Home / Chia Sẻ / DỒI DÀO SỨC SỐNG

DỒI DÀO SỨC SỐNG

NƯỚC LÀNH, SỮA NGON – CHÚA TẶNG CHO THẾ GIỚI;

BỬU HUYẾT, THÁNH THỂ – NGÀI NUÔI DƯỠNG LINH HỒN.

DỒI DÀO SỨC SỐNGĐó là ý tưởng trong sách Isaia, và cũng là lời mời gọi cuối cùng đối với dân xưa: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55:1). Câu tiếp theo như lời cảnh tỉnh chúng ta: “Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công lao vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị” (Is 55:2).

Thiên Chúa muốn nhân loại hạnh phúc, không chỉ ăn no mặc ấm, mà còn phải ăn ngon mặc đẹp, không chỉ có của ăn để nuôi sống thân xác mà còn được sống viên mãn. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Thật là tuyệt vời, chính nhờ Ngài mà chúng ta ĐƯỢC SỐNG và SỐNG DỒI DÀO. Ngài đã dùng cách độc nhất vô nhị mà không ai có thể suy đoán hoặc tưởng tượng: Bí tích Thánh Thể được Ngài thiết lập ngay trước lúc bắt đầu chịu khổ nạn và chịu chết. Thánh Thể được hiểu bao gồm cả Bửu Huyết (Thánh Huyết). Thánh Thể là Phép Lạ của các phép lạ. Và để củng cố đức tin cho chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục làm phép lạ, đặc biệt là phép lạ Thánh Thể xảy ra tại Lanciano (Ý), năm 700 (sau công nguyên), và là phép lạ Thánh Thể đầu tiên được Giáo Hội công nhận.

Trang All-About-The-Virgin-Mary.com cho biết: Tại Lanciano, nơi xảy ra phép lạ Thánh Thể là Nhà thờ Thánh Domitian, do các tu sĩ Dòng Basilian coi sóc. Một tu sĩ linh mục Dòng Basilian, tên là Thomases, đã nghi ngờ sự hiện hữu thật của Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Thời đó có nhiều tà thuyết nổi lên đã làm lung lay đức tin của linh mục này.

Một buổi sáng nọ, Lm Thomases dâng Thánh lễ mà vẫn nghi ngờ. Đến phần truyền phép, có điều lạ xảy ra trên đôi tay khiến toàn thân Lm Thomases rung động: Bánh biến thành Thịt thật, Rượu biến thành Máu thật. Lm Thomases lặng người một lúc rồi từ từ đưa lên cho mọi người thấy và nói: “Ôi chứng cớ hữu hình của Chúa để xóa bỏ sự nghi ngờ của tôi, Ngài muốn mặc khải chính Ngài trong bí tích Thánh Thể hoặc để chúng ta nhìn thấy tỏ tường. Anh chị em hãy đến chiêm ngưỡng phép lạ của Chúa. Đây là Mình Máu Thánh Đức Kitô”.

Mọi người tận mắt chứng kiến phép lạ nên sững sờ, kêu than, xin tha thứ và xin xót thương. Đức tin của Lm Thomases đã được biến đổi. Biết tin này, cả thành phố và mọi người khắp nước đã tuôn về Lanciano để chiêm ngưỡng phép lạ Thánh Thể. Và đức tin của họ đã được tái sinh.

Về thể lý, sống thì phải ăn, ăn để duy trì sự sống. Tuy nhiên, lương thực chúng ta ăn hằng ngày không chỉ là lương thực bình thường mà đặc biệt là chính Mình Máu Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Đó là Thần Lương, là Nguồn Sống, là “của ăn đàng” cho những người đang trên hành trình lữ thứ trần gian, cần gia tăng sức mạnh để chiến đấu với mọi ác thù – nhất là phải chiến thắng chính mình.

THÁNH ƯỚC

Thiên Chúa yêu thương các thụ tạo của Ngài, yêu thương bằng mọi cách, và yêu thương đến cùng. Kinh Thánh cho biết rằng ông Menkixêđê là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, là vua thành Salem, và chính ông mang bánh và rượu ra. Sau đó, ông chúc phúc cho ông Áp-ram: “Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!” (St 14:19-20). Và rồi chính Ngài đã thiết lập Minh Ước Vĩnh Cửu với Tổ Phụ Áp-ra-ham khi Ngài xác nhận: “Người ta sẽ không còn gọi tên ngươi là Áp-ram nữa, nhưng là Áp-ra-ham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc” (St 17:5).

Trình thuật St 14:18-20 ngắn gọn nhưng có những chi tiết quan trọng. Thứ nhất, thời Cựu Ước, BÁNH và RƯỢU được dùng làm lễ vật; thời Tân Ước, Chúa Giêsu cũng dùng BÁNH và RƯỢU để thánh hóa thành chính Mình Máu của Ngài. Thứ nhì, có lễ vật thì cần có người dâng, đó là các tư tế, đại diện dân Chúa mà dâng lễ vật lên Thiên Chúa hằng ngày, họ được mệnh danh là những người theo phẩm hàm Menkixêđê. Trong Dạ Tiệc Vượt Qua tại Nhà Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, đồng thời Ngài cũng thiết lập chức linh mục. Các linh mục thừa tác tiếp tục công việc tế lễ để Chúa Giêsu hằng ngày hiện diện thật giữa chúng ta, để ai lãnh nhận Mình Máu Ngài thì có sức sống dồi dào qua từng hơi thở, mọi nơi và mọi lúc. Ôi, quả là Đại Tôn Sư Giêsu quá tuyệt vời! Và cũng là cách làm trọn lời hứa của Ngài: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).

Thánh Vịnh gia nói về sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng: “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con” (Tv 110:1). Và từ Sion, Đức Chúa sẽ mở rộng quyền vương đế của Ngài: Giữa lòng địch quân, xin Ngài làm bá chủ. Chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh, vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh. Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện, tự lòng Cha, Cha đã sinh ra Con” (Tv 110:3). Chúng ta chỉ là cát bụi, hoàn toàn bất xứng, nhưng lại vô cùng hạnh phúc vì được Ngài giao ước. Tuy chỉ một lần thề ước, nhưng là vĩnh viễn, Ngài sẽ chẳng rút lời: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Menkixêđê” (Tv 110:4).

Thánh Phaolô nói rõ: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:23-24). Thánh Phaolô tiếp tục nhắc lại lời Chúa Giêsu: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11:25).

Phép Lạ vĩ đại hằng ngày xảy ra trên bàn thờ, nhưng mắt thường không thể nhìn thấy, cho nên sau lời truyền phép, Giáo hội xác nhận: “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Và rồi mọi người cùng tung hô theo lời của Thánh Phaolô đã nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11:26). Quả thật, chúng ta phải dùng con-mắt-đức-tin để bù đắp cho con-mắt-trần-tục khi tôn kính Thánh Thể. Những lần hiện ra, Chúa Giêsu và Đức Mẹ vẫn luôn nhắc nhở người ta phải hết lòng tôn sùng và yêu mến Thánh Thể.

THỰC TẾ

Trình thuật Lc 9:11-17 (≈ Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Ga 6:1-13) cho biết Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (lần thứ nhất). Chúa Giêsu không bao giờ nói suông, mà rất thực tế, đồng thời cũng để củng cố lòng tin cho mọi người. Một hôm, có đám đông dân chúng đi theo Chúa Giêsu. Ngài tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Chiều dần buông, bóng đêm đến gần, các môn đệ đến bên Thầy Giêsu và xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng. Thế nhưng Ngài lại bảo các môn đệ phải cho họ ăn. Ôi chao, thế thì “căng” thật đấy! Người đông như kiến như thế thì lấy gì mà cho họ ăn? Nhưng các ông cũng nhanh trí, và cho Thầy biết: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”.

Ước tính hôm đó có khoảng năm ngàn đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ em. Một bữa tiệc nhỏ còn phải chuẩn bị cả tuần trước, dù thực khách chỉ vài chục hoặc vài trăm, thế mà đây có tới hằng ngàn người. Làm sao mà xoay xở nổi? Quả là một vấn nạn, một việc làm ngoài khả năng!

Chúa Giêsu biết chắc các đệ tử sẽ lo lắng lắm, có vò đầu, bóp trán cũng chẳng tìm ra cách. Thấy họ tỏ rõ vẻ lo lắng trên từng khuôn mặt, Ngài nói với họ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”. Vừa bị động vừa bị triệt buộc, nhưng các môn đệ được Thầy gỡ rối ngay, thế nên họ liền làm theo lời Thầy, chả dám ý kiến chi cả. Các ông bảo mọi người ngồi xuống theo nhóm, và khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Thánh sử Luca cho biết một sự lạ lùng: “Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng”. Một bữa tiệc ngon lành và ngoạn mục ngay giữa thiên nhiên. Tuyệt lắm!

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta biết rằng miếng ăn có liên quan các vấn đề khác, không chỉ về sự sống mà còn về quyền lợi. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trâu buộc ghét trâu ăn”. Một thực tế buồn nhưng đó lại là điều vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Thánh Phaolô đã nhắc nhở: “Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác” (Rm 11:17-18a). Rồi ông thẳng thắn đặt vấn đề: “Thì bạn cứ lên mặt đi! Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn” (Rm 11:18b). Một triết-lý-sống bình thường theo thực tế mà lại thâm thúy, cao siêu biết chừng nào!

Thật vậy, động thái chia sẻ là điều quan trọng – về vật chất và tinh thần. Sự chia sẻ liên quan việc CHO và NHẬN: “Phúc cho ai CHO mà KHÔNG NHỚ, NHẬN mà KHÔNG QUÊN” (Elizabeth Bibesco). Cách cho và cách nhận cũng có liên quan. Thánh Phanxicô Assisi đã có nghịch-lý-thuận này: “Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân” (Kinh Hòa Bình). Dám QUÊN mình để có thể NHỚ người. Thật tuyệt! Quả thật, nếu chúng ta không chia sẻ với người khác về những thứ họ cần, đó là chúng ta đã cướp chính sự sống của họ. Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng đề cập các vấn đề tương tự. Chia sẻ liên quan đức ái, yêu thương – nhân đức quan trọng cả đời này và đời sau.

Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã xác định với mọi người: “Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống” (Is 55:3). Và lời đó vẫn luôn mời gọi mỗi chúng ta ngày nay.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chúng con cảm tạ Ngài đã ban sự sống cho chúng con, đặc biệt là Nguồn Sống Thánh Thể, để chúng con được vui sống và dồi dào sức sống, xin giúp chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể và biến đổi chúng con để bảo đảm được lãnh nhận sự sống đời đời. Xin thúc giục chúng con biết sẵn sàng chia sẻ với mọi người, nhất là những người thiếu thốn – tinh thần hoặc vật chất. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …