Home / Chia Sẻ / Để dùng

Để dùng

Ronald Rolheiser, 2008-11-16

Mấy năm trước đây, trong một lớp học có một tu sĩ trẻ dòng Biển Đức đã chia sẻ câu chuyện như sau.

Anh sống trong một nhà dòng có kỷ luật khá khắt khe. Đức khó nghèo và vâng lời đòi hỏi anh phải xin phép bề trên trước khi mua sắm bất cứ đồ dùng nào, dù nhỏ nhất. Nếu anh muốn mua một chiếc áo mới, anh phải xin phép bề trên. Cũng thế, nếu anh cần một món đồ dự trữ nào trong kho, một cây bút hay một ít giấy, anh cũng phải xin phép bề trên. Trong nhiều năm, anh cảm thấy việc này hạ thấp giá trị của mình.

“Tôi thấy mình như đứa con nít,” anh nói, “Đã lớn rồi mà mua một cái áo cũng phải xin phép thì thật là ngố, những người bằng tuổi tôi đã lập gia đình, có con, mua sắm nhà cửa, rồi làm chủ tịch các công ty, tôi cảm thấy kỷ luật dòng đang biến chúng tôi thành con nít; tôi không đồng ý điểm này. Nhưng cuối cùng anh thay đổi quan điểm: “Tôi chợt nhận ra có một nguyên tắc tâm lý và thiêng liêng quan trọng trong kỷ luật dòng khi phải xin phép mới được mua hay dùng một món nào đó. Cuối cùng không một ai trong chúng ta sở hữu bất cứ món gì và cũng không phải chúng ta có được chúng bằng quyền. Tất cả là quà tặng, ngay cả chính cuộc sống, mọi thứ nên được xin phép và không có thứ gì hiển nhiên là của chúng ta dù chúng thuộc quyền chúng ta. Chúng ta biết ơn Chúa vì Chúa đã cho chúng ta một khoảng không gian nhỏ bé. Bây giờ khi tôi xin phép bề trên, tôi không còn cảm thấy mình là con nít. Tôi thấy tôi hợp theo cách xem mọi sự là món quà từ vũ trụ, nơi mà không ai có quyền tối hậu tuyên bố mình sở hữu bất cứ cái gì. Mọi người nên xin phép trước khi mua hay dùng đồ đạc.”

Câu chuyện trên làm tôi nhớ lại một sự việc trong đời: Lúc là tập sinh trong thời kỳ thanh tuyển, thầy giám tuyển cố gắng gây ấn tượng ý nghĩa đức khó nghèo trong tôn giáo bằng cách bắt chúng tôi viết hai chữ la-tinh, Ad usam, trong mọi cuốn sách thầy đưa chúng tôi dùng. Nghĩa đen của hai chữ này có nghĩa là “Để dùng”. Trong ý nghĩa dù quyển sách để dùng riêng, nhưng bạn không bao giờ được nghĩ bạn là người thật sự sở hữu nó. Quyền sở hữu thật sự ở một nơi khác. Bạn chỉ là người trông coi tài sản cho ai đó thôi. Ý nghĩa này khi đó được trải rộng ra đến các thứ được trao tặng khác, để tiêu dùng cá nhân như áo quần, dụng cụ thể thao, những đồ dùng gia đình gởi, ngay cả bàn chải đánh răng và các đồ dùng vệ sinh. Bạn được dùng chúng, nhưng chúng không thật sự thuộc về bạn. Bạn có chúng để dùng thôi.

Một trong các tập sinh trẻ rời cộng đoàn và sau này làm bác sĩ. Anh vẫn duy trì tình bạn thân thiết và một ngày nọ khi đang ở văn phòng của anh, tôi cầm một trong các sách y khoa của anh. Tôi mở cuốn sách ra và thấy ngay hai chữ: Ad usam, cứ dùng. Khi tôi hỏi anh, anh nói: “Mặc dù không còn đi tu, không còn giữ đức khó nghèo, tôi vẫn thích sống theo nguyên tắc đã được dạy: Cuối cùng, không ai trong chúng ta thật sự sở hữu cái gì cả. Những cuốn sách này không thật sự của tôi dù tôi là người mua nó. Tạm thời chúng ở đây để tôi dùng thôi. Không có gì thật sự thuộc về ai cả và tôi cố gắng để đừng bao giờ quên chuyện này.”

Cả hai câu chuyện giúp gợi nhớ đến một điều gì đó chúng ta đã biết rõ nhưng có khuynh hướng quên đi, ấy là, cuối cùng những gì củng cố cho thiêng liêng, đạo đức, và mối quan hệ đích thực của con người, đó là chân lý bất di bất dịch, mọi sự chúng ta có được là quà tặng, vì thế không có gì chúng ta xem như mình có vì mình được quyền có. Cuộc sống là món quà, hơi thở là món quà, thể xác là món quà, thức ăn là món quà, tình bằng hữu là món quà, tài năng là món quà, bàn chải đánh răng là món quà, và chiếc sơ mi, bút chì, bút máy, sách y khoa chúng ta dùng cũng là món quà. Chúng ta có chúng, để dùng, nhưng không bao giờ nên có ảo tưởng chúng ta sở hữu chúng, chúng là của mình rồi tuyên bố mình có quyền trên chúng. Nói một cách ẩn dụ, chúng ta nên có cho mình một vị bề trên trong cuộc sống, người để chúng ta xin phép mỗi khi mua hay dùng một thứ gì đó. Đó cũng là một cẩm nang sống lành mạnh.

Trong những lúc lòng mình gần mình nhất, (những lúc cảm thấy yếu mềm và bất trắc nhất), chúng ta nhận chân ra sự thật này. Trong trường hợp ngược lại cũng đúng, những lúc chúng ta cảm thấy mạnh mẽ, tự chủ, và ý thức về quyền năng của mình, chúng ta có khuynh hướng bỏ quên sự thật này, cứ  bám vào ảo tưởng mình có quyền có chúng.

Có lẽ nếu tất cả chúng ta phải xin phép trước khi mua bàn chải đánh răng mới hay bộ áo quần mới, chúng ta sẽ ý thức hơn rằng mọi thứ chúng ta nghĩ chúng ta sở hữu thật sự chỉ là để chúng ta dùng mà thôi.

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …