Home / Chia Sẻ / Đạo Đức và Thuyết Thế Mạt

Đạo Đức và Thuyết Thế Mạt

 

Maranatha! Xin Ngài hãy đến! (1 Cr 16:22).

DaoDuc & ThuyetTheMatNgay cả người vô tín ngưỡng cũng vẫn tin có sự tận cùng của thế giới (tận thế), vì thế họ có một giả thuyết, gọi là thuyết thế mạt (eschatology). Phàm điều gì có khởi đầu thì cũng có kết thúc. Chúa Giêsu đã đến, và Ngài sẽ lại đến! Đây là cấu trúc thần học của Tân ước, theo ngữ cảnh của Nước Thiên Chúa, bộ khung của đời sống Kitô giáo. Ơn cứu độ được hoàn tất trong 2 dạng khá khác nhau:

– Ngài đến là chiên hiền lành và sẽ trở lại là sư tử gầm thét.

– Ngài đến là Người Tôi Tớ Đau Khổ và sẽ trở lại là Vua các vua.

– Ngài đến trong khiêm nhường và sẽ trở lại trong vinh quang.

– Ngài đến ban ơn cứu độ và sẽ trở lại xét xử.

– Ngài đến trong mầu nhiệm và sẽ trở lại tỏ hiện.

– Ngài đến theo các giao ước và lời hứa và sẽ trở lại trong sự viên mãn.

– Ngài khai mở Thiên quốc và sẽ trở lại trong vinh thắng.

– Ngài đến ban sự sống mới và sẽ trở lại ban sự sống lại.

– Ngài đến cứu thoát những người tin và sẽ trở lại cứu độ cả trời đất.

Là Kitô hữu, chúng ta sống giữa khoảng lần đến thứ nhất và thứ nhì của Đức Kitô. Không ai biết ngày mai ra sao, không ai biết thời điểm đó, chỉ có Chúa Cha biết (x. Mt 24:36; Mc 13:32). Chúng ta đang sống trong “khoảng chờ đợi” đó. Chúng ta có kinh nghiệm về sự căng thẳng, kể cả ơn lành, và chúng ta mong đợi Chúa Giêsu đến để hoàn tất. Chúng ta cảm tạ Chúa về những gì mình đang có, và mong chờ những gì sẽ xảy ra. George Ladd nói rõ: “Trước khi hoàn tất sự khải huyền vào cuối lịch sử, sự viên mãn của lời tiên tri đã xảy ra trong lịch sử; trước khi Chúa đến, Vương quốc của Ngài cũng là sự kiện lịch sử; trước khi Chúa hành động trong cương vị Quốc vương khai mạc lệnh cứu độ, Ngài đã hành động trong Chúa Giêsu ở Nadarét để đem đến trước cho con người phúc lành viên mãn thế mạt. Lời hứa Cựu ước về Vương quốc sẽ đến, sự hoàn tất lời hứa về Vương quốc đó trong lịch sử nơi mỗi con người và thế giới, và các hoạt động của Chúa Giêsu, tức là sự viên mãn cuối lịch sử – đây là cấu trúc cơ bản của thần học về tận thế”.

Theo nền tảng thần học, Tân ước nhấn mạnh về cách sống hiện tại, khi chúng ta chờ Đức Kitô trở lại. Điển hình là 1 Cr 16:13-22: “Hãy tỉnh thức, hãy đứng vững trong đức tin, hãy sống cho đáng bậc nam nhi và ăn ở kiên cường.14 Hãy làm mọi sự vì đức ái. Thưa anh em, tôi có một lời khuyên nữa, anh em biết gia đình Têphana: họ là những người đầu tiên trở lại đạo tại xứ Akhaia và đã dấn thân phục vụ dân thánh. Anh em hãy tuân phục những người như thế và những người cùng vất vả cộng tác với họ. Tôi vui mừng vì có Têphana, Photunatô và Akhaicô đến thăm, bởi vì họ thế cho anh em là những người vắng mặt. Thật vậy, họ đã làm cho tinh thần của tôi và của anh em được bình an thanh thản. Vậy anh em hãy biết quý trọng những người như thế. Các Hội Thánh Axia gửi lời chào anh em. Aquila và Pơritca cùng với Hội Thánh họp tại nhà họ gửi lời chào anh em trong Chúa. Tất cả các anh em ở đây gửi lời chào anh em. Anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Chính tôi, Phaolô, tự tay viết lời chào này. Nếu ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp! Maranatha!”.

Trong đoạn Kinh thánh này, thánh Phaolô đưa ra vài lời thôi thúc các tín hữu bước theo trong thế giới ngày nay là “hãy giữ vững lập trường” như Chúa Giêsu đã căn dặn: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:36). Sau khi khuyên nhủ, Ngài tập trung vào sự trở lại của Đức Kitô với lời kêu xin: “Maranatha!”, nghĩa là “xin Chúa đến” hoặc “xin Nước Cha trị đến” (1 Cr 16:22). Đối với thánh Phaolô, các tín hữu phải tập trung vào hiện tại và tương lai: Hãy vững bước với Đức Kitô khi chờ đợi Ngài trở lại. Do đó, điều chúng ta thấy trong Tân ước là sự nhấn mạnh về cả phương diện đạo đức và thế mạt, nghĩa là về CÁCH SỐNG và CHỜ ĐỢI tương lai.

ĐẠO ĐỨC

Đạo đức của Đức Kitô được hiểu theo tương quan với Vương quốc Nước Trời. Thiên lệnh của Ngài dành cho chúng ta về tính cách hạnh kiểm được “đặt” vào mỗi chúng ta, những người đã được tiền định là môn đệ của Ngài. Ơn cứu độ đòi buộc chúng ta phải công chính. Bài Giảng Trên Núi (Mt 5:3-12), còn gọi là Bát Phúc hoặc Tám Mối Phúc, là những tấm gương tốt lành nhất trong giáo huấn của Đức Kitô về đạo đức. Hãy chậm rãi đọc đi đọc lại để cảm nhận sâu sắc về bài giảng nổi tiếng nhất của Chúa Giêsu.

Bài Giảng Trên Núi gồm cách diễn tả vô điều kiện của Thánh Ý Chúa về cách sống của các công dân Nước Trời. Đó là Hiến Chương Nước Trời dành cho các môn đệ của Chúa. Nhiều học giả đã say sưa Hiến Chương này.

– Tác giả David S. Dockery và David E. Garland có cuốn “Seeking the Kingdom: The Sermon on the Mount Made Practical Today” (Tìm kiếm Nước Trời: Bài Giảng Trên Núi thực hành).

– Tác giả John Stott có cuốn “Christian Counter Culture: The Message of the Sermon on the Mount” (Kitô hữu đối lập Văn hóa: Sứ điệp của Bài Giảng Trên Núi).

– Tác giả A. M. Hunter có cuốn “A Pattern for Life: An Exposition of the Sermon on the Mount” (Kiểu mẫu để Sống: Luận về Bài Giảng Trên Núi).

Dĩ nhiên, chúng ta không có thời gian thảo luận hết Bài Giảng Trên Núi trong bài viết ngắn này. Nhưng tôi có thể đưa ra nét đại cương cơ bản: Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giêsu dạy chúng ta về tính cách (bát phúc – Mt 5:3-12), ảnh hưởng (muối và ánh sáng – Mt 5:13-16), giới luật (giết người, dâm dục, ly hôn, thề thốt, trả thù, yêu thương – Mt 5:17-48), đạo đức (bố thí, cầu nguyện, ăn chay – Mt 6:1-18), tham vọng (tiền bạc, vật chất – Mt 6:19-34), mối quan hệ (xét đoán, “chó má”, cầu nguyện, tiên tri giả, cửa hẹp, chân chính, xây nhà trên cát và đá – Mt 7:1-27) để có thể trở thành công dân Nước Trời. Một điều rất quan trọng là tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Nhưng không may là chúng ta thường hiểu sai Ý Chúa.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu giải quyết quyền ưu tiên Nước Trời và sự công chính. Chúa Giêsu nói hãy quan tâm điều này, và mọi thứ khác sẽ được ban cho. Ngài nhấn mạnh đến thực phẩm và quần áo. Đối với nhiều Kitô hữu, điều này nghĩa là người ta phải mất khá nhiều thời gian buổi sáng trước khi làm những việc khác. Theo cách này, chúng ta phải dành cho Chúa thời gian đầu tiên trong ngày. Nếu đời sống Kitô hữu là những ngăn kéo, Thiên Chúa và Nước Trời phải ở ngăn trên cùng. Hãy mở ngăn đó ra trước. Thiên Chúa phải là ngăn đầu tiên trong đời sống chúng ta. Hãy dành cho Thiên Chúa nhiệm vụ đạo đức. Những việc khác sẽ xuôi theo.

Nhưng viễn cảnh về vấn đề này sẽ tách Nước Trời và sự công chính khỏi cuộc đời, dù chúng ta đặt lên hàng đầu. Nếu chúng ta nhớ rằng Vương quốc của Chúa là luật lệ và uy quyền của Ngài, vậy Chúa Giêsu muốn chúng ta ưu tiên tìm kiếm luật và quyền của Ngài trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Chúng ta phải hoàn toàn tìm kiếm và áp dụng sự công chính của Nước Trời trước tiên. Chúng ta tìm kiếm Nước Trời và theo đuổi sự công chính trong cuộc sống. Nghĩa là chúng ta phải đem luật Chúa và sự công chính của Ngài vào mọi lĩnh vực của cuộc sống như hôn nhân, gia đình, công việc, giáo dục, giải trí, mua sắm, tình bạn, chính trị, tôn giáo, viết lách, sáng tác, suy tư, học tập, lái xe, vui chơi,… Khi chúng ta ưu tiên luật Chúa và sự công chính của Ngài trong mọi lĩnh vực sống, Ngài sẽ chăm sóc chúng ta trong mọi hoàn cảnh! Đó là đạo đức của Nước Trời!

Tầm nhìn đạo đức của thánh Phaolô đầy thách thức. Dĩ nhiên các Kitô hữu nên công chính nhờ tin vào Đức Kitô. Chúng ta đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống và sức mạnh cho chúng ta. Vì chúng ta nhận ân phước thế mạt (eschatological blessings), chúng ta được kêu gọi đáp lại bằng giá cả cuộc đời.

Thánh Phaolô có tầm nhìn phong phú về luân lý. Điều này rất quan trọng vì giúp chúng ta hiểu ước vọng của thánh nhân quan tâm hạnh kiểm của chúng ta nơi Đức Kitô, Đấng là Chúa và là Vua: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:1-2).

Có 3 điều quan trọng. Thứ nhất, chúng ta không được để thế giới (sa ngã, tội lỗi, trần tục) xung quanh chúng ta ép chúng ta vào “khuôn” của chúng. Tại sao? Vì “yêu thế gian là ghét Thiên Chúa” (Gc 4:4), nghĩa là thù địch của Thiên Chúa. Thứ nhì, chân ý của Chúa phải canh tân chúng ta để biến đổi đời sống chúng ta. Chúng ta phải “gắn liền” với Kinh thánh và văn hóa Kitô giáo. Thứ ba, Chúng ta không chỉ cần biết chân lý của Chúa mà còn phải thực hiện điều đó, đó là thể hiện sự tuyệt hảo của Ý Chúa trong mọi sự.

Tuy nhiên, sống tuân phục là biến đổi canh tân theo Ý Chúa. Đó là sống nghiêm ngặt theo luân lý. Luật luân lý và ngữ ảnh thần học được Chúa Giêsu cung cấp, và thánh Phaolô đưa ra nền tảng sống. Chúng ta phải thay đổi cách sống, tức là canh tân hằng ngày để nên giống Đức Giêsu Kitô.

Nhưng còn tương lai? Chúng ta mong đợi gì khi thế gian này tận cùng? Chúng ta chưa hoàn tất thì sao?

THẾ MẠT

Thế mạt là tận thế. Chắc là không mấy người không biết Kinh Tin Kính. Đó là bản tóm lược giáo lý. Cuộc đời chúng ta là mùa Vọng kéo dài. Vọng là mong chờ. Mong chờ điều mơ ước được hiện thực, mong chờ kết quả cuộc thi, mong chờ Chúa đến, mong chờ nhiều thứ… đặc biệt là mong chờ Đức Kitô đến lần thứ hai. Đó là Mùa vọng thứ hai.

Khi Chúa Giêsu lên trời, hai thiên thần thấy các tông đồ vừa nhìn theo Sư phụ vừa há miệng và tròn mắt nên nói với các ông: “Hỡi những người Galiê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1:11). Chúa Giêsu lên trời làm gì? Chúa Giêsu xác định: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:1-3). Chắc chắn niềm hy vọng của chúng ta không hão huyền!

Thánh Gioan kể lại thị kiến: “Bấy giờ tôi thấy trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là ‘Trung thành và Chân thật’, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến. Mắt Người như ngọn lửa hồng, đầu Người đội nhiều vương miện, Người mang một danh hiệu viết trên mình, mà ngoài Người ra chẳng ai biết được. Người khoác một áo choàng đẫm máu, và danh hiệu của Người là ‘Lời của Thiên Chúa’. Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh. Từ miệng Người phóng ra một thanh gươm sắc bén để chém muôn nước. Chính Người sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt chúng. Người đạp trong bồn đạp nho chứa thứ rượu là cơn lôi đình thịnh nộ của Thiên Chúa Toàn Năng. Người mang một danh hiệu viết trên áo choàng và trên đùi: “Vua các vua, Chúa các chúa” (Kh 11-16).

PHÁN XÉT CUỐI CÙNG

Thiên Chúa là Người thống trị vũ trụ, và Ngài sẽ công bình xét xử thế giới. Mọi người nam và nữ, kể cả các thiên thần, sẽ phải đối chất với Ngài! Ngài xác định số phận mỗi người theo cách họ đã sống. Thật vậy, Ngài đến phán xét cả kẻ sống và kẻ chết (Kinh tin kính).

Chúng ta có thể khái quát phương diện này của Ngày Tận Thế theo vài quy luật:

1. Theo nhiều văn bản, cuộc phán xét cuối cùng xảy ra một lúc nào đó trong tương lai, khi mà số phận nhân loại sẽ được xác định và được bày tỏ công khai (x. Mt 11:24; 13:30, 39, 49; Ga 12:48; Cv 18:31; Rm 2:5; 1 Cr 4:5, v.v…).

2. Chính Chúa Giêsu sẽ là vị thẩm phán tối cao (x. Ga 5:22-23, 27; Cv 10:34-43; 2 Cr 5:10).

3. Cuộc phán xét cuối cùng sẽ xảy ra khi Chúa Giêsu đến lần thứ hai (x. Mt 16:27; 24:29-35; 25:31-46; 1 Cr 4:5; 2 Tx 1:7-10; 2 Tm 4:1, v.v…). Đồng thời cuộc phán xét này cũng xảy ra khi sống lại, như nói rõ trong 1 Cr 15:50-58 và Pl 3:20-21.

4. Những người bị xét xử là loài người và cả các thiên thần (x. 2 Pet. 2:4; Gđ 6). Các tín hữu cũng giữ vai trò xét xử các thiên thần: “Nào anh em chẳng biết rằng chúng ta sẽ xét xử các thiên thần sao?” (1 Cr 6:3).

5. Phán xét về hành vi (x. Mt 25:31-46; Rom. 2:5-7; 1 Cr 3:10-15; 2 Cr 5:10) và niềm tin vào Đức Giêsu Kitô (x. Ga 1:12; 3:17-18, 36; 1 Cr 1 Tm 1:15).

6. Cuộc phán xét cuối cùng tương xứng với sự mặc khải (x. Lc 12:41-48; Mt 11:21-22; Rm 2:11-16). Ai nhận nhiều thì bị đòi nhiều, ai nhận ít thì bị đòi ít (x. Mt 25:14-30).

7. Trong cuộc phán xét, số phận mỗi người sẽ được xác định rạch ròi: Chiên và dê. Hoặc được sống đời đời, hoặc phải phạt đời đời, tùy theo cách sống của mỗi người: Ai cho người khát có thức uống, cho người đói có của ăn, cho người ở trọ, cho người trần truồng có đồ mặc, thăm bệnh nhân, thăm tù nhân, thì sẽ được hưởng phúc trường sinh, còn không thì phải vào lửa đời đời (x. Mt 25:31-46). Trong 6 quy luật thương người này lại có 2 lời cảnh báo tương ứng: “Hãy tỉnh thức đón chàng rể” (Mt 25:1-13), và “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20).

Chúa Giêsu đã phục sinh, chúng ta cũng sẽ được sống lại, vì Ngài là hoa trái đầu mùa của sự sống lại. Chúng ta thuộc về sự phục sinh của Đức Kitô khi Ngài giáng lâm (x. 1 Cr 15:20-28).

Khi nào chúng ta được sống lại? Lúc Chúa Giêsu giáng lâm (x. 1 Cr 15:50-58; Pl 3:20-21). Thân xác mới của chúng ta như thế nào? Bất diệt, vinh quang, mạnh mẽ, và đầy sinh khí (x. 1 Cr 15:42-44). Ai sẽ được sống lại? Cả người tốt và người xấu đều được sống lại, nhưng có điều khác nhau: “Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa” (Kh 20:15). Vì thế, tương lai của chúng ta rất quan trọng, được trở thành con người hoàn hảo để hiện hữu trong “trời mới và đất mới”.

Thiên Chúa không làm cái mới, nhưng Ngài làm cho mọi vật nên mới: Thiên Chúa sẽ tái sinh trái đất (x. Mt 19:28; Cv 3:21) và giải thoát khỏi mọi sự hư nát (x. Rm 8:21). Trời mới và đất mới trở thành Thiên Đô (thành phố trên trời), thành Giêrusalem mới. Thiên Chúa chiếm giữ thành đó và sẽ ở với nhân loại mãi mãi (x. Kh 21:2-3). Kinh thánh cũng nói tới một núi Sion, thành phố của Thiên Chúa hằng sống, thành Giêrusalem trên trời (x. Dt 12:22), một vương quốc vững bền (x. Dt 12:28), một quê hương mới (x. Dt 11:14), một thành phố xây dựng trên nền móng của Thiên Chúa (x. Dt 11:10).

Thánh Gioan tông đồ cho biết: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự”. Rồi Người phán: “Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật”. Người lại phán với tôi: “Xong cả rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Khởi Nguyên và Tận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền. Ai thắng sẽ được thừa hưởng hồng ân đó. Ta sẽ là Thiên Chúa của người ấy, và người ấy sẽ là con của Ta. Còn những kẻ hèn nhát, bất trung, đáng ghê tởm, sát nhân, gian dâm, làm phù phép, thờ ngẫu tượng, và mọi kẻ nói dối, thì phần dành cho chúng là hồ lửa và diêm sinh cháy ngùn ngụt: đó là cái chết thứ hai” (Kh 21:1-8).

Chúng ta đang sống trong thời cánh chung, nghĩa là thời gian mong chờ Chúa Giêsu giáng lâm nay mai. Ngay bây giờ chúng ta phải sống theo luật của Nước Trời để mai mốt chính thức làm công dân Nước Trời thực thụ. Hãy tránh mọi tiện nghi của thế gian. Đường càng hẹp càng dễ vào Nước Trời. Một nghịch lý mà rất hợp lý, rất lô-gích. Chúng ta phải đổi mới từ tư tưởng, vì tư tưởng dẫn tới hành động. Chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người. Nước Trời là Vương quốc của Sự sống vĩnh cửu, thế gian là vương quốc của sự chết!

Tiến sĩDAVID NAUGLE

TRẦM THIÊN THU (Lược dịch)

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …