Home / Liên Giáo phận / Giáo tỉnh Sài Gòn / TGP Sài Gòn / Đại lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2016

Đại lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2016

 

hTrong Sứ điệp Phục Sinh được công bố ngày 27/3/2016 tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô xác quyết: “Trước hố thẳm về đường thiêng liêng và đạo đức của nhân loại, trước những vực sâu trong lòng con người, nơi ngoi lên hận thù và chết chóc, thì chỉ một mình Lòng Thương Xót của Chúa mới có thể cho chúng ta ơn cứu độ…”.

Tác giả Thánh vịnh đã cảm nghiệm một Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta” (Tv 103, 10).

Có một Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, luôn chờ đợi để tha thứ (x. dụ ngôn người Cha nhân hậu), sẵn sàng bỏ 99 con chiên để chỉ đi tìm một con chiên lạc (x. dụ ngôn con chiên bị mất),… thì không ai dại gì mà không chạy đến với Người. Đến để được hưởng nhờ LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ BIÊN của Người.

Thời đại ngày nay là thời đại cánh chung, nếu không mau mắn “hành động”, chắc chắn sẽ không kịp.

Thế giới ngày nay dường như đang cạn kiệt tình thương. Hận thù, bạo lực và giết hại nhau càng lúc càng leo thang, từ phạm vi gia đình đến toàn xã hội, tội lỗi gia tăng theo cấp số nhân. Có vẻ như yêu thương và tha thứ trở thành món hàng xa xỉ đối với họ! Chính trong bối cảnh con người đang rất cần đến Lòng Thương Xót của Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Năm thánh Ngoại thường Lòng Thương Xót, một Năm Hồng Ân đặc biệt, năm mà mọi người được mời gọi sống Lòng Thương Xót theo gương Chúa Cha trên trời: Giáo hội có sứ mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa… muốn sống Năm Toàn Xá này trong ánh sáng của Lời Chúa: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6, 36). Đồng thời chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thủ đắc Lòng Thương Xót ấy cho mình, và làm cho Lòng Thương Xót trở thành lối sống riêng, sẽ trở nên có thể” (x. Misericodiae Vultus, 12-13).

Theo truyền thống Công Giáo, Năm Thánh được bắt đầu từ triều đại Giáo Hoàng Bônifaxiô VIII vào năm 1300. Đức Giáo Hoàng Bônifaxiô VIII ấn định cứ 100 năm sẽ có một Năm Thánh. Từ năm 1475, để giúp mỗi thế hệ đều được hưởng Năm Thánh, Năm Thánh thường lệ được cử hành mỗi 25 năm. Tuy nhiên, khi có một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, Đức giáo hoàng có thể công bố mở Năm Thánh đặc biệt.

Với NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn “đặt trọng tâm nơi lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng mời gọi các tín hữu trở về với Người. Gặp gỡ Chúa sẽ giúp chúng ta biết thực thi lòng thương xót”.

Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được cử hành trong khung cảnh Giáo hội toàn cầu đang sống trong ân sủng của Năm Thánh Lòng Thương Xót, chắc chắn sẽ mang nhiều ý nghĩa sâu sa hơn.

Lễ Kính LCTX được đặt cao nhất trong tất cả những yếu tố của việc sùng kính LCTX, ngày lễ không chỉ là ngày dành riêng cho việc tôn thờ Thiên Chúa trong mầu nhiệm LCTX, mà còn là thời gian để mọi người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa. Để được hưởng nhờ những ân sủng lớn lao này, mọi người phải hội đủ những điều kiện của việc sùng kính Lòng Thương Xót (tín thác vào Chúa, thực thi LTX với tha nhân [Thương xác bảy mối và Thương linh hồn bảy mối]), phải sống trong tình trạng ơn thánh (xưng tội và rước lễ). Chúa Giêsu giải thích: “Không một linh hồn nào sẽ được công chính hóa trước khi quay về với Lòng Thương Xót của Ta trong niềm tín thác, đó là lý do Chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh sẽ là Đại lễ Kính Lòng Thương Xót của Ta” (NK 570).

Trong TGP Sài Gòn, Đại lễ Kính LCTX 2016 được tổ chức tại quảng trường Trung tâm Mục vụ (TTMV) vào Chúa nhật II Phục Sinh, ngày 3 tháng 4, và là lần thứ 9 tổ chức Đại lễ Kính LCTX.

Thời tiết miền Nam hiện đang ở vào mùa nắng. Tháng tư lại là tháng nắng gay gắt và khó chịu nhất, nhưng cũng không thể ngăn được dòng người đổ về quảng trường TTMV mỗi lúc một đông, đủ mọi lứa tuổi, thành phần, có cả những người khuyết tật phải ngồi xe lăn. Không chỉ có người ở trong GP Sài Gòn mà còn có nhiều người của các giáo phận khác, họ nô nức đến tham dự ngày hội Lòng Chúa Thương Xót.

Điểm đặc biệt trong ngày lễ hôm nay, theo Ban tổ chức (BTC) cho biết, Đức Tổng Phaolô vừa gởi thông báo đến toàn giáo phận về ơn toàn xá trong dịp Lễ Kính LTX. Với đặc ân Năm thánh ngoại thường Lòng Thương Xót, ngoài 14 nhà thờ hành hương trong Tổng giáo phận vào Năm Thánh Lòng Thương Xót được hưởng ơn toàn xá, nay cũng cho phép mọi nhà thờ giáo xứ và các nhà nguyện tu viện trong Tổng giáo phận được ban phép lành với Ơn Toàn Xá vào Chúa Nhật II Phục sinh – 03/04/2016, tức là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Những ai tham dự Thánh lễ trong dịp này được hưởng nhờ Ơn Toàn Xá với điều kiện thông thường: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.

Lễ Kính LCTX tại TTMV năm nay còn được trực tiếp truyền hình trên website tgpsaigon.net, dành cho những người già yếu, bệnh nhân không thể đến tham dự nhưng hiệp dâng thánh lễ qua màn hình ở nhà, vẫn được hưởng ơn toàn xá.

BTC cũng rất chu đáo khi bố trí 11 tòa Hòa Giải, trong đó, có 1 Tòa có sự hiện diện của Linh mục Thừa Sai Lòng thương xót, được “ban quyền tha cả những tội chỉ dành quyền giải cho Tòa Thánh”. Đây là hồng ân “ngàn năm một thuở”.

14g30, chương trình bắt đầu. Ban kèn tây giáo xứ (Gx) Gò Mây và Đội trống Gx Tân Thái Sơn chào đón quan khách bằng một bài hát và hồi trống vang dội, kéo dài 15 phút, làm bầu khí sinh động hẳn lên. Sau hồi trống là phần giới thiệu chương trình của người dẫn: Linh mục Giuse Nguyễn Phát Tài, chánh xứ Gx Tân Thông, Gp Phú Cường và chị Maria Trần Thị Thanh Lan, ủy viên Phát Triển CĐ LCTX TGP.

Người dẫn chương trình đã đưa cộng đoàn đến với LCTX qua phần giới thiệu Thông Điệp Sùng kính LCTX và lịch sử phát triển phong trào LCTX trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Trước khi bước vào phần cầu nguyện chuỗi kinh Thương Xót, BTC đã trao tặng 11 chiếc xe lăn cho 11 người khuyết tật.

Đúng 3 giờ chiều, giờ của LCTX chiến thắng thế gian, cộng đoàn bắt đầu nguyện kinh Thương Xót. Đây là “giờ linh” của LTX. Chúa Giêsu đã yêu cầu mọi người đắm mình vào Cuộc Khổ Nạn của Ngài trong giờ này: Ta nhắc cho con nhớ rằng mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Ta để thờ lạy và tôn vinh… Vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn… Đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).

VÌ CUỘC KHỔ NẠN ĐAU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ, XIN CHA THƯƠNG XÓT CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI.

 Lời kinh thật đẹp, không chỉ nói lên thân phận tội lỗi của người đọc đối với Thiên Chúa, mà còn thể hiện sự bác ái với tha nhân: cầu cho chính mình và toàn thế giới.

Giờ kinh được kết thúc bằng việc tuyên xưng đức tin qua bài hát “Chúa giàu Lòng Xót Thương”.

Sau chuỗi kinh Thương Xót là phần văn nghệ với các ca sĩ Công Giáo Gia Ân, Phan Đình Tùng, và tiểu phẩm “Người Cha Giàu Lòng Thương Xót” phỏng theo Tin mừng Lc 15, 11-32, do Quý Soeur Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi trình diễn.

Tất cả những tiết mục văn nghệ đều làm nổi bật lòng nhân từ, yêu thương không biết mệt mỏi của Thiên Chúa với con người, và qua đó, kêu gọi họ hãy mau sám hối, quay về với LTX của Người. Vì chỉ có LTX mới có thể đem đến ơn cứu độ cho nhân loại.

Tiếp theo là phần chia sẻ chứng từ LCTX của Cha Giuse Tạ Huy Hoàng, Tổng thư ký UBGD trực thuộc HĐGMVN, với đề tài “Cần một tấm lòng”. Đề tài gợi nhớ đến 2 sự kiện về mùa Chay 2016: Sứ điệp mùa Chay của Đức Phanxicô và Thư Mục vụ mùa Chay và mùa Phục Sinh của Đức Tổng Phaolô. Cả hai văn kiện này đều có chung một điểm xuất phát từ Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt 9, 13).

Trong Thư Mục Vụ Mùa Chay và Mùa Phục Sinh năm nay, Năm Thánh LTX, Đức Tổng Phaolô đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực thi LTX đối với tha nhân qua kinh Mười Bốn Mối. Chính Đức Giêsu Kitô đã lặp đi lặp lại bằng hành động và lời nói một cách cụ thể về LTX để định hình cho con người cách sống đạo.

Để kết thúc phần chia sẻ, Cha Giuse kể câu chuyện “Ông nhà giàu đi chơi phố trở về”, được viết theo thể loại văn vần: ông nhà giàu sau khi đi chơi phố về, gặp em bé đánh giày. Tiền công đánh giày là 5 đồng, ông không có tiền lẻ, đưa cho chú bé tờ 500 đồng và chờ chú đi đổi tiền lẻ. Chờ mãi không thấy chú bé trở về, ông văng tục và nghĩ không tốt về chú. Vài tiếng đồng hồ sau, ông nghe tiếng gõ cửa nhà mình. Thì ra đây là em của chú bé đánh giày đến để trả lại ông số tiền dư 495 đồng và giải thích, khi anh của cậu đi đổi tiền đã bị tai nạn xe. Ông hối hận và đến thăm chú bé đánh giày. Hai anh em chú bé đánh giày mồ côi cha mẹ từ bé, nên ông đã nhận lời gởi gắm của chú bé đánh giày để chăm sóc và nuôi dưỡng em của chú.

Cha kết luận: Dù là em bé chú đánh giày hay là chính chú đánh giày hoặc ông nhà giàu, nhưng giữa họ có cái gì đó rất cụ thể đang diễn ra. Họ đang làm những điều mà chúng ta, trong đức tin Kitô hữu, đã được Chúa dạy: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”. Hiện nay là Năm Thánh LTX chứ không phải Năm Thánh LCTX, chúng ta có bổn phận phải sống tử tế với nhau, giàu LTX như Cha Trên Trời.

Chương trình tiếp nối với phần chia sẻ của Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, Dòng Tên, linh mục Thừa Sai LTX. Ngài chia sẻ xoay quanh những thắc mắc về linh mục Thừa Sai LTX và tại sao phải có Năm Thánh cũng như tất cả mọi người phải làm gì trong Năm Thánh này.

Linh mục Thừa Sai LTX chỉ được tha 4 loại tội: 1/ Xúc phạm đến Mình Máu Thánh Chúa. 2/ Tấn công thể lý Đức Thánh Cha. 3/ Tiết lộ ấn tín Tòa Giải Tội. 4/ Giải tội cho người đồng lõa giới răn thứ 6.

Năm Thánh LTX không phải là sáng kiến cá nhân của ĐTC Phanxicô mà là sự kế thừa đường hướng của Công Đồng Vatican II. Giáo Hội không chỉ nói về LTX, mà phải biểu lộ LTX qua hành động.

Về sự khác biệt giữa lòng thương xót và lòng trắc ẩn, Cha Giuse giải thích: Lòng trắc ẩn là bản năng của con người, có giới hạn. LTX là bản chất của Thiên Chúa, không giới hạn.

Và trong Năm Thánh này, tất cả các thành viên CĐ LCTX không chỉ dừng lại ở các buổi cầu nguyện, mà còn phải bước ra thế giới để sống LTX với tha nhân. Được Thiên Chúa thứ tha, yêu thương, nhưng như thế chưa đủ, biểu tượng làm sáng lên tình yêu đó là chính cuộc sống chúng ta.

Trước Thánh lễ, anh Gioan B. M. Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng BCH CĐ LCTX TGP, thay mặt Cộng đoàn, dâng lên Chúa những ý nguyện xin khấn và kết thúc bằng bài hát “Ngợi Ca LTX”.

17g05, mọi người tham dự Đại lễ đều hướng về kiệu LCTX. Đoàn rước kiệu và Đoàn đồng tế bắt đầu tiến lên lễ đài. Vải đỏ được trải dọc theo đường đi của Đoàn rước. Hai bên, hai hàng Hướng đạo sinh làm thành hai hàng rào người, trong tư thế đứng nghiêm, chào của Hướng đạo. Trong khi đó, đội kèn tây Gx Gò Mây tấu bài Lên Đền Thánh, nối tiếp là hồi trống của đội trống Gx Tân Thái Sơn. Và khi kiệu LCTX đi qua, mọi người đều cung kính cúi đầu chào, biểu lộ sự tôn sùng, tín thác vào Lòng thương xót của Chúa. Tất cả tạo thành khung cảnh hoành tráng, rực rỡ, trang nghiêm, thánh thiêng, thể hiện đầy đủ ý nghĩa của một ngày hội tôn giáo, ngày hội của Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót.

Lúc này mặt trời đang từ từ lặn và mất hẳn, trời đã chạng vạng. Thi thoảng có những cơn gió mát đem lại sự dễ chịu cho mọi người sau khi phải vật lộn với cái nắng suốt mấy tiếng đồng hồ. Không còn những tia nắng chói chan, linh ảnh Chúa Thương Xót đặt trên lễ đài rực sáng hai luồng xanh nhạt và đỏ, phát xuất từ trái tim Chúa. Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa hai luồng sáng này: “Hai luồng sáng biểu thị Máu và Nước. Luồng sáng mầu xanh nhạt tượng trưng Nước làm cho linh hồn nên công chính; Luồng sáng mầu đỏ tượng trưng Máu là sức sống của các linh hồn… Những luồng sáng này che chở các linh hồn cho khỏi cơn nghĩa nộ của Cha Ta” (NK 299).

17g30, Thánh lễ bắt đầu. Chủ tế là Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng giám mục TGP Sài Gòn, Chủ tịch HĐGMVN. Đồng tế có Cha Tổng linh hướng Gioan Baotixita Võ Văn Ánh; Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng, Đặc trách Tông đồ Giáo dân TGP và 24 linh mục đến từ nhiều nơi. Có khoảng hơn 10.000 người tham dự Đại lễ.

Trong phần giảng lễ, Đức Cha chủ tế nói: “LTX của Chúa được biểu lộ khi Ngài hiện ra với các Tông đồ, Ngài đã ban Thánh Thần cho các ông. Khi Chúa hiện ra, vì không có mặt, nên ông Tôma không tin. Nhưng vì lòng thương xót, Chúa vẫn đón nhận ông. Vậy chúng ta hãy tin một cách chắc chắn rằng, Chúa Giêsu đón nhận chúng ta mặc dù thân phận chúng ta yếu đuối, mỏng dòn, đức tin còn yếu kém. Hãy mạnh dạn siêng năng củng cố, nuôi dưỡng đức tin ngày một vững chắc hơn.

Rồi Ngài nêu vấn đề: Chúng ta sống mầu nhiệm LTX như thế nào? Ngài trả lời thay cho mọi người: Chúng ta hãy sống thế nào để mọi người nhận ra tình yêu Phục sinh của Chúa. Hãy là những người đầy tràn thần khí Phục Sinh, đầy tràn tình yêu, đầy tràn LTX của Chúa”.

Trước khi ban Phép lành Toàn xá, Đức Cha chủ tế làm phép khoảng 10.000 bức ảnh Chúa Thương Xót, và được phát sau Thánh lễ.

Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về trong niềm vui. Xin cám ơn Giáo Hội đã cho chúng con có cơ hội để đón nhận những ân sủng trong ngày Đại lễ này.

 Lạy Chúa, chúng con còn rất non yếu khi thể hiện lòng thương xót với tha nhân, nhưng chính nhờ tình yêu bao la của Chúa, mà ai trong chúng con cũng đã và đang được hưởng nhờ Lòng thương xót của Người qua từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây trong cuộc sống. Xin cho chúng con, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, biết thông truyền Lòng thương xót của Chúa đến với mọi người chung quanh bằng hành động cụ thể là tha thứ và khoan dung, để ngày càng xứng đáng hơn với Lòng Thương Xót của Chúa dành cho chúng con.

Xin bấm vào đây để xem hình

Giuse Phạm Đình Vinh

—————

Nghe toàn bài chia sẻ của Cha Giuse Tạ Huy Hoàng, bài chia sẻ của Cha Giuse Đào Nguyên Vũ, bài giảng của Đức Tổng Phaolô tại:

Audio Đại Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót 2016

Cộng Đoàn LCTX TGP Sài Gòn chân thành cám ơn:

  – Đức Cha Phaolô, TGM Tổng GP Sài Gòn, Chủ tịch HĐGMVN.

  – Đức Hồng Y Gioan Baotixita.

  – Cha Gioan Baotixita, Tổng LH CĐ LCTX TGP Sài Gòn.

  – Cha Ernest, đặc trách Tông đồ Giáo dân TGP Sài Gòn.

  – Cha Giuse, Tổng LH Hội LCTX GP Phan Thiết.

  – Cha Giuse, Tổng thư ký UB Giáo Dân-HĐGMVN.

  – Cha Giuse, Tổng thư ký UB Di Dân-HĐGMVN, Linh mục Thừa sai LTX.

  – Cha Đa Minh, Hạt trưởng hạt Gia Định.

  – Cha Giuse, Hạt trưởng hạt Phú Thọ

  – Cha Giuse, LH CĐ LCTX hạt Gia Định.

  – Cha Giám đốc, Quý Cha và Quý Thầy TTMV TGP Sài Gòn.

  – Cha Giám đốc, Quý Cha và Quý Thầy Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.

  Cha Giuse M. Lương Thiên Triều và quý cha Dòng Đồng Công.

  – Quý Cha Dòng Thánh Thể.

  – Cha Giuse, Soeur Duyên Sa và Ban Mục vụ Truyền thông TGP Sài Gòn.

  – Cha Giuse Nguyễn Phát Tài, Chánh xứ GX Tân Thông, GP Phú Cường.

  – Quý Cha đồng tế.

  – Quý Soeur Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi.

  – Quý chức Hội Đồng Mục Vụ TGP Sài Gòn.

  – Ủy Ban Tôn giáo Chính phủ.

  – Chính quyền phường Bến Nghé.

  – Tập đoàn CTy TM DV Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Đông Phương, Cty Âm thanh Việt Thương, Cty Âm thanh ánh sáng Xuân Đức, Cty Văn Hoa Việt.

  – Hướng Đạo Công Giáo Sài Gòn, Gia đình Khôi Bình TGP, Thiếu Nhi Thánh Thể TGP, Phòng khám Đa Khoa Thánh Tâm Tân Định, Đội trống Gx Tân Thái Sơn, Đội kèn tây Gx Gò Mây, Ca đoàn Tổng hợp, Ca sĩ Gia Ân, Ca sĩ Phan Đình Tùng.

  – Quý Ông Bà, Anh Chị Em tham dự Đại Lễ.

    Tất cả đã góp phần vào thành công của Đại lễ. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên Đức Tổng, Quý Cha, Quý Tu sĩ và mọi người.

    Hẹn gặp lại ở Đại lễ 2017.

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN