Home / Chia Sẻ / ĐÁNH VẦN

ĐÁNH VẦN

ĐÁNH VẦNHai ngày kế tiếp nhau là hai ngày lễ liên quan nỗi sầu thương: lễ Suy Tôn Thánh Giá (14-9) và lễ Đức Mẹ Sầu Bi (15-9). Đó là hai chữ KHỔ viết hoa rất TO và rất ĐẬM, nhưng lại rất khó đánh vần – KHÓ vì đó là vần của chữ KHỔ. Nhưng có bí quyết để đánh vần: “TỪ BỎ MÌNH và VÁC THẬP GIÁ” (Mt 10:38; Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23; Lc 14:27).

Việt ngữ thật là độc đáo, có vần có điệu – có thể nói là một ngôn ngữ độc nhất vô nhị. Độc đáo nữa là vần KH. Ngày xưa, chữ KHỔ đánh vần là ca-hát-ô-khô-hỏi-khổ, khổ mà vẫn “ca hát” – có hai nghĩa: ca hát vì chưa thực sự khổ, hoặc khổ mà vẫn vui chịu chứ không cam chịu; còn ngày nay, chữ KHỔ đánh vần là khờ-ô-khô-hỏi khổ, khổ mà “khờ” người thì đúng là khổ thật, đành phải cam chịu chứ đâu có vui chịu. Còn chữ KHÔN, ngày xưa là ca-hát-ô-khô-en-khôn, đúng là khôn thật, khôn nên vui “ca hát”; còn ngày nay là khờ-ô-khô-nờ-khôn, chưa khôn đã “khờ” thì khôn gì nổi, không khôn thì có thể là khờ khạo, khờ dại, hoặc ngu xuẩn, ngu dốt. Thế thì là 3K: Không Khôn Khéo!

Một trong các loại khổ là chiến tranh. Vì khổ mà người ta than thân trách phận: “Con vô phúc quá, mẹ ơi, mẹ sinh con ra làm gì, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gổ với con? Con chẳng cho ai vay, cũng không mượn của người, thế mà vẫn cứ bị nguyền rủa” (Gr 15:10). Những ngày đầu tháng 9-2018, Nhật Bản đã khổ sở vì cơn siêu bão Jebi với cường độ gió hơn 200 km/giờ, những chiếc xe tải nặng bay như bong bóng, và rồi bão vừa xong thì lại bị động đất 6,7 độ richter. Còn tại Việt Nam, lũ lụ cũng hoành hành một số nơi tại tỉnh Thanh Hóa, núi sạt lở và nước ngập mái nhà. Khổ vô cùng!

Trong đau khổ, con người quá nhỏ bé, rất cần có sức mạnh của đức tin. Thánh Bonaventura cho biết: “Có ba điều cần thiết đối với mọi người: CHÂN LÝ CỦA ĐỨC TIN đem lại sự hiểu biết, TÌNH YÊU CỦA LÒNG MẾN ĐỨC KITÔ đem lại lòng trắc ẩn, và SỰ CHỊU ĐỰNG CỦA ĐỨC CẬY đem lại sự kiên trì”.

  1. ĐIỆU THƯƠNG CỦA CON

Thập giá là dụng cụ để xử tử phạm nhân mà người Phênixi đã dùng đầu tiên, sau đó người Rôma cũng dùng, nhưng chỉ dùng hình phạt này cho kẻ nô lệ, dân bị trị, những người thấp hèn và những kẻ phạm các tội nặng nhất – như trộm cướp, ít khi áp dụng cho công dân Rôma. Nhà hùng biện trứ danh Cicéron (Rôma) đã mô tả:“Đóng đinh vào thập giá là cực hình ghê rợn và độc ác nhất”.

Theo nhiều nhà nghiên cứu Kinh Thánh, thập giá được làm bằng gỗ tùng và rất nặng, thanh dọc dài 4,5 m, thanh ngang dài 2,5 m, cả thập giá nặng khoảng 100 kg. Vác kéo lê thì giảm sức nặng khoảng 30 kg. Như vậy, Chúa Giêsu còn chịu sức nặng 70 kg đè trên thân xác đã yếu ớt vì đòn vọt, vác khệ nệ trên con đường dài 700 m, và Ngài đã phải ngã quỵ 3 lần. Thông thường, khoảng giữa thập giá có một miếng gỗ để tội nhân tì mông vào cho dễ đóng đinh, và đóng mỗi chân một đinh. Ngày nay các nhà kỹ thuật đã đưa miếng gỗ đó xuống làm đế đỡ chân và hai chân đóng chụm lại, đó vì tính mỹ thuật – tức là để nhìn cho “đẹp mắt” mà thôi.

Ngày xưa, thập giá là nhục hình ghê rợn nhất dành cho các tử tội. Thế mà Chúa Giêsu,hoàn toàn vô tội, đã phải chịu nhục hình này – bởi vì người ta liệt Ngài vào dạng tương tự “dân anh chị khét tiếng” hoặc “tội phạm nguy hiểm”. Nhưng với Đức Kitô, thế cờ bị Ngài đảo ngược, chính thập-giá-khổ-đau đó lại trở thành “đòn bẩy”, là đường tới vinh quang, là lối vào ánh sáng, là vũ khí chiến thắng. Thập giá được Ngài biến thành biểu tượng cứu độ và là phương cách giải thoát, thế cờ hoàn toàn đảo ngược.

Một Saolê đã từng bách hại “tới bến” đối với những ai dám yêu mến Thánh Giá, nhưng nhờ cú ngã ngựa, Saolê bị mù mắt thể lý mà lại sáng mắt tâm linh, rồi trở thành một Phaolô “không giống ai” với niềm ước mong: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14). Việt ngữ thật kỳ diệu: THÁNH GIÁ là cái GIÁ để nên THÁNH. Một kiển hoán tự kỳ lạ Đó cũng là điều mà Đức Giêsu Kitô đã xác định: “Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi thì không xứng với Tôi, không thể làm môn đệ của Tôi” (Mt 10:38; Lc 14:27). Vác thập giá thì nên thánh, không vác thì… “đừng có mơ”. Một kiểu “chơi chữ” độc đáo khác: Nếu đổi vị trí mẫu tự trong chữ SANTA (thánh) sẽ thành SATAN (quỷ).

Và có một điều rất đặc biệt, đó là Đức cố GM Pièrre Lambert de la Motte (1624–1679, Hội Thừa Sai Pháp) cũng là một “dị nhân” chính hiệu, thật chẳng giống ai khi ngài quyết tâm “chỉ yêu mến Thánh Giá mà thôi”, bằng chứng là ngài đã lập Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam – bắt đầu từ Hải Phòng (Bắc Việt), với châm ngôn sống: “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con”.

Xưa cũng như nay, bất cứ ai thích Thánh Giá đều bị coi là “ngược đời” hoặc “điên loạn”. Thế nhưng Đức Kitô lại khuyến cáo chúng ta phải “mình ên vác thập giá mà theo Ngài” (x. Mt 16:24). Ôi chao, “căng” dữ nghen! Nhưng thật thế, phải thực sự tin tưởng và can đảm mới có thể thanh thản bước đi trên Đường Thập Giá – liên lỉ từng giây phút chứ không chỉ trong thoáng chốc, trong vài ngày hoặc vài tháng.

Đọc hạnh tích các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy các ngài thực sự can đảm giữ vững đức tin tới mức khó có thể tưởng tượng, thế mà các ngài vẫn thanh thản, không chút đắn đo hoặc nao núng.

Chính Chúa Giêsu đã chịu hàm oan và đau khổ tột cùng trên Chặng Đàng Thánh Giá. Cuộc đời mỗi Kitô hữu cũng là Hành Trình Thập Giá, có rất nhiều thứ xấu xa trong mỗi chúng ta để chúng ta phải cố gắng “chết” cho tội vì yêu mến Đức Kitô. Hành trình đó là hành trình tử đạo liên lỉ, rất cần ngước nhìn lên Chúa Giêsu bị treo trên Thánh Giá như dân Ít-ra-en xưa ngước nhìn lên con rắn đồng để được chữa lành (Ga 3:13-15).

Trình thuật Ds 21:4-9 cho biết: Từ núi Ho, họ lên đường theo đường Biển Sậy, vòng qua lãnh thổ Ê-đôm, trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Môsê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này”. Vì họ cứng đầu cứng cổ, Đức Chúa cho rắn độc đến hại dân. Chúng cắn họ, khiến nhiều người Ít-ra-en phải chết.

Sống trong thời đại ngày nay, chúng ta cũng chẳng khá hơn dân Ít-ra-en xưa, thậm chí còn ngang bướng và tinh vi hơn nhiều. Ca dao Việt Nam nói: “Khi vui chẳng nhớ tới ai, Khi nóng thì cứ trái tai mà sờ”. Có lẽ chúng ta quen “xin – cho” nên cứ mở miệng cầu nguyện là xin này, xin nọ, xin tới tấp, xin đủ thứ, Chúa nghe không kịp mà vẫn bị đầy lỗ tai. Chúa cũng mệt với lũ phàm nhân lắm! Chúng xin được thì cười trừ rồi thôi, xin không được thì quay ngoắt 180 độ, đôi khi còn dám ngang nhiên trách móc “trời mù” nữa đấy. Đúng là “to gan”quá chừng!

Ngày xưa, dân Israel ngang ngược đến nỗi bỏ Chúa, đi đúc bò vàng mà tôn thờ. Nhưng rồi họ chịu khổ hết xiết, đành quay về với Chúa. Họ đến năn nỉ với ông Môsê: “Chúng tôi đã phạm tội, vì đã kêu trách Đức Chúa và kêu trách ông. Xin ông khẩn cầu Đức Chúa để Người xua đuổi rắn xa chúng tôi”. Ông Môsê thương tình mà khẩn cầu Thiên Chúa cho dân thoát ách tai ương. Thiên Chúa giàu lòng thương xót liền cho biết bí quyết: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống”. Ông Môsê đúc ngay một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Quả thật, hễ ai bị rắn cắn mà tin tưởng nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống ngay, đúng y như Thiên Chúa đã cho biết.

Ngày nay, chúng tay có rất nhiều loại “bò vàng”, đủkích  cỡ và đủ kiểu dáng. Chắc hẳn mỗi chúng ta cũng đã có kinh nghiệm “xương máu” về chuyện tôn thờ ngẫu tượng: Mê tiền, ham lợi, ưa “chảnh”, khoái chức, đòi quyền,… Đó là chưa nói đến tình trạng đắm chìm trong vũng lầy tội lỗi đấy! Chu choa, nhiều kiểu lắm, đa dạng lắm, nhiều mức độ lắm! Và cuối cùng, chúng ta gặp đau khổ và đành lững thững quay về với Chúa, nhưng rồi chẳng được bao lâu, chúng ta lại như con ngựa quen đường cũ. Thế mà Thiên Chúa vẫn thương xót và tha thứ. Vô cùng may mắn cho chúng ta. Quả thật, với trí tuệ phàm nhân, chúng ta không thể nào hiểu nổi lòng thương xót của Ngài!

Thánh Vịnh gia bày tỏ Thánh Ý Chúa từ xưa: “Dân tôi hỡi, này nghe tôi dạy bảo, lắng tai đón nhận lời lẽ miệng tôi. Mở miệng ra, tôi sẽ nói đôi lời huấn dụ, công bố điều huyền bí thuở xa xưa” (Tv 78:1-2). Thiên Chúa biết phàm nhân chúng ta là những “hạt bụi nhỏ nhoi” nhưng lại vô cùng kiêu ngạo. Tuy nhiên, Ngài vẫn yêu thương, khuyên nhủ, dỗ dành, chỉ mong chúng ta nhận biết và tôn thờ Ngài là Thiên Chúa toàn năng duy nhất.

Tuy nhiên, phàm nhân chúng ta có cái đầu cứng và đầy máu kiêu ngạo, khoái đi đường tắt hơn đi đường chính. Nhưng rồi cũng có lúc “giật mình” khi phải đương đầu với đau khổ: “Khi Chúa giết họ, họ mới đi tìm Chúa, mới trở lại và mau mắn kiếm Người, mới nhớ rằng: Thiên Chúa là núi đá họ ẩn thân, Thiên Chúa Tối Cao là Đấng cứu chuộc họ” (Tv 78:34-35). Đứa con hoang đàng chi địa lại được Cha già vui mừng đón nhận.

Lúc đau khổ thì tỏ vẻ chân thành hối lỗi, nhưng lúc an bình thì lại thích nổi loạn, nói hay mà làm chẳng ra gì, Thiên Chúa biết chúng ta lọc lừa mà Ngài vẫn xót thương: “Miệng họ phỉnh phờ Chúa, lưỡi họ lừa dối Người; còn lòng dạ chẳng chút gì gắn bó, chẳng trung thành giữ giao ước của Người. Nhưng Người vẫn xót thương, thứ tha, không tiêu diệt, nén giận đã bao lần, chẳng khơi bùng nộ khí” (Tv 78:36-38). Nhưng rồi sẽ có ngày Thiên Chúa không còn dành thời gian chờ đợi chúng ta sám hối nữa. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại cuối cùng, thời gian thương xót cuối cùng, ai không sám hối và không chân thành tín thác vào Đức Kitô thì hậu quả sẽ thê thảm đời đời, không thể chấn chỉnh được nữa!

Thánh nữ Faustina cho biết: “Mọi sự bắt đầu bằng Lòng Thương Xót của Ngài và cũng kết thúc bằng Lòng Thương Xót của Ngài. Mọi ân sủng tuôn chảy từ Lòng Thương Xót của Ngài, và những giờ khắc cuối cùng đầy tràn Lòng Thương Xót của Ngài. Đừng để ai nghi ngờ lòng nhân hậu của Thiên Chúa; mặc dù tội lỗi của con người đen tối như màn đêm, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vẫn mạnh hơn nỗi đau khổ của chúng ta” (Nhật Ký, số 1506). Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Hỡi linh hồn mê mải trong bóng tối, đừng thất vọng. Mọi thứ chưa mất, hãy đến và tín thác vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương và thương xót” (Nhật Ký, số 1486).

Nói một cách mạnh mẽ, Thánh Phaolô xác định: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:2-8). Trí tuệ và lý luận của chúng ta không thể phân tích để hiểu hết tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, có tất cả những gì cao quý nhất, thế mà Ngài lại bỏ tất cả, thậm chí là thí mạng, để tìm kiếm và cứu chúng ta đem về cho Chúa Cha.

Thánh Phaolô kết luận: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:9-11). Ngược lại, ai không chân nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên-Chúa-nhập-thể-làm-người thì chắc chắn không được Ngài đưa về Quê Trời vĩnh hằng: “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:18). Thánh Gioan đã cho chúng ta biết rằng CHẮC CHẮN CÓ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI (x. 1 Ga 5:13).

Thập Giá là vinh quang, là chiến thắng, chứ không là thất bại như loài người suy tưởng. Thi sĩ kiêm kịch tác gia Pièrre Corneille (1606-1684, Pháp quốc) đã có nhận xét thú vị và rất đúng: “Chiến đấu càng gian nan, khải hoàn càng vinh quang”. Thật vậy, cuộc sống cho chúng ta thấy rằng không có niềm hạnh phúc nào mà lại không có dấu vết của sự đau khổ.

Có truyện kể về một hoàng tử và một thanh kiếm như thế này: Một hôm, Vua Charles V kêu hoàng tử đến và cho quyền lựa chọn. Trên bàn, nhà vua đặt một THANH KIẾM và một TRIỀU THIÊN. Vua cha hỏi: “Con chọn cái nào?”. Chần chừ một lúc, hoàng tử cầm lấy thanh kiếm. Thấy lạ, vua cha hỏi: “Sao con lại chọn thanh kiếm?”. Hoàng tử cầm thanh kiếm chỉ vào vương miện và đáp: “Nhờ thanh kiếm này, con sẽ được triều thiên kia”. Truyện ngắn gọn nhưng hàm chứa ý nghĩa thâm thúy, cho thấy rằng ĐAU KHỔ luôn đi trước HẠNH PHÚC.

Ngày xưa, khi đàm đạo với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu xác định: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:13-15). Chính Chúa Giêsu đã xác định việc tin vào Ngài là mối phúc, vì ai tin Ngài sẽ được lên trời với Ngài.

Và rồi chính Chúa Giêsu lại tiếp tục xác định: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3:16-17). Rõ ràng rồi, không còn gì khả nghi nữa. Tuy nhiên, tin Chúa Giêsu thì phải kiên trì đồng hành với Ngài hết chặng đường thập giá: Một nhánh vươn lên trời đưa chúng ta đến với Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô; một nhánh đưa chúng ta đến với tha nhân, nhất là những người hèn mọn và đau khổ nhất. Không thể tách rời hai nhánh của thập giá.

Ước gì mỗi chúng ta biết chân thành tâm niệm: THÁNH GIÁ là cái GIÁ để NÊN THÁNH. Nhờ đó, chúng ta có thêm sức mạnh mà can đảm sống – thanh thản sống trong khi vẫn khư khư ôm chặt Thánh Giá.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con xin tôn vinh Thánh Giá bằng cách chấp nhận đau khổ hằng ngày để vinh danh Thiên Chúa, để cứu các linh hồn và để đền tội riêng của chúng con. Xin cho chúng con được nên một với Ngài trong Mầu Nhiệm Thập Giá. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

  1. CUNG BUỒN CỦA MẸ

Chữ khổ của Con rất khó đánh vần, chữ khổ của Mẹ cũng chẳng dễ đánh vần chút nào. Con khổ thế nào, Mẹ khổ như vậy. Tình mẫu tử không thể tách rời. Tình mẹ luôn dạt dào, nhưng đôi khi không thể hiện ra bên ngoài – nước mắt luôn chảy xuống và chảy vào trong. Quả thật, người mẹ là kiệt tác của Thiên Chúa. Người mẹ trần gian còn kỳ diệu như vậy, người mẹ tâm linh còn kỳ diệu hơn gấp bội.

Các nỗi sầu khổ của Đức Mẹ được hòa vào nỗi đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn, nên Đức Mẹlà Đấng đồng công cứu chuộc nhân loại. Khi đó, Đức Mẹ chịu tử đạo về tâm hồn khi chứng kiến các nhục hình Chúa Giêsu phải chịu và tình yêu vĩ đại Mẹ dành cho Con Yêu Dấu.

Người mẹ dù ít học hoặc không có kiến thức rộng, nhưng vẫn luôn nhạy bén và nhận biết mọi thứ về người con –còn nhỏ bé hoặc đã lớn khôn. Người ta có thể lừa vài người được mọi lần, có thể lừa mọi người được vài lần, nhưng không thể lừa được mẹ mình. Honoré de Balzac (1799-1850, văn sĩ hiện thực người Pháp) nhận định: “Trái tim người mẹ là vực sâu thăm thẳm mà ở đáy luôn tìm thấy lòng tha thứ”. Kỳ diệu quá, chúng ta không thể hiểu thấu những gì Thiên Chúa đã tạo nên!

Người mẹ trần gian chỉ là phàm nhân, có nhiều sai lầm và tội lỗi, thế mà chúng ta còn chưa hiểu được, huống chi với Người Mẹ tâm linh – Đức Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và trọn đời đồng trinh. Đức Mẹ luôn yêu thương và thức tỉnh thế giới, thế mà chúng ta vẫn bướng bỉnh và không ngừng làm Đức Mẹ buồn, nhưng khi hiện ra tại Fátima, Mẹ vẫn tha thiết đặt vấn đề: “Nếu loài người biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời”.

Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7-9).

Dẫu là Thiên Chúa nhưng Chúa Giêsu tự nguyện mặc xác phàm để chia sẻ với chúng ta, và Ngài cũng cảm thấy run sợ trước nỗi đau khổ quá lớn: chịu chết, nhưng Ngài vui nhận vì đức vâng lời. Tương tự, Đức Maria là thụ tạo, chắc hẳn Mẹ cũng sợ hãi trước nỗi đau của con người, nhưng Mẹ vẫn vui nhận vì đức vâng lời. Quả thật, đức vâng lời rất quan trọng: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Cũng vì đức vâng lời mà Tổ Phụ Áp-ra-ham đã sẵn sàng hiến tế chính đứa con cầu tự của mình. Đó là sự vâng lời vì tín thác chứ không mù quáng, nhắm mắt đưa chân.

Thật vậy, vâng lời là tín thác vào Thiên Chúa. Cứ phó thác cuộc đời cho Ngài thì an tâm và thanh thản. Ngài sẽ hành động theo Thánh Ý Ngài. Với tâm tình tín thác, Thánh Vịnh giađã thân thưa: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con, ghé tai nghe và mau mau cứu chữa. Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn, như thành trì để cứu độ con. Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa. Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con. Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi, vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31:2-6).

Nhất định kiên tâm vững chí tin tưởng, Thánh Vịnh gia tái xác định: “Nhưng con đây vẫn tin tưởng nơi Ngài, lạy Chúa, dám thưa rằng: Ngài là Thượng Đế của con. Số phận con ở trong tay Ngài. Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ. Lạy Chúa, xin đừng để con phải nhục nhã, vì đã kêu cầu Ngài, Nhưng ước gì ác nhân phải nhục nhã mà ngậmmiệng saxuống âm ty. Cho phường điêu ngoa phải câm họng; chúng kiêu ngạo khinh đời, buông những lời hỗn xược chống lại người công chính” (Tv 31:15-19). Cách nói thời Cựu Ước có thể hơi “nghịch nhĩ” với chúng ta ngày nay, nhưng đó là tấm lòng tín thành, chắc chắn Thiên Chúa sẽ độ trì và cứu thoát khỏi nguy hiểm theo Tôn Ý Ngài.

Thế nhưng đôi khi có vẻ như Thiên Chúa cố ý làm ngơ trước lời van xin của chúng ta trong những lúc đau khổ. Không, Ngài không làm ngơ, mà Ngài thấy có lợi cho chúng ta nên Ngài cho phép đau khổ xảy ra. Ngài muốn chúng ta nhận thức về sự yếu đuối của mình và nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết tuyệt đối mà chúng ta phải có đối với Ngài – Thiên Chúa duy nhất, toàn năng và toàn thiện. Đó là cách Ngài kéo chúng ta về với Ngài.

Một trong bảy nỗi đau của Đức Mẹ (*) là nỗi đau thứ nhất. Đó là khi nghe lời ông Simêôn nói trong dịp hai ông bà dâng Con tại Đền Thờ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2:33-35). Nỗi đau này âm ỉ kéo dài suốt 33 năm, quả thật không hề “dễ chịu” chút nào ráo trọi!

Và ngay trong niềm đau tột cùng, Đức Mẹ vẫn một lòng tín thác và tuân phục, không hề than thân trách phận hoặc nài van cứu thoát, dù nước mắt tuôn rơi và cõi lòng quặn thắt. Có thể nói rằng nỗi đau lớn nhất là khi Mẹ chứng kiến Con Yêu bị hành hình trên Đồi Can-vê, khi người ta nỡ lòng cắt đứt tình mẫu tử.

Ngắn gọn mà đầy đủ, Thánh sử Gioan mô tả: Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Mẹ”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19:25-27). Đó là lời trăn trối làm đau lòng biết bao, nhất là đối với Người Mẹ thân yêu, nhưng cũng là lời trăn trối tạo niềm hạnh phúc: Đức Mẹ là Mẹ chung của chúng ta, đồng nghĩa với việc tất cả chúng ta là huynh đệ – và phải yêu thương nhau.

Và rồi cũng vì đức vâng lời, kể từ lúc đó, môn đệ Gioan đã ân cần rước Đức Maria về nhà mình để phụng dưỡng. Trách nhiệm đó cũng là của mỗi chúng ta, tất nhiên chúng ta không có cơ hội phụng dưỡng Đức Mẹ về thể lý, nhưng có trách nhiệm phụng dưỡng về tâm linh: yêu mến Đức Mẹ và quyết tâm thực hiện những lời Đức Mẹ khuyên – cụ thể là Mệnh Lệnh Fátima. Mệnh lệnh đó chỉ có ba điều ngắn gọn, thế mà nhân loại vẫn chưa thực hiện đúng mức – và mỗi chúng ta cũng vậy.

Ngày nay, có thể nói rằng nỗi buồn sâu sắc của Đức Mẹ là việc phá thai do con người tạo ra, nhất là khi các người mẹ nhẫn tâm sát hại chính đứa con ruột của mình, dứt bỏ chính giọt máu của mình. Đó là cắm thêm một lưỡi gươm nữa vào Trái Tim Đức Mẹ. Chính cha mẹ mà còn giết những đứa con vô tội như vậy thì huống chi người ta dễ dàng sát hại nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Phá thai là không cho các thai nhi được quyền chào đời, đó là phá công trình sáng tạo của Thiên Chúa – Đấng là sự sống (Ga 14 :6). Ngài là sự sống mà tại sao chúng ta lại dám giết chết sự sống? Như vậy không phải là giết Thiên Chúa sao?

Một cách rất thẳng thắn, ĐGH Piô XII đã cho biết: “Tội lỗi nhất của con người không phải là tội này hoặc tội kia, mà là ĐÁNH MẤT CẢM THỨC TỘI LỖI”. Không còn cảm thức về tội lỗi thì không còn sợ tội, không còn cảm thấy hành vi sai trái của mình là tội lỗi, không còn nhận biết mình là tội nhân – tức là lương tâm hóa chai lì, xơ cứng, hóa đá. Nếu như vậy thì chúng ta không thể đón nhận ơn tha thứ của Lòng Chúa Thương Xót. Thế thì việc phải làm ngay là TRỞ VỀ NHÀ XIN ĐƯỢC THA THỨ và QUYẾT TÂM LÀM LẠI CUỘC ĐỜI.

Lạy Thiên Chúa từ bi, nhân hậu và giàu lòng thương xót, xin tha thứ tội lỗi cho chúng con, xin biến đổi và làm cho chúng con trở nên khí cụ bình an của Ngài, làm cho chúng con trở nên ánh sáng của Ngài mọi lúc, mọi nơi – nhất là trong những khoảnglặng tối tăm nhất của con người.

Lạy Thánh Mẫu đồng trinh, Mẹ đã chịu đựng đau khổ như những lưỡi gươm xé nát lòng Mẹ, cũng có phần lỗi của chúng con, xin Mẹ thương tha thứ. Chúng con cầu xin Mẹ luôn đồng hành, hướng dẫn và che chở trên đường lữ hành trần gian đầy đau khổ này. Xin giúp chúng con biết hy sinh và đón nhận nghịch cảnh để kết hợp với đau khổ của Chúa Giêsu và của Mẹ, mong trở thànhcủa lễ đền tội dâng lên Chúa Cha để cứu các linh hồn. Xin cho những người đau khổ, phần hồn hoặc phần xác, có đủ sức mạnh để đi xuyên qua nỗi đau khổ.Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Bảy nỗi đau của Đức Mẹ:

  1. Thánh Simêon nói tiên tri về Đức Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Chị” (Lc 2:35).
  2. Hành trình tới Ai Cập: Nghèo khổ, vất vả, gian nan, xa lạ nơi đất nước theo chủ nghĩa ngoại giáo.
  3. Khi lạc mất Con Trẻ Giêsu trong Đền thờ, Đức Mẹ rất khổ sở vì thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa.
  4. Gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá lên Can-vê, Đức Mẹ đau khổ vì không thể làm gì giúp đỡ Con Yêu.
  5. Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, Đức Mẹ như bị một lưỡi gươm thực sự đâm xé cõi lòng.
  6. Khi hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá, Đức Mẹ đón nhận Thánh Thể Ngài, Thiên Chúa và Đấng cứu độ.
  7. Khi an táng Con Yêu trong mộ, Đức Mẹ xếp khăn liệm và được Thánh Giuse Arimathê dìu ra khỏi mộ.

MẦU NHIỆM THẬP GIÁ: https://www.youtube.com/watch?v=oXhiEd1PmhY

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN