Home / Chia Sẻ / ĐỜI – ĐẠO RẠCH RÒI

ĐỜI – ĐẠO RẠCH RÒI

ĐỜI – ĐẠO RẠCH RÒIRạch ròi là rõ ràng, rành mạch, không gây lầm lẫn cái này với cái kia. Đó là cách phân định cần thiết để tránh phiền toái trong mọi lĩnh vực, cả đời thường và tinh thần. Không chỉ cần rạch ròi với người khác mà còn phải rạch ròi với chính mình, vì con người luôn bị giằng co giữa trái và phải. Người can đảm mới có thể rạch ròi.

Một trong những thứ rất cần rạch ròi hiện nay là đại dịch corona. Tạ ơn Chúa cho Việt Nam được an toàn, mau qua 2 đợt dịch, nhưng chớ khinh suất, vì Việt Nam vừa phát hiện 2 trường hợp nhiễm covid tại Saigon và Bạc Liêu. Chúng ta cũng đừng quên nhiều nơi trên thế giới vẫn còn trong tình trạng phức tạp với loại virus “chết người” này.

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, người ta không muốn rạch ròi, thích giấu giếm, lén lút, chấm mút, mưu mô mờ mịt,… thích đi đêm hơn đi ngày. Kẻ ưa bóng tối là kẻ “không hành động theo sự thật.” (1 Ga 1:6) Mắt “yếu” thì sợ ánh sáng. Ai cũng có thể suy ra rằng chỉ có kẻ xấu mới không thích ánh sáng, minh bạch.

Được làm người, dù đã lớn hay còn nhỏ, chắc chắn không ai lại không có gì sở hữu, hiểu đơn giản là quyền làm chủ – quyền cơ bản nhất của mỗi con người. Lĩnh vực nào cũng có quyền sở hữu đặc trưng, chẳng hạn về tài chính, người ta có loại quyền gọi là “sở hữu chéo” (ngân hàng này sở hữu ngân hàng khác, doanh nghiệp này sở hữu doanh nghiệp khác,… mối quan hệ vừa trực tiếp vừa gián tiếp – khái niệm này xuất hiện từ thập niên 1980). Kể ra cũng lạ thật.

Con người cũng được Thiên Chúa ban cho những loại quyền riêng. Ngài ban cho chúng ta quyền quản lý thời gian và quyền tự do, chúng ta được quyền sở hữu nhưng không được làm chủ. Chúa Giêsu xác định: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Thật vậy, khi nói về một tài năng nào đó, người ta dùng chữ “thiên phú” – tức là “trời cho.” Tác giả sách Giảng Viên cảm nhận: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người.” (Gv 3:12-14) Vấn đề quan trọng là ai đó có tài năng mà còn “biết kính sợ Chúa” hay không, biết khiêm nhường hay không. Nếu cứ ảo tưởng thì “chết chắc” thôi. Quả thật, rất cần phải rạch ròi.

Ngày xưa, Đức Chúa phán với kẻ Ngài đã xức dầu là vua Kyrô: “Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa.” (Is 45:1) Ngài giải thoát ai thì người đó thuộc quyền sở hữu của Ngài. Chúng ta cũng được Thiên Chúa cứu độ bằng Giá Máu của Đức Giêsu Kitô, Con Một Yêu Dấu của Ngài, do đó chúng ta cũng thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Đức Kitô, thuộc dòng dõi Ápraham và được thừa kế. (Gl 3:29) Bất cứ ai thuộc về Thiên Chúa thì phải vâng lời Ngài. (Ga 8:47) Đó là vấn đề quan trọng, cần nhận thức rạch ròi.

Cái gì cũng có nguyên nhân. Thiên Chúa giải thích: “Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Giacóp, và của người Ta đã chọn là Israel, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác.” (Is 45:4-6) Thiên Chúa nhấn mạnh tính cao cả duy nhất của Ngài bằng cách lặp đi lặp lại: “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác.” Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chỉ được phép tôn thờ một mình Ngài mà thôi. Và thật diễm phúc, chúng ta đã nhận ra điều này, để rồi chúng ta đang tôn thờ Ngài và không ngừng nỗ lực học bài học yêu của Ngài. Cũng như dân Israel, chúng ta được trở nên dân riêng của Ngài.

Chính Thiên Chúa cũng đã động viên và xác nhận với dân Israel trước đó: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43:1) Và Ngài cũng đang nói với mỗi chúng ta như vậy. Dân Israel là “vật sở hữu” của Thiên Chúa, và có cả mỗi chúng ta nữa. Ngày nay cũng có những thứ thuộc về Thiên Chúa, tương tự như Dân Riêng vậy, thuộc quyền sở hữu của Ngài. Ai dám “đụng chạm” đến những gì của Chúa thì sẽ “có vấn đề” ngay thôi. Không hẳn là Ngài trừng phạt, mà Ngài muốn làm cho chúng ta tỉnh ngộ. Kinh Thánh nói: “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri thức. Kẻ ngu si khinh thường khôn ngoan và lời nghiêm huấn.” (Cn 1:7)

Thời gian là cõi phù vân, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời ở dưới bầu trời này. Ngay cả chuyện ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, tức là tận hưởng những gì mình sở hữu, đó cũng là tặng phẩm Chúa ban rồi. (x. Gv 3:1-12) Vâng, tất cả chỉ là phù vân, chúng ta “chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết,” (Tv 49:13) chẳng có gì bền vững, chỉ có Thiên Chúa là Đấng vạn đại trường tồn. (Tv 102:25) Phải biết Chúa vô hạn và biết mình hữu hạn, biết rạch ròi như vậy để mà hết lòng tôn thờ, tuyên xưng và tán tụng Ngài. Thánh Vịnh gia mời gọi mọi người và mọi dân tộc: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu!” (Tv 96:1)

Đó không chỉ là trách nhiệm và bổn phận mà còn là quyền lợi của chúng ta, bởi vì việc chúng ta ca tụng Chúa cũng chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng đem lại ơn cứu độ cho chính chúng ta. Rõ ràng Thiên Chúa quá đại lượng. Ca tụng Thiên Chúa cũng chính là niềm hạnh phúc của mỗi chúng ta: “Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người. Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần, vì chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn Đức Chúa, Người sáng tạo trời cao.” (Tv 96:3-5) Ca tụng Chúa khi thuyền đời chúng ta xuôi chèo mát mái thì đã đành, tất nhiên thôi, nhưng ca tụng Chúa ngay cả khi thuyền đời chúng ta không chao nghiêng vì sóng to, gió lớn, đó mới là điều khó thực hiện, thế nhưng lại có giá trị cao. Nhiều vị thánh đã chứng minh điều đó, cụ thể là CP thiếu niên Carlo Acutis mà Giáo Hội vừa tôn phong ngày 10-10-2020.

Con người được Thiên Chúa chăm sóc và ban cho mọi thứ, cả vật chất và tinh thần, nhưng người ta lại cứ tưởng là “điều dĩ nhiên” nên không tạ ơn Ngài, rồi lại còn “so đo” vì cho rằng mình không may mắn như người khác. Thật ra đó là ý mình chứ không phải Ý Chúa. Quả thật, Thiên Chúa luôn xứng đáng để chúng ta xưng tụng mọi nơi và mọi lúc: “Hỡi các dân các nước, hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người. Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện, toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.” (Tv 96:7-10) Thiên Chúa nhân từ, nhưng nghiêm minh, rất rạch ròi.

Thiên Chúa tạo tác muôn loài, nghĩa là Ngài sở hữu tất cả, còn chúng ta trắng tay. Chúa Giêsu xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5) Thế nên chúng ta không thể không tôn vinh Ngài và không tạ ơn Ngài. Chúng ta không có quyền đòi hỏi, có ai đau khổ bằng ông Gióp chưa? Thế mà trong lúc đau khổ cùng cực, mất hết mọi thứ, từ của cải tới con cái, nhưng ông Gióp vẫn “không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa.” (G 1:22) Thiên Chúa nói với Satan về ông Gióp: “Chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người VẸN TOÀN và NGAY THẲNG, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác.” (G 1:8) Đó là tấm gương lớn sáng ngời mà mỗi tín nhân cần phải soi hằng ngày. Chưa đến nỗi nào mà chúng ta đã than trách đủ thứ, vậy thì làm sao có thể “xách dép” theo Thánh Gióp? Làm việc gì cũng mệt mỏi, vác thập giá không thể thoải mái, chắc chắn như vậy. Cái Khó nào cũng Khổ, nhưng nhờ Khổ mới nên Khôn. Nhóm 3K kỳ lạ: Khó – Khổ – Khôn. Thảo nào người ta nói: “Cái khó ló cái khôn.”

Tạ ơn và cầu nguyện là bổn phận của chúng ta, không chỉ cho mình mà còn cho tha nhân, đồng thời cũng cần biết cảm ơn nhau nữa. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.” (1 Tx 1:2-3) Tình liên đới Kitô giáo thật tuyệt vời, không chỉ với người còn sống mà cả với người đã qua đời – các thánh và các linh hồn.

Vừa giải thích vừa xác định, Thánh Phaolô phân tích: “Anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em.” (1 Tx 1:4-5) Lời thánh nhân nói với giáo đoàn Thêxalônica cũng là nói với chính chúng ta – mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội đoàn, mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận, mỗi chủng viện, mỗi tu viện,…

Người ta nói: “Nhà có gia phong, nước có quốc pháp.” Gia đình nào cũng có nề nếp riêng, quốc gia nào cũng có hiến pháp – nhưng hiến pháp phải hợp lòng dân, không thể tự ý ra luật “tùy hứng” rồi bắt người khác thực hiện. Luật có sau con người. Luật vị nhân sinh, luật vì con người. Luật giúp con người sống tốt hơn và giúp duy trì trật tự. Nên giữ luật nhưng đừng câu nệ luật, giữ luật “chữ đỏ” theo kiểu Biệt Phái. Cổ nhân có câu: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên.” Nghĩa là trong ba người cùng đi cũng có một người là thầy, có khả năng hướng dẫn hai người kia, tức là có thể “làm luật” để duy trì trật tự, vì lợi ích chung.

Trình thuật Mt 22:15-21 (≈ Mc 12:13-17; Lc 20:20-26) cho biết: Một hôm, nhóm Pharisêu bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Không chỉ vậy, họ còn cấu kết với phe Hêrôđê, gã cáo già nham hiểm mà hèn nhát. Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” Đó là những kẻ mặt người dạ thú. Thật đáng kinh tởm!

Vải thưa không thể che mắt thánh. Tiền nhân ví von chí lý như vậy. Chúa Giêsu thấu suốt lòng con người, Ngài biết họ có ác ý nên Ngài nói thẳng: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình? Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” Họ thường xuyên bị Chúa Giêsu trách mắng thẳng thừng, thậm chí là nguyền rủa, thế mà họ vẫn chai mặt, lì lợm. Và rồi họ thản nhiên đưa cho Ngài một quan tiền. Ngài vừa chỉ đồng tiền vừa hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp tỉnh queo: “Của Xêda.” Thật là trơ trẽn, hết nước nói. Bấy giờ, Ngài bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Câu trả lời của Chúa độc đáo quá! Nghe vậy, họ ngạc nhiên lắm, nhưng đành lẳng lặng bỏ đi. Cái gì của ai thì trả cho người đó, không phải của mình thì đừng tham lam, không chỉ KHÔNG NÊN mà là CẤM tuyệt đối.

Dù vật chất hay tinh thần, bất cứ thứ gì của người khác thì không thuộc quyền sở hữu của mình, chớ có “ước muốn” hoặc rờ tới. Thiên Chúa đã nghiêm cấm trong Thập Giới: Chớ lấy của người và chớ tham của người. (Giới Răn 7 và 10) Rất rạch ròi. Thế nhưng có một số người lại quan niệm lệch lạc thế này: “Cho không lấy, thấy không xin, kín thì rình, hở thì rinh.” Nguy hiểm vô cùng! Cuộc sống có nhiều dạng sở hữu, nhưng phải phân biệt rạch ròi giữa Đời và Đạo: Cái gì thuộc về trần tục và cái gì thuộc về tâm linh. Đừng lầm lẫn mà lấy râu ông nọ đem cắm cằm bà kia. Vâng lời quyền bính thế gian cũng là vâng lời Thiên Chúa – nếu khoản luật đó phù hợp với công bình và bác ái. Chính Thiên Chúa đã minh định: “Trên hết, hãy yêu chuộng Chân Lý và Bình An.” (Dcr 8:19)

Thật vậy, Thánh Phaolô đã đề cập nhà chức trách: “Làm điều thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ. Bạn muốn khỏi phải sợ chính quyền ư? Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được họ khen ngợi, vì chính quyền là người thừa hành của Thiên Chúa để giúp bạn làm điều thiện. Nhưng nếu bạn làm điều ác thì hãy sợ, vì họ mang gươm không phải không có lý do. Thật vậy, họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống kẻ làm điều ác. Vì lẽ đó, cần thiết phải phục tùng, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm.” (Rm 13:3-5) Ở đây là “lương tâm ngay lành, chân chính.” Cũng nên lưu ý loại “lương tâm chai cứng” vì bị lệch lạc, không đủ mức phân biệt phải – trái. Loại lương tâm này rất nguy hiểm, bởi vì đã mất cảm thức tội lỗi. Những người thuộc tổ chức IS (Islamic State – Nhà nước Hồi giáo) giết người dã man vì họ cho đó là “điều chính nghĩa.” (sic!) Thậm chí họ còn hành hạ cả các trẻ em vô tội. Đã có đợt họ hành hạ dã man khoảng 70.000 trẻ em vô tội. Niềm tin tôn giáo của họ lệch lạc nên họ bất nhân, loại đó không phải là tín ngưỡng đúng nghĩa.

Qua một tâm thư, Thánh Phaolô đã dặn dò đệ tử Titô: “Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùng và tuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người.” (Tt 3:1-2) Những mệnh lệnh cách rất mạnh mẽ, cả thể xác định hoặc và phủ định – Phải và Đừng.

Thế gian là tạm bợ. Tất cả là phù vân. Mọi thứ sẽ qua đi. Ngay cả những gì chúng ta đang sở hữu cũng không thuộc về chúng ta mãi mãi, kể cả sự sống: “Chúa lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.” (Tv 104:29) Những gì chúng ta sở hữu và thuộc về chúng ta vĩnh viễn là nhân đức. Loại “vật sở hữu” này rất quan trọng, gọi là công trạng, vì đó sẽ là chứng cớ hùng hồn bênh vực cho chính chúng ta, chỉ nhờ đó mà chúng ta được trở thành Công Dân Nước Trời – dĩ nhiên trước tiên phải nhờ công cuộc cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Có Chúa là có tất cả, Thánh LM TS Tôma Aquinô rất khôn ngoan khi xác định: “Con chỉ muốn Chúa mà thôi!” Đó là điều duy nhất mà mỗi chúng ta phải nỗ lực để khả dĩ “sở hữu” mãi mãi, và là trạng sư cho chúng ta khi chúng ta trình diện Thiên Chúa.

Chúa Nhật áp chót của tháng 10 là ngày Khánh nhật Truyền giáo – ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và dâng hiến, nói đơn giản là “đi tu” – tất nhiên không phải là “đi tù.” Ngày Thế giới Truyền Giáo được Đức Piô XI khai sinh từ năm 1926. Sứ điệp Khánh nhật Truyền giáo năm 2020: “Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6:8)

Lạy Thiên Chúa duy nhất, xin dạy chúng con nhận biết Ngài và nhận biết chính chúng con để một niềm tin yêu đến hơi thở cuối cùng. Tất cả là của Ngài và thuộc về Ngài, chúng con chỉ là cát bụi, xin triệt tiêu “cái tôi” tồi tệ của chúng con và xin liên kết mọi người “nên một” (Ga 17:20-23) theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN