Home / Chia Sẻ / ĐIỀU CHÚA MUỐN

ĐIỀU CHÚA MUỐN

DieuChuaMuonXuyên suốt Tân ước, Chúa Giêsu đã cảnh báo người ta về những điều sẽ xảy ra – có điều tốt, có điều xấu, có điều kỳ diệu và có điều khủng khiếp. Dưới đây là 26 điều, với cách chú giải của ba học giả Kinh Thánh nổi tiếng: Andrew Hess, Quintin Stieff và Don Stewart.

  1. KHÔNG AI BIẾT NGÀY GIỜ CHÚA TÁI LÂM

Trong Mc 13:32, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ về việc Ngài trở lại, nhưng hãy chú ý rằng về ngày giờ đó, không ai có thể biết, dù đó là thiên thần, hoặc Chúa Con, chỉ có Chúa Cha biết. Thánh sử Luca cho biết: “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Lc 12:40). Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng chính Ngài cũng không biết khi nào Ngài trở lại. Điều này thật thú vị! Chúa Giêsu căn dặn: “Hãy sẵn sàng”. Ngài không biết lúc nào Ngài đến với cuộc đời mỗi người, nhưng Ngài hướng dẫn chúng ta phải sẵn sàng đợi Ngài trở lại.

  1. CÁC KITÔ HỮU CẦN SỨC MẠNH SIÊU NHIÊN ĐỂ THOÁT KHỎI NHỮNG ĐIỀU SẼ XẢY RA

Chúa Giêsu dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36). Hess nói rằng Chúa Giêsu dạy những người theo Ngài cách cầu xin sức mạnh để tránh khỏi mọi thứ sẽ xảy ra. Nhiều người tin rằng các Kitô hữu sẽ thoát khỏi theo tiền định, nhưng Chúa Giêsu bảo các môn đệ phải cầu xin thêm sức mạnh, và chúng ta cũng phải làm vậy!

  1. NGÀI LÀ CON ĐƯỜNG DUY NHẤT DẪN TỚI NƯỚC TRỜI

Về những điều Chúa Giêsu đã nói, Stieff cho biết: “Đoạn văn này bao gồm các từ ngữ gây tranh luận nhiều nhất, đặc biệt là trong văn hóa ngày nay. Những lời đó là gì? Hãy đọc chậm: Chúa Giêsu trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Điều khiến người ta tranh luận là tính độc nhất của Lời Chúa. Chúa Giêsu không tuyên bố là con đường nào đó, mà chính là CON ĐƯỜNG. Ngài không tuyên bố là sự thật nào đó, mà chính là CHÂN LÝ. Ngài không tuyên bố là sự sống nào đó, mà chính là NGUỒN SỐNG. Ngài xác định: ‘Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Tôi’. Trong văn hóa tương đối của chúng ta, đó là những lời ‘đấu tranh’! Ai dám nói mình là con đường duy nhất, sự thật duy nhất, và sự sống duy nhất? Không có nhiều con đường đến với Thiên Chúa sao? Không phải mọi con đường đều là thật và hiệu quả sao? Không có sự sống đời đời qua những đại lộ khác nhau sao? Chúa Giêsu nói thẳng là KHÔNG.

  1. CÁC KITÔ HỮU PHẢI LUÔN TỈNH THỨC

Chúa Giêsu tiếp tục nói các môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng. Trong Tin Mừng Thánh Matthêu, Chúa Giêsu đưa ra bốn dụ ngôn để giải thích cách thức và lý do mà những người theo Ngài nên chuẩn bị cho lần Ngài tái lâm: Chủ nhà và kẻ trộm (Mt 24:42-44), đầy tớ trung tín và bất trung (Mt 24:45-51), mười trinh nữ (Mt 25:1-13), và những yến bạc (Mt 25:14-30). Trong mỗi dụ ngôn này, Chúa Giêsu diễn tả sự sẵn sàng hành động để hoàn tất công việc mà Ngài giao cho chúng ta. Mỗi Kitô hữu phải chuyên cần dùng tài năng và cơ hội Chúa cung cấp để đến với thế giới. Tỉnh thức là sẵn sàng và tự nguyện thực hiện Ý Chúa.

Tại Gếtsimani, các môn đệ đã lăn ra ngủ mà không cùng Ngài cầu nguyện. Họ ngủ chứ không làm điều Chúa Giêsu yêu cầu. Cũng vậy, nhiều Kitô hữu ngày nay cũng mê ngủ hơn làm theo Ý Chúa. Họ không tìm kiếm Ngài hoặc cầu xin Ngài hướng dẫn. Họ cũng ngủ như các môn đệ trong Vườn Dầu ngày xưa. Hãy nghe những lời của ngôn sứ Isaia: “Xin thức dậy, xin Ngài thức dậy đi, lạy Đức Chúa, xin vung mạnh cánh tay của Ngài!” (Is 51:9). Thánh Phêrô nói: “Thời cùng tận của vạn vật gần đến rồi. Anh em hãy sống chừng mực và tiết độ để có thể cầu nguyện được. Trước hết, anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4:7-8).

  1. CÁC MÔN ĐỆ BỎ RƠI NGÀI

Bấy giờ Đức Giêsu nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em” (Mt 26:31-32). Điều này nên trọn khi Chúa Giêsu bị bắt – các môn đệ bỏ của chạy lấy người và trốn biệt: “Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26:56).

  1. NGÀI BỊ CHÍNH CÁC MÔN ĐỆ PHẢN BỘI

Khi các môn đệ đang ăn, Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ buồn rầu quá sức, lần lượt hỏi Người: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” (Mt 26:21-22). Điều này nên trọn khi Giuđa Ítcariốt nộp Thầy mình. Lúc Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giêsu để hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22:48).

  1. NGÀI CHỊU CHẾT VÌ BỊ ĐÓNG ĐINH

Chúa Giêsu nói trước chính xác thời gian Ngài chịu chết: “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá” (Mt 26:2). Chúa Giêsu bị đóng đinh vào giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rõ ràng: VUA CỦA NGƯỜI DO THÁI (Mc 15:26).

  1. NGÀI CHỊU CHẾT TẠI GIÊRUSALEM

Mặc dù người ta cố tìm cách giết Ngài ở ngoài thành Giêrusalem mà không thể. Chúa Giêsu nói trước rằng cái chết của Ngài phải xảy ra ở nơi nào: “Từ lúc đó, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16:21).

  1. NGÀI SẼ XÉT XỬ NHÂN LOẠI

Trong chương cuối của sách Khải Huyền, Chúa Giêsu bảo những người theo Ngài: “Chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến, và Ta đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tuỳ theo việc mình làm” (Kh 22:12). Tin Mừng theo Thánh Matthêu mô tả cảnh Chúa Giêsu ngồi trên ngai vinh hiển và mọi dân quy tụ trước mặt Ngài để chịu xét xử, dê tách biệt với chiên (Mt 25:31-33). Mọi người sẽ đứng trước mặt Chúa Giêsu và báo cáo những gì đã làm khi còn sống. Vinh quang sẽ chiếu sáng các người công chính của Đức Kitô vào ngày đó.

  1. NGÀI SẼ TRỞ LẠI VÌ HỌ

Có tới 4 lần trong sách Khải Huyền, Chúa Giêsu nói: “Ta đến như kẻ trộm!’ (Kh 16:15), và “Chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến!” (Kh 22:7, 12, 20). Đó là những lời động viên các Kitô hữu hồi thế kỷ I bị quân Rôma bách hại, và vẫn tiếp tục khuyến khích những người theo Đức Kitô qua mọi thời đại. Các Kitô hữu ở mọi thời đại tin tưởng Chúa Giêsu sẽ mau đến. Tác giả thư gởi người Do Thái đã nhắc nhở: “Đức Kitô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người” (Dt 9:28). Như trẻ em háo hức mong chờ tới lễ Giáng sinh, các Kitô hữu cũng thao thức chờ đợi Đức Kitô tái lâm. Khi làm vậy, chúng ta sống lời hứa của Thánh Phaolô dành cho giáo đoàn Thessalonica: “Rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1 Tx 4:17). Không gì tuyệt vời hơn được sống với Đức Kitô mãi mãi!

  1. NGÀI CHỊU ĐAU KHỔ VÌ NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO

Chúa Giêsu cho các môn đệ biết rằng Ngài phải trở lại Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết (Mt 16:21). Stewart nói: “Trong đêm Ngài bị bắt, những người lãnh đạo tôn giáo đã cho lính đánh đập Ngài”. Những người canh giữ Chúa Giêsu đã mỉa mai và sỉ nhục Ngài: “Những kẻ canh giữ Đức Giêsu nhạo báng đánh đập Người. Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi: ‘Nói tiên tri xem ai đánh ông đó?”. Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người (Lc 22:63-65).

  1. LỜI NGÀI VĨNH HẰNG

Chúa Giêsu đã tiên báo rằng “trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ngài sẽ không qua đi” (Mt 24:35). Ngài nói trước rằng lời Ngài sẽ vĩnh hằng. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất kỳ diệu của lời tiên tri. Đây là một người sống ở thế kỷ I với một nhóm nhỏ các môn đệ, và nước của người này là thuộc địa của Rôma. Không có phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại hoặc văn khố lưu trữ, nhưng Chúa Giêsu đã nói rằng lời Ngài là mãi mãi – không hề mất mát. Dù có vẻ không thể chứng tỏ vào thời đó, nhưng đã xảy ra chính xác như Ngài tiên báo. Lời của Chúa Giêsu vẫn ở với chúng ta ngày nay, được hàng triệu người vẫn tìm đọc và tin tưởng. Điều này đã và đang xảy ra đúng như Ngài tiên báo.

  1. ĐỀN THỜ GIÊRUSALEM BỊ PHÁ HỦY

Sau khi quốc gia Do Thái từ khước Chúa Giêsu, Ngài tuyên bố sẽ xét xử họ. Ngài nói rằng Thành Giêrusalem sẽ bị phá hủy. Và 40 năm sau đã xảy ra đúng như vậy, Chúa Giêsu đã đã nói rõ ràng và dứt khoát về sự phá hủy đó: “Sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19:43-44). Chúa Giêsu bảo: “Thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra” (Mt 24:34).

Lúc Chúa Giêsu nói lời tiên tri này, không hề có mối nguy nào đối với Thành Giêrusalem. Tuy nhiên, vào năm 70, như Chúa Giêsu đã tiên báo, Thành Giêrusalem đã bị Titus (người Rôma) chiếm giữ và phá hủy. Nguyên nhân Chúa Giêsu đưa ra về sự hủy hoại của thành phố này là do người ta đã không công nhận Ngài là Đấng Mêsia (Lc 19:44). Chúa Giêsu cũng đã nói rõ về cách hủy hoại: ‘Khi Đức Giêsu từ trong Đền Thờ đi ra, thì các môn đệ của Người lại gần chỉ cho Người xem công trình kiến trúc Đền Thờ. Nhưng Người nói: “Anh em nhìn thấy tất cả những cái đó, phải không? Thầy bảo thật anh em: tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào; tất cả đều sẽ bị phá đổ” (Mt 24:1-2).

  1. KHÔNG PHẢI AI TÔN THỜ CHÚA CŨNG ĐƯỢC VÀO NƯỚC TRỜI

Một số từ ngữ thẳng thắn nhất của Chúa Giêsu là lời nói về những người không được vào Nước Trời. Chúa Giêsu nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?”. Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7:21-23). Thật đáng sợ! Còn gì có thể khủng khiếp hơn khi nghe những lời của Chúa Giêsu như thế?

Cuối cùng, sẽ có nhiều người nghĩ mình được vào Nước Trời vì mình đã làm chức này tước nọ trong Giáo hội, sinh hoạt hội đoàn, đi làm từ thiện,… Nhưng Chúa Giêsu nói rõ: “Tôi chưa bao giờ biết bạn”. Và Ngài sẽ gọi họ là “những người hoạt động phi pháp”. Sự ăn năn hối hận của họ chỉ là lời nói suông, lẻo mép, để được người khác khen. Họ hành động với tư cách là môn đệ của Ngài, nhưng lại không kết hiệp với Đức Kitô bằng đức tin, và không lấy lòng sám hối làm nền tảng đời sống. Chúa Giêsu đã nói rằng sẽ có nhiều người ở trong tình trạng hãi hùng như vậy, họ cứ tưởng mình được vào Nước Trời nhưng rốt cuộc lại bị loại thẳng.

  1. PHÊRÔ CHỐI CHÚA BA LẦN

Chúa Giêsu nói trước rằng Phêrô sẽ chối bỏ Ngài, thậm chí còn bảo là không quen biết Ngài. Ông Phêrô rất cương quyết: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”. Mạnh miệng lắm. Nhưng Đức Giêsu bảo ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông Phêrô lại hùng hồn tái xác định: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”. (Mt 26:33-35). Và tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Thế nhưng nói vậy mà không phải vậy! Như Chúa Giêsu đã tiên báo, khi người ta bảo ông là người Galilê, ông Phêrô đã chối phăng. Người ta vẫn bảo ông liên quan Chúa Giêsu, ông liền thề độc mà quả quyết: ‘Tôi thề là không biết người ấy’. Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết (Mt 26:74-75).

  1. NGÀY PHÁN XÉT BẮT ĐẦU NHƯ MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG

Trong Lc 17:26-30, Chúa Giêsu so sánh ngày mà Con Người đến xét xử với thời ông Noe và ông Lot: “Người ta vẫn ăn uống, tiệc tùng, cưới vợ, lấy chồng, chơi bời, mua bán, sắm sửa, mua xe, tậu nhà, trồng trọt, hát xướng,… Ngay khi có vẻ vẫn bình thường như vậy, sự phán xét của Thiên Chúa ập tới. Chúa Giêsu nói về thời điểm Ngài đến: Ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người” (Lc 17:24).

  1. CHÚA CHA SẼ GỞI CHÚA THÁNH THẦN TỚI

Chúa Giêsu hứa rằng “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26). Điều này đã nên trọn vào ngày Lễ Hiện Xuống khi các tông đồ đang tụ họp trong phòng kín: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:1-4).

  1. NGƯỜI DO THÁI SẼ BỊ BÁCH HẠI

Chúa Giêsu đã dạy rằng Dân Chúa sẽ không chỉ bị tản mác khắp nơi, mà họ còn bị bách hại, Ngài nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người ta phải nói: ‘Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ không cho bú mớm!”. Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: “Đổ xuống chúng tôi đi!”, và với gò nổng: “Phủ lấp chúng tôi đi!” (Lc 23:28-30). Lịch sử cho thấy rằng dân Do Thái đã chịu đau khổ khủng khiếp như Chúa Giêsu đã tiên báo. Từ các hang động thời Trung cổ, tới những vụ giết người tập thể hồi Thế chiến II, không có dân tộc nào phải chịu đau khổ như dân Do Thái.

  1. NGƯỜI DO THÁI BỊ TẢN MÁC KHẮP NƠI

Khi Chúa Giêsu tiên báo về sự hủy hoại của Thành Giêrusalem, của Đền thờ, và nói rõ số phận của người Do Thái: “Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại” (Lc 21:24). Thật kỳ lạ vì mọi sự xảy ra đúng như Chúa Giêsu tiên báo. Khi thành phố và Đền thờ bị hủy hoại, dân chúng tản mác khắp thế giới. Những người không bị giết chết khi thành phố bị chiếm giữ thì bị bán làm nô lệ.

  1. NGƯỜI NGHÈO LUÔN Ở BÊN CHÚNG TA

Một hôm nọ, cô Maria người Bethania đã xức dầu chân Chúa Giêsu để báo trước về việc Ngài chịu chết (lưu ý: rõ ràng không phải là cô Maria ở Mácđala mà chúng ta quen gọi là Maria Mađalêna, đừng hiểu lầm tai hại như vậy!). Các môn đệ đã la rầy cô làm phí dầu, nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng cô đã làm điều tốt: “Người nghèo thì lúc nào anh em cũng có với anh em; còn Thầy, thì không phải lúc nào anh em cũng có đâu! Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy. Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô” (Mt 26:11-13). Chúa Giêsu tiên báo rằng câu chuyện về cô Maria sẽ được kể lại bất cứ khi nào Phúc âm được loan báo”. Thật vậy, câu chuyện về cô Maria người Bethania và việc cô xức dầu chân Chúa vẫn được tường thuật ngày nay. Stewart viết: “Sự thật là chúng ta vẫn đọc câu chuyện đó, và tiếp tục làm trọn lời tiên tri của Chúa Giêsu”.

  1. SẼ CÓ BÁCH HẠI DỮ DỘI VÀ NHIỀU NGƯỜI SẼ VẤP NGÃ

Chúa Giêsu báo trước: “Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau” (Mt 24:9-10). Tương đối dễ theo Chúa Giêsu khi mọi thứ xuôi chèo mát mái, nhưng khi gặp khó khăn hoặc bất trắc, chúng ta có còn kiên trì và vững bước theo Ngài? Đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu còn đủ mạnh để vui vẻ chấp nhận? Nếu kẻ thù của Chúa xuất hiện và lấy hết mọi thứ, liệu chúng ta còn bám chặt vào Đức Kitô hay là chạy mất dép? Chúa Giêsu đã cảnh báo rằng nhiều người sẽ rời bỏ Ngài khi gặp gian khổ.

  1. ĐỪNG LO LẮNG, NGÀI SẼ TRỞ LẠI VÌ CHÚNG TA

Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”. Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”. Đức Giêsu đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga 14:1-7).

  1. LÒNG NHIỆT THÀNH CỦA CÁC KITÔ HỮU SẼ NGUỘI LẠNH

Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi” (Mt 24:12). Hess nói: “Đó là những người đã từng yêu mến Chúa Giêsu nhưng rồi hóa nguội lạnh. Họ thương mại hóa ước muốn của họ đối với Đức Kitô như một thần tượng. Tình dục, tiền bạc, quyền hành và các ngẫu tượng khác được thay thế cho lòng yêu mến Chúa. Lòng mến Chúa trở nên nguội lạnh vì họ chiến bại khi chiến đấu với các cơn cám dỗ. Phải dùng ngọn lửa yêu mến Chúa để dập tắt dòng nước tội lỗi đang muốn cuốn trôi chúng ta. Những người thật lòng theo Chúa phải sám hối thường xuyên và ăn năn thật nhiều”.

  1. KHI CHÚA GIÊSU SẮP TÁI LÂM, CÓ VÀI DẤU CHỈ RẤT LẠ LÙNG

Điều này không có nghĩa là những người theo Chúa Giêsu không nên lưu ý các dấu hiệu báo Ngài trở lại. Họ vẫn phải cố gắng nghĩ tới ngày giờ của Chúa, nên chú ý các hiện tượng thiên nhiên và nhận biết tính ứng nghiệm của Lời Chúa. Chúa Giêsu đã nói: “Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận cùng. Quả thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi” (Mt 24:6-7). Ngài còn nói: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21:25-27).

Chúa Giêsu dùng hình ảnh “thai phụ chuyển dạ” để diễn tả các dấu chỉ đó. Các dấu hiệu này mạnh mẽ và thường xuyên khi Ngày Chúa Đến cận kề. Khi chúng ta thấy xảy ra nhiều vụ động đất, sóng thần, bão táp, và các dạng thiên tai khác, hãy nhớ lời Chúa Giêsu căn dặn: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:28). Một lần nữa, Chúa Giêsu dạy chúng ta chú ý các dấu hiệu báo trước ngày Chúa Giêsu đến đã cận kề, để có thể sẵn sàng khi Ngài thực sự đến.

  1. QUỐC GIA ÍT-RA-EN SẼ KHÔI PHỤC

Chúa Giêsu nói rằng dù bị bách hại và tản mác, dân Do Thái vẫn không bị tận diệt. Stewart nói: “Dù quốc gia này chịu đau khổ dữ dội, nhưng Chúa Giêsu nói rõ rằng họ sẽ phục quốc. Khi thời cai trị của dân ngoại qua đi, dân Do Thái sẽ phục quốc”. Và thật lạ lùng, Liên Hiệp Quốc đã làm cho lời tiên tri này nên trọn vào năm 1948.

ROB KERBY

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …