Home / Liên Giáo phận / Giáo tỉnh Sài Gòn / TGP Sài Gòn / Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2015 tại TTMV

Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót 2015 tại TTMV

 

                                                                                                     

Theo thông lệ hàng năm, Chúa nhật II PS năm nay, 12/4/2015, cộng đoàn LCTX Tổng GP Sài Gòn đã long trọng mừng đại lễ Kính LCTX tại TTMV. Tiếp đón khách lúc 14g00, thánh lễ lúc 17g40 và kết thúc vào 19g45. Thánh lễ đồng tế do ĐC Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, chủ tế; ĐC An-phong-sô Nguyễn Hữu Long huấn từ về LCTX.

Chương trình năm nay có các phần: Làm giờ kinh TX, Văn nghệ ca ngợi LCTX và diễn nguyện về Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương, Huấn từ của ĐC An-phong-sô, chia sẻ của cha Giuse, Rước kiệu Chúa Thương Xót và Thánh lễ.

Cha Giuse Nguyễn Phát Tài, chính xứ Tân Thông, đảm nhận phần MC chính giới thiệu chương trình, các lời dẫn của cha giúp mọi người thêm hiểu biết và yêu mến LCXT. Cha cho biết đại lễ tại TT MV Sài Gòn lần đầu tiên vào năm 2008 và cuộc họp Liên giáo phận hai ngày 21-22/3/2012 đã thống nhất một số hoạt động căn bản cho cộng đoàn LCTX.

Song song với chương trình có 10 cha ngồi Tòa Giải tội để mọi người dọn lòng Xưng tội, Rước lễ chuẩn bị đón nhận Ơn Toàn xá.

Trước giờ cầu nguyện với LCTX, đội trống GX Tân Thái Sơn đã gióng lên những hồi dài, nhịp nhàng thúc giục mọi người lắng đọng tâm hồn chuẩn bị vào giờ kinh nguyện.

 Giờ Thương Xót

Giờ kinh TX bắt đầu đúng 15g00. Sau kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Tin Kính là chuỗi Thương Xót 50 được BTC xướng một bè và cộng đoàn dang tay đáp lại một bè: “Vì cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô – Xin Cha thương xót chúng con và toàn thê giới”  -“Lạy Cha hằng hữu, con xin dâng lên Cha….”

Mọi người đang cầu nguyện thì trời đổ mưa, từ lất phất đến nặng hạt, một số ít có áo mưa, có dù thì ngồi lại tại chỗ, đa số còn lại bị ướt hết nên di chuyển trật tự vào hiên 2 tòa nhà TTMV và nhà Truyền Thống để đứng đọc tiếp, mặc dù có mưa nhưng giờ TX vẫn diễn ra trang nghiêm, sốt sắng. Có người nói vui, mưa đó là mưa Thương Xót, vì thời tiết miền Nam đang trong mùa nắng nóng, nếu không có cơn mưa này, nhiều người có thể bị say nắng.

Văn nghệ

Các ca sỹ trình bày trong mưa với chiếc dù nhỏ, một số anh em quay phim, chụp hình cũng tay dù tay máy để phần tác nghiệp không bị gián đoạn. Thứ tự các tiết mục:

– Nhạc phẩm “Trả cho Thiên Chúa”, ca sỹ tu sỹ Gia Ân đã trình bày.

– Nhạc phẩm “Thập Giá” LM Thái Nguyên sáng tác, ca sỹ LM Giuse Phạm Công Minh.

– “Dấu Ấn Tình Yêu” sáng tác của LM Ân Đức, ca sỹ Ái Trân.

– “Chúa Ở Đâu” LM Trần Cao Thăng sáng tác và trình bày.

– Ca sỹ Gia Ân và nhạc phẩm “Phó Thác” (trời đã hết mưa)

– Diễn nguyện “Thiên Chúa Giàu Lòng TX” do các xơ dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Ki-tô dàn dựng và trình diễn, với sự tham gia của một số trẻ em mồ côi. Hoạt cảnh nhạc kịch 4 hồi này ca ngợi sự dấn thân cho một thế giới đầy vô cảm, và lòng xót thương là giải pháp duy nhất.

Huấn từ của Đức cha An-phong-sô

ĐC An-phong-sô Nguyễn Hữu Long, GM phụ tá Hưng Hóa, sau khi xem hết vở diễn nguyện “Thiên Chúa Giàu Lòng TX” đã chia sẻ với cộng đoàn:

Phong trào LCTX đáp ứng được những đòi hỏi trong xã hội hiện nay, một xã hội quá dửng dưng, vô cảm. Tình thương của Chúa lan tỏa không ai ngờ, khó mà tưởng tượng một vùng hẻo lánh trước kia của người dân tộc, lại mọc lên ngôi thánh đường đẹp nhất giáo phận: nhà thờ Hòa Bình. Đức HY Filoni khi ghé thăm nhà thờ Hòa Bình mấy tháng trước, đã ban Bí tích Rửa tội cho gần 200 người H’mông…

Chữ Thương Xót có 2 yếu tố Thương và Xót, những người con hiếu thảo ngoan hiền luôn được Chúa thương; người chưa ngoan, chưa hiếu thảo luôn được Chúa xót. Như vậy LTX của Thiên Chúa là bao la – vô biên – trường tồn và bất biến. Trong Sứ điệp mùa Chay, ĐTC Phan-xi-cô đã cảnh báo về thói lãnh đạm dửng dưng: “… Một con tim biết thương xót không có nghĩa là một con tim yếu đuối. Ai muốn tỏ lòng xót thương thì phải có một con tim mạnh mẽ, vững vàng, đóng lại trước Satan, nhưng mở ra cho Thiên Chúa; một con tim để cho Thánh Linh xuyên thấu và dẫn đi trên những nẻo đường tình yêu đến với anh chị em mình; và cuối cùng, một con tim nghèo, nhận ra sự nghèo hèn của chính mình và sẵn sàng trao tặng người khác…” Ở nơi xa, sát biên giới, cách Tòa GM Hưng Hóa 700 Km, tôi vẫn thấy những tín hữu âm thầm giữ đạo từ trên 30 năm nay, dù chẳng có nhà thờ, linh mục hay tu sỹ. Cũng có những người đã Rửa Tội nhưng bỏ bê không giữ gì cả. Thấy họ bỏ đạo, tôi tội nghiệp cho họ chứ không ghét bỏ gì, tôi còn biết thương họ thì Thiên Chúa Giàu LTX còn yêu thương họ biết chừng nào. Anh chị em hãy xác tín, bất kể thế nào, Chúa vẫn yêu thương ta, nhưng ta cũng không được dửng dưng với tình thương của Chúa.

Biết Chúa thương và phải để cho Chúa thương; bởi có những người muốn thoát ra khỏi tình thương của Thiên Chúa, như đứa con muốn ra khỏi vòng tay che chở của cha mẹ, “ Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15, 10a). Từ chối LXT của Chúa chỉ thiệt thòi cho ta; nhưng thực ra ta có vùng vẫy thế nào cũng không thể ra khỏi đại dương thương xót của Chúa.

Cảm nhận được lòng Chúa XT thì ta phải ra đi loan báo về LCXT, ra đi loan báo Tin Mừng, cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống. Một việc dù nhỏ, nếu làm với động cơ yêu thương thì có giá trị rất lớn… Đọc kinh làm giờ TX là tốt, nhưng cần có hành động yêu thương bác ái kèm theo, không bao giờ yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi…

Chia sẻ của cha Giuse

Cha Giuse Tạ Huy Hoàng, chính xứ Tống Viết Bường:

Chủ đề “Tình yêu xót thương trong cái nhìn đương đại” thì rộng, dài nhưng thời gian lại có giới hạn, dưới 30 phút, nên chỉ xin gợi ý một số vấn đề. Ngay chiều qua, 10/4/2015, ĐTC Phan-xi-cô đã ban hành Tông sắc “Dung Mạo Thương Xót” công bố năm thánh ngoại thường về Thương Xót từ lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 8/12/2015 đến lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ trụ, 9/11/2016. Khai mạc vào lễ Đức Mẹ VN vì Đức Mẹ là người được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, Đấng thánh thiện tinh tuyền, đó cũng là ngày kỷ niệm bế mạc 50 Công đồng Vatican II, một CĐ phá đổ những thành lũy khép kín… Muốn biết cụm từ “Tình yêu Xót thương” nói về cái gì, xin hãy đọc và tìm hiểu Thông điệp “Thiên Chúa Giàu Lòng Xót Thương” được ban hành năm 1980. Nhưng quan trọng hơn, vào năm thánh 2000 trong dịp tuyên thánh cho chị Faustina, Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã chọn Chúa nhật II PS hàng năm làm ngày Kính Lòng Chúa Xót Thương.

Cái kết luận đề tài “Tình yêu xót thương trong cái nhìn đương đại” dài khoảng 3 trang. Thay cho lời kết, tôi muốn dẫn chứng câu chuyện về một người mẹ đã hy sinh đôi mắt để giữ lấy mạng sống cho con (*): chị Hoàng Thị Yên (34 tuổi, thôn Đông Lao, xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) không những hy sinh đôi mắt mà còn sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu lấy bào thai con của mình. Cha đã trích dẫn một vài đoạn:  “…Vì không chịu bỏ giọt máu của mình nên bác sĩ buộc phải cho chị Yên về nhà vì không có phác đồ điều trị ung thư nào cho người đang mang thai. Bất lực trước sự quyết tâm của chị Yên, chồng và người thân trong gia đình đành quay sang ủng hộ và động viên chị….Vì không dùng bất cứ một loại thuốc nào nên bệnh tình của chị Yên vì thế mà ngày càng nặng hơn. Đôi mắt chị cứ mờ dần. Ngồi trong mâm cơm chị không thể tự gắp thức ăn, muốn xỏ đôi dép để đi cũng khó. Đến khoảng tháng thứ 7 của thai kỳ thì mắt trái của chị đã không thể nhìn gì nữa…. Ngày chị lên bàn mổ cũng là ngày con mắt còn lại của chị cũng đã mờ hẳn. Hy vọng được một lần trông thấy mặt con giờ cũng tắt. Chị “vượt cạn” trong bóng tối. Lúc sinh con ra, chị đã xin bác sĩ cho được sờ mặt con gái. “Lúc đó em hỏi bác sĩ là con em trông thế nào, bác sĩ bảo con bé xinh lắm làm em hạnh phúc đến nghẹt thở. Em nghĩ nếu em có phải chết ngay lúc đó em cũng nhẹ lòng” – chị Yên nhớ lại…”
Cha chia sẻ tiếp: có thể nói ở VN và một số nước, các địa điểm hành hương, các cuộc hành hương nhiều nhất vẫn ưu tiên dành cho Đấng được Thiên Chúa xót thương cách đặc biệt, Đức trinh nữ Maria, điều đó thật tốt, nhưng thời đại hôm nay mời gọi chúng ta sống với LTX của Chúa cách đặc biệt hơn nữa. Biến cố Phục Sinh chỉ đến sau bao thập giá nặng nề; ta cảm nhận và sống với LTX của Chúa là cảm nhận và sống mầu nhiệm Tử nạn và Phục Sinh mỗi ngày…

Rao ý khấn:

Trước khi Rước kiệu Chúa Thương Xót, anh Gioan B. Maria Nguyễn Thế Vịnh, trưởng CĐ LCTX Tgp Sài-gòn, đã rao ý cầu nguyện cho ĐGH Phan-xi-cô và toàn thể hàng giáo phẩm, cho những người đã gửi giấy xin, cho quý ân nhân và cho những ý nguyện riêng của mỗi người đang hiện diện.

Trước thánh lễ, cha Giuse Nguyễn Phát Tài cho biết có hơn 6000 ý xin hiệp thông cầu nguyện và tạ ơn LCTX.

Rước kiệu Chúa Thương Xót

Mọi người cùng hướng về đoàn rước Kiệu Chúa Thương Xót khá dài, sau Thánh giá Nến cao là đội trống GX Tân Thái Sơn, cờ LCTX Tgp và cờ các giáo hạt, quý khách mời, quý đại diện các đoàn thể, đại diện các hội dòng, quý thầy trao Mình Thánh Chúa, quý cha đồng tế, hai ĐGM; tượng Chúa Thương Xót được kiệu lên khán đài, gần Bàn thờ dâng lễ.

Giảng lễ

ĐC Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, GM Ban Mê Thuột, chủ tế và giảng lễ, ĐC An-phong-sô đồng tế cùng hơn 20 LM trong và ngoài Tổng GP.

Trước lễ, Đức cha chủ tế mời gọi mọi người cùng chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giê-su là hiện thân của Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót để xin Thiên Chúa thanh luyện lòng thương xót của mỗi người.

Một số ý chính trong bài giảng:

Chiều nay ở đây có quá đông người với bầu khí quá trang trọng, ngược với bầu khí nơi căn phòng các môn đệ Chúa ngày xưa, các ông phải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái. Các ông đang lo buồn sợ hãi chờ ngày “thứ ba”, như 2 môn đệ làng Emmau đã mất hết hy vọng “Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi”.  Khi Chúa hiện ra đứng giữa các ông, Người nói “Bình an cho anh em…” Nếu một người đang có bình an, thì bình an đâu có nghĩa gì đối với họ. Tin mừng thánh Luca và Gioan nhắc lại 4 lần câu “Bình an cho anh em”… Vết thương nơi cạnh sườn Chúa -vết thương khiến máu và nước chảy ra- là vết thương đặc biệt không có ở những tội nhân cũng bị xử tử hình trên thập giá như Chúa. Ngoài dấu đinh ở bàn tay, vết thương nơi cạnh sườn Chúa có ý nghĩa gì và tại sao Chúa lại cho các môn đệ xem vết thương đó? Các ông thấy Chúa với những vết thương nên đã tin rẳng thầy mình đã sống lại thật bằng xương thịt. Chúa nói với ông Tô-ma “…Xỏ ngón tay con vào bàn tay Thầy, xỏ bàn tay con vào cạnh sườn Thầy…”

Chỉ trong đoạn Tin Mừng ngắn, câu 19 đến 31, các từ “lỗ đinh, cạnh sườn” được lập đi lập lại 3 lần, ai học Kinh Thánh sẽ biết các từ lập lại như vậy có ý nghĩa như thế nào. Trở lại Kinh Thánh, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa đã báo trước cho các môn đệ 3 lần: “Khi ấy, Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16, 21). Tất cả môn đệ Chúa đã chứng kiến Chúa bị kết án, bị khổ hình và chết trên thâp giá, nhưng “ngày thứ ba” thì các ông chờ đợi một cách mong manh.

Dấu đinh, vết nương long không chỉ là dấu tích của người bị treo trên thập giá, bị lưỡi đòng xuyên thấu. Nhưng đó còn là biểu hiện tình thương của người đã hy sinh mạng sống vì người mình yêu, Chúa yêu thương mọi người và yêu thương đến cùng… Những vết thương đó, ngày nay vẫn được Chúa tỏ cho mọi người thấy. Bức ảnh được thánh Fausita nhớ và phác họa lại, bức ảnh trong một lần Chúa hiện ra với 2 luồng ánh sáng trắng và đỏ mờ, tượng trưng cho Nước Thanh Tẩy và Máu; nước để rửa sạch tội lỗi và máu để thông ban sự sống. Hai luồng sáng đó phát xuất từ chỗ sâu thẳm dịu dàng nhất, chính Thánh Tâm Chúa. Tông đồ của LXT thì phải đem tình thương đến cho người khác, phải vượt lên những khó khăn khiếm khuyết của mình để sống xứng đáng là con cái Chúa, như lời thánh Phao-lô (15) Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em. Phải chăng vì yêu mến anh em nhiều hơn mà tôi được yêu mến ít hơn?” (Cr 12, 15)

Đức cha Vinh Sơn nhớ lại, lần gặp cụ già đọc kinh LCTX ở gần TGM về, khi được hỏi cụ đã trả lời “Con đang mắc chứng bệnh nan y nhưng không dám nài xin Chúa chữa lành mà chỉ xin cho đủ sức chịu đựng để thông phần khổ nạn với Chúa”. Câu trả lời đã đánh động lòng người…

Cảm ơn

Ông Gioan B. Maria Nguyễn Thế Vịnh, trưởng CĐ LCTX Tgp đã chân thành cảm ơn ĐC Vinh Sơn, CT UB Thánh Nhạc; cảm ơn ĐC An-phong-sô, CT UB LBTM; cảm ơn cha Tổng LH cộng đoàn cùng quý cha đồng tế. Ông cũng cảm ơn quý khách mời, quý ân nhân và toàn thể cộng đoàn phụng vụ. Ông cảm kích trước những nội dung bổ ích thiết thực trong các bài bài giảng, bài huấn từ, bài chia sẻ của quý ĐC, quý cha. Ông cảm ơn Đức TGM Phao-lô, ĐHY, cha giám đốc ĐCV; cảm ơn UB tôn giáo CP, phường Bến Nghé; cảm ơn tiết mục Diễn nguyện của các xơ Dòng Thừa Sai Chúa Ki-tô, ca đoàn Faustina Tân Định-Bình Thuận, Ban nhạc Trần Cao Thăng, anh chị GLV và Hướng Đạo sinh CG đã đảm bảo việc giữ trật tự và tiếp tân xếp chỗ, CT Việt Thương, CT Tân Hiệp Phát đã phục vụ, cảm ơn tất cả mọi cá nhận và tập thể đã âm thầm đóng góp, cầu nguyện cho ngày đại lễ được diễn ra tốt đẹp…

Phép Lành cuối lễ

Mọi người đã đọc kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha để nhận Phép Lành trọng thể với ơn Toàn Xá, sau đó quý ĐC, quý cha đồng tế đã chụp hình lưu niệm với BCH /LCTX Tgp.

Được biết đây là lần thứ 8 liên tiếp, cộng đoàn LCTX Tgp tổ chức đại lễ kính LCTX tại TTMV, số người quy tụ về đây trong dịp lễ này luôn chiếm kỷ lục trong các sinh hoạt tại TTMV.

 An-tôn Lê Tân

—–

Chú thích (*) Người mẹ hy sinh đôi mắt để giữ lại mạng sống cho con: http://news.zing.vn/Nguoi-me-hy-sinh-doi-mat-de-giu-lai-mang-song-cho-con-post510797.html

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …