“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào thì tôi nói như vậy.” (Ga 8:28)
Trong các Phúc âm nhất lãm (Synoptic Gospels) cũng như trong Phúc Âm theo Thánh sử Gioan,3 lần Chúa Giêsu nghiêm túcnói tiên tri về Cuộc Thương Khó của Ngài. (Ga 3:14; 8:28; 12:32) Nhưng Cuộc Thương Khó trong Phúc Âm theo Thánh Gioan là duy nhất nhắc đến việc Chúa Giêsu nói về cuộc đóng đinh của Ngài bằng từ ngữ “giương cao,” ám chỉ câu chuyện con rắn đồng bị treo trên cây cột thời Cựu Ước. (Ds 21:4-9; Ga 3:14) Các hình ảnh này mặc khải ý nghĩa Mầu nhiệm Vượt qua của Ngài. Tại sao Chúa Giêsu chọn hình ảnh lạ và gây bối rối? Ds 21:4-9 và Ga 8:21-30 mời gọi chúng ta suy niệm vấn đề này.
Họ bắt đầu từ Núi Hor qua Biển Đỏ để tới đất Êđom, dân chúng mất kiên nhẫn trên đường đi. Dân chúng nói chống lại Thiên Chúa và Môsê: “Tại sao ông dẫn chúng tôi ra khỏi Ai Cập để chết trong hoang địa? Không có bánh và nước, chúng tôi chán loại bánh tồi tệ này rồi!” Thiên Chúa sai rắn lửa tấn công dân chúng, nhiều người Israel bị cắn và chết. Rồi dân chúng đến với Môsê và nói:“Chúng tôi đã phạm tội, vì chúng tôi phản nghịch Thiên Chúa và ngài. Xin ngài cầu nguyện với Thiên Chúa loại trừ rắn khỏi chúng tôi.” Môsê cầu nguyện cho dân. Thiên Chúa nói với Môsê: “Hãy làm một con rắn đồng và treo lên cây cột. Ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng thì sẽ được cứu sống.” Môsê làm một con rắn đồng và treo lên cây cột. Nếu rắn cắn ai và người đó ngước nhìnrắn đồng thì được cứu sống.
Câu chuyện cho chúng ta thấy Môsê là người cầu bầu kiểu mẫu của dân Chúa. Ông là người được Thiên Chúa tuyển chọn nhưng thường bị dân chúng cằn nhằn kêu ca. Ông vẫn cầu nguyện cho những người lăng mạ và nổi loạn chống lại mình. (Xh 15:24-25; 17:3-4; 32:11; Ds 11:2) Sự khiêm nhường của ông làm nổi bật trong những vụ rắc rối mà tính gây hấn của dân chúng chống lại ông – khi Môsê nguyền rủa sự hung ác của người Ai Cập, (Xh 5:15-23) khi Aaron và Miriam cằn nhằn ông, (Ds 12:1-15) khi dân chúng ngược ngạo tìm cách truất phế và ném đá ông, (Ds 14:1-23) khi ông bị kết tội gây ra cái chết của Korah và những người theo ông. (Ds 16:41-50)
Sách Dân Số ám chỉ chính xác vì ônglà đích cho dân chúng trút cơn giận dữ dù ông là người cầu bầu hữu hiệu. Khi chịu đựng dân chúng phản nghịch Thiên Chúa, Môsê cho thấy ông không tham vọng vàtư lợi mà chỉ hướng về Thiên Chúa. Mỗi lần ông “hăm dọa” triệt tiêu dân chúng, rõ ràng Chúa không muốn làm vậy, mà luôn kiên nhẫn chờ đợi người ta xin lỗi – như trong chuyện Abraham can thiệp ở St 18:22-33. Thiên Chúa nói với Môsê: “Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.” (Xh 32:10) Ông ngạc nhiên và thắc mắc: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập?” (Xh 32:11) Chuyện con rắn đồng phác họa hình ảnh Môsê sẵn sàng cầu nguyện cho dân khi họ bị rắn cắn.
Câu chuyện phác họa sự nối kết sâu xa giữa tội lỗi và hậu quả. Con rắn lửa mầu nhiệm (nechashim sepharim) cắn những người Israel nổi loạn gợi nhớ sự thâm độc của con rắn (naechash) trong St 3:1-6. Dân chúng chịu thua cơn cám dỗ vĩnh viễn bắt đầu từ con rắn trong Vườn Địa Đàng – cơn cám dỗ về sự bất tín và bất tuân Thiên Chúa – và như vậy họ có kinh nghiệm về độc tố của con rắn: Sự chết.
Phương pháp chữa lành của Thiên Chúa có liên quan tội lỗi. Thiên Chúa không loại trừ con rắn lửa theo yêu cầu của dân chúng. Ngài hướng dẫn làm con rắn đồng rồi treo lên “cây cột” – theo tiếng Do Thái, chữ “nēs”nghĩa là “cờ hiệu.” (x. Is 11:10, 12) Con rắn đồng là biểu tượng hữu hìnhcả về sự nổi loạn của dân chúng và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Như vậy hình ảnh con rắn đồng khả dĩ gợi niềm tin của hối nhân nơi Thiên Chúa, và đức tin chính là điều cần thiết để được chữa lành.
Chúa Giêsu là Môsê mới, vượt qua các thủ lãnh cũ và che chở Dân Chúa. Thật vậy, Môsê sẽ là người tố cáo (x. Ga 5:45) Môsê không có quyền tha thứ và yêu thương vô điều kiện khi dân chúng vi phạm luật. (x. Ga 1:17; 7:19) Trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã hoàn tất vai trò người trung gian hòa giải cho dân chúng, chấp nhận chính hình phạt của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với Môsê: “Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết.” (Xh 32:32) Môsê chỉ diễn tả “ý muốn” chia sẻ số phận với dân chúng, còn Chúa Giêsu thực sự chịu chết thay cho dân chúng – tức là chúng ta. (x. Ga 11:51-52)
Con rắn đồng hoàn tất nơi Chúa Giêsu khi Ngài bị “treo lên” trên thập giá. Đó là người Con tuân phục Chúa Cha. Mối liên quan với con rắn đồng rất gần với thuật ngữ “nâng lên” (nasa) trong tiếng Hê-brơ, thường được kết hợp với một cờ hiệu (nēs), trong cách nói tiên tri. Isaia liên kếtviệc Chúa “giương cao cờ hiệu” với việc quy tụ dân tản mác khắp nơi: “Người sẽ phất cờ hiệu cho các dân tộc, và từ bốn phương thiên hạ, sẽ quy tụ những người Ítraen biệt xứ, sẽ tập họp những người Giuđa bị phân tán.” (Is 11:12) Lời tiên tri này được hoàn tất trong cuộc đóng đi của Chúa Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa sẽ quy tụ dân chúng: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” (Ga 12:32; Ga 11:51) Dù bề ngoài là hình ảnh của đau khổ và hình phạt (như con rắn đồng), thập giá là “dấu hiệu” tối cao mạc khải Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Đó là dấu hiệu của sự chết nhưng lại nghịch lý là chữa lành và cứu sống.
Giá trị của dấu hiệu thập giá dẫn tới một chiều kích khác được nhắc đến trong hệ thống hình tượng con rắn đồng của thánh Gioan, nghĩa là sự cần thiết của dấu hiệu “nhìn thấy.” Trong Ds 21, không chỉ đơn giản là con rắn đồng có thể chữa lành, mà là hành động nhìn lên nó. Thiên Chúa đòi hỏi sự hợp tác của dân chúng– dù chỉ thụ động – để được chữa lành. Hành động phải kết hợp với niềm tin: “Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.” (Ga 6:40; x. Ga 19:35; Ga 20:8)
Mầu nhiệm được mặc khải cho những người tin. Thánh Gioan dẫn lời chứng Dcr 12:10: “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu.” (Ga 19:37) Nghĩa là tin vào Đấng Mêsia đã chịu đau khổ và chịu chết vì tội chúng ta. Ai ngước nhìn lên Đức Kitô chịu treo trên thập giá và tin Ngài là Con Thiên Chúa thì sẽ được hưởng ơn cứu độ.
Trung tâm của Lòng Chúa Thương Xót chính là Chúa Giêsu. Ngài là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, hằng được Chúa Cha yêu thương và Ngài cũng hằng yêu thương Chúa Cha. Nhưng vì tội lỗi của chúng ta và vì chúng ta cần ơn tha thứ để chữa lành, Ngài đã đầu thai nơi cung lòng Trinh nữ Maria và làm người như chúng ta về mọi thứ, trừ tội lỗi. Ngài cùng với chúng ta chống lại tội lỗi và tự gánh tội thay chúng ta để cứu độ chúng ta. Ngài vào âm ty của chúng ta để đem lòng thương xót cho chúng ta và chữa lành chúng ta. Chính Ngài mới khả dĩ làm điều đó chứ không ai khác. Tiên tri Isaia nói: “Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề.” (Is 53:4)
Chúng ta đọc trong Kinh Tin Kính: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.” Đó là đức tin của chúng ta, nói như vậy phong phú hơn là nói Ngài tử nạn, vì đó là câu nói sâu xa về Chúa Giêsu, và về Thiên Chúa cũng vậy. Thiên Chúa trong Đức Giêsu đã hiện hữu là một con người, cũng vui buồn như chúng ta. Nhưng Ngài đến giải thoát chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng. Tác giả Thánh vịnh nói: “Chúa đưa mắt từ toà cao thánh điện, từ trời xanh đã nhìn xuống cõi trần, để nghe kẻ tù đày rên siết thở than và phóng thích những người mang án tử.” (Tv 102:20-21)
Chúng ta có thể thấy mình trong nhiều nỗi khổ cực khác nhau: Người thân vừa mất, nghiện ngập, trầm cảm, bệnh tật, phá sản,… Trong những nỗi khổ đó, Chúa Giêsu đã đến với lòng thương xót. Qua Phúc Âm, chúng ta biết Chúa Giêsu đã bật khóc trước cái chết của anh bạn Ladarô. Ngài còn bị phản bội bởi chính người mà Ngài coi là bạn bè: Đó là Giuđa. Ngài bị từ chối bởi chính người mạnh mẽ cương quyết nói sẽ mãi ủng hộ Ngài và dám chết vì Ngài: Đó là Phêrô. Đức Kitô biết mọi người sẽ bỏ Ngài, không một ai dám nhận Ngài là người quen.
Chúa Giêsu một mình vào vườn cây dầu Ô-liu để đơn độc đối mặt với nỗi sợ hãi về tương lai. Ngài biết sẽ cảm thấy bị lừa thế nào. Ngài vào Vườn Ghết-si-ma-ni vì Ngài biết rằng Ngài sẽ gặp mỗi chúng ta ở đó. Ở những chỗ hoặc những khoảnh khắc đó trong đời sống chúng ta, khi chúng ta cảm thấy quá sợ hãi và cô độc, khi chúng ta quá mệt mỏi và lo lắng, những lúc đó mồ hôi của chúng ta cũng tuôn chảy như những giọt máu rơi xuống đất. Thiên Chúa của chúng ta không là Thiên Chúa xa cách. Với lòng thương xót bao la, Chúa Giêsu biết mỗi chúng ta có cảm giác ra sao. Ngài biết rõ cảm giác cô độc và bị bỏ rơi, và dù là Thiên Chúa, Ngài vẫn cảm thấy cô độc trên Thập giá khi Ngài kêu lên: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34)
Chúa Giêsu biết rõ đau khổ tinh thần và thể lý, chắc chắn Ngài không bao giờ bỏ chúng ta!
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ Speaking Of Scripture và Campaign.r20.ConstantContact.com)