Home / Chia Sẻ / CỨU CÁNH VÀ PHƯƠNG TIỆN

CỨU CÁNH VÀ PHƯƠNG TIỆN

ĐỊNH NGHĨA CỨU CÁNH VÀ PHƯƠNG TIỆN

CuuCanhTheo tân tự điển Việt Nam của Thanh Nghị thì các từ “cứu cánh” và “phương tiện” có nghĩa như sau: Cứu cánh là kết qủa cuối cùng, chung cuộc; còn phương tiện là cách thức dùng để đạt đến mục đích. Từ đó, ta thấy Niết Bàn được coi là cứu cánh của anh em bên Phật Giáo “…Viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn”, dịch nghĩa “…Xa lìa được cái mộng tưởng điên đảo, đạt tới đích Niết Bàn cuối cùng” (trích từ kinh Bát Nhã Ba La Mật Đà Tâm Kinh, kinh Tuệ Giác Qua Bờ); trong khi Thiên Đàng hay Nước Trời chính là cứu cánh của người theo đạo Công Giáo: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mối phúc thứ nhất, trong Tám Mối Phúc Thật của đạo Công Giáo); còn cứu cánh của đạo Cao Đài, là trở về với Đức Chí Tôn để tiến hóa đến chỗ tận Thiện, tận Mỹ….

Trên đây là quan điểm của những người không tin chết là hết, họ tin có cuộc sống đời sau. Còn với những người không tin có cuộc sống đời sau, họ cho chết là hết, thì cứu cánh của họ, chỉ là những gì thật cụ thể ở đời này, như bằng cấp, giầu sang, địa vị… Còn Niết Bàn, Thiên Đàng, linh hồn, đối với họ là viển vông, phi lý…

Chính vì thế, khi con người vận dụng các mối tương quan giữa cứu cánh và phương tiện vào xã hội loài người, mọi thời, mọi nơi, đã có sự khác biệt về quan điểm, về cách sống. Lịch sử cho thấy, đã có nhiều quan điểm, và cách sống khác nhau, nhiều khi đến trái ngược, xung đột. Ta cùng tìm hiểu một vài trường hợp:

Coi trọng phương tiện (vật chất) hơn cứu cánh (giá trị tinh thần sau cùng)

Qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, tivi, internet, ta thấy đã có biết bao câu chuyện thương tâm, diễn ra khắp mọi nơi trên quê hương thân yêu này, từ thành thị, đến nông thôn, từ đồng bằng, đến rừng núi cao nguyên. Những cảnh con giết cha, anh em chém giết nhau, vợ chồng con cái ly tán, chỉ vì tranh chấp tiền bạc, đất đai, ruộng vườn… Xin nêu một số tít trên báo Công an nhân dân tháng 11 năm 2015 để làm rõ vấn đề nêu trên: “mâu thuẫn đất đai, con sát hại bố đẻ; mâu thuẫn đất đai bố đẻ sát hại con gái; sát hại hàng xóm vì mâu thuẫn đất đai; mâu thuẫn đất đai “hổ ăn thịt con”; mâu thuẫn đất đai, câu điện chích cậu vợ; mâu thuẫn đất đai ra tay sát hại mẹ vợ, và anh vợ; bắn chết người vì mâu thuẫn đất đai; mâu thuẫn đất đai, anh đâm chết em ruột; mâu thuẫn đất đai, đập bàn thờ hàng xóm”.

Điều đó, đã xẩy ra trong xã hội hôm nay, không những với những người không tin vào cứu cánh đời sau, mà còn xẩy ra ngay cả với những người tin vào cuộc sống vĩnh hằng đời sau, khi họ không vượt qua được hấp lực mê hoặc của danh vọng, của đồng tiền, của vật chất…

Tôi đã thấy nhiều nơi vẫn coi trọng vật chất, coi trọng những qui định tự đặt ra hơn giá trị con người, trong lúc cần hiểu đúng là vật chất, luật lệ, hay qui định là dùng để phục vụ những nhu cầu chính đáng, bảo đảm sức khỏe, tiện ích hầu mang lại hạnh phúc cho con người. Điều đó đã được thánh Mác-cô khuyến cáo: “Ngày sabát làm ra là vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát, bởi đó, con người làm chủ cả ngày sabat”  (Mc 2, 27-28).

Chính vì thế, việc loan báo và tái loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh xã hội hôm nay là rất cần thiết, như lời Chúa đã phán: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”  (Lc10, 2).

Coi thường phương tiện (vật chất) mà chỉ chú tâm đến cứu cánh (đời sau).

Có nhiều người lại chỉ chú tâm đến cứu cánh đời sau mà thơ ơ với cuộc sống hiện tại, coi thường vật chất. Họ chưa nhận ra rằng: Trong khi chính những việc làm, những hy sinh trong cuộc sống hiện tại cho đồng loại, lại là nền tảng, là thước đo, để họ có thể đạt được cứu cánh Nước Trời mai này. Điều này, đã được Chúa truyền dạy trong Phúc Âm của thánh Mát-thêu (Cuộc phán xét chung) chương 25 từ câu 31 đến câu 46  “… Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi, ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho ta mặc; Ta đau yêu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy...” .

Lại nữa, khi tạo dựng con người, Chúa muốn chúng ta làm chủ muôn loài, cùng với sự sáng tạo của Thiên Chúa, chúng ta làm cho mặt đất này tươi thắm hơn, tốt đẹp hơn, tràn đầy sức sống hơn để mưu cầu hạnh phúc cho chính chúng ta và con cháu chúng ta, Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất, và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1, 26).

Như thế, tương quan giữa phương tiện, và cứu cánh rất khắng khít với nhau. Không thể có cứu cánh Nước Trời khi ta khinh chê, coi thường, không sử dụng các phương tiện vật chất trong cuộc sống. Và ngược lại, nếu ta chỉ chú tâm vào vật chất, hay coi vật chất là cứu cánh cuối cùng của đời ta, thì quả thực là rất đáng tiếc! Bởi vì, ông cha ta đã chẳng nói: “Sinh ký tử quy” nghĩa là: “Sống gửi, thác về” đó sao. Thật đáng buồn biết bao, khi ta chỉ bám víu vào danh vọng, vật chất đời này! Vì khi xuôi hai tay xuống, trở về với cát bụi, ta chẳng mang theo được gì cả!

Một vấn đề khác được đặt ra ở đây là:

Chúng ta có được quyền dùng mọi phương tiện để đạt mục đích tốt không?

Tuy mỗi người có khác biệt nhau về mục đích cuộc sống, về cứu cánh của cuộc đời, song ta vẫn cùng nhau cố gắng tìm hiểu để có thể thống nhất một quan niệm, một lối sống đúng đắn, hợp với đạo lý làm người; hợp với lương tâm ngay lành của con người, đã được Đấng Tạo Hóa ban tặng, phú vào tâm hồn mỗi người chúng ta, khi Người tạo dựng, dù ta có tin hay không tin vào Đấng Tạo Dựng. Chính lương tâm ngay lành mà Tạo Hóa phú cho ta đó, đã làm cho loài người khác biệt với muôn loài động vật trên măt đất này. Xin xem xét và cùng thống nhất:

Không được ngừa và phá thai bằng mọi cách để gia đình chỉ có một hai con.

Có hai con để đảm bảo hạnh phúc gia đình và nuôi dạy con chu đáo, đồng thời giữ mật độ dân số ổn định, là một mục đích đúng. Đây là một chủ chương hoàn toàn đúng đắn của xã hội trong tình cảnh dân số Việt Nam một thời đã tăng quá nhanh, và mật độ dân số Việt Nam hiện khá cao 271 người/ km2 so với mật độ trung bình của 11 nước Đông Nam Á là 126 ngươi/km2 (Diện tích 11 nước Đông Nam Á: Việt Nam, Campuchia, Đông Timor, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippinees, Singapore, Thái Lan, Brunei là 4.523.000km2, dân số 11 nước là 568.300.000 người; diện tích nước Việt Nam là 331.698 km2; dân số 90.000.000 người).

Tuy nhiên, không phải vì thế mà mọi người nạo phá thai một cách bừa bãi, giết chết bao cháu bé vô tôi, là chính con của mình. Đây là một cuộc chiến tàn ác vô đạo đức hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào. Vì bên giết hại là cha mẹ, bên bị giết là các cháu bé vô tội không hề biết chống đỡ, như trong các cuộc chiến tranh, hai bên đã biết chống đỡ nhau. Theo Vietnam. net (23-03-2014) thì nạn nạo phá thai của Việt Nam đứng nhất trong 11 nước Đông Nam Á, và đứng thứ 5 trong số 252 nước thế giới. Mỗi năm có khoảng 1,2 đến 1,4 triệu ca phá thai tại Việt Nam.

Muốn thoát khỏi cảnh tàn sát vô đạo đức đó, trước hết giới trẻ, các đôi vợ chồng, các bậc làm cha làm mẹ, và những người có trách nhiệm trong xã hội, đạo cũng như đời cần bình tĩnh, hồi tâm, tìm hiểu học hỏi lại về đạo đức, phẩm giá và các giá trị của con người; học sống hy sinh, học sống trách nhiêm, học sống vị tha, học cách ngừa thai chính đáng theo phương pháp tự nhiên… Khi đã có vốn hiểu biết đó, sẽ loan báo cho người mình có ảnh hưởng… Vì không ai có thể cho điều mình không có, và anh em ta phạm tội một phần vì không biết: “vô tri bất mộ”.

Nói tóm lại, phải khôi phục lại nền đạo đức căn bản, nét tinh hoa của tôn giáo, của dân tộc và của nhân loại… Nếu không kịp thời phản tỉnh, hồi tâm trở lại, thì chỉ một điểm suy thoái đạo đức về mặt nạo phá thai thôi, cũng đủ đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ suy vong…

Không được làm giầu bằng mọi cách để thực hiện mục đích tốt.

Dù mục đích của chúng ta có tốt đẹp đến đâu đi nữa như: giúp đỡ người nghèo, người cô đơn bệnh tật, dâng cúng vào nhà thờ, thánh thất, làm nhà tình thương, bệnh viện, trường học miễn phí… Để có tiền làm những việc tốt đẹp đó, ta vẫn không được quyền dùng những phương tiện xấu như: trộm cướp, buôn gian bán lận, tham ô và những việc phi pháp khác…

Để kết luận, ta có thể nói rằng: dù mục đích của chúng ta có tốt đẹp đến đâu, thì theo lương tâm ngay lành, chúng ta vẫn không được dùng phương tiện xấu để thực hiện. Chính vì thế, người xưa mới nói:

KHÔNG ĐƯỢC LẤY CỨU CÁNH BIỆN MINH CHO PHƯƠNG TIỆN.,.

Inhaxiô Đặng Phúc Minh

Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Gia Định, 18/12/2024 tại nhà thờ Thánh Nguyễn Duy Khang

BTT CĐLCTX TGP SG