Home / Chia Sẻ / ĐO CỬA THIÊN ĐÀNG

ĐO CỬA THIÊN ĐÀNG

ĐO CỬA THIÊN ĐÀNG1Thánh Elizabeth Ann Seton (1774-1821) cho biết: “Cửa Thiên Đàng rất thấp, chỉ những ai chịu cúi xuống mới có thể vào được.” Một cách nhận định cụ thể mà hàm súc nghĩa bóng thâm thúy: Người chịu “cúi xuống” là người khiêm hạ – khiêm tốn, khiêm nhu, khiêm nhường. Chỉ những người đơn sơ mới có thể làm vậy, điều mà Thánh “bông hoa nhỏ” Têrêsa đã làm: “Tôi vui thích được nhỏ bé.”

Ai cũng biết rằng muốn vào Thiên Đàng thì phải hoàn thiện, muốn hoàn thiện thì phải gặp Chúa, muốn gặp Chúa thì phải tìm kiếm Chúa. Tìm kiếm Chúa thật khó. Khó không phải vì Ngài “trốn” chúng ta, mà tại chúng ta chưa thực sự muốn gặp Ngài. Muốn thì ai cũng muốn, nhưng hành động thì… cứ từ từ! Trình thuật Mc 10:17-30 (≈ Mt 19:16-30; Lc 18:18-30) đề cập vấn đề này.

Thánh Máccô kể: Một hôm, khi Chúa Giêsu vừa lên đường, có một người chạy đến, quỳ xuống và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Ngài nói: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta hãnh diện nói với Ngài rằng anh đã tuân giữ tất cả những điều đó từ thuở nhỏ. Đối với anh chỉ là “chuyện nhỏ.” Thật tuyệt vời, thật tốt lành!

Quả thật, chính Chúa Giêsu cũng đem lòng yêu mến nên âu yếm nhìn anh ta và nói: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Có lẽ lúc đó Chúa Giêsu lắc đầu và tiếc cho anh ta lắm.

Rồi Ngài rảo mắt nhìn xung quanh và nói với các môn đệ: “Những người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Ngài nói thế, các môn đệ sững sờ, chẳng lẽ giàu là có tội? Họ lại ngạc nhiên khi nghe Ngài nói: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Họ lại càng sửng sốt hơn và hỏi nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Hỏi để mà hỏi chứ chẳng ai có thể trả lời. Chúa Giêsu biết các đệ tử đang “rối trí” và “nhức óc” lắm, nhưng Ngài vẫn nghiêm túc nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”

Giàu không là tội. Người giàu khó vào Nước Trời vì kiêu căng, ỷ lại, khinh người nghèo, dùng tiền bạc để ăn chơi sa đọa; người giàu mà biết chia sẻ với người nghèo, biết làm từ thiện, có thể họ dễ vào Nước Trời. Còn người nghèo mà chảnh thì cũng vô phúc, cho thì không lấy, thấy cũng không xin, đồ người ta giấu kín thì rình mò, hở ra là rinh ngay. Nghèo như vậy là nghèo vô phúc, nghèo bạc phước, vẫn khó vào Nước Trời, mà cũng chẳng biết lối nào mà vào.

Theo Chúa, các môn đệ vẫn có nếp nghĩ của thế gian, nghĩa là phải có danh phận hoặc lợi lộc gì đó, thế nên ông Phêrô lên tiếng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” Chắc chắn là thế. Có lẽ ông Phêrô nghe vậy cũng thấy an tâm. Và rồi một lần khác, ông đã xác định: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68)

Vấn đề Giàu – Nghèo là vấn đề muôn thuở. Người nghèo luôn nhiều hơn người giàu – ở mọi thời, mọi nơi và mọi lúc. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xác định: “Người nghèo bên cạnh anh em lúc nào cũng có.” (Ga 12:8) Thực tế cho thấy rằng chẳng mấy ai “đẻ bọc điều” đâu, thế nhưng có những người “hơn người” một chút gì đó đã tỏ vẻ “chảnh,” kênh kiệu, vênh váo. Đúng là ảo tưởng sinh ảo giác, như chứng nan y bất trị vậy!

Người nghèo thì khổ, thiếu thốn đủ thứ, thậm chí thiếu cả những điều kiện sống cơ bản. Với người giàu, người Việt nói: “Miệng người giàu có gang, có thép.” Người Iran mỉa mai: “Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo họ nhầm lẫn; khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo họ ăn trộm.” Còn người Nam Phi nói: “Lời đề nghị của kẻ nghèo được xét đến sau cùng.” Kinh Thánh nói: “Người giàu vừa ăn cướp vừa la làng, còn người nghèo bị thiệt thì lại phải năn nỉ.” (Hc 13:3) Kiếp nghèo không chỉ khốn khổ mà còn nhục nhã!

Có điều khác biệt giữa người nghèo và người giàu: “Người nghèo ăn khi nào có, người giàu ăn khi nào muốn.” (Tục ngữ Phần Lan) Rất đơn giản mà rất thâm thúy. Nỗi đau ngấm ngầm và nhức buốt lắm! Tục ngữ Pháp phân tích: “Không ai kiêu ngạo hơn người giàu mà mới đây chỉ là kẻ nghèo kiết xác.” Khó vào Nước Trời là loại người giàu như vậy, chứ sự giàu có không là điều bất hạnh mà Chúa Giêsu đề cập. Người giàu hay nghèo đều cần sự khôn ngoan, bởi vì “khôn ngoan là thần khí hằng yêu mến con người,” (Kn 1:6) là “cội rễ không thể nào hư hoại,” (Kn 3:15) và là “kho báu vô tận cho con người.” (Kn 7:14) Sự khôn ngoan rất cần thiết: “Có nhiều người khôn ngoan, thế giới được cứu thoát; nhờ một vị minh quân, cả thần dân được an cư lạc nghiệp.” (Kn 6:24)

Tác giả sách Khôn Ngoan bộc bạch: “Tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi. Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan.” (Kn 7:7-8) Thật là khôn ngoan khi biết mình yếu đuối, bất tài, vô dụng, và biết cầu xin Chúa xót thương. Khôn ngoan nhờ khiêm nhu, khiêm nhu nhờ khôn ngoan. Khôn ngoan vô giá, không gì có thể so sánh.

Tác giả sách Khôn Ngoan giải thích và chia sẻ: “Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất. Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn sức khỏe và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi. Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.” (Kn 7:9-11) Sự khôn ngoan vô giá. Có khôn ngoan là có tất cả.

ĐO CỬA THIÊN ĐÀNG2Xác định được vậy, Thánh Vịnh gia cầu nguyện: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90:12) Niềm khao khát đó không thoáng qua, không tùy hứng, nhưng là niềm khao khát cháy bỏng không ngừng: “Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca. Xin ban tặng chúng con niềm hoan hỷ, bù lại những tháng năm Ngài đã bắt nếm nhục nuốt sầu.” (Tv 90:14-15) Tất cả là hồng ân, là lòng thương xót của Thiên Chúa, chứ chúng ta hoàn toàn bất xứng. Biết vậy là đầu mối khôn ngoan. Chắc chắn Thiên Chúa sẽ không làm ngơ, vì Ngài giàu lòng thương xót, Ngài muốn chúng ta biết thân thưa: “Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con. Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố, xin củng cố việc tay chúng con làm.” (Tv 90:17)

Lối nhỏ là đường dẫn tới sự sống, lối rộng là đường dẫn tới sự chết, như Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14) Ngài còn bảo chúng ta phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” (Lc 13:24) Chắc chắn Ngài không xúi dại ai. Chính sự tự do cũng có “phạm vi nhất định” chứ không phải tự do thì muốn làm gì thì làm.

Lời Chúa có lúc làm cho chúng ta hạnh phúc, phấn khởi, nhưng có lúc lại khiến chúng ta đau nhói, nhức buốt, vì “Lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.” (Tv 12:7) Thật vậy, Thánh Phaolô nói: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” (Dt 4:12) Đây là lý do: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” (Dt 4:13)

Thánh Vịnh gia đặt vấn đề: “Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy.” (Tv 119:9) Ước gì mỗi chúng ta luôn biết chân thành tâm nguyện: “Lạy Chúa, con hết dạ kiếm tìm Ngài, xin chớ để con làm sai mệnh lệnh Chúa.” (Tv 119:10)

Chuyện vui kể rằng… Tám xe ôm và Bảy ve chai rủ nhau “làm tí” để xả xì-trét. Thằng thì số nghèo, thằng thì kiếp khổ, không chỉ “hợp” nhau mà còn là bạn bè với nhau từ nhỏ. Trời mưa rả rích kéo dài từ trưa, cùng nhau “làm tí” thì thật vui. Cái quán “cờ tây” có cái tên thú vị “NÓ ĐÂY RỒI!” vẫn là nơi cho hai kẻ khổ trút bầu tâm sự kiếp nghèo lâu nay. Thấy Tám thở dài ra chiều đăm chiêu, Bảy chau mày:

– Mày làm cái gì mà ảo não vậy? Mặc kệ nó đi. Trời sinh voi sinh cỏ. Lo bạc râu, sầu bạc tóc. Kệ tía nó đi!

– Kệ sao được mà kệ. Lo thúi ruột đây nè!

– Bộ tao không lo hả? Nhưng mà lo được gì? Chúa bảo “đừng lo ngày mai.” (Mt 6:25) Mà có lo cũng chẳng được!

– Biết vậy. Nhưng mà…

– Nhưng nhị gì nữa. Uống đi. “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6:34) Dzô cái coi!

– Tao thấy người giàu ung dung sung sướng, không khốn khổ như tụi mình.

– Tao chẳng ham. Người giàu cũng khóc đấy thôi. Đừng nhìn bề ngoài mà tưởng “ngon” nha!

– Dù sao họ cũng sướng cái thân. Khỏe re. Còn tao với mày thì…

– Thì sao? Nghèo mà không gian dối, không lừa bịp, không nợ nần gì ai, thế là tốt rồi. Coi vậy chứ mấy người giàu cũng nợ như chúa chổm, nhìn vậy mà không phải vậy. Vả lại, “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có khó vào Nước Trời” (Mt 19:24; Mc 10:25) đó nha!

– Người giàu mà biết chi tiền đúng chỗ thì đâu có khó? Mà mày biết sao họ khó vô Nước Trời không?

– Tao thấy có hai vấn đề.

– Là sao? Cái gì?

– Thứ nhất, Chúa Giêsu là dân nghèo chính hiệu. Ngài sinh ra ở ngoài đồng, sống ở ngoài đường, chơi thân với đám dân đen, rồi chết trần trụi ở trên đồi. Trắng tay, chẳng có chi ráo trọi. OK chứ?

– Rồi sao nữa? Vấn đề thứ hai, nói!

– Thứ hai, Thiên Đàng không có những thứ xa xỉ phẩm cho họ xài, mà cũng chẳng có những nơi ăn chơi cho họ vô. Chúa có cho vô thì họ cũng không muốn. Cái khó nhất là tại họ “chảnh,” khinh người nghèo, và coi trời bằng… nắp bia. OK chứ?

– Cũng có lý. OK. Nào, nâng ly chúc mừng nhau an tâm thoải mái với cái nghèo nè!

Tám xe ôm và Bảy ve chai cười to, cụng ly cái rụp và đồng thanh: “Dzô!”

Chợt Tám nheo mắt và nói:

– Tao thấy mày có vẻ rành Kinh Thánh dữ nghen!

– Không rành chi, chỉ nhớ vài câu để “nổ” thôi. Nhưng là mấy câu cần thiết nha!

– Thế là được rồi. Nhớ nhiều câu mà không áp dụng cũng vô ích!

– Tao nhớ câu này hay, hợp với tụi mình nè. Cũng chỉ hai điều thôi!

– Câu gì? Nói nghe coi!

Bảy tằng hắng ra vẻ trang trọng, vừa nhìn Tám vừa nói:

– Nghe nè: “Con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: ‘Đức Chúa là ai vậy?’ hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.” (Cn 30:7-9)

– Chà, quá “đã” luôn. Nào, dzô cái nữa coi!

Kích thước Cửa Thiên Đàng không người thợ tài giỏi nào có thể đo được, nhưng mỗi người phải tự đo bằng đức tin và tình yêu, nhờ ơn Chúa giúp, vì ơn Ngài luôn đủ để người ta có thể vượt qua cõi đời này.

Lạy Thiên Chúa, xin thêm sức cho chúng con vui lòng với những gì Ngài quan phòng và tiền định, chứ không se sua, không mưu mô, không đòi hỏi. Xin giúp chúng con đi qua đường hẹp để được sống dồi dào và được vào Cửa Thiên Đàng mai sau. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG