Home / Chia Sẻ / ĐẾN VỚI MUÔN DÂN

ĐẾN VỚI MUÔN DÂN

 

 

ĐenvoimuondanKhi xác định “đến với muôn dân,” Giáo Hội không còn là một cơ chế hành chính khép kín, đóng khung trong một nền văn hóa riêng biệt hoặc một châu lục hay một quốc gia.  Trái lại, Giáo Hội có sứ mạng đi đến với mọi dân tộc để giới thiệu Chúa, làm cho chất men Tin Mừng thấm nhập vào mọi nẻo đường của cuộc sống, xây dựng Nước Trời ở trần gian.  Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần mời gọi Giáo Hội hãy đi ra, hãy mở cửa, hãy đến vùng ngoại vi để loan báo Tin Mừng.

 

Một trong những chủ đề chính trong Lời Chúa hôm nay là lời khẳng định: Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại.  Bất kể ai, nếu có Đức tin sẽ được chữa lành và cứu rỗi.

 

Cũng như lòng nhân hậu, tình mẫu tử, sự tha thứ luôn là chuẩn mực cho con người dù họ thuộc về bất kỳ nền văn hóa nào, khái niệm về Thiên Chúa diễn tả Đấng là nguyên lý của mọi loài và là cội nguồn của Chân Thiện Mỹ.  Ngài là Cha của người da trắng cũng như da đen da vàng.  Ngài dựng nên những người thánh thiện cũng như những người tội lỗi.  Ngài đổ ơn mưa móc xuống cho người công chính cũng như cho kẻ bất lương.  Như thế, bất cứ ai sống dưới gầm trời này mà cậy tin vào Chúa và kêu cầu Ngài thì đều được Chúa thương, vì “Nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.”  Chúa sẽ dẫn họ lên núi thánh và ban cho họ tràn đầy niềm vui (Bài đọc I).

 

Thánh Matthêu kể lại: hôm đó Chúa Giêsu đi đến miền Tia và Siđôn.  Hai địa danh này diễn tả miền đất của dân ngoại.  Người đàn bà xứ Canaan cũng là một người ngoại.  Bà đang đau buồn vì con gái bà bị quỷ ám.  Chúng ta lưu ý đến hai lời cầu nguyện của người phụ nữ này.  Đó cũng là hai lời cầu nguyện trong Phụng vụ, xưa cũng như nay: Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (Lời kinh trong phần sám hối mở đầu thánh lễ); “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” (Lời mở đầu giờ kinh Phụng vụ).  Lời van xin của bà chứng minh một nhu cầu khẩn thiết và một niềm hy vọng sâu xa.  Tuy vậy, lời van xin thống thiết này ban đầu đã bị Chúa Giêsu khước từ, kèm theo một lời nói xem ra rất “khó nghe.

 

Cuộc đối thoại giữa người phụ nữ này với Chúa được thánh sử Mátthêu trình bày như tiến trình của lời cầu nguyện nơi người tín hữu: có vẻ như lời cầu nguyện bị khước từ lúc ban đầu, nhưng sự kiên trì và phó thác sẽ làm thay đổi mọi sự.  Không thể cầu nguyện trong sự nóng vội với một loạt những nhu cầu cấp bách và đòi Chúa phải chấp thuận ngay theo như ý mình.  Bởi lẽ lời cầu nguyện không chỉ đơn giản là những lời xin, mà còn là tâm tình yêu mến tạ ơn, còn là sự diễn tả nỗi lòng của người con thảo đối với cha mẹ mình.  Người phụ nữ xứ Canaan đã hiểu điều đó.  Bà đã kiên trì và khiêm tốn, do đó lời cầu xin của bà đã được Chúa nhận lời.  Ước vọng của bà đã được đáp ứng.  Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta hãy kiên trì trong lời cầu nguyện.  Lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim chân thành và tình yêu mến thiết tha chắc chắn sẽ được Chúa nhận lời.  Có những khi chúng ta không đạt được ngay tức khắc những điều chúng ta xin, nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa là Cha nhân hậu.  Ngài muốn những điều thực sự là tốt và đem lại ích lợi lâu dài cho chúng ta.

 

Chúa Giêsu đã đến trần gian để quy tụ muôn người thành gia đình của Thiên Chúa.  Người đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa người Do Thái với dân ngoại.  Đối với Chúa, người Do Thái hay người ngoại không phải là điều kiện để Người thực hiện những phép lạ, mà điều quan trọng là lòng tin.  Lòng tin đôi khi phải trải qua thử thách.  “Này bà, bà có lòng tin mạnh mẽ.  Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy.”  Lòng tin là điều kiện để con gái bà được khỏi quỷ ám.  Lòng tin cũng giúp bà kiên trì trong lời van xin, mặc dầu cảm thấy mình bị chối từ.  Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhiều lần khen lòng tin vững vàng của những người ngoài Do Thái, như trong trường hợp vị sĩ quan đến xin Ngài chữa cho con trai mình: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (Mt 8,10).

 

Tưởng cũng nên tìm hiểu đôi chút về khái niệm “chó con” được Chúa Giê-su dùng để chỉ về người phụ nữ dân ngoại.  “Con cái” thì hiểu về dân Do thái, “chó con” thì hiểu về dân ngoại.  Chúa Giêsu dùng cách nói thông thường của người Do thái chứ không có ý mỉa mai.  “Chó con” cho ta hình ảnh con vật nuôi trong nhà, mặc dù không được coi trọng như con người, nhưng cũng được quý mến chăm sóc và thương yêu.  Lời tuyên bố của Chúa có thể hiểu như một sự thử thách lòng tin của bà.  Lập luận của bà chứng tỏ sự kiên trì và cậy trông, chấp nhận chỉ là một con chó con chực chờ những mụn bánh nhỏ rơi xuống trong khi người thực khách đang dùng bữa trên bàn.  Sự kiên trì đã đem lại phần thưởng cho bà.

 

Ngỏ lời với giáo dân Rôma, là những người nguồn gốc dân ngoại, Thánh Phaolô chứng minh cho họ thấy lòng thương xót bao la của Chúa.  Ngài không khước từ ai.  Những ai kêu cầu Ngài đều được Ngài thương nhận lời.  Chính vì lòng thương xót đối với muôn dân, mà Chúa đã dùng thánh nhân như một tông đồ của dân ngoại.  Thánh Phaolô hiểu sứ mạng của mình và ngài đã đi đến mọi nơi, xây dựng các cộng đoàn đức tin và giúp họ nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa, được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu (Bài đọc II).  Như thế, mỗi chúng ta cũng đã là những “người thuộc dân ngoại”, nhưng nhờ Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta trở thành “con cái trong nhà”, là những người “đồng thừa kế với Đức Giêsu,” nhờ tình thương của Thiên Chúa.

 

Qua người tín hữu, Đức Giêsu hôm nay vẫn đang đến với muôn dân.  Người là Ánh sáng muôn dân, đem ơn Cứu độ cho đến tận cùng trái đất.  Mỗi chúng ta như cánh tay nối dài của Người, để đem ánh sáng ấy chiếu soi cuộc đời.  “Ở đâu có cộng đoàn Kitô hữu, ở đó có linh địa của lòng thương xót” (ĐTC Phanxicô).  Thực thi lòng thương xót trong nội bộ cộng đoàn cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin, đó chính là lời loan báo Tin Mừng hiệu quả nhất.

 

TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

Xem thêm

cn33TNB

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B, CỦA LM MINH ANH

  TIẾN VỀ VĨNH CỬU “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ …