Home / Chia Sẻ / DẤU ẤN ĐỨC TIN

DẤU ẤN ĐỨC TIN

h1Ngày 24.11 hằng năm, cùng hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu, người dân nước Việt chúng ta hân hoan đón mừng Đại lễ kính trọng thể  các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những bậc tiền nhân đã đổ máu mình ra làm chứng cho Đức tin, ngày nay, mọi thành phần dân Chúa cần phải tìm hiểu và noi gương, sống xứng đáng làm con cháu  các Ngài.

  1. HÀNH TRÌNH TÔN VINH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM:

Theo dòng lịch sử, Giáo hội Việt nam trải qua dưới thời các Vua Chúa phong kiến đã có 53 Sắc lệnh chính thức do Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, tiếp đến do nhà Tây sơn và liên tục do các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban hành, nhằm mục đích khai trừ và tiêu diệt đạo Thiên Chúa, sau đó dưới thời Văn Thân, với chủ trương “bình tây, sát tả” có thêm khoảng 60.000 người Công giáo bị sát hại. Tổng cộng trong 2 thế kỷ bị bách hại đã có trên 100.000 vị Tử đạo gồm: 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc, 1500 Linh mục Việt nam, 340 Thầy giảng, một Chủng sinh, 270 Chị dòng Mến Thánh Giá và 99.182 Giáo dân. Trong số này đã được 3 triều Giáo hoàng trước đây lần lượt tôn phong lên bậc Chân Phước:

Đức Giáo Hoàng Lêô Xlll ngày 27.5.1900 tôn phong  64 Vị, qua Tông sắc: “Đoàn lớp những bậc anh dũng”.

Đức Giáo Hoàng Piô X, ngày 15.4.1906 tôn phong 8 vị với tông thư: “Nhờ máu đào các vị Tử Đạo”. Và ngày 2.5.1909 tôn phong 20 vị.

Đức Giáo Hoàng Pi ô XII, ngày 29.4. 1951 tôn phong 25 vị, qua Tông thư sắc phong: “Mùa màng vàng ối gặt được”.

2Tiếp đến ngày 19.6.1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn vinh 117 vị Á thánh trên, lên hàng Hiển Thánh, các Ngài đã lần lượt tử vì đạo qua các thời kỳ: Thời vua Lê chúa Trịnh: 4 vị, thời vua Cảnh Thịnh: 2 vị, thời vua Minh Mạng: 58 vị, thời vua Thiệu Trị: 3 vị và thời vua Tự Đức: 50 vị, bao gồm 8 vị Giám Mục, 13 Linh mục thừa sai và 96 vị người Việt nam. Thời gian sau vào ngày 5.3.2000, Giáo hội đã tôn vinh Thầy Giảng Anrê Phú Yên lên hàng Á Thánh. Ngoài ra hiện nay, Bộ Phong Thánh Vatican còn giữ hồ sơ trên 10 vị Tử Đạo được công bố “Đáng Kính” và chừng 1.000 vị được liệt vào hàng “Tôi tớ Chúa” thuộc Giáo Hội Việt  Nam.

Thể theo đơn xin của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Tòa Thánh đã chấp nhận ngày 24.11 hằng năm là ngày lễ kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam theo lịch Phụng vụ, tiếp đến vào ngày 14.12.1990 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chuẩn thuận cho Giáo Hội Việt Nam nhận Các Thánh Tử Đạo làm Bổn mạng.

Hiện nay, để noi gương sống đạo của các vị tiền nhân đã anh dũng hy sinh vì Chúa, nhiều Đoàn thể, Hội Dòng, Cộng đoàn, Giáo xứ ở trong nước cũng như Hải ngoại đã nhận danh hiệu các Thánh Tử Đạo Việt Nam làm Quan Thầy.

II. ĐỊA DANH GHI DẤU TRÊN BA MIỀN ĐẤT NƯỚC:

Để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, nhiều địa phương đã lần lượt tìm lại những dấu vết liên quan đến các Thánh Quê hương trên nhiều phương diện, trải dài khắp mọi miền đất nước, sau đây chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về các địa danh linh thiêng này:

Giáo phận Hà Nội, vào thời điểm trước cuộc di cư 1954, Nhà thờ Cửa Bắc nằm trong khu vực đẹp và sang trọng nhất Thủ Đô Hà Nội, đã được chọn để kính các Á Thánh Tử Đạo Việt Nam… -Ngày 29.6.2006, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt đã chọn nhà thờ Bằng Sở cách Hà Nội 20 cây số là Trung tâm hành hương của Giáo phận, vì nơi đây có Đền Thánh Lê Tùy, sau khi bị chém đầu ngày 11.10.1833, Giáo dân đã xin thi hài Ngài về chôn cất tại đây. Đền Cha có tiếng là thiêng, ban cho những người đến cầu nguyện không kể lương giáo đều được nhiều ơn.

Giáo phận Hưng Hóa, Trung tâm hành hương Đền các Thánh Tử Đạo Gò Sỏi, nằm chung quanh thị xã Sơn Tây, Tỉnh Hà Tây…- Đền Thánh Đoàn Văn Vân tại khuôn viên nhà thờ Nỗ Lực TP Việt Trì… -Đền Thánh Phêrô Vũ Văn Truật tại  khuôn viên nhà xứ Hà Thạch, Huyện Lâm Thao. Tỉnh Phú Thọ.

Giáo Phận Bắc Ninh, Nhà thờ Chánh Tòa được công nhận là Đất Thánh hành hương vĩnh viễn vì gần đấy có một di tích gọi là Cổng tả thành, nơi có 100 vị “Đầu Mục và Thứ Mục” gồm Chủng sinh, Trùm Trưởng, Lương y, Binh sĩ bị hành quyết bằng cách chôn sống tại đây vào năm 1862.

Giáo phận Bùi Chu, có Đền Thánh Quần Phương dâng kính Các thánh Tử Đạo Việt Nam và cách riêng  26 vị thánh gốc Bùi chu và 18 vị Thánh phục vụ tại Bùi Chu…- Mặt tiền Đại Thánh đường Phú Nhai xây dựng vào năm 1933, có ngôi tháp lưu giữ di hài các Thánh Tử Đạo…- Đặc biệt dưới tầng hầm nhà nguyện Tòa Giám Mục có trưng bày quan tài 30 vị Thánh Tử Đạo, các Ngài được đặt nằm trong những chiếc quan tài sơn son thiếp vàng, sống động như người thật, trong ngực mỗi tượng đều có hài cốt của chính vị đó.

 Giáo phận THÁI BÌNH: trong tổng số 117 Thánh Tử Đạo Việt nam đã có 19 Vị Thánh góp mặt. Ngoài ra Giáo phận còn có hơn 510 vị Hiền Phúc- Tôi tớ Chúa ( Servus Dei) đã được Cha chính An O.P. (P.Fr. Marco Gispert) đệ trình hồ sơ về Tòa Thánh vào năm 1937 xin được phong Chân phước, các Ngài thuộc đủ mọi thành phần: Linh mục, Tu sĩ, Trùm trưởng, Quân nhân, Nông dân, Thợ thuyền, thuộc quê quán 47 Giáo xứ trong tổng số 64 Giáo xứ hiện nay của Giáo phận.

Giáo phận Hải Phòng, nổi tiếng với Đền Thánh Hải Dương, có thể nói đây là Đền kính các Thánh Tử Đạo đầu tiên tại Việt Nam xây dựng ngay trên địa điểm pháp trường 5 mẫu, nơi nhiều vị bị hành hình. Đền xây cất bằng đá 18 m x 8m vào năm 1907 và có dựng một bia đá ghi danh tánh 4 vị Thánh Tử Đạo, tại đây: Đức Cha Joromino Hermanille Vinh OP, Đức Cha Berriochoa Vinh OP. Linh mục Almato Bình bị trảm quyết 1.11.1861 và Thầy Giuse Nguyễn Duy Khang tử đạo 6.12.1861. Nhà nguyện bị mưa bão làm hư hỏng, nên năm 1927 xây dựng lại thánh đường nguy nga 65 m x 18 m, tháp cao 30m, do kiến trúc sư Lagisquet vẽ kiểu. Lễ Thánh Hiến tổ chức vào ngày 3.11.1928, sau đó có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra ở đây: ngày 22.5. 1930 Đức Cha Ruiz de Azua Minh qua đời  được an táng  trong đền thờ, – ngày 2.11. 1930 Lễ tấn phong Giám mục cho Đức Giám mục Garcia Thiện do Đức Khâm sứ Dreyer chủ phong cử hành nơi này, và ngày 14.2.1933, Ngài qua đời cũng được chôn cất tại đây. Sau 1954, khu vực Đền Thánh thuộc quyền Nhà Nước quản lý và vào năm 1973 ảnh hưởng cuộc oanh tạc đánh phá bom Mỹ nơi nhà ga xe lửa gần đó, nên Đền Thánh bị hư hại nặng chỉ còn lại mấy mảng tường chơi vơi, nhiều gia đình từ đâu đến cắm lều trên khu vực này, chỉ chừa lại hai ngôi mộ của hai vị Giám mục. Năm 2004 Nhà Nước hoàn trả lại trong cảnh hoang tàn, đất đai dân chúng còn chiếm cứ, nên chưa thể khôi phục lại được Đền Thánh này.

Giáo phận Vinh có 6 Thánh được tôn phong vào ngày 19.6.1988, hiện nay đền thánh Tử Đạo Phêrô Hoàng Khanh ở Giáo họ Trung Hậu, Giáo xứ Xã Đoài và Đền Thánh hình tứ giác dâng kính Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa ở Thuận Nghĩa. Và dưới thời Vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức nhiều vị Linh Mục, Tu sĩ, Giáo Dân bị bách hại vì danh Chúa Kitô.

3Tổng Giáo Phận Huế, nơi miền đất sông Hương, núi Ngự, nơi Vua Chúa quan quyền bắt đạo đóng đô cai trị cả nước, ngoài những tòa án pháp đình xét xử, các ngục thất khám đường giam giữ ra, còn có những địa danh nơi hành hình các vị Tử Đạo như: – Cống Chém, đi theo con đường cái quan về hướng Bắc cách chợ An Hòa vài trăm mét tới một cái cầu nhỏ, gọi là Cống Chém chính nơi này nhiều vị Tử Đạo đã bị hành quyết, chính Thánh Simon Hòa bị trảm quyết nơi đây vào ngày 12.12.1840, đầu Ngài bị bêu 3 ngày để làm gương….- Chợ An Hòa, những vị trên đường  đưa đi xử sẽ ghé qua chợ, nơi người ta dọn cho họ bữa ăn cuối cùng rồi đến Cống Chém là nơi hành hình, nhưng cũng có khi để thị uy nhiều vị Thánh của chúng ta bị hành quyết ngay tại Chợ An Hòa, đó là Thánh Anrê Trông, Micae Hy, PhanxicôTrung và Giuse Lê Đăng Thị…-Tiếp đến phải kể tới Bãi Dâu là một hòn đảo khá rộng do Sông Hương và sông Đông Ba  làm ra, nơi đây vùng đất bồi rất phù hợp với cây dâu được trồng nhiều, chính Thánh Emmanuel Triệu và Thánh Isidore Gagelin chịu tử vì đạo ở đây…-Giáo Họ Thợ Đúc được gọi tên như vậy vì cư dân ở đây được sung vào các lò đúc của Nhà Vua. Đây là một giáo họ lâu đời đã từng xẩy ra các cuộc tử đạo thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, và chắc vì muốn để cho các tín hữu khiếp sợ nên Thợ Đúc đã được chọn làm địa điểm thi hành bản án bá đao của Thánh Marchand Du.

Giáo phận Quy Nhơn đã nhận địa bàn Giáo xứ Gò Thị là quê hương của Thánh Trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông, nơi có mộ và đài kỷ niệm của Ngài làm trung tâm hành hương Giáo Phận…-Và cách Gò thị 3 cây số có Đền thờ Thánh Giám mục E.T.Cuenot Thể tử đạo 14.11.1861 Đền được xây trên nền nhà bà Maria Madalena Huỳnh Thị Lựu, nơi Thánh Giám mục dâng Thánh lễ cuối cùng trước khi bị bắt cùng với Bà Lựu và Bà Lựu đã tử đạo tại Gò Chàm…- Tiếp đến nơi mặt tiền Thánh đường Giáo xứ Bằng Lăng, một trong những ngôi nhà thờ cổ kính nhất Việt Nam, đã xây dựng nhà Truyền Thống kính Chân Phước Anrê Phú Yên, nơi lưu trữ di tích và triển lãm trang trọng tất cả những tư liệu liên quan đến cuộc sống kể cả sợi tóc quý hóa của Ngài từ Rôma gửi về .

Giáo phận Nha Trang có Thánh đường Phước Hải thuộc tỉnh Khánh Hòa xây cất rộng lớn theo kiểu dáng Á đông nơi đây lưu giữ thánh tích 22 vị Tử Đạo, được chọn làm trung tâm hành hương. Giáo xứ này thời Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ở Nha Trang hằng năm theo thông lệ vào ngày Tết Âm lịch, Ngài thường xuyên về đây dâng lễ Minh niên cùng Giáo dân.

Giáo phận Bà Rịa: Trước đây vào thời kỳ Văn Thân, khi nghe tin quân Pháp sắp tấn công vùng Phước Tuy, chính quyền địa phương đã cấp tốc dựng nên 4 cái ngục ở Phước Lễ,  Long tân, Long Điền và Phước Thọ để nhốt tổng cộng trên 700 người có đạo, ngày  8.1.1862 quân quan nhà Nguyễn không chống trả giặc Pháp được, trước khi bỏ chạy đã nổi lửa đốt cháy cả 4 nhà ngục, ai tông cửa chạy ra ngoài đều bị đâm, bị chém vứt xác vào đám cháy. Số người bị thiêu trong ngày này là 444 người gồm 288 đàn ông và 156 đàn bà cùng trẻ em. Sau này Giáo dân đã thu gom hài cốt tại 4 ngục về táng chung một mộ phần ngay tại khu đất nhà ngục Phước Lễ trước đây,và xây lăng bao bọc gìn giữ cho đến ngày nay.

Giáo phận Vĩnh Long: có trung tâm hành hương Đình Khao gần nhà thờ Cổ Chiên, do Đức Cha Giacôbê Nguyễn Văn Màu thiết lập năm 1980 để giáo dân xa gần đến kính viếng Cha Thánh Philipphê Phan Văn Minh Tử đạo là Bổn mạng của Giáo Phận.

Giáo phận Long Xuyên: có Họ đạo Đầu Nước nay là Họ đạo Cù Lao Giêng là quê hương của Thánh Phêrô Quý và Thánh Emmanuel Phụng bị bắt cũng tại đây và được giải giao về Châu Đốc chịu chết vì Đạo vào ngày 31.7.1859. và Đức Cha Giuse Trần Xuân Tiếu ước ao Họ Đạo Cù Lao Giêng sẽ là  nơi hành hương cấp Giáo Phận.

Giáo phận Mỹ Tho: ngày 16.3.2000 Khánh thành nhà thờ Ba Giồng dâng kính Đức Mẹ Nữ Vương các Thánh Tử Đạo. Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã long trọng tuyên bố Ba Giồng có Cha Thánh Phêrô Nguyễn văn Lựu làm Bổn mạng, thuộc vùng đất địa phương có hàng trăm vị Tử Đạo, xứng đáng là trung tâm hành hương của Giáo phận Mỹ Tho.

Tổng Giáo Phận Sài Gòn, chọn Giáo Xứ Thánh Gẫm thuộc phường Long Thạnh Mỹ, Quận 9 là quê hương của Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm-Lái Buôn- làm trung tâm hành hương giáo phận.

III.- DI TÍCH TRƯỜNG TỒN CÙNG THỜI GIAN:

4Với thời gian năm tháng, vật đổi sao dời, mọi sự tưởng chừng như lớp bụi thời gian sẽ che lấp mọi sự, nhưng với lòng mến mộ tôn kính các Thánh Tử Đạo, những di hài, vật dụng  một thời gắn bó với các Ngài đều được các thế hệ con cháu lưu giữ một cách trân quý hết đời nọ sang đời kia, qua bao thế hệ liên tiếp điểm tô qua các địa điểm nổi danh như sau:

Thánh đường Sở Kiện, nằm trên địa bàn Tổng Giáo phận Hà Nội  đã được chọn tổ chức Lễ Khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 50 năm thành lập hàng Giáo Phẩm Việt nam, nơi đây với ngôi nhà thờ cổ Gothic xây dựng năm 1883 có diện tích 2.100 mét vuông, với những đường nét kiến trúc chạm trổ tinh xảo, uy nghi, đã từng là nhà thờ chính tòa thủ phủ của Tây Đàng Ngoài, khu vực xung quanh còn có Tòa Giám mục, Chủng viện, Dòng Mến Thánh giá, nhà chung, nhà in, Trường La Tinh, nhưng trước hết hiện nay còn lưu giữ nhiều hài cốt các Thánh tử đạo Việt Nam và biết bao hài cốt các Tín Hữu đã Anh dũng hy sinh vì niềm tin. Bởi những đặc điểm trên ngày 8.12.2011  nhà thờ Sở Kiện đã được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường thứ tư ở Việt Nam.

 Về Miền Trung, đến Kinh thành cố đô Huế có rất nhiều danh lam thắng cảnh đền đài thu hút nhiều du khách đến đây, nhưng ai có ngờ Ngôi nhà Phu Văn Lâu đối  diện với Kỳ Đài là nơi niêm yết các Sắc Chỉ cấm đạo của Vua Quan nhà Nguyễn. Cách riêng ở khu vực Cửa Ngọ Môn vào sáng ngày 30.11.1835 lúc 5 giờ sáng, với 7 tiếng súng Đại bác nổ vang, kêu gọi dân chúng kinh thành Huế thức dậy đến dự cuộc xử án, thông thường các vụ án  Cấm Đạo đều do Quan địa phương tra hỏi xét xử, nhưng vụ này đặc biệt  do chính Vua Minh Mạng ngồi trên cửa Ngọ Môn xét xử và kết án vị Giáo sĩ Hội Thừa sai Paris, Cha Giuse Marchand Du bị điệu từ Thành Gia Định ra, với bản án “Bá Đao”, sau khi nhìn  kỹ tội phạm lần cuối, nhà Vua buông một lá cờ nhỏ cầm ở tay rồi quay lưng với kẻ bị kết án. Đó là dấu hiệu dẫn họ đi xử tử với hình thức tùng xẻo, cắt thịt nạn nhân ra làm 100 mảnh. Theo Cha J.B. Roux (Cố Ngôn) ghi lại cận cảnh này: “bốn người bao quanh Ngài: một cầm kềm, một cầm dao phay,  người thứ ba chuẩn bị đếm các vết cắt, người thứ tư ghi và cộng  các con số  đẫm máu này cho đủ”. Cuộc hành hình dã man diễn ra trên một ngọn đồi cao lởm chởm đá, thuộc phạm vi Họ Thợ Đúc, ngày nay vẫn còn di tích đã được Tòa Giám mục Huế tu bổ gìn giữ.

Ngay giữa Sài Gòn tráng lệ, nơi Vương Cung Thánh Đường Đức Bà, bên gian cánh phải từ lâu đã có một bàn thờ dâng kính cùng với một số Thánh Tích và bảng đồng khắc ghi danh tánh 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam…- Tiếp đến vào ngày 12.6.1990 tại khuôn viên Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, Đức tổng Giám mục Nguyễn văn Bình đã lấy một ngôi nhà trước đây thuộc Tiểu chủng viện xây dựng vào năm 1863 làm Nhà Truyền Thống nơi thu thập, lưu trữ những dữ liệu và hiện vật liên quan đến đời sống của Giáo Phận. Ngày nay  khách đến thăm viếng sẽ thấy nơi đây trưng bày một phần xương cốt của 90 Thánh Tử Đạo, với 27 vị còn lại (trong tổng số 117 vị) không thể tìm được Thánh tích nên có những hiện vật tượng trưng như nồi đồng đựng đất Cống Chém ( Huế), nước biển Thuận An, thau đồng đựng đất pháp trường Bảy Mẫu ( Nam Định).. nơi mà nhiều vị bị xử tử hình, càng làm cho mọi người ôn lại những bước thăng trầm của Giáo Hội Việt Nam anh dũng, cùng nhau chiêm ngưỡng người xưa qua các hiện vật, hầu hun đúc đức tin và lòng mộ mến các Thánh cho chúng ta hôm nay tiến bước theo tiền nhân, cũng như  lưu truyền cho con cháu mai sau…

Ngày nay đọc lịch sử và điểm lại những sự kiện liên quan đến cuộc đời các Thánh Tử Đạo Cha Ông, Chúng ta rất nỗi tự hào như lời sử gia A. Launay nhận xét về các cuộc bách hại  tàn khốc tại Việt Nam trước đây, đã phải cảm phục kêu lên: “Hỡi Giáo Hội Việt Nam, một trong những giáo hội bị bắt bớ hà khắc nhất lịch sử, một trong những giáo hội kiên cố lạ lùng nhất, ta kính chào Ngươi, lại bởi hy sinh càng lớn thì vinh quang càng vĩ đại. Ngươi thật xứng đáng được vinh danh chói lọi ngang hàng với các Giáo hội vinh quang nhất Phương Tây”. Thật vinh dự biết bao cho Giáo Hội và Tổ Quốc Việt Nam thân yêu.

 Hoa Thịnh Đốn, Những ngày cuối tháng Mân Côi 2016

 VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …