Home / Tiêu Điểm / Đại hội Thánh nhạc Toàn quốc Việt Nam lần thứ XXXVI

Đại hội Thánh nhạc Toàn quốc Việt Nam lần thứ XXXVI

 

Tác giả Thánh Vịnh tự bạch: “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa” (Tv 40:4). Ca tụng Thiên Chúa là bổn phận của mọi người, đồng thời sinh ích lợi cho chính mình, nhưng không chỉ vậy mà còn làm cho người khác nhận biết Thiên Chúa qua lời ca tiếng hát của chúng ta. Điều đó chứng tỏ âm nhạc có vị trí quan trọng trong việc tôn vinh Thiên Chúa.

TinTuc - ThanhNhac ToanQuoc XXXVITGP SAIGON – Thủy triều xuống rồi dâng cao, trăng khuyết rồi trăng rằm. Mọi thứ luân phiên theo quy luật bất biến của Thiên Chúa – Đấng an bài mọi sự. Theo thông lệ thường niên, 8 giờ 15 sáng thứ Ba ngày 21-4-2015, tại TTMV TGP Saigon đã diễn ra Đại hội Thánh Nhạc toàn quốc lần thứ 36. 

Vẫn như thường lệ, chủ tọa đoàn là ĐGM Vincent Nguyễn Văn Bản (GP Ban Mê Thuột, đặc trách Ban Thánh Nhạc) và LM Rôcô Nguyễn Duy (Thư ký BTN). Tham dự đại hội lần này có khoảng 100 hội thảo viên (các linh mục, các tu sĩ, các nhạc sĩ sáng tác, và một số ca trưởng) thuộc các giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Chủ đề của Đại hội Thánh nhạc lần thứ 36 tiếp tục “đào sâu” về Bình Ca. Lần này, Lm Ns Kim Long trình bày đề tài “Tiết Tấu Bình Ca”. Bình Ca có tiết tấu nhưng không có nhịp, tiết tấu tự do, nên không thể “đánh nhịp” theo kiểu tân nhạc. Một bài hát có các câu nhạc hoặc nửa câu nhạc, mỗi câu hoặc nửa câu lại có các tiết nhạc, các tiết nhạc còn có tiết lớn hay nhỏ – gọi là “khởi” [α] và “tới” [θ].

Như chúng ta đã biết, Bình Ca còn được gọi là nhạc Grêgôriô – loại nhạc đặc trưng của Giáo hội Công giáo. Thánh GH Grêgôriô (540?-604, Tiến sĩ Giáo hội) không là người “phát minh” ra Bình Ca, nhưng ngài là người có công “định vị” Bình Ca trong Phụng vụ của Giáo hội Công giáo, vì thế người ta tưởng nhớ công lao của ngài nên gọi Bình Ca là nhạc Grêgôriô. Chắc hẳn chúng ta cũng không thể quên bài thánh ca “Pange Lingua” (*) của Thánh Lm Ns Tôma Aquinô (1225-1274), Tiến sĩ Giáo hội. Bài thánh ca “Pange Lingua” thường gọi là bài “Tantum Ergo”, vì đó là hai chữ mở đầu, xưa quen hát bài này trong các giờ chầu Thánh Thể – đặc biệt là Thứ Năm Tuần Thánh, nhưng nay người ta dùng bài “Đây Nhiệm Tích” (Việt ngữ).

Về thể loại Bình Ca, ĐGH Piô XII có câu nói “để đời” thế này: “Bình Ca là bản dịch của bản văn”. Nghĩa là ca từ rất quan trọng trong thể loại nhạc Bình Ca – lời là chính, nhạc là phụ. Người sáng tác phải dệt nhạc theo bản văn Phụng Vụ, có thể “chỉnh” từ ngữ chút ít, nhưng phải giữ cho “gần” bản văn chứ không được “xa” bản văn.

Bình Ca có ba đặc điểm: (1) Về giai điệu, bài Bình Ca được hình thành theo văn bản, cần chú ý “dấu nhấn” và “ý nghĩa toàn câu”; (2) Về tiết tấu, cần phân biệt “tiết tấu cơ bản” (Khởi và Tới), vì không phân nhịp nên Bình Ca không thể “đánh nhịp” mà chỉ “phác họa tiết tấu”; (3) Về âm thể, khác với tân nhạc có hai Thể (Trưởng và Thứ), Bình Ca có bốn Thể – với bốn nốt lần lượt làm chủ âm là Ré, Mi, Fa, Sol và tạo ra bốn thang âm: Thể Ré (Protus), Thể Mi (Deuterus), Thể Fa (Tritus), và Thể Sol (Tetrardus).

Nên lưu ý: Bình Ca không dùng các quãng lớn (6, 7, 8,…), không dùng bán cung đồng (Do – Do #), và không dùng cảm âm (bán cung, từ áp âm về chủ âm). Là người Công giáo được thấm nhuần Bình Ca, cố Nhạc sĩ Anh Việt Thu đã ảnh hưởng Bình Ca khi ông viết ca khúc “Tám Điệp Khúc” (Trời làm cho mưa bay giăng giăng, mây tím dệt thành sầu… Tiếng hát hát trên môi, giấc ngủ ngủ trong nôi, một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu…). Âm thể Ré thứ, nhưng ông dùng nốt “Si bình” ở các chữ “trên môi” và “trong nôi”. Trong bài “Ca Khúc Trầm Hương” của Lm Ns Dao Kim không dùng cảm âm trong câu cuối của phần điệp khúc: “…ban muôn hồng ân”. Chữ “hồng” không là “Si bình” mà tương đương “Si giáng”, nhưng người ta thường hát là “Si bình”, thế nên mất vẻ ngũ cung Việt Nam và Bình Ca. Lúc sinh thời, Nhạc sĩ Hùng Lân cho biết rằng ông đã “chỉnh” nốt Si trong bài hát “Ca Khúc Trầm Hương” của Ns Dao Kim (lúc đó chưa là linh mục) để cho ra “nét” Việt Nam.

Bình Ca phù hợp với La ngữ. Viết nhạc Bình Ca bằng Việt ngữ là điều rất khó, có thể chỉ viết theo “tinh thần” Bình Ca hoặc mang “âm hưởng” Bình Ca. Tại sao Bình Ca “khó nhập” với Việt ngữ? La ngữ hoặc nhiều ngôn ngữ khác không có dấu giọng, nhưng Việt ngữ có nhiều dấu giọng. Khó hơn nữa là âm Việt ngữ có những âm trái ngược thực tế: Cao – Thấp, Trên – Dưới, Trời – Đất,… Các chữ “Cao, Trên, Trời” mô tả các vị trí “ở trên” mà âm đọc lại “ở dưới” so với các chữ “Thấp, Dưới, Đất”. Nhiêu khê lắm thôi!

Vấn đề Thánh nhạc còn mãi như một bản “Trường Ca Vô Tận”, vẫn luôn có nhiều nỗi ưu tư và trăn trở về các vấn đề đối với nền Thánh nhạc Việt Nam.

Buổi hội thảo kết thúc lúc 11 giờ 30. Mọi người cùng dùng bữa trưa thân mật trong tình huynh nghĩa đệ, êm đềm trong sự bình an của Đức Kitô phục sinh và giàu lòng thương xót. Sau đó, mọi người chia tay và hẹn gặp lại nhau tại Đại hội Thánh nhạc Toàn quốc lần thứ 37 cũng sẽ diễn ra tại TTMV TGP Saigon vào sáng Thứ Ba, ngày 22-9-2015.

Âm nhạc chỉ có 7 nốt, từ 7 nốt đó được biến hóa đa dạng và phong phú. Chúng ta có thể so sánh 7 nốt nhạc đơn giản đó như 7 ơn Chúa Thánh Thần. Chính Ngài mới là Đệ Nhất Nhạc Sĩ luôn linh hứng và tác động để tạo thành những giai điệu thánh thiện nơi các nhạc sĩ sáng tác, rồi được các ca đoàn làm cho các bài hát trở nên sinh động để dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh. Đó là bản tổng phổ hài hòa thánh thiện và tuyệt vời nhất theo sự hiệp nhất mà Thiên Chúa hằng mong muốn nơi chúng ta.

Thánh Ca phải có tính thánh thiện và hoàn hảo, vì những gì dâng kính Thiên Chúa phải là những thứ hoàn hảo, nếu không thì những gì chúng ta dâng lên sẽ như chiếc roi quất lại chính chúng ta.

TRẦM THIÊN THU

(*) Tantum ergo Sacramentum, Veneremur cernui: Et antiquum documentum, Novo cedat ritui: Praestet fides supplementum Sensuum defectui. Genitori, Genitoque, Laus et jubilatio, Salus, honor, virtus quoque, Sit et benedictio: Procedenti ab utroque, Compar sit laudatio. Amen.

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …