Khi mạc khải Lòng Xót Thương cho Chị thánh Faustina, Chúa Giêsu đã yêu cầu: “Ta mong ước Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh sẽ là đại lễ kính Lòng Thương Xót của Ta.” (NK 299), Người cũng hứa: “Ngày hôm ấy, bất kỳ ai đến với Nguồn Mạch Sự Sống sẽ hoàn toàn được xóa sạch tội lỗi và hình phạt” (NK 300). Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã thực hiện yêu cầu của Chúa Giêsu bằng việc thiết lập lễ kính Lòng Chúa Thương Xót trên toàn thế giới: “Từ nay về sau, trong khắp Giáo Hội, Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót.” (trích bài giảng trong lễ phong thánh cho Thánh Nữ Faustina ngày 30/4/2000).
Lễ kính trọng thể Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) cử hành vào Chúa Nhật II Phục Sinh chắc chắn được hàng triệu người trên thế giới hướng lòng về với tất cả sự chân thành tôn vinh LCTX. Quả thật, việc chọn Chúa Nhật sau lễ Phục Sinh làm ngày lễ kính LCTX mà Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã thiết lập mang một ý nghĩa thần học sâu xa, nói lên sự tương quan gần gũi giữa mầu nhiệm Phục Sinh cứu độ với mầu nhiệm Lòng Thương Xót của Chúa. Trong nhật ký LTX, Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Các linh hồn vẫn cứ hư mất mặc dù đã có cuộc Khổ Nạn cay đắng của Ta. Ta ban cho họ niềm hy vọng sau cùng về phần rỗi, đó là ngày lễ kính LTX. Nếu họ không sùng kính LTX của Ta, họ sẽ phải hư mất muôn đời” (x. NK 965, 998).
Đọc lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy mỗi khi Dân Chúa gặp những khó khăn thì Lòng Thương Xót của Chúa luôn được thể hiện bằng cách gởi những ngôn sứ đến để dẫn dắt Giáo Hội vượt qua nguy nan. Thời đại ngày nay, Chúa đã gởi LTX đến với con người qua Thánh Faustina: “Ta khát mong Lòng Thương Xót của Ta phải được tôn thờ, và đó là hy vọng sau cùng để được cứu rỗi Ta đang ban cho thế giới; tức là nương nhờ vào Lòng Thương Xót của Ta” (NK 998). Và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã làm trọn niềm mong ước đó qua việc thiết lập lễ kính LCTX.
Tại Tổng giáo phận (TGP) Sài Gòn, đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót năm 2014, theo thông lệ được cử hành tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) vào Chúa Nhật II Phục Sinh, 27 tháng 4. Đây là đại lễ vô cùng quan trọng của Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót, và là lần thứ 7 được tổ chức tại TGP.
Thời tiết miền Nam Việt Nam hiện đang vào những ngày nắng nóng, Sài Gòn nóng như một “chảo lửa”. Theo thông báo của cơ quan dự báo khí tượng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 38 độ C. Với cái nắng như thiêu da đốt thịt, cộng thêm trời đứng gió, bất cứ ai cũng cảm thấy ngần ngại khi bước ra khỏi nhà. Mặc dầu đại lễ được tổ chức trong điều kiện bất lợi về thời tiết, nhưng điều đó vẫn không ngăn được dòng người đổ về TTMV mỗi lúc một đông. Đại lễ không chỉ quy tụ những người trong TGP, mà còn những người từ các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Phan Thiết, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ… Quảng trường TTMV rộng là thế mà hầu như trở nên chật chội. Có khoảng hơn 15.000 người đến tham dự đại lễ lần này.
Đúng 14 giờ 30, chương trình bắt đầu. Đội trống giáo xứ Tân Thái Sơn trong trang phục cổ truyền, với thao tác rất chuyên nghiệp đón chào quý khách bằng hồi trống vang dội, tạo bầu khí sinh động hẳn lên giữa lúc mọi người đang mệt mỏi và buồn ngủ vì cái nắng nóng.
Sau hồi trống chào mừng, LM Giuse Nguyễn Phát Tài, phó xứ Nhà thờ Chánh Tòa GP Phú Cường, và chị Maria Đỗ Hồng Tho, Ủy viên Tuyên huấn BCH CĐ LCTX TGP, giới thiệu lược sử phong trào Lòng Chúa Thương Xót.
Tiếp đến là phần cầu nguyện với chuỗi kinh Lòng Thương Xót. Thật xúc động khi lời kinh được hàng chục ngàn người đồng thanh cất lên giữa trưa nắng vào đúng 3 giờ chiều, giờ Tử Nạn của Chúa Giêsu, giờ thương xót của Thiên Chúa. Lời kinh gợi nhớ đến giây phút Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên cây thập giá: “VÌ CUỘC KHỔ NẠN ĐAU THƯƠNG CỦA CHÚA GIÊSU, XIN CHA THƯƠNG XÓT CHÚNG CON VÀ TOÀN THẾ GIỚI”.
Lời kinh thể hiện nhiều ý nghĩa khi được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trước hết, lời kinh diễn tả một tình yêu dạt dào phát xuất từ đáy lòng. Khi yêu ai, ta luôn nghĩ và nói về người đó nhiều. Lặp đi lặp lại còn diễn tả sự nài nỉ và khiêm tốn của con người đối với Thiên Chúa. Thánh sử Luca đã trình bày cách thức nài xin mà bà góa áp dụng với viên quan tòa khi xin xử kiện trong dụ ngôn “Quan Tòa Bất Chính và Bà Góa Quấy Rầy”: “… Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ…” (Lc 18, 6-8).
Qua lời kinh này, mọi người nài xin Lòng Thương Xót cho chính mình và toàn thế giới, một việc hết sức nhân ái. Việc đọc chuỗi kinh LTX còn một hiệu quả rất lớn là sự lặp đi lặp lại sẽ làm lời kinh ngày càng thấm sâu vào tâm hồn người đọc, đưa mọi người vào trạng thái bình an, thấm nhuần tình yêu thương và LTX của Chúa vào trong trái tim, từ đó LTX của Chúa sẽ biến đổi cuộc sống và làm cho người đọc biết cách ứng xử đúng với tha nhân bằng một trái tim đầy LTX của Chúa.
Sau chuỗi kinh LTX, các tiết mục văn nghệ phần nào mang sự thoải mái đến cho mọi người do các ca sĩ Công Giáo đảm nhận: Diệu Hiền, Gia Ân, Xuân Trường, Mai Thảo. Đặc biệt, Gia Đình Hiệp Thông Tây Nguyên đã đem tình yêu Thiên Chúa từ miền núi rừng cao nguyên đến hiệp thông cùng cộng đoàn qua điệu múa cồng chiêng “Chúa Đến Với Tôi”; diễn nguyện dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” của PT Cursillo; sau cùng, tác phẩm “Thương Con, Chúa Ơi!” được trình bày bởi ban nhạc của linh mục Giuse Trần Cao Thăng (Chánh xứ Bắc Dũng, hạt Xóm Mới). Tất cả các tiết mục đều làm nổi bật tình yêu cao cả của Chúa cũng như sự cần thiết mà con người phải đáp trả là luôn tín thác tuyệt đối vào Lòng Thương Xót của Chúa.
Tiếp theo là phần chia sẻ của LM Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Giám học TTMV TGP Sài Gòn với đề tài “Con Người của LTX”. Trong phần này còn có sự chia sẻ của hai em khuyết tật nói về cảm nhận của mình khi đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa.
Đại lễ năm nay còn hân hạnh đón tiếp Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, giám mục GP Thanh Hóa. Đức Cha đến với đại lễ qua phần chia sẻ về việc tuyên thánh cho hai chứng nhân Lòng Chúa Thương Xót: GH Gioan 23 và GH Gioan Phaolô 2 diễn ra trong ngày hôm nay tại quảng trường Thánh Phêrô lúc 15 giờ Việt Nam (10 giờ theo giờ Rôma). Cuộc đời hai Thánh GH gắn liền với Công đồng Vatican 2. Thánh GH Gioan 23 là người triệu tập Công đồng, Thánh GH Gioan Phaolô 2 là người triển khai Công đồng và đưa giáo huấn Công đồng vào đời sống Giáo Hội.
Chúa Nhật kính LCTX năm 2014 cũng là một ngày đặc biệt trong lịch sử Giáo Hội. Báo giới gọi là “Chúa Nhật 4 Giáo Hoàng”: lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng cùng được tôn phong hiển thánh trong một buổi lễ và lần đầu tiên hai vị Giáo Hoàng (Đức Phanxicô đương kim và Đức Biển Đức 16 cựu) cùng hiện diện trong một buổi lễ. Thánh lễ phong thánh còn có sự hiện diện của 150 Hồng Y, 700 Giám Mục, hàng ngàn linh mục cùng nhiều vị nguyên thủ quốc gia thuộc 120 phái đoàn chính thức của các nước và nhiều cơ quan quốc tế, đại diện các tôn giáo lớn như Chính Thống giáo, Anh giáo và Hồi giáo. Hàng trăm ngàn người có mặt tại quảng trường để theo dõi trực tiếp, ngoài ra còn có hàng trăm triệu người theo dõi qua truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.
17 giờ 15, đoàn rước linh tượng LCTX và đoàn đồng tế bắt đầu tiến lên lễ đài. Chủ tế thánh lễ là ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (TGP Sài Gòn), đồng tế có ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh (GP Thanh Hóa), LM Gioan Baotixita Võ Văn Ánh (Tổng linh hướng CĐ LCTX TGP Sài Gòn) và 9 linh mục khác.
Trong bài giảng, Đức Cha chủ tế nêu lên hai điều:
1. Hãy tập trung vào Chúa Giêsu Kitô, vì Ngài là hiện thân của Lòng Thương Xót. Tập trung vào Chúa Giêsu nghĩa là phải đến với Chúa, phải lắng nghe và sống Lời Chúa.
2. Phải luôn ý thức thân phận tội lỗi của mình và tin vào LTX của Chúa. Chúa Giêsu đã xác định Lòng Thương Xót của Ngài bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi của con người.
Cuối cùng Đức Cha Chủ tế nhắc lại những lời dạy của Thánh GH Gioan Phaolô 2:
– Yêu thương người nghèo thì dễ, sống nghèo mới khó.
– Nói về những người ăn năn sám hối trở về cùng Chúa thì dễ, nhưng bản thân mình ăn năn sám hối trở về cùng Chúa mới là điều khó.
– Yêu mến các thánh thì dễ, nhưng yêu mến và sống thánh thiện là điều rất khó.
Trước khi kết lễ, Đức cha chủ tế đã làm phép ảnh LCTX và ban phép lành toàn xá (*) mà Giáo Hội cho phép trong ngày đại lễ này.
Lạy Chúa, xin thêm sức cho chúng con để chúng con không chỉ yêu mến Chúa một cách trừu tượng mà biết thể hiện sự yêu mến một cách cụ thể và sống động trong đời sống hàng ngày của chúng con.
Xin xem thêm hình tại mục HÌNH ẢNH
Giuse Phạm Đình Vinh
————————————
(*) Ngày 29/6/2002, UB Ân xá Tông Tòa đã ban hành Sắc Chỉ Tòa Thánh ban phép lành với ơn Toàn Xá và Tiểu Xá cho những ai sốt sắng Tôn sùng LCTX vào Chúa Nhật II PS, được ĐTC Gioan Paul II chuẩn nhận và công bố vào Chúa Nhật 04/8/2002 trong giờ kinh Truyền tin.
Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót Tổng Giáo Phận Sài Gòn xin chân thành cám ơn:
– Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng GM TGP Sài Gòn.
– Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục phụ tá TGP Sài Gòn.
– Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục GP Thanh Hóa.
– Quý Cha đồng tế.
– Quý Cha và Quý Thầy, Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.
– Quý Cha và Quý Thầy, Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn.
– Linh mục Phanxicô Xaviê Bảo Lộc, Giám học TTMV.
– Linh mục Giuse Nguyễn Phát Tài, NT Chánh Tòa GP Phú Cường.
– Quý Sơ dòng Thánh Phaolô.
– Hội Đồng Mục Vụ TGP Sài Gòn.
– Ủy Ban Tôn giáo Chính phủ.
– Chính quyền phường Bến Nghé.
– Tập đoàn công ty TM DV Tân Hiệp Phát, Công ty Điện hơi Công nghiệp Tín Thành, Công ty Âm thanh Ánh sáng Xuân Đức, Công ty TM DV Quảng cáo Vương Đạt, Phòng khám Đa Khoa TT Tân Định, Nhà hàng Đông Phương, Bà Maria Phạm thị Tâm GX Nhân Hòa, Bà Anna Nguyễn Thị Thê GX Nữ Vương Hòa Bình.
– Ban nhạc Linh mục Giuse Trần Cao Thăng, Hướng Đạo Công Giáo TGP, Gia đình Khôi Bình TGP, Thiếu Nhi Thánh Thể TGP, Đội trống Gx Tân Thái Sơn, Gia đình Hiệp thông Tây Nguyên, PT Cursillo TGP, Ca đoàn Tổng hợp LCTX TGP, các ca sĩ Công Giáo: Mai Thảo, Xuân Trường, Diệu Hiền, Gia Ân.
– Quý Ông Bà, Anh Chị Em tham dự Đại Lễ.
Xin phép lành của LCTX tuôn tràn trên mọi người đã đóng góp vào thành công của Đại Lễ. Hẹn gặp lại tại Đại Lễ LCTX năm 2015.