Home / Chia Sẻ / Đam mê và Dục vọng

Đam mê và Dục vọng

 

DamMe & DucVongĐam mê liên quan dục vọng. Những người buông theo đam mê dục vọng là những người không biết Thiên Chúa (1 Tx 4:5). Thánh Phaolô đã xác định như vậy. Nếu thực ự đúng như vậy thì thật là nguy hiểm biết bao, vì thân xác yếu đuối, rất dễ buông tuồng với nhiều lý do để biện minh!

ĐAM MÊ

Đam mê là say đắm cái gì đó, có thể là một trong “tam độc” Tham-Sân-Si, vì đam mê cũng có loại tốt và loại xấu. Nhưng khi nói về niềm đam mê, người ta thường chú ý khía cạnh xấu hơn tốt.

Một trong các niềm đam mê tốt là say mê làm việc. Đó là quá trình thực hiện một ước mơ, đôi lúc chúng ta phải chấp nhận chịu đựng điều kiện làm việc cực nhọc, với hy vọng chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống nếu chúng ta may mắn và thành công. Tuy nhiên, phàm cái gì thái quá cũng hóa bất cập, tốt có thể trở thành xấu.

Một trong các niềm đam mê xấu “rõ nét” là thói mê tiền. Nhóm Pharisêu là những người ham hố tiền bạc nên hóa giả hình. Chúa Giêsu đã trách thói xấu đó: “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa” (Mt 16:15). Thật vậy, lòng ham muốn tiền bạc là “cội rễ sinh ra mọi điều gian ác” và khiến “nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10), chắc chắn rằng “tiền bạc không thể mua ân huệ của Thiên Chúa” (Cv 8:20).

Là con người, ai cũng cần biết tự lập, đặc biệt là đối với nam giới. Khi theo đuổi sự nghiệp, bản lĩnh đàn ông là khả năng tự lập, vuợt qua khó khăn để đạt tới thành công. Khi thành công, bản lĩnh đàn ông là cách họ vượt qua chính mình trước cám dỗ của tiền bạc, đàn bà và quyền lực. Chuỗi hệ lụy rất chí lý!

Trong dụ ngôn “Người Gieo Giống”, Chúa Giêsu có nhắc tới đam mê khi giải thích về loại hạt thứ ba: “Những hạt được gieo vào bụi gai là những kẻ đã nghe lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì” (Mt 13:22).

Có nhiều loại đam mê, một trong các loại đam mê nguy hiểm là đam mê xác thịt – dâm dục chỉ là một “góc” của niềm đam mê xác thịt (nhục dục). Thánh Phaolô thú nhận: “Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác” (Ep 2:3). Sau khi được giải thoát, Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọngđam mê” (Gl 5:24).

Trong chuỗi Kinh Mai Côi, chúng ta cầu xin Thiên Chúa qua ngắm thứ năm mùa Thương: “Xin cho con đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Đó là điều rất cần thiết và vô cùng cấp bách, không thể chần chừ!

Thánh Phaolô nhiều lần nhắc nhở về vấn đề này. Thậm chí Thánh Phaolô còn nhắc riêng với đệ tử Titô: “Ân sủng của Thiên Chúa dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2:12).

Thánh Phêrô cũng đã từng trải kinh nghiệm bản thân, và ngài chân thành chia sẻ: “Anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn” (1 Pr 2:11). Thời của chúng ta là Thời Cánh Chung, và thời cuối cùng này đang dần dần khép lại, thế nên chúng ta cần phải cảnh giác: “Trong những ngày sau hết, sẽ xuất hiện những kẻ nhạo báng chê cười, sống theo những đam mê riêng của họ” (2 Pr 3:3; xem Gđ 1:18).

DỤC VỌNG

Dục vọng là ham muốn điều gì đó, thường liên quan thể lý hoặc nhục dục và mang nghĩa xấu. Dục vọng có ma lực rất mạnh, đôi khi tưởng chừng bất khả kháng. Rất nguy hiểm nên phải cảnh giác cao độ. Lưu An nhận xét: “Nhất niệm chi dục bất năng chế, nhi họa lưu vu thao thiên. Hoạn sinh vu đa dục” (Chỉ một niệm ham muốn không được kiềm chế thì hậu quả cũng sẽ thật khôn lường. Nhiều dục vọng sinh ra tai họa).

Dục vọng không đơn giản, nó có tính liên đới nên khả dĩ liên quan các vấn đề khác trong cuộc sống – từ tinh thần đến thể lý, từ đời thường tới tâm linh. Lỗ nhỏ có thể làm đắm thuyền. Đốm lửa có thể làm cháy cả cánh rừng lớn. Cái nhỏ mà không hề nhỏ. Hàn Phi Tử nói: “Nhân hữu dục, tắc kế hội loạn, kế hội loạn nhi hữu dục thậm, hữu dục thậm tắc tà tâm thắng, tà tâm thắng tắc sự kinh tuyệt, sự kinh tuyệt tắc họa loạn sinh” (Người nào mang theo dục vọng, tâm ắt sẽ loạn, tâm loạn thì dục vọng càng mạnh, dục vọng mạnh khiến tà tâm chi phối, tà tâm chi phối làm cho cách hành xử rối loạn, hành xử rối loạn chắc chắn sẽ sinh ra tai họa). Đúng là “tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính” (Lòng giận hờn ắt sẽ hành động sai trái).

Ai cũng có các dục vọng với các mức độ khác nhau, đôi khi rất tinh vi, khó có thể phân biệt rạch ròi. Ngay cả những người nghèo nhất, dù là vô sản, cũng không thiếu các dục vọng: “Đó ăn vụng, túng làm liều” (tục ngữ Việt Nam). Thomas Fuller nói thẳng: “Người nghèo không phải người có ít, mà là người muốn nhiều. Dạng “ham muốn” này rất nguy hiểm, nếu lương tâm lệch lạc. Thật vậy, những kẻ trộm cướp đâu hẳn là họ thiếu thốn, mà vì họ “tham của người” và bị chứng “ngứa tay” mạn tính. Triết gia Jean Jacques Rousseau cho biết: “Lương tâm là tiếng nói của linh hồn, dục vọng là tiếng nói của cơ thể”.

Đầu óc “bã đậu” cũng là nguy cơ dẫn tới hành vi sai trái. Thánh Phaolô giải thích: “Đầu óc họ suy luận viển vôngtâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn” (Rm 1:21-24).

Dục vọng khiến người ta ngang ngược, coi Trời chỉ bằng… nắp bia, thế nên người ta dám đối nghịch với cả Thiên Chúa: “Trong sa mạc, lòng buông theo dục vọng, chốn hoang vu, họ thách thức Chúa Trời” (Tv 106:14).

Dục vọng khá đa dạng. Thánh Gioan cho biết: “Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắtthói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó” (1 Ga 2:15-17). Từ đó dẫn tới các hệ lụy khác: “Họ là những người hay lẩm bẩm, phàn nàn, đi theo các dục vọng của mình, miệng nói lời huênh hoang, tâng bốc người ta để trục lợi” (Gđ 1:16).

Các “thuận ngôn” như vậy rất “nghịch nhĩ”. Cảm thấy “chói tai” là tốt, nhưng có chấn chỉnh hay không thì lại là chuyện khác, đôi khi có thể là một trời, một vực. Ma quỷ biết các thụ tạo rất ngông cuồng, thích khoe mẽ, nên nó dùng “bẫy” dục vọng để các thụ tạo sa ngã. Thụ tạo đó gồm có ma quỷ (vốn là thiên thần nhưng kiêu ngạo và khoái quyền lực), và loài người (ông bà Nguyên Tổ là đại diện, cũng kiêu ngạo và khoái quyền lực). Thánh Giacôbê dẫn chứng: “Mỗi người có bị cám dỗ là do dục vọng của mình lôi cuốn và dùng mồi mà bắt. Rồi một khi dục vọng đã cưu mang thì đẻ ra tội, còn tội khi đã phạm rồi thì sinh ra cái chết” (Gc 1:14-15). Rất lô-gích!

Thánh Giuđa cũng cho biết sự xáo trộn trong Thời Cánh Chung: “Vào thời cuối cùng sẽ có những kẻ nhạo báng, sống theo những dục vọng vô luân của mình” (Gđ 1:18; xem 2 Pr 3:3). Ngày nay, chúng ta đang thấy rõ với những gì đang xảy ra hằng ngày trên thế giới. Đó chính là sự ứng nghiệm của Kinh Thánh vậy!

Người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”. Tương tự, Thánh Phaolô cảnh báo: “Đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13:14). Còn Thánh Phêrô khuyên: “Anh em hãy sống tiết độtỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Đây là câu quan trọng mà Giáo hội dùng để nhắc nhở mọi người khi Giáo hội dùng để đọc trong giờ Kinh Nhật Tụng hằng ngày, phần Kinh Tối.

Chúa Giêsu kêu gọi sám hối, Đức Mẹ kêu gọi canh tân đời sống, đó chính là việc “tu thân” mà ai cũng phải cố gắng thực hiện không ngừng. Ngụy Chinh cho biết: “Kiến khả dục, tắc tri túc dĩ tự giới” (Tự biết được ham muốn của mình thì ắt sẽ biết cách tự tiết chế bản thân). Còn Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm mạc thiện vu quả dục” (Tu tâm chẳng qua chính là kiềm chế dục vọng bản thân).

Tu thân là thay đổi chính mình. Thay đổi chính mình để thay đổi thế giới. Chính mình có quyết tâm tu thân thì mới có thể làm những điều khác. Thật chí lý với quan niệm của người xưa: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

TRẦM THIÊN THU

Saigon cuối năm – 2014

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …