Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hạt Quỹ Nhất năm nay thật đông vui sốt sắng. Cha đặc trách đã dành nhiều thời gian để nói về ý nghĩa của ngày lễ, quan thầy của gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm. Tuy nhiên vẫn còn có ý nghĩ của ai đó có vẻ chưa thông suốt về linh đạo, còn phân tách hội nọ đoàn kia, do đó tính hiệp thông của ngày lễ chưa cao, nếu không muốn nói là chưa đúng. Cụ thể trong giờ giải lao, nhất là trong bữa cơm chung vui, còn có dư luận: “Tại sao đã có gia đình Phạt Tạ, còn có cộng đoàn Lòng Thương Xót“. Và “hai tổ chức đó có gì khác nhau“. Trước hết cần lưu ý: Đặc tính chung cho mọi người khi tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện và làm các việc đạo đức khác phải hiệp thông. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ chia sẻ về sự hiệp thông giữa gia đình Phạt Tạ và cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót.
1- Ý nghĩa mục đích của gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm:
Lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu làm nền tảng, mà đối tượng chính của việc tôn sùng là Tình Yêu Thiên Chúa, một tình yêu được Chúa mạc khải từ Tân Ước, đã được Chúa Giêsu thực hiện khi ở trần gian, mà con người phải đáp trả bằng chính tình yêu của mình, để:
– Tôn thờ, vinh danh Chúa trong gia đình và mọi nơi.
– Đền đáp sự thờ ơ vô ơn, lỗi phạm của mình và mọi người.
– Loan truyền việc tôn sùng Thánh Tâm, tạo cho mọi người đón nhận ơn ích từ Thánh Tâm: Một trái tim rộng lượng bao dung, sẵn sàng ban ơn tràn đầy cho những ai muốn đón nhận.
Như vậy việc tôn sùng Thánh Tâm là của tất cả mọi người, không phải của riêng một đoàn hội, một tổ chức nào.
2- Tương quan giữa Phạt Tạ Thánh Tâm và Lòng Thương Xót:
Như trên đã nói: Phạt Tạ Thánh Tâm là tôn sùng Thánh Tâm Chúa bằng: Dùng mọi cố gắng hy sinh để an ủi, đền đáp Thánh Tâm về những lỗi phạm của bản thân và mọi người. Để được Thánh Tâm Chúa tha thứ và ban ơn. Vì vậy gia đình Phạt Tạ và cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót là một đoàn thể, nhưng được chuyển tiếp giữa hai giai đoạn: Phạt Tạ, tôn thờ Thánh Tâm và tha thiết cầu khấn lòng thương xót và ơn tha thứ. Dưới đây chúng tôi xin đưa hai hình tượng để so sánh chứng minh:
A- Hai giai đoạn của tình cảm vợ chồng:
Giai đoạn 1– Khi vợ chồng còn mới mẻ trẻ trung, cuộc sống tươi vui đầy hứa hẹn, rộng mở trước mắt. Chưa nghĩ gì đến những khó khăn, tất cả đều thuận buồm xuôi gió. (Đó là giai đoạn của tình yêu).
Giai đoạn 2– Khi đôi bạn đã lớn tuổi, sức khỏe giảm sút, sự việc phát sinh: con khôn lớn, lo chỗ ăn ở, lo nghề nghiệp mưu sinh cho tương lai… lúc này tình cảm vợ chồng chậm rãi kín đáo nhưng sâu lắng, nhìn lại quãng đường cùng đi, cùng đồng cam cộng khổ, nay đã đầu bạc răng long, mắt nhòa chân chậm, mới cảm thấy thương nhau, quan tâm săn sóc, chia sẻ cùng nhau những năm tháng còn lại (đây được gọi là giai đoạn của tình thương).
B- Giai đoạn của một chứng bệnh:
Khi bệnh mới phát sinh, người còn trẻ, sức đề kháng trong cơ thể còn tốt, việc chữa trị chưa cần lắm, thầy thuốc chỉ cho ít thuốc, ít vị ít liều. Đến khi bệnh đã nặng, tuổi cao, sức chống đỡ lại yếu, thầy phải tăng vị tăng liều, và luôn theo dõi để kịp thời chữa trị. (giai đoạn cuối). Qua hai ví dụ trên ta thấy rõ: Việc tôn thờ Thánh Tâm và cầu khấn lòng Chúa thương xót chỉ là sự chuyển tiếp, vì loài người ngày nay đã quá sa đọa, trầm mình trong đống bùn nhơ của tội lỗi, phải có một phương thuốc đặc hiệu (thần dược): đó chính là lòng thương xót của Chúa. Nếu cần một câu để kết hợp giữa gia đình Phạt Tạ với Lòng Chúa Thương Xót thì: Ngày nay chúng ta hãy chạy đến với Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu để kín múc lòng thương xót và ơn tha thứ của Người.
Sau đây chúng tôi xin có một đề nghị:
– Những ai có phận sự phải chia sẻ cho một hội đoàn, một tổ chức. Trước hết hãy tìm hiểu, tra cứu kỹ về tài liệu chính thức của hội đoàn đó “Nói có sách mách có chứng” để khỏi bị sai lầm vì: Một người nói sai, nhiều người nghe sai, hiểu sai.
– Khi nói không nên thiên vị: Chỉ nói hay nói tốt cho đoàn hội của mình, hoặc đoàn hội nào mình có cảm tình hơn. Bởi vì tất cả mọi tổ chức được Giáo hội thiết lập hoặc đã chuẩn nhận, đều quy về một mối: Tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho tha nhân.
– Khi chia sẻ không nên nêu những khiếm khuyết của đoàn thể nào khi chưa đủ căn cứ, hoặc không cần nói (vì không thuộc phận sự của mình). Bởi dễ gây hiểu lầm hoang mang, chia rẽ, không lợi cho việc tông đồ. (thiếu sự hiệp nhất, hiệp thông thì không đẹp lòng Chúa, và việc làm không có hiệu quả).
Lạy Thánh Tâm, xin thương đón nhận chúng con, những trái tim nhỏ bé hẹp hòi. Xin cho chúng con biết học ở Thánh Tâm lòng quảng đại, bao dung tha thứ, để chúng con biết thương xót nhau, như Chúa đã thương xót chúng con. Chúng con xin tín thác vào Thánh Tâm giàu lòng xót thương, trong những ngày tháng nguy khốn nhất của thế giới này.
GB Đoàn Quang Hưng
(BTV TC Tâm Thiện GP Bùi Chu)