Đời Tục Lụy Mau Qua Như Sương Sớm
Kiếp Con Người Vụt Mất Tựa Bóng Câu
Kn 2:4-5 đã xác định điều đó. Thiên Chúa đã ấn định rồi: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3:19) Không gì vĩnh tồn, con người cũng không thể sống đời được: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét.” (Dt 9:27) Vấn đề “chịu phán xét” là điều đáng quan ngại nhất, vì đó là chuyện đời đời chứ không phải tạm thời một khoảng thời gian.
Con người ngày nay văn minh và tiến bộ, chế tạo nhiều chất giúp con người trẻ hóa và làm chậm quá trình lão hóa, nhưng vẫn đành thúc thủ trước Tử Thần, vì “không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết.” (Kn 2:1) Con người “là bụi đất rồi sẽ về bụi đất” (St 3:19) đúng quy trình. Thiên Chúa đã “tạo ra con người bằng đất sét, rồi lại đưa họ trở về cát bụi.” (G 10:9) Một quy trình và một cuộc vượt qua theo định luật muôn thuở, Ngài bắt phàm nhân trở về cát bụi vì Ngài đã phán: “Hỡi người trần thế, trở về cát bụi đi!” (Tv 90:3)
Con người là khách hành hương miệt mài lữ hành về Trời, cuộc đời là cuộc vượt qua “con sông đời” từ bờ Sinh sang bờ Tử. Con chó chết thì hết chuyện, con người chết không bao giờ hết chuyện. Tiếng xấu hay tiếng tốt sẽ còn mãi. Người ta nói: “Sống khôn, chết thiêng.” Đúng vậy, nhưng phàm nhân yếu đuối lắm, thế nên phải cầu xin Chúa giúp: “Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế.” (Tv 39:5) Biết Chúa để biết mình, biết mình để nỗ lực vươn lên không ngừng: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan.” (Tv 90:12)
Ngôn ngữ thật độc đáo khi dùng từ “vượt qua” – pass over. Vấn đề quan trọng là ai cũng phải “vượt” (pass) nhưng có “qua” (over) hay không lại là chuyện khác. Trong thi phẩm “Quá Linh Đinh Dương,” Văn Thiên Tường nói: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử – Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.” (Đời người từ xưa ai mà không chết, Cần để lại lòng son soi sử xanh.) Đó là người biết sống – sống khôn, và họ “thiêng” lắm.
Ai cũng biết rằng sự sống rất đặc biệt do Thiên Chúa tạo nên. Sự sống mạnh mẽ mà yếu đuối, lâu dài mà ngắn ngủi, khó giữ và dễ mất. Con người mang “thân phận bọt bèo mỏng mảnh, gió thoảng qua, không hẹn ngày về.” (Tv 78:39) Thật vậy, “kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103:15-16) Thật thê thảm!
Chỉ có Thiên Chúa mới tạo ra sự sống, con người không thể làm được. Người ta có thể chế tạo trứng nhưng trứng đó không thể nở thành sinh vật. Người ta có thể giết chết nhưng không thể làm cho hồi sinh. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đó, Ngài là “Đấng cầm quyền sinh tử.” (Đnl 32:39; 1 Sm 2:6; Kn 16:13; Tb 13:2; x. Tv 30:4)
Cuộc sống có liên quan các động thái, do đó cũng có liên quan tội lỗi. Tư tưởng dẫn tới hành động, hành động dẫn tới thói quen, thói quen dẫn tới số phận – gọi là định mệnh. Cái người ta cho là đơn giản là lời nói, vì lời nói theo gió bay, nhưng không phải vậy, vì Chúa Giêsu đã cho biết: “Đến Ngày Phán Xét, người ta sẽ PHẢI trả lời về MỌI ĐIỀU VÔ ÍCH mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án.” (Mt 12:36-37) Rõ ràng không đơn giản như chúng ta tưởng đâu, đúng như người ta nhận định: “Nói nhiều thì sai nhiều, nói ít thì sai ít, không nói thì không sai.”
Cuộc sống đời này và đời sau hoàn toàn tách rời, khác nhau, nhưng có liên đới với nhau: Sống sao thì chết vậy. Giữa Phúc và Họa chỉ là một lằn ranh mong manh. Cụ Nguyễn Du xác định: “Rõ ràng hoa rụng, hương bay – Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.” (Truyện Kiều, câu 2997-2998) Người đời mà còn biết chắc như vậy đó. Thế thì tuyệt đối chắc chắn có Thiên Đàng, Luyện Ngục và Hỏa Ngục. Đó là công bình và công lý của Thiên Chúa.
Được vào Thiên Đàng là mục đích của mọi tín nhân, những người tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. Vào Luyện Ngục là “xui” một chút nhưng vẫn “hên,” vì thời gian “tạm giam” sẽ hết và cũng được hưởng Thánh Nhan Thiên Chúa. Nhưng phải đứng bên Dê thì hết đường binh rồi, (x. Mt 25:31-46) và tất nhiên chịu chung số phận đau khổ với “ông nhà giàu” mãi mãi mà thôi. (x. Lc 16:19-31)
Mỗi người chỉ có một cuộc đời, chỉ một lần sống rồi một lần chết, thế nên không thể rút kinh nghiệm. Chúng ta nghe nói tới “vòng luân hồi.” Điều đó chỉ là ảo tưởng, hão huyền. Tuy nhiên, điều đó cho thấy rằng người ta vẫn rất sợ “quả báo” và sợ khổ ở kiếp khác. Nếu thực sự có “vòng luân hồi” thì con người chẳng cần phải cố gắng chịu khổ chi cho cực thân, cứ hưởng thụ và xả láng, nghĩa là không cần phải “vác thập giá” như Chúa dạy.
Nếu có “vòng luân hồi” thì người ta vẫn có thể rút kinh nghiệm, bởi vì chết một cuộc đời này thì chúng ta lại có kiếp sống khác, dù kiếp khác có thể là một con vật, dù là một con rệp hay một con bọ mà người ta ghét nhất, thậm chí chỉ là đóa phù dung hay cỏ dại. Nghĩa là người ta được “chuyển kiếp,” sống lại lần nữa rồi tái sống lại lần nữa. Cứ thế và cứ thế… Chẳng có gì phải lo lắng, sợ hãi. Nhưng không bao giờ có chuyện hoang đường đó!
Chắc chắn người ta chỉ có một lần sống trên đời này mà thôi. Kiếp sau là vĩnh hằng, là đời đời – một là huy hoàng, hai là khốn nạn. Đôi nơi cách biệt, người bên này không thể qua bên kia, hoặc ngược lại. (x. Lc 16:19-31) Vì thế, người ta mới phải hoán cải để hoàn thiện, nỗ lực vươn lên và sống tốt để hy vọng được trường sinh bất tử trên Thiên Quốc. Hãy ghi nhớ và điều chắc chắn này: KHÔNG CÓ KIẾP LUÂN HỒI. Đừng ảo tưởng, đừng tự lừa dối mình và lừa dối người khác!
Mùa cầu hồn nhắc nhở về sự chết – và có liên quan những thứ khác nữa. Rồi ai cũng một lần “đối diện” Tử Thần. Thánh Phanxicô Assisi gọi sự chết là “Chị” chứ không gọi là “Anh.” Có nghĩa là Chị Chết hiền từ và dịu dàng thục nữ chứ không có dáng vẻ dữ tợn với lưỡi hái như người ta tưởng tượng vẽ ra.
Chuyện liên quan là Nhang, Đèn, Kèn và Hoa. Chẳng là gì đối với người đã nhắm mắt, xuôi tay. Tất cả cũng chỉ là “lát mặt” người sống mà thôi. Người chết là người hoàn toàn “bó tay” – theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Điều có ích lợi và cần thiết cho người chết là Kinh Nguyện và Thánh Lễ, là sự hy sinh của người sống dành cho họ.
Nói về Luyện Ngục, Thánh nữ Catarina Genoa (1447-1510) cho biết: “Thiên Chúa toàn năng tinh khiết đến nỗi nếu người ta ý thức được dấu vết của sự bất toàn, và cũng hiểu rằng Luyện Hình được ấn định để loại bỏ sự khiếm khuyết đó, thì linh hồn vào nơi thanh tẩy này vui mừng đón nhận Lòng Thương Xót cao cả của Thiên Chúa. Nỗi đau khổ tồi tệ nhất của các linh hồn nơi Luyện Hình là đã phạm tội chống lại Sự Tốt Lành của Thiên Chúa và chưa hoàn thiện ở đời này.” Đó là điều giúp chúng ta ý thức về chính mình để có thể cố gắng hết sức trong thời gian còn tại thế, hy vọng không phải qua “phòng tạm giam” Luyện Ngục.
Ngày xưa, ông Bilơam hy vọng điều này: “Ước chi tôi được chết cái chết của người công chính, và tôi được mãn phần như họ.” (Ds 23:10b) Và chắc hẳn đó cũng là ước vọng cháy bỏng của mỗi Kitô hữu.
Lạy Thiên Chúa nhân lành, chính trực và công bình, xin thương tha án phạt cho các linh hồn nơi Luyện Ngục và cho họ về hưởng Thánh Nhan Ngài. Xin giúp chúng con ý thức sống tích cực suốt đời này. Xin các linh hồn Xin nguyện giúp cầu thay. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Mùa Cầu Hồn – 2023