.

Ngỡ ngàng vì sự ra đi quá đột ngột! Mới sáng hôm thứ tư, 27 tháng 11, tôi được cha giáo Antôn Nguyễn Cao Siêu thông báo ngài bị bệnh nặng, ngay lập tức tôi báo tin cho một vài người anh em đã từng quen biết và đã được ngài chỉ giáo khi còn trong Nam, để cầu nguyện cho ngài. Ai ngờ, 19h 30 cùng ngày, tôi thật bàng hoàng khi nghe tin ngài đã qua đời từ những chị em tu hội Thánh Tâm và các thầy Đại Chủng Sinh của Đại Chủng Viện Hà Nội.

Xúc động vì tại sao thánh ý của Chúa lại kỳ lạ như thế! Cha giáo là một người tài cao trí rộng, ngài đang đảm trách những công việc rất quan trọng trong Chủng Viện (giám học). Sự hiện diện và đóng góp của ngài đã làm cho Chủng Viện phần nào khởi sắc từng ngày. Với tuổi 60, là cái tuổi đang hăng say dấn thân cho sứ vụ. Lẽ ra Chúa phải để cho ngài thêm một thời gian nữa để làm việc. Ai ngờ, Chúa có chương trình của Người và đã gọi ngài về với Chúa.

Tiếc thương! Vì cả cuộc đời của cha giáo gần như sống ẩn dật, âm thầm hy sinh cho mọi người. Nhưng ngài đã không chịu khuất phục trước ngoại cảnh, cha đã tìm mọi cách để học hỏi, đã dùng thời gian tưởng chừng như bi đát dưới con mắt của người đời để sống tinh thần là men, muối và ánh sáng ngay trong những thực tại u ám. “Hữu xạ tự nhiên hương”, đời sống chứng tá của ngài đã làm cho nhiều người phải ngưỡng mộ, trong đó phải kể đến giới tu sĩ trong Nam ngoài Bắc. Đến khi được tự do dấn thân phục vụ, thì ngài như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ.

Thật vậy, suốt hơn 20 năm linh mục, cha đã sống trong âm thầm. Nhưng dù lúc thận tiện hay không thuận tiện, cha luôn sống và tỏ ra là một người cha nhân ái, một người thầy hết mực yêu thương con cái, luôn thao thức với ơn gọi, và quan tâm đến đời sống tu đức, nhân bản tri thức và thiêng liêng cho môn sinh.

Có lẽ vì thế mà con người của ngài có sức cuốn hút đến khâm phục lạ thường, nên ngay từ khi nghe thấy trang mạng của Tổng Giáo Phận Hà Nội loan tin “Cha giáo Phêrô Đặng Xuân Thành đã được Chúa gọi về”, ở nhiều nơi, nhất là tại các học viện, dòng tu, người ta gặp nhau thường tỏ rõ sự tiếc thương cũng như hỏi nhau về chương trình và nơi chốn sẽ an táng ngài để cùng đến tiễn biệt ngài lần cuối.

Có những đấng là thầy dạy của ngài khi xưa đã phải thốt lên: “cha Thành là một sinh viên xuất sắc thời còn học ở học viện Giáo Hoàng Piô X Đà Lạt”; những người bạn học cùng với ngài thì nói: “ngài là một người anh, người em dễ thương, vui tính, luôn sống hài hòa, quân bình, coi trọng tình bạn”; những độc giả đã được diễm phúc đọc các tác phẩm dịch thuật hay chính ngài viết thì nhận định: “ngài là một con người sâu sắc và thông thái”; với giáo dân đây đó, nhất là tại giáo xứ Nam Hải, quận 8, Sài Gòn, nơi ngài đã từng sống âm thầm nhiều năm trời, họ không ngần ngại ca ngợi: “cha Thành là một linh mục sống âm thầm, kiên trì, khiêm tốn”; “mấy chục năm làm linh mục, sống ở giáo xứ, nhưng chỉ nhận mình là một thầy giáo dạy học bình dân mà thôi”; còn những người đã được diễm phúc ngồi trong các giảng đường, được nghe và đón nhận những kiến thức trong các khoa học thánh mà ngài đã quảng diễn thì: “thương cha vô cùng”.

Riêng với tôi, tôi thực sự tạ ơn Chúa vì Người đã thương cho tôi gặp được cha giáo Phêrô trong những năm đầu tôi vào Sài Gòn, qua những lần linh thao, các cuộc tiếp xúc riêng tư, hay trong những giờ lên lớp, rồi khi ngài đã ra Chủng Viện Hà Nội để dạy học, tôi vẫn thường xuyên liên lạc với ngài qua email…, trong suốt thời gian đó, tôi có cảm nghiệm thật rõ nét là: dù nhỏ bé, yêu đuối và thấp hèn, nhưng trước mắt và trong trái tim của ngài, tôi biết mình được dành cho một vị trí đặc biệt. Nhận định này không chỉ cho riêng cho tôi, mà những người đã được diễm phúc gặp ngài hay tiếp xúc thì đều có chung một nhận định như vậy. Quả thật, ngài biết rõ từng con chiên, con chiên nào đau yếu, ghẻ lở, đui què, với ngài, ngài luôn sẵn lòng yêu thương, thông cảm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho đương sự an vui, hạnh phúc và thăng tiến. Cha đúng là Mục tử nhân lành, luôn biết các con chiên và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên, vì sứ vụ (x. Ga 10,14). 

Mặt khác, điều làm tôi tâm phục ngài nhất là việc cha sẵn lòng vâng theo tiếng Chúa qua bề trên (lúc đó là Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt) để lên đường với vài ba cuốn sách gọn lỏn trong vali và nhanh nhẹn ra Hà Nội để thi hành thánh ý Chúa. Ngài vẫn biết rằng ra ngoài đó không phải là chuyện dễ dàng về nhiều mặt, nhất là vấn đề sức khỏe, môi trường và khí hậu. Nhưng mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết của nhà đào tạo, tinh thần dấn thân của người tông đồ, ngài đã tâm sự với tôi: “con ạ, cha biết trước những khó khăn, vất vả đang chờ cha, nhưng xác tín rằng: tương lai là của Chúa, cha sẽ sống với hiện tại và chu toàn bổn phận hằng ngày theo ý Chúa là điều tốt nhất. Con cầu nguyện cho cha nhé”.

Ngày cha rời Sài Thành, lên đường ra Thủ Đô để nhận sứ vụ mới, tôi không tiễn chân cha được, chỉ biết rằng những ngày sau đó, các sinh viên thần học tại các học viện mà ngài đã tham gia giảng dạy, cũng như nhiều dòng tu trong Miền Nam đã được ngài cộng tác cách này hay cách khác đã tỏ rõ sự luyến tiếc, vì từ nay có thể rất ít được nghe ngài giảng tĩnh tâm, được ngài đồng hành, được thụ huấn trên các giảng đường học viện…

Tiếc thay!

Từ khi nghe thấy tin ngài qua đời, trong tâm trí tôi có những suy nghĩ: cha giáo Phêrô đã không bị tử đạo theo nghĩa đen, nhưng ngài đã cố gắng sống trung thành với Chúa, đơn sơ, khó nghèo, luôn coi ý bề trên là ý Chúa và sẵn lòng từ bỏ mọi sự để ra đi đến những nơi xa lạ vì sứ vụ, thì quả là một cuộc tử đạo liên lỷ trong cuộc đời của ngài. Cha không được đổ máu đào để chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa như các anh hùng tử đạo, nhưng cha đã tử đạo bằng cách chọn lối sống tu trì trong tu hội Thánh Tâm, qua 3 lời khuyên Phúc Âm mà cha tuyên khấn, đó là: Khó nghèo, Khiết tịnh, và Vâng phục, thì quả thật ngài đã tử đạo trong tâm rồi.

Thật thế, theo quan niệm các nhà tu đức hiện nay, thì đây là cách tử đạo liên lỉ, sống một cách trung thành với ba lời khấn dòng, từ ngày này qua ngày khác, quả là một cuộc tử đạo đầy tính anh hùng. Cha đã trở thành “Đức Kitô thứ hai”, và cha rập đời sống của mình vào một khuôn đúc mới, để xuất hiện trong một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô Mục Tử nhân lành.

Đang hăng say phục vụ, căn bệnh hiểm nghèo đã đột ngột đến với cha. Tòa Giám Mục Hà Nội đã kịp thời đưa cha đi cấp cứu, nhưng mọi chuyện trở nên muộn màng khi căn bệnh quá nặng. Một tuần trôi qua, cha nằm hôn mê sâu trong bệnh viện, mọi người đến thăm hỏi, nhưng cha không hề nhúc nhích, lúc này, cha đã trở nên hạt lúa mì gieo vào lòng đất để từ đó được nảy sinh những bông lúa vàng trĩu nặng. Thật thế, cha không lên tiếng, nhưng mọi người lên tiếng thay cho cha, và tinh thần của cha bắt đầu được lan tỏa trong sự kính trọng, yêu mến của nhiều người. 

Cha Phêrô ra đi là một sự mất mát to lớn của Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đại Chủng Viện Hà Nội, của Tổng Giáo phận Sài Gòn, nơi ngài đã âm thầm phục vụ nhiều năm, của Tu Hội Thánh Tâm, nơi mà ngài đã là thành viên và cũng là bề trên, nhiều dòng tu, học viện, cũng như niềm tiếc thương của nhiều người…

Như vậy, suốt 60 năm làm con Chúa, 32 năm trong tư cách là mục tử, Cha Phêrô là một nhà tu hành mẫu mực; là một người quản lý các mầu nhiệm của Chúa cách khôn ngoan, tài giỏi; là một tông đồ nhiệt thành; là một nhà giáo dục đào tạo kiên nhẫn, mẫu mực; là một chủ chăn hiền hoà và can đảm, luôn tận tâm hy sinh phục vụ, được nhiều  người thương mến. Giờ đây, cha nằm đó trong tư thế bất động, ngài không thể đứng dâng Thánh Lễ cuối cùng của cuộc đời mình với quý Đức cha, các cha trong ban đào tạo, với linh mục đoàn của Giáo phận, các thầy Đại Chủng Sinh, các tu sĩ và với bà con thân thuộc cũng như cộng đoàn Dân Chúa. Nhưng chắc chắn ngài đang cùng với chúng ta dâng lời chúc tụng, tạ ơn, Thiên Chúa và cũng không ngớt lời bầu cử cho chúng ta. Và, có lẽ trong âm thầm, ngài đang nhắn gửi mỗi chúng ta: “Hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu”.

Giờ đây, trước lúc chia tay cha, chúng con xin được thân thưa với cha: “chúng con yêu cha, mến cha và nguyện sẽ làm cho tinh thần của cha sống mãi trong trái tim của mỗi chúng con”.

Ước gì lời Chúa nói khi xưa:”Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành, Hãy vào hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,21) sẽ là lời tuyên phong cho cha khi cha ra trình diện với Chúa. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG