Home / Chia Sẻ / ĐẠI ĐẢM

ĐẠI ĐẢM

DaiSamThiên Chúa Giáo Huấn Công Bình Theo Chân Lý

Tín Nhân Tuân Hành Thánh Ý Suốt Kiếp Người

Đại đảm là một nhân đức cần thiết cho cả đời thường và tâm linh. Người đại đảm là người rất can đảm, dám bảo vệ lẽ phải bằng mọi giá dù phải thiệt mạng. Như Kinh Thánh nói: “Dù phải chết, con hãy phấn đấu cho sự thật, và Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ bênh vực con.” (Hc 4:28) Chính Gioan Tẩy Giả là con người như vậy.

Ngày xưa, danh tướng Trần Bình Trọng (1259-1285) đã bất khuất dù bị giặc bắt, và ông vẫn khẳng khái tuyên bố: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.” Ông chết vì chính nghĩa, vì đại nghĩa. Cái chết của Thánh Gioan Tẩy Giả cũng là cái chết vì chính nghĩa. Đó là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng sa sút đạo đức của xã hội loài người, là tiếng kêu tỉnh thức những tâm hồn mê muội, là lời thúc giục chúng ta sám hối và tin yêu “vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 3:2; Mt 4:17)

Sau đó có chí sĩ Nguyễn Trãi (1380-1442) viết “Bình Ngô Đại Cáo” theo hai nguồn cảm hứng là cảm hứng sáng tác và chính trị. Cảm hứng sáng tác đưa tới lịch sử văn học nước nhà một kiệt tác văn chương, cảm hứng chính trị tạo nên BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP đầy ý nghĩa cho Việt sử, và đó là áng thiên cổ hùng văn (bài văn hùng tráng muôn đời) của dân tộc Việt Nam.

Trong “Bình Ngô Đại Cáo” có nguyên lý chính nghĩa của Nguyễn Trãi, với hai nội dung chính: Nguyên lý NGHĨA – có tính chất chung của các dân tộc và nhiều thời đại, và CHÂN LÝ đó thuộc về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt đã được chứng minh qua lịch sử.

Thiết tưởng cũng nên nhắc lại chí sĩ Phạm Ngũ Lão. Ông là người đã từng ngồi đan sọt, lo nghĩ quốc sự (việc chung) mà quên cả bản thân. Quân lính lấy giáo đâm vào đùi ông mà ông vẫn coi như không. Đó là lời nhắc nhở đối với Kitô hữu về việc quên mình để theo Chúa, về sự can đảm đối với cái xấu: “Thà chết vinh hơn sống nhục.”

Chính nghĩa là “lẽ phải,” là cái người ta phải theo, phải giữ. Chắc hẳn khó có một định nghĩa xác đáng làm thỏa mãn mọi người, tạm hiểu là “những gì được công nhận theo lương tâm chính đáng.” Quan trọng là “lương tâm chính đáng” chứ không thể “lệch lạc.” Nói chung, chính nghĩa là công lý (justice, bons sens), liên quan rất gần với sự thật và lẽ phải. Chính nghĩa cũng đa dạng: Chính nghĩa dân tộc, chính nghĩa tôn giáo, chính nghĩa cá nhân, chính nghĩa độc tài, chính nghĩa tự do, chính nghĩa cộng sản, chính nghĩa tư bản, chính nghĩa dân chủ, chính nghĩa chuyên chế,…. Ở đây chúng ta chỉ đề cập chính nghĩa chân lý – chính nghĩa của Thiên Chúa.

Nhân chi sơ tính bổn thiện, như Kinh Thánh cho biết: “Con người do Thiên Chúa làm nên, vốn đơn sơ ngay thẳng, nhưng chính họ lại đi tìm đủ chuyện rắc rối quanh co.” (Gv 7:29) Thoái hóa là lỗi tại mình. Không chịu chấn chỉnh nên càng thoái hóa, riết rồi thành thói quen – quen làm ác. Dùng bạo lực mà thi hành lẽ phải thì thật kinh hãi, nguy hiểm vô cùng. Sự thật minh nhiên: “Chính nhân cầm quyền, dân mừng rỡ. Ác nhân cai trị, dân oán than.” (Cn 29:2)

Thánh Vịnh gia nhắn nhủ: “Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa (của) bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý (của) bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.” (Tv 37:4-6) Như vậy, theo nghĩa Kinh Thánh thì “chính nghĩa” và “công lý” không xa nhau.

Thánh Gioan Tẩy Giả là người đại đảm, có lối sống khác người: Áo lông lạc đà và thắt lưng bằng dây da; ẩm thực là châu chấu và mật ong rừng. (Mt 3:4; Mc 1:6) Ông cương trực, không a dua, không xu nịnh, không tâng bốc bất cứ ai, quyết tâm bảo vệ lẽ phải và công lý tới cùng, sống và đấu tranh cho chính nghĩa của Thiên Chúa. Ông xác định: “Người [Chúa Giêsu] phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.” (Ga 3:30)

Không thể làm ngơ khi thấy điều trái tai gai mắt, vi phạm luân lý, nên ông Gioan đã can ngăn nhà vua: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài!” (Mc 6:18) Lý do là vua đã lấy bà Hêrôđia, vợ của người anh Philípphê. Đó là tội loạn luân. Nhưng thuận ngôn nghịch nhĩ, sự thật phũ phàng làm mất lòng Hêrôđê, thế là ông ta sai người đi bắt và xiềng ông Gioan trong ngục.

Tình yêu gian tà khiến Hêrôđê điên đảo và mù quáng. Thời cơ đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, Hêrôđê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê. Con gái bà Hêrôđia vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Liên hoan tưng bừng, nhà vua ngà ngà rồi nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” (Mc 6:22) Thậm chí ông ta thề độc: “Con xin gì, ta cũng cho, dù MỘT NỬA NƯỚC của ta cũng được.” (Mc 6:23) Vua mà dám bán nước cho một đứa con gái nhãi ranh. Hèn mà không biết nhục!

Vừa nghe xong, cô gái liền đi hỏi mẹ xem nên xin gì. Bà Hêrôđia lạnh lùng nói: “Đầu Gioan Tẩy Giả.” (Mc 6:24b) Lập tức cô vội trở vào tâu với nhà vua: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên mâm.” (Mc 6:25) Nghe vậy, nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề công khai trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Vua lập tức sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.

Hai mẹ con bà Hêrôđia là dạng không vừa, không chỉ lăng loàn trắc nết mà còn mưu mô thâm độc với ánh mắt như tia điện. Kinh Thánh nói: “Đàn bà say sưa khiến người ta nổi giận, cái nhục của thị, thị cũng không che. Mắt lẳng lơ của người đàn bà để lộ thói dâm đãng: cách liếc mắt đưa tình khiến ai cũng nhận ra.” (Hc 26:8-9) Hêrôđê “chết” là phải. Kinh Thánh căn dặn: “Trước một đứa con gái trơ trẽn, con hãy giữ mình cho cẩn tắc: thấy con sơ hở là nó lợi dụng ngay. Trước cái nhìn táo bạo của nó, con hãy giữ gìn cho cẩn thận, và đừng bỡ ngỡ nếu nó không để ý đến con.” (Hc 26:10-11) Để được vậy thì nam giới phải cứng rắn và can đảm.

Tấn bi kịch về cái chết của ông Gioan có thể là chuyện bình thường, nhưng tấn bi kịch về lòng nham hiểm ác độc mà con người vẫn dành cho nhau mới đáng quan ngại. Sự thật bị che khuất, lẽ phải bị bóp méo, công lý bị chà đạp, chính nghĩa bị xô lệch,… Không chỉ vậy, người ta cũng vẫn thường xuyên thiếu tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền. Đó là bi kịch do con người tạo ra vì theo cái xấu để thỏa mãn ý riêng. Thế nhưng người ta không phục thiện, vẫn có đủ kiểu biện hộ cho tội lỗi của họ.

Sự thật mãi mãi là sự thật. Thiên Chúa là chân lý, Ngài sẽ ra tay đúng lúc theo sự quan phòng của Ngài, như Kinh Thánh nói: “Đức Chúa không trì hoãn, không bắt họ đợi lâu. Sẽ đến lúc Người đập gãy lưng bọn tàn ác, và báo oán chư dân. Sẽ đến lúc Người tiễu trừ lũ ngạo ngược, đập tan vương trượng bọn ác nhân.” (Hc 35:19-21)

Lạy Thiên Chúa chí thánh, xin hoán cải và che chở chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giúp chúng con can đảm bảo vệ chân lý, dám đấu tranh cho chính nghĩa và công lý. Lạy Thánh Gioan Tẩy Giả, xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con, nhất là trong xã hội nhiễu nhương ngày nay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …