Home / Chia Sẻ / ĐẶC ĐIỂM THUYẾT NGỘ ĐẠO

ĐẶC ĐIỂM THUYẾT NGỘ ĐẠO

ĐẶC ĐIỂM THUYẾT NGỘ ĐẠONếu bạn dành đủ thời gian trong giới Công giáo, cuối cùng bạn sẽ bắt gặp thuật ngữ “Ngộ Đạo.” Thông thường nó được sử dụng theo nghĩa xúc phạm, tương tự như người theo chủ nghĩa tinh hoa, cụ thể là tin rằng mình có bí mật về kiến thức đặc biệt hoặc kiến thức nội bộ mà người khác không có được. Đôi khi cụm từ này biểu thị niềm tin rằng kiến thức cụ thể khiến một người trở thành người có niềm tin tốt hơn, một kiểu của “sự cứu rỗi nhờ kiến thức bên trong.” Trong bối cảnh này, Ngộ Đạo được đặt ngang hàng với kiến thức bí mật, ngụ ý rằng Ngộ Đạo tuyên bố sở hữu hoặc hành động dựa trên kiến thức bí mật.

Có giá trị nào đó đối với các định nghĩa phổ biến này, nhưng cuối cùng chúng không cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết toàn diện về Thuyết Ngộ Đạo thực sự là gì và có nguy cơ biến nó thành một từ ngữ có nghĩa xấu mơ hồ với chút ít nền tảng về lịch sử hoặc thần học. Suy cho cùng, Thuyết Ngộ Đạo là một tà thuyết lịch sử phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ I đến thế kỷ III sau Công Nguyên – và nó còn nhiều điều hơn thế nữa ngoài “kiến thức bí mật!” Trong bài viết này, chúng ta xem xét năm đặc điểm của Thuyết Ngộ Đạo lịch sử để hiểu rõ hơn về ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này.

  1. THIÊN CHÚA SÁNG TẠO QUA SỰ PHÁT SINH

Thuyết Ngộ Đạo là một hệ thống tư tưởng phức tạp và đa diện, kết hợp ý tưởng từ nhiều truyền thống khác nhau, khiến việc giải thích trở thành một thách thức. Tuy nhiên, cốt lõi của tất cả các hệ thống Ngộ Đạo là ý tưởng về sự sáng tạo như một chuỗi các nguồn gốc từ Thiên Chúa. Đây là mấu chốt mà các hệ thống Ngộ Đạo khác nhau xoay quanh. Trong Thuyết Ngộ Đạo, Thiên Chúa sáng tạo bằng các phương tiện phát sinh, những sự phát ra này giống như những làn sóng xuất phát từ sự tồn tại của Thiên Chúa và khiến những thứ khác tồn tại. Bởi vì những sự phát ra này chính là bản chất của Thiên Chúa nên tư tưởng Ngộ Đạo luôn mang hương vị phiếm thần. Thiên Chúa không sáng tạo từ hư không; Ngài phát ra, giống như cách các Kitô hữu hình dung Chúa Thánh Thần “xuất phát” từ Chúa Cha và Chúa Con. Bản thân sự sáng tạo là một kiểu rước từ thần linh, thậm chí một số người Ngộ Đạo thô thiển còn giải thích như “sự tiết ra” từ Thiên Chúa, như Thánh Irênê đã phàn nàn trong kiệt tác thần học “Adversus Haereses” (Chống Lạc Giáo). Vì thế, nguyên lý đầu tiên của Thuyết Ngộ Đạo là sự sáng tạo như một sự phát sinh.

  1. SỰ PHÁT SINH PHỤ CỦA CÁC THỜI ĐẠI

Điểm thứ hai là thứ tự phân cấp của các sự phát sinh này, với mỗi sự phát sinh tạo ra “sự phát sinh phụ” kế tiếp của nó. Ví dụ, sự xuất phát nguyên thủy của Thiên Chúa làm phát sinh những thực tại tâm linh khác; đôi khi những thực tế này là trí thông minh, giống như các thiên thần, trong khi vào những thời điểm khác chỉ là sự trừu tượng thuần túy hợp lý thuộc về thế giới thực thể (ví dụ: tâm trí, suy nghĩ, im lặng, sâu sắc, v.v…). Những sự phát ra này có nhiều tên khác nhau – Teleos, Bythos, Charis, Ennoea, v.v… Đôi khi chúng còn được nhóm lại thành những cặp nam-nữ gọi là “sóc vọng” – các thời điểm giao hội hoặc xung đối. Chúng ta có thể lạc vào một cái hang thỏ thực sự kỳ quái để thảo luận về tên chức năng của các sự phát ra khác nhau, nhưng điều đó sẽ đưa chúng ta đi quá xa. Chỉ cần lưu ý rằng các sự phát ra được gọi chung là Aeon (thời đại, niên kỷ, khoảng vô tận). Các Aeon này sinh ra nhau theo sự sắp xếp phức tạp của các sự phát ra, tạo ra các hệ thống phân cấp phức tạp. “Gia đình” này của Thiên Chúa và các sự phát ra liên tiếp của Ngài được gọi là Pleroma – thế giới siêu cảm giác.

  1. SỰ MỤC NÁT CỦA THẾ GIỚI VẬT CHẤT

Nguyên lý thứ ba của Thuyết Ngộ Đạo là việc tạo ra thế giới vật chất như một sự lệch khỏi sự thuần khiết của Pleroma. Những huyền thoại Ngộ Đạo khác nhau tùy thuộc vào nguồn chúng ta đọc, nhưng tất cả đều đồng ý rằng tại một thời điểm nào đó, một trong các Aeon đã phát ra thứ gì đó không phản ánh sự thuần khiết được tìm thấy trong Pleroma. Một số người cho rằng đó là điều thiếu sót, số khác cho rằng đó là niềm đam mê hoặc tội lỗi của một trong các Aeon. Dù thế nào đi nữa, sự sai lệch này chính là sự sáng tạo vật chất, vũ trụ vật chất. Có những bất đồng về việc Aeon hoặc các Aeon chịu trách nhiệm gì cho việc này. Trong Thuyết Ngộ Đạo Kitô giáo, đó là tác phẩm của Satan hoặc (theo Thuyết Marcion) Thiên Chúa của Cựu Ước, Đấng là sự phát sinh thấp kém nổi loạn từ Đấng Duy Nhất. Những người theo Thuyết Ngộ Đạo thường gọi sinh vật này là Demiurge, hoặc đôi khi là Great Archon. Dù thế nào đi nữa, vấn đề là thế giới vật chất thể hiện sự băng hoại của sự thuần khiết tinh thần mà Đấng Duy Nhất đã hình dung ra.

  1. CON NGƯỜI TỚI THẾ GIỚI SIÊU CẢM GIÁC

Vật chất được phát ra, những sự phát ra thứ cấp tiếp theo tạo ra những sinh vật vật chất, và do đó con người đi vào thế giới vật chất. Là những sinh vật trong chuỗi các sự phát ra thần thánh, con người thực sự có sự sống thần thánh trong mình, là “một phần của Chúa” theo nghĩa đen. Tuy nhiên, họ thấy mình được vật chất hóa trong bản chất hư hỏng của sự tồn tại vật chất, bị mắc kẹt trong sự tồn tại vật chất. Khi đó, sự cứu rỗi của con người được hiểu là sự ngược trở lại qua các Aeon cho đến khi chúng ta đến được Pleroma. Sự cứu rỗi là sự trở lại với sự tồn tại của Pleroma được coi là thuần túy tâm linh. Việc trở lại Pleroma qua việc đi lên Aeon về cơ bản là trở về nhà của chúng ta. Đó là kiểu quan niệm của Platon về thế giới, một quan điểm coi sự giác ngộ tâm linh như sự phủ nhận vật chất khi chúng ta dần dần quay trở lại sự tồn tại thuần túy tâm linh trong sự hòa hợp với Đấng Duy Nhất trong Pleroma. Làm sao chúng ta có thể quay trở lại qua các Aeon? Qua sự kết hợp giữa nghi lễ, kiến thức và chủ nghĩa khổ hạnh, tất cả đều tìm thấy trong các cấp bậc tôn ti của cộng đồng Ngộ Đạo.

  1. MẶC KHẢI QUA HUYỀN THOẠI

Cuối cùng, chúng ta đến với nguyên lý thứ năm của Thuyết Ngộ Đạo, sự tiết lộ dần dần chân lý qua ngôn ngữ thần thoại. Việc đi lên qua các Aeon để trở lại Pleroma là chuyển động từ vật chất sang tinh thần, kéo theo sự thanh lọc trí tuệ. Một người mới bắt đầu không thể suy ngẫm về những chân lý siêu phàm theo cách mà một người thụ giáo dày dạn kinh nghiệm có thể làm, tâm trí của họ quá tối tăm bởi vật chất thô thiển. Vì vậy, các thầy dạy Ngộ Đạo đã sử dụng ngôn ngữ thần thoại để giải thích hệ thống của họ cho những người mới bắt đầu và những người chưa có kinh nghiệm. Chúng ta đã thấy các Aeon có thể được nhân cách hóa, nhân tính hóa và đặt tên như thế nào; sự xuất hiện của các Aeon sau đó sẽ được giải thích bằng thuật ngữ vật chất, ví dụ: thế giới được hình thành bởi nước mắt của Aeon Sophia, hoặc bởi tinh dịch của Demiurge.

Sau đó, khi người thụ giáo tiến bộ qua hệ thống phân cấp của cộng đồng Ngộ Đạo, ý nghĩa triết học và thần bí của những huyền thoại này sẽ được giải thích cho anh ta. Ngôn ngữ thần thoại này là lý do Thánh Augustinô, khi có cơ hội phỏng vấn Faustus, thầy dạy Ngộ Đạo, đã thất vọng trước người đàn ông này, người có những lời giải thích về Thuyết Ngộ Đạo “đầy rẫy những ngụ ngôn, về thiên đường, các vì sao, mặt trời và mặt trăng, bây giờ tôi không còn nghĩ ông ấy có thể quyết định một cách thỏa đáng những gì tôi rất muốn biết.” (Thánh Augustinô, Tự Thuật, Cuốn V). Tertullian cũng phàn nàn về các ngụ ngôn này, rằng người thụ giáo “ngay khi tìm thấy rất nhiều tên của các Aeon, rất nhiều cuộc hôn nhân, rất nhiều con cái, rất nhiều lối thoát, rất nhiều vấn đề, những may mắn và bất hạnh của một vị thần bị phân tán và bị cắt xén, liệu người đó có lưỡng lự tuyên bố rằng ‘có những ngụ ngôn và những gia phả vô tận’ mà vị tông đồ linh cảm bởi sự tiên đoán bị chỉ trích, trong khi các hạt giống tà giáo này cứ đâm chồi lên?” (Tertullian, Chống Lại Các Hoàng Đế Valentinian, Chương 3)

VĨ NGÔN

Điều thú vị là Thánh John Henry Newman, sử gia uyên bác, khi tóm tắt Thuyết Ngộ Đạo, đã bỏ qua bất kỳ đề cập nào đến “học thuyết bí mật.” Khi nói về bản chất của niềm tin Ngộ Đạo, ngài nói: “Thuyết Ngộ Đạo là… học thuyết về hai nguyên tắc, đó là sự xuất phát, bản chất ác tính nội tại của vật chất, tính vô tội của sự nuông chiều xác thịt, hoặc tội lỗi của mọi cảm giác khoái lạc.” (Tiểu Luận về Sự Phát Triển Học Thuyết Kitô Giáo, Chương 1, Mục 1, §1). Thánh Newman xác định một cách đúng đắn sự phát sinh và sự hư hoại của thế giới là những ý tưởng cơ bản của Thuyết Ngộ Đạo nhưng không đặt ra những tuyên bố về kiến thức bí mật trong số các nguyên lý chính của Thuyết Ngộ Đạo. Vậy thì từ đâu mà chúng ta có ý tưởng này?

Có vẻ như việc thực hành bắt đầu bằng ngôn ngữ thần thoại đối với những ý nghĩa đơn giản và dần dần xếp lớp những ý nghĩa phức tạp hơn vào ngụ ngôn khi người thụ giáo tiến triển là điều đã làm nảy sinh khái niệm Ngộ Đạo bao gồm “kiến thức bí mật.” Như bạn có thể thấy, đây chỉ là một phần nhỏ của hệ thống Ngộ Đạo và nó cũng không dành riêng cho Thuyết Ngộ Đạo. Các giáo phái bí ẩn ngoại giáo, chẳng hạn như các giáo phái Isis, Eleusis và Mithras, cũng sử dụng phương pháp này. Trường phái triết học của Pythagore cũng vậy. Kitô giáo cũng sử dụng sự mặc khải dần dần về chân lý trong các nghi thức khai tâm. Ý tưởng về kiến thức dành riêng cho những người thụ giáo chỉ đơn giản là một chủ đề chung của tâm linh cổ xưa. Ngay cả Chúa Giêsu Kitô cũng xác định rằng có một kiến thức đặc biệt chỉ dành cho những người “có mắt để thấy.”

Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giêsu: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Ngài đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe.” (Mt 13:10-13, 16)

Có thể hiểu được rằng người ta lạm dụng các thuật ngữ “Thuyết Ngộ Đạo” và “Ngộ Đạo.” Cuối cùng, tà giáo Ngộ Đạo rất phức tạp và không dễ dàng tóm tắt bằng một thuật ngữ tiện dụng duy nhất. Tuy nhiên, hy vọng chúng ta có thể sáng suốt và chính xác hơn một chút trong cách nói khi sử dụng từ ngữ này.

PHILLIP CAMPBELL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Xem thêm

GIAO THỜI 1

GIAO THỜI

Đi Tiên Phong Sống Nơi Hoang Địa Gọi Sám Hối Ngay Giữa Thế Trần Mỗi …