Năm 2022 là năm Nhâm Dần, cầm tinh con mãnh thú là Cọp, mang danh Hổ, có sức Hùm. Thú dữ này gợi nhớ suy tư về những điều đối lập: Sự Dữ – Sự Lành, Điều Thiện – Điều Ác. Và nhất là cuộc chiến nội tâm của chúng ta: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7:19) Ai cũng phải cố gắng diệt “hổ dữ” trong chính mình. Cuối cùng rồi Thiện sẽ thắng Ác. Chính Nghĩa luôn thắng Gian Tà. Đó là chân lý muôn đời.
Trong dân gian Việt Nam, có hai câu chuyện này…
- ANH HÙNG DIỆT HỔ
Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, cháu 7 đời của Phùng Tói Cái – người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội).
Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được ba người con trai khôi ngô tuấn tú, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể đánh trâu, quật hổ.
Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải và em út là Phùng Dĩnh. Đến năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách hơn người. Ông chính là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam viết nên truyền thuyết “anh hùng đả hổ.”
Chuyện kể rằng thuở Phùng Hưng đang thời trai tráng, bỗng vùng Đường Lâm, Hà Tây, có một con hổ dữ từ rừng về giết người, bắt gia súc, khiến mọi người hết sức hoang mang sợ hãi. Phùng Hưng bèn tìm cách trị hổ cứu dân.
Vài ngày sau, khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, người anh hùng đất Đường Lâm một mình vào rừng tiêu diệt Chúa Sơn Lâm. Ông làm con bù nhìn bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, đặt ở nơi hổ thường xuất hiện. Hổ đi qua thấy bù nhìn tưởng người, lao vào cắn xé nhưng chỉ có cọc gỗ độn rơm.
Vài lần như thế, hổ không còn chú ý tới bù nhìn rơm nữa. Một hôm trời nhá nhem tối, Phùng Hưng cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng thế vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm, nín thở chờ hổ dữ xuất hiện.
Khi hổ tới gần, hơi bùn non át hơi người nên con hổ không phân biệt được, cứ đảo qua như mọi khi. Chỉ chờ có vậy, Phùng Hưng bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt con mãnh thú, tiếp sau đó ông dùng ngón tay chọc mù đôi mắt của cọp dữ và quần thảo với con quái vật suốt một thời gian dài.
Khi thấy con hổ đã đuối sức, ông dùng đá giáng một cú thôi sơn lên sọ. Hổ chết, mối họa cho dân được trừ, từ đó Phùng Hưng nổi tiếng khắp vùng.
- THIẾU NỮ GIẾT HỔ
Người viết lên huyền thoại ấy chính là bà Ngô Thị Kỷ, quê Quảng Bình. Câu chuyện diễn ra năm 1962, khi ấy bà Kỷ vẫn còn là thiếu nữ tuổi trăng tròn, bà Kỷ cùng người bạn tên Quốc ra đồng làm ruộng.
Khi đi qua xóm bên – cách làng 2 km, có cánh rừng hoang vắng và nhiều thú dữ, bỗng hai người hoảng hồn, bởi phía trước là một con cọp to tới hơn 1 tạ đang nhe vuốt như muốn nuốt chửng con mồi.
Chưa kịp bỏ chạy, con hổ đã lao tối chồm lên anh Quốc, nó cào cấu con mồi khiến anh đau đớn rồi ngất lịm. Thấy tính mạng người bạn thân bị đe dọa, bà Kỷ chẳng nghĩ ngợi nhiều liền rút đòn gánh xông tới phang tới vào đầu nó để cứu bạn.
Con hổ đói bị dính đòn đau liền nhẩy chồm tới toan vồ lấy cô gái nhưng bị hụt và ngã chúi xuống. Nhanh như cắt, bà Kỳ liền tận dụng cơ hội quý giá, lao tới dùng chiếc đòn gánh dùng hết sức bình sinh mà bổ xuống đầu con mãnh thú khiến nó gầm nên đau đớn.
Khi thấy hổ đuối sức và choáng váng vì đòn đau, bà lấy hết dũng cảm xông tới ôm lấy cổ con hổ, ghì chặt xuống, hai bên quần nhau dữ dội, bụi bay mù mịt làm náo loạn cả một vùng rừng núi.
Bất chợt trong lúc đang quần nhau với hổ, bà chợt nhớ tới cây liềm sắt dắt ở sau lưng, bà liền rút liềm cứa một nhát vào cổ con hổ, chiếc liền sắc găm chặt vào yết hầu con thú dữ, khiến mãnh thú máu chảy xối xả và bỏ chạy vào rừng sâu rồi chết.
Sau “chiến tích” ấy, tên tuổi cô gái Ngô Thị Kỷ được vang danh khắp nơi.
Xuân về, Tết đến. Mặc dù dịch bệnh vẫn khiến con người quan ngại, nhưng vấn đề quan trọng vẫn là diệt sự dữ. Kinh Thánh nói: “Đầu mối của kiêu căng là tội lỗi, và kẻ quen thói kiêu căng thì rắc gieo ghê tởm; vì thế Đức Chúa đã gửi đến những gian truân, và tiêu diệt chúng hoàn toàn. Đức Chúa hạ bệ những ai quyền thế, và đặt kẻ hiền lành ngồi lên thay.” (Hc 10:13-14)
Cầu xin Thiên Chúa nhân lành ban bình an cho mọi người, đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền này. Amen.
TRẦM THIÊN THU