Home / Chia Sẻ / ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

ĐÂU CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG

 Giêsu ơi,

Sắp hết Mùa Hồng Ân của con rồi Giêsu!! Hôm Chúa nhật, con có dự buổi tĩnh tâm Mùa chay của giới Y tế tại Trung Tâm Mục Vụ, với đề tài “Bác Ái trong sự thật”. Cha nhắc về cách phục vụ của chúng con trong ngành y tế, đối với các bệnh nhân như thế nào? Lòng bác ái khởi đi từ Thiên Chúa, vì:

“Thiên Chúa là tình yêu

Qua cung cách Chúa rửa chân cho các môn đệ nói lên được nhiều điều. Ngài biểu lộ một tình yêu trọn vẹn. Nhưng chẳng phải hết thảy các môn đệ Chúa là trung thành với Chúa cả đâu! 

Như chúng con đây, trong tư tưởng lời nói việc làm, cách ứng xử, mối tương quan của chúng con với đồng nghiệp, anh chị em xung quanh, nhất là bệnh nhân làm sao tránh khỏi sự sai sót. Ngài biết rõ chúng con, như  biết rõ Giu-đa, Phê-rô. Biết vậy mà Ngài vẫn yêu thương, tạo mọi cơ hội, sẵn sàng trao ban tình yêu của Ngài là: “Tấm Bánh” – “cái nhìn”. Cũng bằng cách ấy, nhưng mỗi người đáp lại khác nhau. Như Giu-đa cầm lấy Bánh mà không biết hoán cải, còn Phê-rô nhận thấy ánh mắt Chúa nhìn ông và ông ra ngoài khóc lóc ăn năn…

Cha cũng nói lên bệnh “Tâm thần phân liệt” của người công giáo. Đời sống ở nhà thờ khác hẳn đời sống ngoài xã hội, không sống thực với Lời Chúa dạy.

Thật vậy, đời sống căn bản người công giáo là tâm điểm của cuộc sống, chúng con phải đi từ Đức Giêsu, để tình yêu của Ngài dành cho nhân loại sẽ trở thành của chúng con. Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng con rằng con đường chúng con đến với Thiên Chúa chính là qua việc phục vụ khiêm hạ. Chúng con thực hiện điều này bằng việc lắng nghe Lời Chúa, sống Bí Tích và hành động theo những gì chúng con được nghe và sống. Phải biết quan tâm lẫn nhau….

Sự quan tâm đây là biết chiêm ngắm Đức Kitô mà nhận ra sự hiện diện của Chúa trong người anh em. Thấy được nhu cầu của người khác để sẵn sàng giúp đỡ, yêu thương… 

 Giêsu ơi, cha nói nghe hấp dẫn, tuyệt vời quá, chẳng khác nào chúng con được Chúa  đưa lên núi để thấy Chúa biến hình. Nhưng lúc trở về đời thường thì không thấy Chúa đâu cả, ôi thôi gặp đủ thứ vấn đề!! 

Sau bài giảng của cha, chúng con được thảo luận với nhiều câu hỏi khác nhau. Chẳng hạn như:

“Sửa đổi huynh đệ dễ và khó như thế nào?”- Thường cách sửa ra làm sao? Nhiều ý kiến đóng góp cũng khá hấp dẫn…. 

Con nhớ lại khi làm trong bệnh viện sau năm 1975, mỗi năm hai lần bình bầu để chấm điểm thi đua, đưa ra những buổi “phê bình và tự phê” cũng hay!! Sau đó mỗi người làm tờ tự kiểm. Tụi con kê khai ưu điểm rất nhiều còn khuyết thì có một câu viết hoài là: Tinh thần phê và tự phê còn kém. Tội gì mà chúng con phải khai cái xấu của mình ra chi cho người ta phạt, trừ tiền thi đua! Lỡ ai biết tội mình, cũng cố bào chữa sao cho khỏi… nhớ lại mắc cười quá Giêsu ơi!! Sống trong sự giả hình, không sự thật chút nào!! Chỉ có trước mặt Chúa chúng con mới dám nói thật, dù có nói dối thì Chúa cũng đã rõ! 

  Ngày Giêsu còn tại thế, các môn đệ thường thắc mắc hỏi tại sao Giêsu hay dùng dụ ngôn? Vì:

“Người không bao giờ rao giảng mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết” (Mc 4, 34).

 Quả thật, Giêsu dùng dụ ngôn để sửa dạy, con thấy cách nầy rất là hữu hiệu. Giêsu lại thêm Ai có tai thì nghe”. Thật chí lý quá Giêsu, có người có tai cũng như không, nói như nước đổ đầu vịt! Có thể họ nghe mà không nghe, hoặc họ nghe mà không hiểu, thành thử cũng hên xui thôi! Nếu lời phê của mình có Chúa (có tình thương) thì dễ đi vào tâm hồn người nghe. Con nhớ hai trường hợp nầy cũng vui vui.

* Lần con công tác ở bệnh viện Nhi Đồng 1, lúc đó con làm hành chánh, vào sổ thuốc ở phòng riêng, quầy nhận bịnh bên ngoài, đối diện với phòng xét nghiệm. Từ cầu thang lên lầu một, thay vì quẹo trái để đến phòng xét nghiệm, bệnh nhân lại quẹo phải đến quầy nhận bệnh để hỏi phòng xét nghiệm ở đâu? Các chị trả lời suốt ngày cũng mệt, có lúc bực mình nạt nộ la lối om sòm:

– “Trước mặt hỏng thấy sao còn hỏi, hỏi hoài… mệt quá!!” .

 Có lúc không rầy nổi, các chị lấy tay xỉ một cái ra thẳng phía trước… Rốt cuộc họ quẹo vào phòng con, con lãnh đủ!! Hôm đó, con xong việc sớm ra bàn nhận bệnh chơi với các bạn. Con không nhớ câu chuyện như thế nào mà con lại đưa vào câu chuyện “dụ ngôn” của con: 

“Chị biết không, em có ông nội (cha Henri) dễ thương lắm. Ông hay dạy em sống bác ái. Ông nói tới nói lui nhiều lần: Bác ái không phải là cho người ta tiền mới là bác ái. Thí dụ gặp một người đang đứng giữa ngã ba đường, họ không biết đi hướng nào. Lúc đó con chạy đến hỏi thăm họ đi đâu? Hướng dẫn họ… chứ không cần họ hỏi mới chỉ….”

    Cám ơn Chúa, thế là ngày hôm sau con không nghe một tiếng

phàn nàn nào cả, con rất ngạc nhiên, mà cũng chưa nhận ra ân ban. Vài ngày sau, con cũng ra ngồi với chị, có cả những em khác, thấy bệnh đến hỏi phòng xét nghiệm là các em khó chịu, nói những lời không dễ… Con thấy chị khều nhẹ em đó và nói nhỏ:

–          “Đừng có la bệnh, H rầy chết đó!”

Cám ơn Giêsu, Giêsu đã ban cho chị bạn (bên lương) nhận ra điều con muốn góp ý. Con cám ơn Giêsu rất nhiều. 

* Chuyện khác, chuyện em dược sỹ ở trọ. Ngày đầu em đến ở, tối đi nhậu không về, cũng chẳng báo cho con biết, và tiếp theo nhiều lần như vậy, Giêsu thấy con có nên góp ý hay không? – Tờ mờ sáng hôm ấy em về nhà, em dẫn xe đi thật êm, không bị đụng tường (hẻm rất nhỏ). Con nghe rất khẽ, đoán là em về, con vội ra mở cửa, tươi cười hỏi thăm em. Em lấy làm lạ, mới hỏi con:

–          “Sao con vào thật nhẹ mà cô biết con về, lại còn mở cửa cho con?”

–          Nhà cô, cô để ý cô biết, cô ngồi phòng trong, mà ai vô hẻm cô cũng biết, huống chi con… Ở chung với con chắc cô cao thêm đó.

–          Sao cô cao, cô nói cao là sao con không hiểu..?

–           À… thì cô ngóng chờ con về từ 7 giờ sáng đến 12g đêm. Cứ nghe rục rịch hay có tiếng xe ngoài ngõ là cô nhón gót xem coi phải con về không, để mở cửa cho con….” 

Qua câu chuyện vui có thật, từ đó em không bao giờ về trễ quá 11g đêm. Nếu có trễ em điện thoại hoặc nhắn tin, nói con chừa cửa.  

Lạy Chúa, con luôn cảm nghiệm rằng: Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời… Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi.. Đâu ý hợp tâm đầu, ở đấy chứa chan niềm vui” 

Con cám ơn Giêsu thật nhiều. 

Eli. Kim

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …