Home / Chia Sẻ / ĐIỀM BÁO

ĐIỀM BÁO

Chúa nhật XXXIII TN, năm C

diem-baoĐiềm báo có thể là điềm lành hoặc điềm xấu (gở, xui). Điềm báo có thể xuất hiện trong giấc chiêm bao, cũng có khi xảy ra ở ngoài đời. Các bạn có tin vào điềm không? Người ta cho rằng “gương vỡ” là điềm gở về sự chia ly nào đó. Liệu chúng ta có thể thay đổi hoặc “giải” nó đi? Hay đó là “số mệnh”, chúng ta không thể làm gì, chỉ biết “bó tay” chờ nó xảy ra? Cụ Nguyễn Du có nói: “Có trời mà cũng có ta”. Ý nói chúng ta phải cố gắng “vượt qua chính mình” để vươn lên không ngừng.

Cổ nhân cũng đã từng trải nghiệm: “Đức năng thắng số” (phúc đức có thể thắng số mệnh), hoặc “Nhân lực thắng Thiên” (khả năng con người có thể cải mệnh Trời). Và tiền nhân cũng dạy: “Tiên tích đức, hậu tầm long” – phải lo tích đức rồi mới lo tìm đất (khi nói về “phong thủy”). Hoặc như tục ngữ nói: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cái ĐỨC rất quan trọng, quan trọng hơn mọi thứ khác (tài năng, của cải, địa vị, chức tước, danh vọng,…), như chúng ta vẫn thường nói: “Sống để đức cho con cháu”. Sao không để “của” mà lại để “đức”?

Điềm báo có thể do mê tín dị đoan, cũng có thể do quan niệm, nhưng cũng có thể là dấu lạ điềm thiêng. Kinh nghiệm dân gian có cách kết luận: “Quầng cạn, tán mưa”, hoặc “vàng gió, đỏ mưa”. Trong Cựu ước, ông Ghít-ôn đã “dùng lông cừu để nhận biết điềm báo” (Tl 6:36-40), và ông cũng nhận biết “điềm báo thắng trận” qua giấc mơ (Tl 7:9-15). Nhiều chỗ trong Phúc Âm cũng ghi lại các điềm báo. Đặc biệt nhất, Thập giá là điềm báo hoặc biểu tượng của đau khổ, nhưng cũng là điềm báo hoặc biểu tượng của hạnh phúc: Ơn Cứu Độ.

Có những điềm báo dễ nhận thấy, có những điềm báo khó nhận biết, dự đoán có thể đúng một chút hoặc sai hoàn toàn, đôi khi lại chỉ là… đoán mò! Khi dự báo thời tiết, người ta thường nói: “Bão (hoặc áp thấp) biến chuyển rất phức tạp”. Chẳng hạn đầu tháng 11-2013, người ta dự báo cơn bão số 13 sẽ dữ dội đổ bộ vào Saigon, thế nhưng rốt cuộc “không có bão”. Dự đoán sai có thể do “trình độ” của con người yếu kém, nhưng cũng có thể tại con người đã “làm rối” thiên nhiên nên thời tiết biến động thất thường, và con người không còn biết đường nào mà dự đoán “kế hoạch” của Trời như trước đây nữa. Tiếp theo là bão HaiYan (Hải Yến) được ví là “siêu bão thế kỷ”. Con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên mà lại dám “chống thiên tai” hoặc “chống lũ lụt”. Liệu có “chống” được không mà dám có động thái xấc xược và hỗn láo với Tạo Hóa? Thiên tai hay nhân tai?

Có những “điềm báo” đặc biệt về thời điểm Đức Giêsu Kitô quang lâm, tức là Ngày Tận Thế. Các điềm báo đó đã và đang xảy ra đúng như Chúa Giêsu đã dự báo. Do đó, Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36).

Đức Chúa các đạo binh phán: “Vì này Ngày Ấy đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng, không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào” (Ml 3:19). Coi như “trắng tay” vào “Ngày Ấy”. Một cách ví von rất bình dân và thực tế, Chúa chẳng hề bóng gió bao giờ, như vậy là để ai cũng có thể hiểu. Hình ảnh tiếp theo hoàn toàn tương phản: “Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng” (Ml 3:19-20). Rất rõ ràng và chính xác với các động từ MỌC, NHẢY CHỒM và XỔNG CHUỒNG.

Những người-của-Chúa sẽ vui mừng rộn rã, đúng là “nhảy chồm” lên như bê “xổng chuồng”, họ lớn tiếng bảo nhau: “Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương!” (Tv 98:5-6). Thậm chí họ còn mời gọi cả muôn vật: “Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật, địa cầu với toàn thể dân cư! Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào, đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan Chúa” (Tv 98:7-8). Tại sao vậy? Lý do rất đơn giản: “Vì Người ngự đến xét xử trần gian, Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo lẽ công bình” (Tv 98:9). Những người đau khổ đã được Thiên Chúa đòi lại công lý, lấy lại nhân vị, phục hồi nhân phẩm và nhân quyền!

Thánh Phaolô nói: “Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật” (2 Tx 3:7). Thánh Phaolô tự bạch: “Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước. Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào” (2 Tx 3:8-11). Thùng rỗng kêu to, dốt mà chảnh, ngu mà khoái được nổi bật, lười biếng mà thích “ngồi mát ăn bát vàng”. Đó là một thực-tế-buồn trong thời gian đầu của Tân ước, thế nhưng “thực thế buồn” ấy lại vẫn đang xảy ra trong xã hội ngày nay, dù đã hơn hai ngàn năm mà chẳng thay đổi được bao nhiêu. Đây là dạng “điềm gở”!

Cuối cùng, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên như một mệnh lệnh: “Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân” (2 Tx 3:12).

Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào” (Lc 21:6). Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” (Lc 21:7). Họ sợ vì lời cảnh báo của Chúa, nhưng lại đòi “điềm báo”.

Chúng ta cũng thế thôi, thậm chí cũng chẳng hơn gì các kinh sư và Pharisêu. Họ cũng đã từng “xin xỏ” (kiểu “xin đểu”) với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ” (Mt 12:38). Nhưng Chúa Giêsu nói thẳng: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna” (Mt 12:39). Phải biết NHÌN các “điềm báo” mà KỊP chấn chỉnh cách sống, kẻo rồi “dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy” và “nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên” mà lên tiếng tố cáo chúng ta!

Nghe họ hỏi vậy, Đức Giêsu căn dặn: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính ta đây’ và ‘Thời kỳ đã đến gần’, anh em chớ có theo họ” (Lc 21:8). Ngày nay cũng có một số người “tuyên bố” theo kiểu cách như vậy: Giáo chủ, thánh nhân, siêu nhân, nhà ngoại cảm,… hoặc vỗ ngực nhận mình là đạo đức, thánh thiện, tốt bụng,… rồi chê người này, trách người nọ! Đây là những “điềm báo” tốt hay xấu? Chắc chắn ai cũng khả dĩ nhận biết nhờ Thánh Linh soi sáng!

Chúa Giêsu nói rõ: “Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu. Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịchđói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủngđiềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện” (Lc 21:9-11). Tất cả những điều đó vẫn đang xảy ra từng ngày ở khắp nơi, người ta đã cảm thấy run sợ hoặc rúng động, nhưng rồi lại đâu vào đấy!

Chúa Giêsu cho biết từng chi tiết cụ thể: “Trước khi tất cả các sự ấy xảy ra, thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21:12-19). Lời Chúa quá rõ ràng rồi!

Lạy Thiên Chúa, xin mở mắt chúng con để chúng con có thể nhận biết Ý Chúa qua các điềm báo hằng ngày – tự nhiên và tâm linh, xin dạy chúng con biết cách hành động cụ thể và đúng theo linh hứng của Thần Khí Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

3-11-2024 3-27-45 PM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần XXXI Mùa Thường Niên 04/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN