Home / Chia Sẻ / ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO

ĐẠO ĐỨC NGHỀ BÁO

Ý Cầu Nguyện Tháng MƯỜI, 2016

– Ý CHUNG: Cầu cho các NHÀ BÁO, khi thi hành công việc của mình, luôn được thôi thúc bởi việc TÔN TRỌNG SỰ THẬT và Ý THỨC ĐẠO ĐỨC chắc chắn.

– Ý TRUYỀN GIÁO: Cầu cho ngày Thế Giới Truyền Giáo đổi mới các cộng đoàn Kitô hữu đem đến niềm vui và trách nhiệm loan báo Tin Mừng.

+++

_ao-d_c-ngh_-b_oHằng năm có hai ngày liên quan báo chí: Ngày 3-5 là Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới (WPFD – World Press Freedom Day, hoặc WPD – World Press Day), và ngày 9-5 là Ngày Quốc Tế Nhà Báo (OIJ, thành lập năm 1946).

Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố ngày 3 tháng Năm là Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới để gợi nhận thức về tầm quan trọng của Tự do Báo chí, đồng thời nhắc nhở các chính phủ về trách nhiệm tôn trọng và đề cao quyền tự do diễn tả quan điểm riêng theo Điều khoản 19 trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền (Universal Declaration of Human Rights) và đánh dấu ngày kỷ niệm Bản Tuyên Ngôn Windhoek (Declaration of Windhoek), thỏa hiệp về các nguyên tắc tự do báo chí của báo giới Phi châu năm 1991.

UNESCO đánh dấu Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới bằng cách tham kiến UNESCO / Giải Thưởng Tự Do Báo Chí Guillermo Cano dành cho cá nhân hoặc tổ chức nào xứng đáng vì đã đóng góp vào việc bảo vệ và/hoặc thúc đẩy sự tự do báo chí ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhất là khi điều này đạt được trong tình trạng nguy hiểm. Được thành lập năm 1997, giải thưởng này đã được trao để giới thiệu một ban gồm 14 nhà báo chuyên nghiệp. Tên tuổi được đề nghị bởi các tổ chức phi chính phủ của địa phương và quốc tế hoạt động vì sự tự do báo chí, và bởi các nước thành viên UNESCO.

Giải thưởng này là Giải Guillermo Cano Isaza, một nhà báo người Colombia đã bị ám sát trước tòa soạn ở El Espectador, Bogotá, ngày 17-12-1986. Các bài viết của ký giả Cano đã làm “nhức đầu” các nhà đại tư bản của Colombia hồi đó.

UNESCO cũng đánh dấu Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới hằng năm bằng cách quy tụ các nhà truyền thông chuyên nghiệp, các tổ chức tự do báo chí và các hãng thông tấn của Liên Hiệp Quốc để ước định tình trạng tự do báo chí trên thế giới và thảo luận cách giải quyết khó khăn. Mỗi hội nghị tập trung xung quanh chủ đề liên quan sự tự do báo chí – bao gồm việc quản lý tốt, truyền thông về khủng bố, sự miễn trừng phạt và vai trò của truyền thông tại các ước sau thời kỳ xung đột.

Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới năm 2011 được tổ chức tại Washington, D.C., Hoa Kỳ, từ ngày 1 tới ngày 3 tháng Năm. Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tổ chức Ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới. Chủ đề là “Truyền thông Thế kỷ 21: Biên Độ Mới, Thách Thức Mới”. Sự kiện này đã xác định các quy luật cơ bản của sự tự do bó chí trong thời đại kỹ thuật số – khả năng của các công dân bày tỏ ý kiến và nguồn thông tin độc lập – 20 năm sau khi Bản Tuyên Ngôn được làm tại Windhoek, Namibia.

Nói về báo chí, sĩ quan quân đội T. E. Lawrence (1888–1935, Anh quốc) nhận xét: “Báo chí in ấn là vũ khí lớn nhất trong kho đạn dược của một chỉ huy hiện đại – The printing press is the greatest weapon in the armoury of the modern commander”. Còn tại Việt Nam, trong thi phẩm “Than Đạo”, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822–1888), tác giả truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên”, đã khẳng khái nhận định:

Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà

Đó là cái tâm của người viết báo, là đạo đức nghề báo hoặc lương tâm nhà báo. Ngày nay có hai dạng báo: báo in và báo internet. Dạng nào cũng có mục đích đưa tin mau chóng và chính xác để phục vụ cộng đồng. Viết báo là một dạng tìm cách sinh ích lợi cho người khác, bất kể đó là ai. Viết báo là làm truyền thông, phải có cái tâm chính đáng, nếu không thiện tâm thì đừng làm báo, vì như vậy chỉ làm hại người khác – và hại cả chính mình!

Ngày 4-12-1963, Công Ðồng Vatican II đã ban hành Sắc Lệnh “Inter Mirifica” (Trong Số Những Điều Kỳ Diệu) – nói về Truyền Thông Xã Hội, triều đại giáo hoàng của Đức Phaolô VI. Trong chương I, sắc lệnh này nói về bổn phận trách nhiệm của tác giả:

“Bổn phận luân lý chính yếu đối với việc sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội là của các nhà báo, nhà văn, các diễn viên, các nhà dàn cảnh, nhà sản xuất, những người xuất vốn, người phân phối, các quản đốc và những người buôn bán, những người phê bình và tất cả những người góp phần vào việc thực hiện hay phổ biến những phương tiện truyền thông này – bằng cách này hay cách khác… Mọi người đều thấy rõ rằng những người đó mang những trách nhiệm hết sức quan trọng, vì trong khi thông tin và cổ động, chính họ có thể dẫn đưa nhân loại một cách ngay chính hay sai lạc… Bởi thế họ có bổn phận tìm cách phối hợp những yếu tố kinh tế, chính trị hay nghệ thuật để chúng không bao giờ nghịch lại ích chung… Họ cũng phải luôn nhớ rằng phần lớn các độc giả và khán giả là thanh thiếu niên: những lớp người này cần báo chí và kịch ảnh để giải trí lành mạnh và nâng cao tâm hồn”.

Trách nhiệm của người làm báo thực sự quan trọng, không hề đơn giản. Tiểu thuyết gia và kịch tác gia James M. Barrie (1860–1937, Scotland): “Báo chí in ấn hoặc là phúc lành lớn nhất hoặc là lời nguyền rủa lớn nhất của thời hiện đại, người ta đôi khi quên mất nó là bên nào”. Tiểu thuyết gia James Fenimore Cooper (1789–1851, Hoa Kỳ) so sánh: “Cũng như lửa, báo chí là người phục vụ tuyệt vời nhưng lại là một ông chủ tồi tệ”. Truyền thông liên quan văn hóa, văn thi sĩ Irwin Allen Ginsberg (1926–1997, Hoa Kỳ) xác định: “Ai kiểm soát truyền thông đại chúng, người đó kiểm soát văn hóa”.

Biên tập viên Giovanni Maria Vian, báo L’Osservatore Romano (Người Quan Sát Rôma), trong số báo ra ngày 31-7-2011, đã nhận định: “Trách nhiệm của phương tiện truyền thông rất lớn. Báo chí Tòa thánh, báo chí Công giáo và các phương tiện truyền thông không chỉ phải tăng cường và nỗ lực đưa tin mà còn phải giúp người ta hiểu điều gì là quan trọng”.

Là Kitô hữu, nhất là người Công giáo, việc làm báo càng quan trọng hơn, vì PHẢI bảo vệ Sự Thật và Công Lý. Đó cũng là một cách loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Có câu chuyện về tấm gương sáng của một người Công giáo đáng để những người viết báo lưu ý và noi gương. Chuyện kể thế này:

Nhà trí thức kiêm thi sĩ François Coppée (1842–1908), người Pháp, cộng tác viên của báo Journal de Paris. Mỗi bài đăng của ông được trả rất bội hậu lúc đó (cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19). Khi thấy báo này cho đăng những bài nghịch đạo và chống đạo Công giáo, ông xin giám đốc báo cho ông ngưng cộng tác.

Ông giám đốc tưởng là vấn đề tiền bạc nên nói: “Tôi sẽ trả cho ông 25 ngàn franc (tiền Pháp) mỗi năm”. Ông François mỉm cười và trả lời: “Thưa ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc đâu. Tôi biết ông luôn luôn tốt lành, tế nhị và hào phóng đối với tôi. Nhưng đây là vấn đề LƯƠNG TÂM của tôi”. Lương tâm của ông François Coppée thật là tuyệt vời biết bao!

Ký giả Albert Camus (1913-1960), kiêm văn sĩ và triết gia người Pháp, nhận xét: “Báo chí tự do, dĩ nhiên, có thể tốt cũng có thể xấu, nhưng hầu như chắc chắn nếu không có tự do, báo chí chỉ có thể là xấu”.

Những quan điểm của ông đóng góp vào sự phát triển của chủ nghĩa phi lý (absurdism). Trong bài luận “Người Phản Kháng” (The Rebel), ông nói rằng ông dành cả cuộc đời để chống lại triết lý hư vô, trong khi vẫn đi sâu vào tự do cá nhân.

Ông cùng với Jean-Paul Sartre là đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh. Ông còn là tác giả của các tiểu thuyết nổi tiếng L’Étranger (Người Xa Lạ), La Peste (Dịch Hạch). Ông được trao tặng Giải Nobel về Văn Học năm 1957 vì các sáng tác văn học của ông đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”.

Thiên Chúa là Sự Thật (Ga 14:6) nên Ngài luôn nói thẳng, nói thật. Là con cái Ngài, chúng ta cũng phải bảo vệ sự thật và sống theo sự thật, vì chỉ có sự thật mới thực sự giải thoát chúng ta (Ga 8:32), đồng thời chính Thần Khí Sự Thật dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn (Ga 16:13).

Trước khi chịu khổ nạn và chịu chết để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha cho chúng ta biết tôn trọng sự thật: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17:17-19).

Chắc chắn rằng chúng ta sẽ chẳng làm được gì nếu không có Chúa Giêsu (Ga 15:5), dù chỉ là một điều nhỏ nhoi nhất. Vì thế, khi viết báo hoặc làm báo, chúng ta phải để cho Ngài hướng dẫn và tác động: NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh cũng đã nhắc nhở mọi người chúng ta, đặc biệt đối với những người làm báo: “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:4-5).

Báo chí cần phải có sự tự do, nhưng không phải tự do muốn viết gì thì viết, không thể bóp méo hoặc xuyên tạc sự thật. Đã từng có những người viết báo không tôn trọng sự thật, lạm dụng ngòi bút để bao che cái xấu. Đó là tội lỗi. Nhà báo phải có tâm chính đáng, có vậy thì những gì được viết ra mời sinh hoa kết trái, lợi ích cho chính mình và độc giả, đặc biệt nhất và cần thiết nhất là được Thiên Chúa chúc lành.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …