Home / Chia Sẻ / CƯỜI và KHÓC

CƯỜI và KHÓC

CuoivaKhocChúng ta thường nghe nói: “Cười là mười thang thuốc bổ.” Người ta cũng hay nói: “Cười người hôm trước, hôm sau người cười.”

Chính tiếng CƯỜI hoặc tiếng KHÓC vẫn khả dĩ thể hiện NHÂN CÁCH của chúng ta. Tuy nhiên, cười hay khóc cũng phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, đúng tâm trạng, và có mức độ nào đó. Không thể không cười hoặc không khóc.

Thánh Phaolô khuyên: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc.” (Rm 12:14-15) Quả thật, có những lúc người ta không thể nhịn cười mà phải bật cười; cũng vậy, có những lúc người ta không thể nín khóc mà phải bật khóc. Có khi không muốn khóc mà mắt vẫn sè cay, khiến mặn môi.

Người ta khóc mà mình cười. Vô duyên! Người ta cười mà mình khóc. Vô duyên! Như vậy, cười cũng có thể chưa chắc là tốt, là mạnh, mà có thể là… “ấm đầu” hoặc rối loạn thần kinh. Khóc cũng chưa hẳn là xấu, là yếu, mà cũng có thể là… “chạm mạch.” Nói chung, cười hay khóc còn tùy trường hợp. Dù “toe toét” hay “mít ướt” cũng có cái “giá” của nó!

Sophia Loren nói: “Nếu bạn chưa từng khóc, đôi mắt bạn không thể đẹp.” Lạ thật, những đôi mắt long lanh nhìn… rất hay. Không phải nhìn họ giống như sắp khóc mà mình khoái, thế thì vô duyên quá, mà đôi mắt buồn luôn có sức thu hút khó tả. Dĩ nhiên có người không khoái cái “khoản” này. Mỗi người mỗi ý. Nói chung, cười hay khóc cũng đều có ích lợi riêng, Thiên Chúa tạo ra chẳng có gì vô ích, ngay cái mà chúng ta gọi là “ruột thừa” cũng không hề… thừa.

Về nước mắt, MedicMagic.net đưa ra 5 lợi ích:

  1. GIẢM BỚT CĂNG THẲNG:Khi cảm thấy căng thẳng, khóc sẽ tốt hơn là đè nén cảm xúc. Khóc giúp loại bỏ cảm giác mệt mỏi, thất vọng. Nếu ngại khóc công khai thì cứ vô phòng đóng kín cửa mà khóc cho… thỏa mãn!
  2. CẢI THIỆN TÂM TRẠNG:Khóc xong, tâm trạng nhẹ nhõm ngay. Nước mắt có thể làm giảm cơn đau và căng thẳng. Cần thì cứ khóc để tâm trạng thay đổi.
  3. THANH LỌC ĐÔI MẮT:Nước mắt có chức năng chính là giữ ướt cho mắt. Nước mắt không chỉ giúp sáng mắt, nhìn rõ hơn, mà còn giúp loại bỏ bụi bẩn, độc tố và diệt khuẩn. Nước mắt vì vui hay buồn vẫn làm khỏe đôi mắt.
  4. GIẢM LƯỢNG MANGAN:Nước mắt làm giảm khoáng chất măng-gan trong cơ thể. Nhiều măng-gan quá có thể gây hỗn độn cảm xúc. Vì vậy, khóc làm giảm măng-gan để giúp tâm trạng ổn định.
  5. LÀM HẠ HUYẾT ÁP:Nước mắt làm giảm áp lực lên cơ thể và loại bỏ muối thừa. Sự căng thẳng và muối đều gây tăng huyết áp. Nếu có vấn đề với huyết áp, hãy để cơ thể tự do phản ứng theo cảm xúc. Khóc để giảm huyết áp, vậy là tốt cho sức khỏe. Cứ khóc!

Cuộc đời có cả trăm lý do để người ta khóc, hãy chứng tỏ cho người ta thấy rằng bạn có cả ngàn lý do để cười. Cười có 6 lợi ích này:

  1. KÍCH THÍCH TUẦN HOÀN MÁU:Cười nhiều làm tim tăng mức co bóp, tăng nhịp đập, tăng lượng máu. Cười lớn lớn tiếng tác động sự vận động với các cơ phận, thúc đẩy sự trao đổi chất, khiến cho mỡ, đường và axit mau chóng được đốt cháy, bài tiết chất thải, cải thiện làn da. Đa lợi ích!
  2. GIẢM ĐAU VÀ ÁP LỰC:Khi cười, các tế bào thần kinh não giải phóng chất B-endorphin, giúp giảm đau (không tác dụng phụ như dùng morphine). Sướng đấy nhé!
  3. THÚC ĐẨY CHỨC NĂNG PHỔI:Quá rõ rồi! Khi cười to, mũi và miệng đều mở to, phổi nở rộng, công suất phổi tăng khiến hệ thống hô hấp thoải mái hơn, kéo theo các công dụng thúc đẩy chức năng của phổi. Quá đã!
  4. THÚC ĐẨY HỆ TIÊU HÓA:Cười có tác dụng mạnh đối với hệ tiêu hóa. Cười thoải mái giúp nội tạng có dịp được xoa bóp, cơ thể tăng tiết dịch tiêu hóa, thúc đẩy sự hoạt động của hệ tiêu hóa. Ăn ngon, ngủ ngon là tiên!
  5. LÀM GIẢM BÉO PHÌ:Cười sảng khoái làm tăng hoạt động của 80 nhóm cơ khác trong cơ thể. Do đó, người ta so sánh cười lớn 1 phút bằng vận động 45 phút. Cười lớn cần tới 20% nhiệt lượng. Nếu mỗi ngày cười vui vẻ 10 tới 15 phút, cơ thể tiêu hao 50 calori, vậy là mỗi năm sẽ giảm được 2 kg. Cười còn có thể “đánh thức” các cơ bắp ít vận động.
  6. TẠO TÂM TRẠNG THOẢI MÁI:Cười lớn là cách tốt giúp ai cũng cảm thấy thoải mái, dù đó là cười thật hay cười gượng. Khi cười thật, trung tâm não sẽ hưng phấn, khiến tâm trạng dễ chịu. Khi đối diện với áp lực và cảm xúc tiêu cực, nên cố gắng tự tạo cho mình một nụ cười… giả vờ. Cười tạo quá trình kích thích sự hưng phấn của đại não để giảm căng thẳng. Ai bảo mình “điên,” mặc kệ họ, cứ cười để “cứu” mình thôi!

Khóc hoặc cười cũng thú vị đấy chứ, vì nó có thể tạo nên nhân cách kia mà! Nhân cách là phẩm hạnh hoặc tư cách của một người. Tính cách là cách thức hoặc đường lối riêng của một người, một vật. Tính tình là tính chất và tình cảm của một người. Tính nết, cũng gọi là tính hạnh, là hạnh kiểm của một người. Theo nghĩa bình dân, người ta thường nói tắt là “tính,” vì thế người ta có thể dùng ba từ này đồng nghĩa. Chẳng hạn, người ta thường nói: “Tính nó thẳng thắn, tính nó hiền, tính nó ít nói, tính nó dễ dãi, tính nó nịnh hót,…” Và đó là tính cách.

Có câu chuyện kể về một người mang “kiếp cầm ca” (cầm lon đi xin chứ không là ôm đàn hát) và một phụ nữ nhà giàu, chuyện kể rằng…

Một người ăn mày đến trước một trang viên gặp nữ chủ nhân để ăn xin. Người ăn mày này rất tội nghiệp, một tay bị cụt, tay áo trống trải đung đưa, người nào trông thấy cũng đều mủi lòng mà bố thí. Tuy nhiên, nữ chủ nhân kia lại không hề khách khí, thản nhiên chỉ ra đống gạch trước cửa và nói với người ăn mày: “Ngươi giúp ta chuyển đống gạch này ra nhà sau.”

Người ăn mày giận dữ nói: “Tôi chỉ có một tay, bà còn nhẫn tâm bảo vác gạch. Không muốn cho thì thôi, cần chi phải trêu ghẹo người khác?” Nữ chủ nhân thản nhiên cúi người xuống dọn gạch. Bà cố ý chỉ dùng một tay để chuyển. Sau đó, bà nói: “Ngươi thấy đấy, không phải dùng hai tay mới có thể sống được. Ngươi có thể làm, vậy tại sao lại không làm chứ?”

Người ăn mày lặng người đi, hắn nhìn nữ chủ nhân với ánh mắt “không bình thường,” trái cổ nhô nhọn giống như một quả trám chuyển động lên xuống. Cuối cùng, hắn cúi người xuống, dùng cánh tay còn lại bắt đầu chuyển gạch. Một lần chỉ có thể chuyển đi hai viên gạch. Hắn chuyển như thế đúng hai tiếng đồng hồ thì hết đống gạch. Mệt, hắn thở như bò kéo xe, mặt mày lem luốc, mái tóc thưa thớt rối vì mồ hôi ướt dính xéo trên góc trán.

Nữ chủ nhân đưa cho người ăn mày một cái khăn lông trắng. Người ăn mày đón lấy lau mặt và cổ. Chiếc khăn lông trắng biến thành chiếc khăn lông đen. Người phụ nữ đưa 20 đô-la. Người ăn mày cảm kích nói: “Cảm ơn bà.” Người phụ nữ cười: “Ngươi không cần cảm ơn ta, đây là tiền công ngươi kiếm được dựa vào sức lực của mình.” Người ăn mày nói: “Tôi sẽ không quên bà, tôi sẽ giữ làm kỷ niệm.” Nói xong, hắn cúi chào và bước đi.

Nhiều ngày sau, có một người ăn mày khác đến trang viên này. Người phụ nữ đó lại dẫn người ăn mày vào nhà sau, chỉ đống gạch, và nói: “Chuyển đống gạch này ra trước nhà, ta sẽ trả cho ngươi hai mươi đô-la.” Người ăn mày với hai tay còn nguyên vẹn này bỏ đi, không biết vì không thèm 20 đô-la hay vì điều gì khác!

Người con của người phụ nữ này không hiểu, nên hỏi mẹ: “Lần trước mẹ kêu người ăn mày chuyển đống gạch này từ trước nhà ra sau nhà. Lần này mẹ lại kêu ăn mày chuyển gạch từ sau nhà ra trước nhà. Rốt cuộc mẹ muốn đống gạch ở sau nhà hay là ở trước nhà?”

Người mẹ giải thích: “Gạch đặt trước nhà hay sau nhà đều như nhau, nhưng chuyển hay không chuyển, đối với người ăn mày này thì lại không giống nhau.” Sau này cũng có mấy người ăn mày đến xin ăn, vì thế đống gạch đó đã được chuyển tới chuyển lui mấy lượt.

Nhiều năm sau, có một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề đến trang viện này. Ông ta mặc veston, mang giày da, trông chững chạc hiên ngang có vẻ thành công với sự tự tin và tự trọng, chỉ có điều là người này chỉ có một cánh tay trái. Ông ta cúi người xuống, nói với vị nữ chủ nhân nay đã có phần già đi: “Nếu không có bà, tôi vẫn chỉ là một kẻ ăn mày. Thế nhưng bây giờ tôi là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một công ty.” Người phụ nữ không còn nhớ ra ông là ai, bà hờ hững nói: “Đấy là do chính bản thân ông làm ra mà thôi.”

Người Chủ tịch Hội đồng Quản trị một tay mời người phụ nữ cùng cả nhà bà dọn đến thành phố để sống những ngày thoải mái. Người phụ nữ nói: “Chúng tôi không thể nhận sự chăm sóc của ông được.” Ông ta hỏi: “Tại sao?” Người phụ nữ nói: “Bởi vì cả nhà chúng tôi ai cũng có hai tay.”

Người chủ tịch tuy buồn lòng nhưng vẫn kiên trì: “Thưa bà, bà giúp tôi hiểu được thế nào là Nhân và thế nào là Cách. Nhưng thưa bà, căn nhà đó là tiền công mà bà đã dạy cho tôi.” Người phụ nữ nói: “Vậy thì ông đem căn nhà ấy tặng cho người nào không còn cánh tay nào cả!”

Một câu chuyện có thể là có thật hoặc hư cấu, nhưng cuộc đời thực tế vẫn thường xảy ra tình trạng tương tự. Thật đáng để chúng ta suy tư nhiều!

Ở đây không liên quan chuyện “cười người hôm trước, hôm sau người cười,” nhưng cả người phụ nữ giàu có và “người mang kiếp cầm ca” kia vẫn biết tự trọng, tôn trọng và tự tin, với nhân cách riêng biệt. Cả hai đều cho chúng ta bài học sống thật hay!

Chuyện cười – khóc trong đời thường đã vậy, chuyện cười – khóc trong đời sống tâm linh còn nhiêu khê hơn nhiều. Chúa Giêsu đã nói rõ ràng và chắc chắn: “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải KHÓC, vì anh em sẽ được vui CƯỜI.” (Lc 6:21)

Nhân cách về tâm linh cũng được Kinh Thánh đề cập: “Sau khi chiếm đoạt của Đền Thờ năm mươi bốn ngàn ký bạc, vua Antiôkhô vội vã trở về Antiôkhia; vì kiêu ngạo, vua tưởng mình có thể làm cho thuyền bơi trên đất, chân đi trên biển, lòng vua hoá ra tự cao tự đại. Vua đặt các quan đô hộ để hành hạ nòi giống Israel: ở Giêrusalem có ông Philípphê thuộc dân Phygia, TÍNH TÌNH độc ác hơn cả người bổ nhiệm ông ta; ở Gơridim có ông Anrônicô. Ngoài những người này ra, còn có ông Mênêlaô là người đàn áp đồng bào còn tệ hơn những người khác.” (2 Mcb 5:21-23)

Về vấn đề ăn thịt cúng, Thánh Phaolô giải quyết: “Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có TÍNH CÁCH xây dựng. Đừng ai tìm ích lợi cho riêng mình, nhưng hãy tìm ích lợi cho người khác. Tất cả những gì bán ngoài chợ, anh em cứ việc ăn, không cần phải đặt vấn đề lương tâm, bởi vì trái đất và muôn vật muôn loài trên trái đất đều là của Chúa. Nếu có người ngoại nào mời anh em và anh em muốn đi thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em, không cần phải đặt vấn đề lương tâm. Nhưng nếu có người bảo ‘Đây là của cúng’ thì anh em đừng ăn, vì người ấy – kẻ đã báo trước cho anh em – và vì vấn đề lương tâm. Tôi không có ý nói lương tâm của anh em, nhưng lương tâm của người khác, bởi vì chẳng lẽ quyền tự do của tôi lại bị lương tâm kẻ khác xét xử? Nếu tôi vừa tham dự, vừa tạ ơn Thiên Chúa, tại sao tôi lại bị khiển trách vì của ăn mà tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho?” (1 Cr 10:23-30)

Thánh Phaolô kết luận: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa. Anh em đừng làm gương xấu cho bất cứ ai, dù là cho người Do Thái hay người ngoại, hoặc cho Hội Thánh của Thiên Chúa.” (1 Cr 10:31-32)

Khi sinh ra, mình khóc nhưng mọi người cười hạnh phúc; khi chết đi, làm sao cho mọi người phải khóc vì thương tiếc và mình cười thanh thản. Đó là điều cần thiết cho mỗi cuộc đời, nhưng không dễ thực hiện!

Ước gì mỗi chúng ta đều biết cười và biết khóc, cười trong đau khổ và khóc trong nhàn hạ, cười mà vác thập giá đời mình để theo Đức Kitô lên Canvê, như vậy mới hy vọng được CƯỜI mãn nguyện khi được theo Thầy Giêsu vào Nước Trời miên viễn.

TRẦM THIÊN THU


Xem thêm

mqdefault

Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót hạt Xóm Mới, 07/11/2024 tại nhà thờ An Nhơn

BTT CĐLCTX TGP SG