Home / Chia Sẻ / ĐẤU TRANH ĐỂ CÓ LỜI CHÚC LÀNH CỦA CHA

ĐẤU TRANH ĐỂ CÓ LỜI CHÚC LÀNH CỦA CHA

DautranhdecoloichuclanhcuaChaKhi học cấp hai, chúng tôi phải học thuộc lòng một số bài thơ của William Blake.  Chúng tôi chẳng hiểu gì nhiều nhưng chúng có vần điệu quá hay, lại dễ nhớ nên nó vẫn còn trong đầu tôi đến ngày hôm nay.

Một trong các bài thơ đó có bài Nỗi buồn Trẻ con:

    Mẹ tôi rên rỉ!  Cha tôi khóc.
    Tôi lao vào thế giới hiểm nguy này.
    Bất lực, trần truồng, khóc ầm ĩ
    Như con quỷ núp trong bóng mây

    Vùng vẫy trong tay cha
    Giãy đạp phá lớp tã
    Mệt và nản, thôi tôi nghĩ tốt nhất
    Nên làm nũng trên ngực mẹ cho rồi.

Tất cả mọi quyển sách về nhân loại học, tâm lý học, và thiêng liêng có thể tóm trong bài thơ này: chúng ta đấu tranh để được cha chúc phúc, vui buồn lẫn lộn khi bị xa mẹ, lòng quặn thắt, sự trầm cảm không thể tránh khỏi khi trưởng thành, và tác động của nó trên đời sống tinh thần của chúng ta.  Chỉ vài chữ ẩn dưới vài câu vần điệu đơn giản, Blake đã nắm trọn vấn đề; nhưng, như đã thú nhận, lúc còn nhỏ dù có học thuộc lòng, tôi cũng không thấy được chút gì trong đó cả. 

Vài năm về trước, sau một buổi giảng lễ, tôi nhớ lại bài thơ này.  Phúc Âm Chúa Nhật hôm đó nói về phép rửa của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đến sông Jordan để thánh Gioan làm phép rửa.  Thánh Gioan nhận Ngài xuống nước, và khi ra khỏi mặt nước (hình ảnh của sự sinh ra đời), thì trời mở ra, và tiếng Chúa Cha phán: “Này là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con!”

Điểm mà tôi nhắm đến trong bài giảng hôm đó khá thẳng thắn: Tôi chỉ đơn giản nói là khi chúng ta được rửa tội, Chúa Cha cũng nói những lời như thế với mỗi người chúng ta: “Này là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con!”  Bài giảng của tôi như thế là bảo đảm về ngôn từ, nhưng không phải.  Ngay sau khi lễ kết thúc, một thanh niên đến gặp tôi, bực dọc và tỏ ra rất khó chịu về bài giảng của tôi.  Anh chia sẻ, anh vừa được bảo lãnh tại ngoại, và đang chờ tuyên án.  Anh đi lễ Chúa Nhật hôm đó để cố chuẩn bị sẵn sàng đối diện với những gì sắp đến, nhưng tác dụng của buổi lễ lại đi ngược với hy vọng của anh.  Nó làm anh thêm tức giận và kích động, đặc biệt là bài giảng của tôi.  Và anh trình bày sự thất vọng của mình như sau: “Tôi ghét bài giảng của cha vì nó không thật!  Chưa có ai hài lòng về các việc tôi làm, nhất là cha tôi!”

Không có gì ngẫu nhiên khi chàng trai này sắp vào tù; anh không được cha anh chúc phúc.  Cũng như nhân vật trong bài thơ của Blake, anh “vùng vẫy” trong tay cha mình.  Cha anh, không như Thiên Chúa, không như Chúa Cha, không bao giờ chúc lành cho anh, có nghĩa là không bao giờ hiện diện đủ hay thực sự quan tâm đến anh, và ông cũng không đủ khả năng để vui mừng trước nhân cách và năng lực của đứa con trai, do đó anh không phải là một mối lo, cũng chẳng là nỗi thất vọng của ông.  Về căn bản, người con trai này chưa bao giờ là nguồn vui chính cho người cha, và đó là một thiếu thốn đau lòng.

Thèm khát được người cha chúc phúc có lẽ là nỗi thèm khát sâu đậm nhất của thế giới ngày nay.  Ngày nay, câu này đúng cả về mặt thiêng liêng lẫn nhân bản, và sự thật này quá hiển nhiên, bằng chứng là chúng ta thấy rõ nơi ngôn ngữ cơ thể của mọi người, đặc biệt là ở nam giới khi được nghe nhắc về điều này.

Và điều gì xảy ra khi chúng ta không được cha mình chúc lành đủ?  Gần như các hệ quả của nó nằm ẩn dưới bề mặt và không quy lỗi cho người cha, trừ khi người ta đạt đến ở một mức độ ý thức nào đó và nhận ra mình bị thương tổn đến chừng nào.  Đa phần sự thiếu vắng lời chúc lành của người cha chưa được cảm nhận rõ, một cơn khát, một quặn thắt tâm hồn, thiếu niềm vui, một cảm nhận mình chưa bao giờ đủ tốt.  Cảm giác này thường biểu lộ qua sự giận dữ, không tin tưởng bậc thẩm quyền, và ở một tình trạng khủng hoảng nhẹ thường đưa con người đến các hình thức khác nhau của trầm cảm, ám ảnh về thành tựu, và cả tình dục, thứ có vẻ là thuốc chữa bá bệnh cho họ.  Nó cũng có thể có một tác động tiêu cực nghiêm trọng về mặt tôn giáo.  Theo tư tưởng của Freud có một tiền đề cho rằng phần lớn những cơn giận dữ trút xuống thể chế tôn giáo chính là cơn giận nhắm đến người cha hay những người đóng vai trò người cha trong đời bạn.  Điều này giúp giải thích tại sao quá nhiều người có ít hoặc chẳng có bất kỳ một mối liên hệ ý nghĩa nào với các tôn giáo có tổ chức, lại nổi cơn giận dữ với tôn giáo và các giáo hội.

Vậy giải pháp là gì?  Làm sao đẩy cơn quặn thắt tâm can này ra khỏi tâm hồn chúng ta, nếu như chúng ta không được cha mình chúc lành cho đủ?

Linh đạo Kitô giáo dạy chúng ta phải đón nhận bằng cách trao ban.  Như lời Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô, khi cho là lúc nhận.  Chúng ta không thể tự làm cho mình hạnh phúc, nhưng có thể làm cho người khác hạnh phúc.  Do đó, chúng ta không thể buộc bất kỳ ai chúc phúc cho mình, nhưng chúng ta có thể chúc phúc cho người khác.  Sự viên mãn và hạnh phúc nằm ở đó.  Nói một cách đơn giản, khi hành động như Thiên Chúa, chúng ta bắt đầu cảm nhận như Thiên Chúa… và Thiên Chúa không bao giờ phải khốn khổ vì giận dữ và khủng hoảng như thế.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …